Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9283/NHNN-KTTC2
V/v trả lời vướng mắc chế độ kế toán Tổ chức tín dụng

Hà Nội, ngày 24 tháng 08 năm 2007

 

Kính gửi: Ngân hàng Chinatrust - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh

Phúc đáp văn bản đề ngày 15/8/2007 của Ngân hàng Chinatrust - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến một số vướng mắc trong công tác hạch toán kế toán tại Quý ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trả lời như sau:

1. Về việc sử dụng tài khoản khi hạch toán nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ giao ngay (spot)

a. Trường hợp mua bán ngoại tệ giao ngay hiệu lực ngay trong ngày, kế toán sử dụng cặp tài khoản 4711 và 4712 để hạch toán.

b. Trường hợp mua bán ngoại tệ giao ngay nhưng hiệu lực trong vòng 1-2 ngày sau ngày cam kết, kế toán sử dụng cả tài khoản ngoại bảng và nội bảng để hạch toán, cụ thể như sau:

- Trong giai đoạn từ ngày cam kết đến khi hiệu lực thanh toán, kế toán sử dụng các tài khoản ngoại bảng (TK 9231, 9232) để hạch toán theo dõi cam kết mua bán ngoại tệ giao ngay.

- Tại ngày thực hiện thanh toán (ngày hiệu lực thanh toán), kế toán tất toán cam kết mua bán ngoại tệ giao ngay (tất toán TK 9231, 9232) và sử dụng cặp tài khoản 4711, 4712 để hạch toán như trường hợp 1 nêu trên.

2. Về việc hạch toán các nghiệp vụ phái sinh tiền tệ

NHNN đã có công văn số 7404/NHNN-KTTC ngày 29/8/2007 để hướng dẫn hạch toán các nghiệp vụ phái sinh tiền tệ. Theo đó, việc hạch toán kế toán các nghiệp vụ phái sinh được tuân thủ theo hướng dẫn tại Công văn này. TCTD không sử dụng các TK 9233, 9234 và 9235 để hạch toán các nghiệp vụ liên quan (các tài khoản đã được thiết kế trong hệ thống tài khoản kế toán các TCTD để đảm bảo tính hệ thống và phù hợp với điều kiện thực tế trước đây, NHNN sẽ hủy bỏ những tài khoản này trong thời gian tới).

3. Về tài khoản 4711 và 4712

Theo kết cấu và nội dung hệ thống tài khoản kế toán các TCTD hiện hành, TK 4711 và 4712 đều có thể có đồng thời 2 số dư. Theo đó, đối với từng loại ngoại tệ, nếu TK 4711 có số Dư Có thì phản ánh TCTD có trạng thái trường ngoại tệ và nếu TK 4711 có số Dư Nợ thì phản ánh TCTD có trạng thái đoản ngoại tệ. Như vậy, trên Bảng cân đối tài khoản kế toán của TCTD hoàn toàn có thể có đồng thời cả 2 số dư các tài khoản này.

Tương tự như vậy, tài khoản 486 cũng có thể có đồng thời cả 2 số dư (Nợ, Có) trên Bảng cân đối tài khoản kế toán.

4. Về vấn đề đồng tiền hạch toán

a. Về nguyên tắc, TCTD hoàn toàn có thể lựa chọn đơn vị tiền tệ là đồng Việt Nam hoặc một loại ngoại tệ để làm đồng tiền hạch toán. Trong trường hợp lựa chọn một loại ngoại tệ khác đồng Việt Nam để hạch toán, TCTD phải xin ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính (trước đây là NHNN). Như vậy, trường hợp TCTD đang hạch toán ngoại tệ và muốn chuyển sang hạch toán theo đồng Việt Nam thì chỉ cần có văn bản thông báo gửi Bộ Tài chính và NHNN để biết và theo dõi.

b. Theo quy định của Luật Kế toán, các quy định và phương pháp đã chọn phải được áp dụng nhất quán trong kỳ kế toán năm. Trường hợp có sự thay đổi thì phải giải trình trong Báo cáo tài chính. Tuy nhiên, để đảm bảo không có sự xáo trộn quá lớn của Báo cáo tài chính cũng như thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát và đảm bảo thông tin chính xác, NHNN khuyến nghị Quý Ngân hàng không nên thay đổi các quy định và phương pháp kế toán đã chọn khi chưa kết thúc một niên độ kế toán.

c. Theo quy định hiện hành, tất cả các khoản thu nhập và chí phí bằng ngoại tệ đều phải được quy đổi ra đơn vị tiền tệ ghi sổ kế toán để hạch toán thông qua nghiệp vụ mua bán ngoại tệ để hạch toán vào thu nhập, chi phí của TCTD.

Trên đây là trả lời của NHNN về một số nội dung vướng mắc liên quan đến hạch toán kế toán gửi Quý Ngân hàng nghiên cứu, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như đề gửi;
- Lưu VP, KTTC2.

TL. THỐNG ĐỐC
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ KẾ TOÁN - TÀI CHÍNH
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Thanh Hương