Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 898/CV-NHNN10

Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 1998

 

CÔNG VĂN

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 898/CV-NHNN10NGÀY 28 THÁNG 9 NĂM 1998 VỀ VIỆC THỰC HIỆN LUẬT NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VÀ LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Kính gửi: Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước.

Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng được Quốc Hội nước Cộng hoà xã Hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 12/12/1997. Theo Điều 62 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt NamĐiều 130 Luật các tổ chức tín dụng, thì Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/1998. Theo sự phân công của Chính phủ, trong hơn 9 tháng qua Ngân hàng Nhà nước đã tập trung xây dựng các Nghị định của Chính phủ để cụ thể hoá các quy định của 2 Luật. Bên cạnh đó, một số các văn bản hướng dẫn thi hành thuộc thẩm quyền ban hành của Ngân hàng Nhà nước cũng đã được soạn thảo, các văn bản khác sẽ tiếp tục được ban hành để sửa đổi, thay thế các văn bản hiện hành.

Việc triển khai thực hiện Luật cần được tiến hành nghiêm túc, thận trọng theo nguyên tắc:

- Những quy định của Luật đã rõ ràng, cụ thể cần nhanh chóng triển khai đồng thời căn cứ vào tình hình thực tiễn để có những bước điều chỉnh cho phù hợp, không gây ra những xáo trộn, mất ổn định của hệ thống.

- Những quy định chung, cần được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện, việc triển khai thực hiện sẽ căn cứ vào nội dung của các văn bản liên quan.

- Những nội dung mà việc triển khai thực hiện cần có bước qúa độ nhưng chưa có văn bản hướng dẫn, để đảm bảo hoạt động thống nhất, Ngân hàng Nhà nước sẽ có báo cáo xin Chính phủ được tiếp tục thực hiện theo các quy định hiện hành cho tới khi có văn bản mới.

Để bảo đảm việc triển khai các quy định của Các Luật ngân hàng được thông suốt, căn cứ trên các nguyên tắc nêu trên, căn cứ Điều 129 Luật Tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Giám đốc các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Thủ trưởng đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng căn cứ các nguyên tắc trên đây để hướng dẫn, triển khai thực hiện các Luật Ngân hàng. Đối với những vấn đề có thể có sự không thống nhất trong nhận thức, Ngân hàng Nhà nước lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện như sau:

I- ĐỐI VỚI CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC TỈNH, THÀNH PHỐ, CÁC ĐƠN VỊ THUỘC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM:

1/ Các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục hoạt động theo các quy chế tổ chức và hoạt động hiện hành, bao gồm cả nghiệp vụ ngân quỹ cho khách hàng, thực hiện dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ. Đối với các nhiệm vụ của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước được quy định trong Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhưng hiện nay Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước chưa thực hiện thì chỉ được thực hiện khi có sự uỷ quyền, cho phép bằng văn bản của thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

2/ Đối với nghiệp vụ bảo lãnh: Kể từ ngày 01/10/1998, Ngân hàng Nhà nước không được thực hiện bảo lãnh cho tổ chức, cá nhân vay vốn cả trong nước và ngoài nước; kể từ ngày 01/10/1998, Ngân hàng Nhà nước chỉ bảo lãnh cho các Tổ chức tín dụng vay vốn nước ngoài khi có chỉ định của Thủ tướng Chính phủ .

3/ Đối với hoạt động in tiền: việc in tiền và giám sát in tiền tiếp tục thực hiện theo các quy định hiện hành cho đến khi có quy định mới. Sau khi Chính phủ ban hành nghị định về việc in, đúc bảo quản, vận chuyển, tiêu huỷ, việc in tiền sẽ thực hiện theo quy trình được quy định tại Nghị định này.

4/ Đối với việc tiêu huỷ tiền: Tập trung hoàn thành việc tiêu huỷ số tiền rách nát, hư hỏng theo kế hoạch, lệnh tiêu huỷ đã duyệt trước ngày 01/10/1998 nhưng chưa thực hiện xong. Qui trình tiêu huỷ, giám sát vẫn thực hiện theo quy định hiện hành cho đến khi tiêu huỷ xong toàn bộ số tiền rách nát hư hỏng đã được duyệt theo kế hoạch năm 1998. - Việc tiêu huỷ tiền rách nát, hư hỏng theo lệnh sau ngày 01/10/1998 sẽ thực hiện theo đúng quy định của " Nghị định về in, đúc, bảo quản, vận chuyển, tiêu huỷ tiền" sẽ được Chính phủ ban hành.

5/ Việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng của Tổ chức tín dụng: Việc tiếp nhận hồ sơ xin giấy phép thành lập và hoạt động các tổ chức tín dụng được thực hiện theo các quy định hiện hành và các quy định liên quan của Luật các tổ chức tín dụng.

6/ Về việc cấp giấy phép hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác: Việc tiếp nhận hồ sơ xin hoạt động ngân hàng của tổ chức khác sẽ được thực hiện theo các quy định liên quan của Nghị định về hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác sẽ được Chính phủ ban hành.

7/ Việc hoạt động của Hội đồng quản trị Ngân hàng Nhà nước: kể từ ngày 01/10/1998 Hội đồng quản trị Ngân hàng Nhà nước không thực hiện các công việc, nhiệm vụ theo quy định tại Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước, chỉ thực hiện các công việc còn tồn tại (đã phát sinh trước ngày 01/10/1998 và chưa kết thúc) cho đến khi các công việc này hoàn thành.

8/ Các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan nhà nước trên địa bàn phát hiện và yêu cầu các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng, cá nhân chấm dứt ngay việc thực hiện nghiệp vụ ngân hàng (nếu có).

9/ Việc thực hiện quy định về dự trữ bắt buộc: Trước mắt thực hiện theo các quy định hiện hành về dự trữ bắt buộc. Việc trả lãi tiền gửi dự trữ bắt buộc sẽ thực hiện theo quy định của Chính phủ.

10/ Xử lý vi phạm trong hoạt động ngân hàng: Tiếp tục thực hiện theo các quy định hiện hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và nội dung các quy định liên quan của Pháp luật cho đến khi có Nghị định của Chính phủ hướng dẫn cụ thể hơn về nội dung này.

11/ Về hoạt động thanh toán, dịch vụ cho kho bạc: Thực hiện theo quy định hiện hành.

12/ Về hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân: Trước mắt, tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành và theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về chấn chỉnh hoạt động của các Quĩ tín dụng nhân dân. Tích cực chuẩn bị điều kiện để tiến hành tổng kết về hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân để có cơ sở hoàn chỉnh dự thảo Nghị định Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân.

II. ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG:

1/ Về tên gọi:

Tên gọi các TCTD được nêu trong Luật là tên gọi của các mô hình TCTD, nhằm xác định tính chất hoạt động, nội dung hoạt động của từng loại hình TCTD mà không phải là tên riêng của các TCTD, hơn nữa mục tiêu của Luật các tổ chức tín dụng là xây dựng hệ thống ngân hàng đa năng, kinh doanh tổng hợp phục vụ đa thành phần kinh tế. Do vậy, việc điều chỉnh tên của từng TCTD không đặt ra.

2/ Về mặt tổ chức:

a) Về cơ cấu vốn: Các tổ chức tín dụng cổ phần nếu chưa có cổ đông thuộc sở hữu nhà nước cần tìm kiếm bổ sung phần vốn cổ phần từ các cổ đông thuộc sở hữu nhà nước để bảo đảm có vốn cổ phần của nhà nước trong các tổ chức tín dụng cổ phần. Thời hạn điều chỉnh dự kiến là 2 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực.

b) Về tổ chức của Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài: Trước mắt, các Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài vẫn tiếp tục hoạt động theo các quy định hiện hành cho đến khi có Nghị định mới về tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng nước ngoài của Chính phủ.

c) Về quy định đối với các thay đổi phải xin phép: Vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành về các thay đổi cần có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Đối với các thay đổi mà Luật mới quy định như: chuyển nhượng cổ phần có ghi tên quá tỷ lệ quy định, tỷ lệ cổ phần của cổ đông lớn sẽ vận dụng theo các quy định hiện hành.

d) Vấn đề thành lập các công ty con của tổ chức tín dụng: Thực hiện theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước.

e) Vấn đề tổ chức và tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát:

+ Trường hợp thiếu số thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát thì phải bổ sung trong vòng 3 tháng kể từ ngày 01/10/1998.

+ Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc hoặc tham gia điều hành tổ chức tín dụng khác (như quy định tại Khoản 4, 5 Điều 37) thì cần phải điều chỉnh ngay một trong hai chức danh trong vòng 3 tháng kể từ ngày 01/10/1998.

+ Nếu thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát không đủ tiêu chuẩn theo quy định thì phải miễn nhiệm và bổ sung thành viên mới trong vòng 3 tháng kể từ ngày 01/10/1998.

+ Thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 40 phải được điều chỉnh trong vòng 3 tháng kể từ ngày 01/10/1998.

g) Vấn đề tổ chức kiểm tra nội bộ: Các tổ chức tín dụng chưa hình thành một tổ chức kiểm tra nội bộ hoặc đã có nhưng không đúng với quy định tại Điều 41 Luật tổ chức tín dụng thì phải thiết lập ngay khi Luật có hiệu lực.

3/ Về hoạt động nghiệp vụ và bảo đảm an toàn:

a- Về các loại tiền gửi theo quy định tại Điều 45 Luật các tổ chức tín dụng:

Đối với các tổ chức tín dụng là Ngân hàng: Trước mắt các Ngân hàng vẫn thực hiện huy động vốn theo quy định hiện hành;

- Đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng: theo Luật, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng chỉ thực hiện huy động tiền gửi có kỳ hạn từ một năm trở lên. Do vậy, sau ngày 01/10/1998, các công ty tài chính kể cả Công ty tài chính thuộc Tổng công ty, không được thực hiện huy động mới loại tiền gửi có kỳ hạn dưới 01 năm.

b) Việc khách hàng chọn Ngân hàng để mở tài khoản chính:

Trước mắt, các tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục thực hiện chế độ mở tài khoản cho khách hàng như quy định hiện nay Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm có quy định liên quan đến việc mở tài khoản của khách hàng.

c) Đối với các khoản vay được thế chấp, cầm cố bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng phát sinh trước ngày 01/10/1998:

- Tổ chức tín dụng phải yêu cầu bên vay vốn thay thế tài sản bảo đảm trong vòng 03 tháng kể từ ngày 01/10/1998.

- Trường hợp không thể thay thế tài sản bảo đảm thì tổ chức tín dụng phải có biện pháp để xử lý các khoản vay này trong vòng 06 tháng kể từ ngày Luật có hiệu lực.

d) Về việc cho vay và quy trình xét duyệt cho vay, bảo đảm tiền vay:

- Về việc cho vay trừ trường hợp bị cấm cho vay theo quy định của Luật, việc cho vay vẫn thực hiện theo quy định hiện hành cho đến khi có quy định mới của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

- Qui trình xét duyệt cho vay sau ngày 01/10/1998, các tổ chức tín dụng phải ban hành ngay hoặc điều chỉnh quy trình xét duyệt cho vay theo các quy định tại Điều 53, 54, 55 Luật các tổ chức tín dụng.

- Việc bảo đảm tiền vay: Việc bảo đảm tiền vay vẫn thực hiện theo quy định hiện hành cho đến khi có quy định mới của Chính phủ.

e) Về hình thức bảo lãnh của các tổ chức tín dụng: Trong khi chưa có Nghị định về các biện pháp bảo đảm tiền vay, các tổ chức tín dụng vẫn thực hiện bảo lãnh theo quy định hiện hành.

f) Về "nghiệp vụ quản lý vốn đầu tư của Tổ chức, cá nhân" theo Điều 72 Luật các tổ chức tín dụng: Trừ các đơn vị đang thực hiện nghiệp vụ này theo chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng chỉ được thực hiện Nghiệp vụ này khi có hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước.

g) Xử lý các trường hợp "cấm cho vay" theo quy định tại Điều 77:

- Kể từ ngày 01/10/1998, cần tuân thủ triệt để quy định tại Điều 77 Luật các Tổ chức tín dụng, TCTD không được thực hiện những khoản cho vay đối với các đối tượng đã được quy định tại Điều 77 hoặc dựa vào bảo lãnh của các đối tượng này để cấp tín dụng.

- Đối với các khoản cho vay các đối tượng mà theo Luật tổ chức tín dụng bị cấm: Tổ chức tín dụng phải có biện pháp để xử lý các khoản vay liên quan trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày 01/10/1998. Trường hợp không thể xử lý để tuân thủ quy định của Luật, thì cần điều chỉnh chức danh của những đối tượng thuộc trường hợp quy định tại Điều 77.

- Đối với các khoản cho vay có bảo đảm của những đối tượng thuộc Điều 77: Tổ chức tín dụng phải yêu cầu các bên vay vốn thay thế biện pháp bảo đảm. Trường hợp bên vay không thể thay thế biện pháp bảo đảm thì trong vòng 6 tháng kể từ ngày 01/10/1998, Tổ chức tín dụng phải xử lý các khoản vay này hoặc phải điều chỉnh chức danh của các đối tượng liên quan.

h) Về giới hạn bảo lãnh của tổ chức tín dụng quy định Điều 79.2: Trước mắt các tổ chức tín dụng vẫn thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành cho đến khi có quy định mới.

i) Về giới hạn mức góp vốn, mua cổ phần theo Điều 80: Hiện tại, các tổ chức vẫn thực hiện theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, trong khi chưa đánh giá được giá trị thực có của Vốn tự có, cần hạn chế việc góp vốn, mua cổ phần.

k) Các quy định về xác định vốn tự có, các tỷ lệ an toàn: Trước mắt, vẫn áp dụng các quy định hiện hành cho đến khi Ngân hàng Nhà nước có quy định mới.

l) Các quy định về dự phòng rủi ro và cách xử lý các khoản tài sản Có chưa được dự phòng: Về pháp lý, kể từ ngày 01/10/1998, các tổ chức tín dụng "phải" dự phòng cho các rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Việc trích chi phí để dự phòng rủi ro trong hoạt động ngân hàng mới phát sinh từ 01/10/1998 và các khoản bảo hiểm tiền gửi cho các vốn huy động sau ngày 01/10/1998 sẽ được thực hiện theo những hướng dẫn sắp tới.

III. NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY:

Các tổ chức tín dụng phải:

a) Rà soát toàn bộ các hoạt động hiện tại của tổ chức mình, đình chỉ tất cả các hoạt động nào trước đây Tổ chức tín dụng đã, đang thực hiện nhưng hiện tại theo quy định của hai Luật là không phù hợp.

b) Rà soát toàn bộ cơ chế hoạt động, các quy định hướng dẫn nghiệp vụ nội bộ của tổ chức mình nhằm điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản khác thay thế để quy định nội bộ phù hợp với các quy định của Luật.

Trên đây là một số nội dung cần được lưu ý khi thực hiện Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật các tổ chức tín dụng. Trong quá trình thực hiện hai Luật nếu có vướng mắc đề nghị báo cáo ngay Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để có hướng dẫn.

 

Lê Đức Thuý

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 898/CV-NHNN10 về việc thực hiện Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Tổ chức tín dụng

  • Số hiệu: 898/CV-NHNN10
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 28/09/1998
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Lê Đức Thuý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/09/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản