Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8221/BNN-TY
V/v: chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh thủy sản

Hà Nội, ngày 07 tháng 10 năm 2015

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW.

Từ năm 2008 đến nay, được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức, triển khai có hiệu quả công tác thú y thủy sản (bao gồm: công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản, kiểm dịch và quản lý thuốc thú y thủy sản) đã từng bước được tổ chức hoạt động có hiệu quả, góp phần kiểm soát tốt nhiều loại dịch bệnh, tạo thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, thúc đẩy xuất khẩu thủy sản đạt hàng tỷ đô la Mỹ.

Cụ thể: Năm 2013, tổng sản lượng thủy sản đạt 6,03 triệu tấn, xuất khẩu đạt khoảng 6,8 tỷ đô la Mỹ; năm 2014, tổng sản lượng thủy sản đạt 6,3 triệu tấn (tăng 4,4% so với năm 2013), xuất khẩu đạt khoảng 8 tỷ đô la Mỹ; năm 2015, ước tính tổng sản lượng và xuất khẩu thủy sản tương đương năm 2014. Nuôi trồng thủy sản đã giải quyết việc làm cho hàng triệu người dân trên phạm vi cả nước, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương.

Mặc dù nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương nhưng hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, thách thức rất lớn như: (1) Hằng năm, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế của người nuôi trồng thủy sản, ngân sách nhà nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu thủy sản; (2) Công tác thú y thủy sản tuy đã được các địa phương quan tâm và có sự chuyển biến tích cực qua các năm gần đây, nhưng nhìn chung lực lượng làm công tác thú y thủy sản còn rất nhiều khó khăn, hạn chế về số lượng, trình độ chuyên môn và thiếu kinh nghiệm thực tế. Nhiều tỉnh, thành phố chuyển giao nhiệm vụ thú y thủy sản cho ngành Thú y quản lý, nhưng không chuyển giao nhân lực, dẫn đến các địa phương phải bố trí nhân viên thú y trên cạn kiêm luôn nhiệm vụ thủy sản. Trong khi diện tích nuôi trồng thủy sản của nhiều địa phương rất lớn (nhiều xã có diện tích nuôi trồng thủy sản lên đến hàng nghìn ha), đường xá giao thông đến đầm nuôi khó khăn, không thuận tiện và phụ cấp hàng tháng cho nhân viên thú y xã còn thấp, chỉ dao động từ 250 nghìn đồng đến 1.050 nghìn đồng, nhưng họ phải tham gia tổ chức triển khai tất cả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh thủy sản mà không được hưởng thù lao, chi phí xăng xe, phương tiện, dụng cụ,...; (3) Nhiều địa phương chưa có kế hoạch Phòng chống dịch bệnh hoặc có nhưng không bố trí đủ kinh phí (chủ yếu chi trên 70% kinh phí để mua hóa chất, trên 20% là kinh phí mua nguyên vật liệu xét nghiệm,...) nên không có tiền hỗ trợ cho nhân viên thú y xã, thú y huyện; (4) Chưa có quy định, hướng dẫn về chế độ hỗ trợ đối với người tham gia thực hiện phòng, chống dịch bệnh thủy sản (tương tự Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và Thông tư số 80/2008/TT-BTC ngày 18/9/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm).

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Chính phủ giao nhiệm vụ tổ chức xây dựng Nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thú y sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Những văn bản này dự kiến sẽ khắc phục được những thiếu sót, bất cập hiện nay trong công tác thú y thủy sản, bao gồm cả hỗ trợ thù lao cho người làm công tác thú y thủy sản.

Trong khi chờ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thú y được xây dựng, trình ban hành, có hiệu lực và để bảo đảm có đủ nguồn lực triển khai nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2016, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, các Sở, ngành chức năng của địa phương thực hiện một số nội dung sau đây:

1. Khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2016 để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cần thiết để triển khai kế hoạch có hiệu quả.

2. Rà soát, xem xét ban hành cơ chế của địa phương để hỗ trợ thù lao cho cán bộ tham gia thực hiện phòng, chống dịch bệnh thủy sản (trên cơ sở tham khảo định mức tại Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 của Chính phủ và Thông tư số 80/2008/TT-BTC ngày 18/9/2008 của Bộ Tài chính).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện; nếu có vướng mắc đề nghị thông báo bằng văn bản về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp xử lý kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- PTTg. Hoàng Trung Hải (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Bộ KH&ĐT;
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (để b/c);
- Tổng cục Thủy sản;
- Cục Thú y, các đơn vị thuộc Cục (để t/h);
- Sở NN&PTNT, CCTY, CCNTTS/CCTS các tỉnh, TP;
- Lưu: VT, TY

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Văn Tám