Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 843/VPCP-NN
V/v tập trung phòng, chống dịch bệnh đảm bảo chống rét cho gia súc, gia cầm và nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán

Hà Nội, ngày 02 tháng 02 năm 2021

 

Kính gửi:

- Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế, Công An, Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Để tập trung phòng, chống dịch bệnh đảm bảo chống rét cho gia súc, gia cầm và nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Chỉ đạo các địa phương đang có dịch bệnh động vật (cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi,...) tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan, kéo dài; trường hợp các ổ dịch có nguy cơ phát sinh, lây lan diện rộng, cần công bố dịch và tổ chức chống dịch bệnh theo quy định; khẩn trương tổ chức tiêm vắc xin bao vây ổ dịch và phòng bệnh cho toàn bộ đàn gia cầm có nguy cơ; thành lập các Đoàn công tác đến các địa phương có dịch để chỉ đạo tổ chức chống dịch.

b) Chỉ đạo địa phương chưa có dịch, địa phương có nguy cơ cao:

- Tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng, bệnh viêm da nổi cục theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20 tháng 5 năm 2019; Nghị quyết số 100/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội; Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ; Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20 tháng 2 năm 2019; Công điện số 667/CĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch là chính; áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động vệ sinh, sát trùng phòng dịch; rà soát, kịp thời tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, dại, viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi... nhất là tại các khu vực có ổ dịch cũ, các địa bàn có nguy cơ cao;

- Tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây thiệt hại kinh tế, bức xúc cho người dân và cộng đồng;

- Đẩy mạnh việc xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bảo đảm an toàn dịch bệnh để phục vụ nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

c) Tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với tình hình dịch, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng, chống đói, rét cho gia súc và gia cầm.

d) Tổ chức kiện toàn, tăng cường hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y, Chỉ thị 34-CT/TW ngày 20 tháng 5 năm 2019 và Nghị quyết số 134/2020/QH4 ngày 17 tháng 11 năm 2020 về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương:

a) Tổ chức theo dõi chặt chẽ, tổng hợp diễn biến tình hình dịch bệnh và chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo.

b) Tập trung các nguồn lực để tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là đối với bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục... Tổ chức thành lập các đoàn công tác về cơ sở để hướng dẫn, phối hợp chỉ đạo công tác phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là các xã vùng cao, vùng khó khăn.

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2020 và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020.

d) Chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước trên thế giới trong việc chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật có hiệu quả; bố trí các nguồn lực, kinh phí để tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành của các loại mầm bệnh để chủ động phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

đ) Bảo đảm các nguồn vắc xin để cung ứng đủ và kịp thời cho công tác tiêm phòng; tổ chức giám sát, đánh giá lưu hành các loại mầm bệnh; kiểm nghiệm, khảo nghiệm, công cường độc đánh giá các loại vắc xin để kịp thời có được các loại vắc xin phù hợp, hiệu quả nhất cho công tác phòng, bệnh.

e) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh lợn thịt và thịt lợn không rõ nguồn gốc; giám sát chặt chẽ và hạn chế tối đa việc đầu cơ, tích trữ, thu mua, buôn bán, vận chuyển lợn sống và thịt lợn trái phép qua biên giới; cân đối, điều hòa cung cầu để bình ổn giá thịt lợn giữa các vùng, miền và các địa phương; triển khai xem xét việc nhập khẩu mặt hàng thịt lợn trong trường hợp cần thiết.

3. Bộ Công Thương có trách nhiệm:

- Tăng cường quản lý thị trường, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không được kiểm dịch thú y, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối, các điểm thu gom động vật, sản phẩm động vật.

- Chủ trì kiểm tra, rà soát, tổ chức tốt hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng.

- Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan triển khai nhập khẩu mặt hàng thịt lợn theo chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 02 tháng 02 năm 2020; Thông báo số 132/TB-VPCP ngày 29 tháng 03 năm 2020 và văn bản số 665/VPCP-KTTH ngày 27 tháng 1 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ về công tác điều hành giá năm 2021.

4. Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm A/H5N1, A/H5N6 và các loại cúm gia cầm khác; hướng dẫn các địa phương chủ động giám sát tại cộng đồng, phát hiện sớm trường hợp người mắc bệnh, cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch lây lan diện rộng; khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm lây từ gia cầm sang người .

5. Bộ Công an thực hiện điều tra ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không được kiểm dịch thú y, không rõ nguồn gốc, động vật, sản phẩm động vật bán chạy, nghi bán chạy từ ổ dịch theo quy định của pháp luật.

6. Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm; tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.

7. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo hệ thống thông tin báo chí Trung ương và địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch, các yếu tố nguy cơ, các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế.

8. Các Bộ, ngành có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.

9. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc các địa phương chủ động, tham gia cùng chính quyền các cấp, các Bộ, ngành liên quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TTgCP, PTTg Trịnh Đình Dũng;
- VPCP: BTCN, PCN Nguyễn Cao Lục, Các Vụ: KGVX, KTTH, NC, TKBT;
- Lưu: VT, NN(3). Loan

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 843/VPCP-NN năm 2021 về tập trung phòng, chống dịch bệnh đảm bảo chống rét cho gia súc, gia cầm và nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 843/VPCP-NN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 02/02/2021
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Cao Lục
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản