Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8377/CT-TTHT
V/v thuế TNCN đối với việc chuyển đổi tên chứng khoán từ chồng sang vợ theo thỏa thuận chia tài sản chung

Hà Nội, ngày 05 tháng 03 năm 2018

 

Kính gửi: Trung Tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam
(Đ/c: 15 Đoàn Trần Nghiệp, P Lê Đại Hành, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội)
MST: 0106799103

Trả lời công văn số 22061/VSD-ĐK ngày 07/12/2017 của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam hỏi về chính sách thuế, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

- Căn cứ Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 ngày 19/6/2014 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

+ Tại Điều 38 quy định về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

"1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bảnnày được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.

3. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tàisản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.”

+ Tại Điều 40 quy định về hậu quả của việc chia tài sản chung:

“1. Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng.

2. Thỏa thuận của vợ chồng quy định tại khoản 1 Điều này không làm thay đổi quyền, nghĩa vụ về tài sản được xác lập trước đó giữa vợ, chồng với người thứ ba.”

+ Tại Điều 42 quy định về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vôhiệu:

“Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

2. Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

a) Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng;

b) Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại;

c) Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản;

d) Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức;

đ) Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước;

e) Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

+ Tại Điều 43 quy định về tài sản riêng của vợ, chồng:

“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng: Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”

+ Tại Điều 47 quy định về thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng:

“Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.”

- Căn cứ Luật Thuế Thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 21/12/2007.

+ Tại Điều 3 quy định về thu nhập chịu thuế TNCN

“Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây, trừ thu nhập được miễn thuế quy định tại Điều 4 của Luật này:

...9. Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.

10. Thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.”

- Căn cứ khoản 1 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Thu nhập cá nhân đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 22/11/2012, đã sửa đổi khoản 2, khoản 5 Điều 3 Luật Thuế TNCN.

Căn cứ các quy định trên, trường hợp cá nhân Bà Nguyễn Cẩm Vân được chồng thỏa thuận chuyển số chứng khoán đứng tên chồng sang thành tài sản riêng (tên bà Vân) thì bà Vân phải nộp thuế TNCN tương ứng với số lượng chứng khoán là tài sản riêng của chồng tặng cho hoặc 50% số lượng chứng khoán nếu là phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân tương ứng với phần của chồng chuyển sang.

Trường hợp Bà Vân có tài liệu chứng minh tất cả số chứng khoán nêu trên là tài sản riêng của mình theo đúng quy định pháp luật thì việc chuyển đổi tên sở hữu từ chồng sang vợ không chịu thuế TNCN.

Trường hợp còn vướng mắc, đề nghị bà Vân liên hệ với Cục Thuế TP Hồ Chí Minh để được hướng dẫn cụ thể.

Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam được biết và hướng dẫn cá nhân thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng cục Thuế (Để b/c)
- Cục Thuế TP Hồ Chí Minh
- Phòng KT6;
-PhòngPháp chế;
- Lưu: VT, TTHT(2).

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Mai Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 8377/CT-TTHT năm 2018 về thuế thu nhập cá nhân đối với việc chuyển đổi tên chứng khoán từ chồng sang vợ theo thỏa thuận chia tài sản chung do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 8377/CT-TTHT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 05/03/2018
  • Nơi ban hành: Cục thuế thành phố Hà Nội
  • Người ký: Mai Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/03/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản