Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 943/CV-TCCB

Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 1995

 

CÔNG VĂN

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ 943/CV-TCCB NGÀY 4 THÁNG 12 NĂM 1995 VỀ PHỤ CẤP ĐỘC HẠI NGUY HIỂM ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC LÀM CÔNG TÁC LƯU TRỮ, THƯ VIỆN

Kính gửi đồng chí:

 

- Thủ trưởng Vụ, Cục, Ban..., thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương.
- Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố.
- Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại quốc doanh, Đầu tư và Phát triển
- Tổng Công ty vàng bạc, đá quý Việt Nam.
- Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu khoa học Ngân hàng.
- Giám đốc Nhà máy, Xí nghiệp, Công ty trực thuộc Ngân hàng Nhà nước

 

Căn cứ công văn số 314/TCCP-CCVC ngày 19/9/1995 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Công văn số 3300/TC-CV ngày 10/11/1995 của Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn chế độ phụ cấp độc hại nguy hiểm đối với công chức, viên chức làm công tác lưu trữ, thư viện, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện chế độ này trong ngành như sau:

1- Đối tượng được hưởng:

Công chức, viên chức làm việc, phục vụ trong kho lưu trữ các loại tài liệu, sách báo của cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp Ngân hàng.

2- Mức phụ cấp:

Mức 1: Hệ số 0,2 so với lương tối thiểu áp dụng đối với:

- Công chức, viên chức trực tiếp làm các công việc lựa chọn, phân loại, sắp xếp, bảo quản, sử dụng tài liệu ở trong kho lưu trữ.

- Công chức, viên chức làm công tác thống kê, tra cứu, cung cấp các loại tài liệu cho độc giả.

Mức 2: Hệ số 0,3 so với lương tối thiểu áp dụng đối với:

- Công chức, viên chức trực tiếp làm vệ sinh, khử trùng, chống mốc, mọt, mối trong các kho tài liệu.

- Tu sửa, phục chế các loại tài liệu bị hư hỏng (kể cả sao chụp, in ấn tài liệu cũ ở trong kho).

3- Cách tính và nguồn chi trả:

Phụ cấp độc hại được tính theo thời gian người lao động làm việc trong môi trường độc hại nguy hiểm (kể cả người kiêm nhiệm, làm thay).

Làm việc trong môi trường độc hại nguy hiểm từ 1 giờ đến dưới 4 giờ được tính 1/2 ngày, từ 4 giờ trở lên được tính cả ngày.

Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được trả cùng kỳ lương hàng tháng.

Đối với Ngân hàng Nhà nước, Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu khoa học Ngân hàng phụ cấp độc hại, nguy hiểm được hạch toán vào chi phí tiền lương; Đối với các doanh nghiệp, phụ cấp độc hại được tính trong đơn giá tiền lương và hạch toán vào giá thành hoặc chi phí quản lý, lưu thông.

4- Tổ chức thực hiện:

Chế độ phụ cấp độc hại nguy hiểm quy định tại văn bản này được thực hiện kể từ ngày 1/1/1995.

Bên cạnh việc thi hành chế độ phụ cấp độc hại tính theo lương, vẫn duy trì chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật theo hướng dẫn tại Công văn số 534/CV-TCCB ngày 17-10-1992 của Ngân hàng Nhà nước Trung ương.

Các đơn vị căn cứ vào quy định trong văn bản này rà soát đúng các đối tượng được hưởng, không để vận dụng tràn lan sai chế độ quy định.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Ngân hàng Trung ương (Vụ Tổ chức, cán bộ và đào tạo) để nghiên cứu, giải quyết.

 

Đoàn Đình Thứ

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 943/CV-TCCB về việc phụ cấp độc hại nguy hiểm đối với công chức, viên chức làm công tác lưu trữ, thư viện.

  • Số hiệu: 943/CV-TCCB
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 04/12/1995
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Đoàn Đình Thứ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản