Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 81420/CT-TTHT
V/v thuế GTGT đối với phí nhượng quyền và phí bản quyền

Hà Nội, ngày 07 tháng 9 năm 2020

 

Kính gửi: Công ty TNHH Education Maple Bear Việt Nam
(Địa chỉ: Tòa nhà Golden Westlake, số 151 Thụy Khuê, P. Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội - MST: 0104058685)

Trả lời công văn số 01/2020-MBVN nhận ngày 18/08/2020 của Công ty TNHH Education Maple Bear Việt Nam (sau đây gọi tắt là Công ty) hỏi về thuế GTGT đối với phí nhượng quyền và phí bản quyền, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

“Căn cứ Điều 13 Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 của Quốc hội:

“Điều 13. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

1. Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại các điều từ Điều 37 đến Điều 42 của Luật này.

2. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại khoản 1 Điều này gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”

- Căn cứ Luật số 36/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ ngày 19/06/2009:

+ Tại Điều 1 quy định:

“Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ:

1. Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 3. Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ

1. Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.

2. Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được kiểu như sau:

1. Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

2. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

6. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ.

7. Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.

5. Điều 14 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 14. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;

b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;

c) Tác phẩm báo chí;

d) Tác phẩm âm nhạc;

đ) Tác phẩm sân khấu;

e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);

g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;

h) Tác phẩm nhiếp ảnh;

i) Tác phẩm kiến trúc;

k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;

l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;

m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

…”

- Căn cứ Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế GTGT:

+ Tại Khoản 21 Điều 4 quy định đối tượng không chịu thuế GTGT:

“21. Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Trường hợp hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ có kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị thì đối tượng không chịu thuế GTGT tính trên phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng; trường hợp không tách riêng được thì thuế GTGT được tính trên cả phần giá trị công nghệ quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng cùng với máy móc, thiết bị.

Phần mềm máy tính bao gồm sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật…”

+ Tại Điều 11 quy định thuế suất 10%:

“Điều 11. Thuế suất 10%

Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.

Cơ sở kinh doanh nhiều loại hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất GTGT khác nhau phải khai thuế GTGT theo từng mức thuế suất quy định đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ; nếu cơ sở kinh doanh không xác định theo từng mức thuế suất thì phải tính và nộp thuế theo mức thuế suất cao nhất của hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở sản xuất, kinh doanh....”

Căn cứ các quy định trên, Cục Thuế TP Hà Nội hướng dẫn như sau:

Trường hợp hoạt động nhượng quyền chương trình Maple Bear Global Schools Ltd của Công ty cho các đối tác tại Việt Nam (có thu phí nhượng quyền ban đầu và phí bản quyền hàng tháng) được xác định là hoạt động chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại Khoản 21 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC .

Trường hợp hoạt động nêu trên không được xác định là hoạt động chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ thì thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% theo quy định.

Đề nghị Công ty liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ để có căn cứ xác định hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng các chương trình dạy học của Maple Bear tại Việt Nam có phải là hoạt động chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ hay không, trên cơ sở đó Công ty nghiên cứu các quy định pháp luật về thuế nêu trên để thực hiện chính sách thuế GTGT phù hợp, đúng quy định.

Trong quá trình thực hiện chính sách thuế, trường hợp còn vướng mắc, Công ty có thể tham khảo các văn bản hướng dẫn của Cục Thuế TP Hà Nội được đăng tải trên website http://hanoi.gdt.gov.vn hoặc liên hệ với Phòng Thanh tra - Kiểm Tra số 1 để được hỗ trợ giải quyết.

Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty TNHH Education Maple Bear Việt Nam được biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng TKT1;
- Phòng DTPC;
- Lưu: VT, TTHT (2)

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Tiến Trường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 81420/CT-TTHT năm 2020 về thuế giá trị gia tăng đối với phí nhượng quyền và phí bản quyền do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 81420/CT-TTHT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 07/09/2020
  • Nơi ban hành: Cục thuế thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Tiến Trường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/09/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản