Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 81/2000/KHXX | Hà Nội, ngày 03 tháng 7 năm 2000 |
CÔNG VĂN
CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 81/2000/KHXXNGÀY 3 THÁNG 7 NĂM 2000 VỀ VIỆC UỶ QUYỀNTHAM GIA TỐ TỤNG TẠI TOÀ ÁN NHÂN DÂN
Kính gửi: | - Các Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương |
Trong thời gian qua Toà án nhân dân tối cao nhận được các công văn của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam phản ảnh về việc các Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chưa có sự thống nhất trong vấn đề chấp nhận việc các ngân hàng uỷ quyền cho các văn phòng đại diện, chi nhánh của các ngân hàng khởi kiện, tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế.
Để bảo đảm sự thống nhất và đúng pháp luật về vấn đề uỷ quyền của các ngân hàng cho văn phòng đại diện, chi nhánh của các ngân hàng tham gia tố tụng tại Toà án nhân dân trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, các vụ án kinh tế; sau khi có ý kiến thống nhất của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại Công văn số 1136/KS-V12 ngày 2 tháng 6 năm 2000 và của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Công văn số 530/CV-NHHH10 ngày 15 tháng 6 năm 2000; Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn như sau:
1. Theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thì: "Pháp nhân tham gia tố tụng thông qua người lãnh đạo của mình hoặc người đại diện được pháp nhân uỷ quyền bằng văn bản" và theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế thì: Đương sự là pháp nhân thì thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền". Tuy trong các pháp lệnh chỉ quy định chung là "tham gia tố tụng" hoặc "thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng", nhưng cần hiểu tham gia tố tụng bao gồm cả việc khởi kiện vụ án; do đó, nếu Ngân hàng là pháp nhân có văn bản uỷ quyền cho Văn phòng đại diện, Chi nhánh của Ngân hàng hoặc một người cụ thể khởi kiện vụ án dân sự hoặc vụ án kinh tế để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Ngân hàng, thì Toà án thụ lý đơn khởi kiện để giải quyết, nếu không thuộc các trường hợp trả lại đơn kiện quy định tại các điểm 2, 3, 4 và 5 Điều 36 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự hoặc tại các điểm 2, 3, 4 và 5 Điều 32 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế.
2. Theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự và khoản 3 Điều 20 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, thì pháp nhân có thể uỷ quyền cho người khác tham gia tố tụng. Tuy nhiên, cần phân biệt như sau:
a. Nếu trong văn bản uỷ quyền, Ngân hàng là pháp nhân uỷ quyền cho Văn phòng đại diện, chi nhánh của Ngân hàng mà không uỷ quyền cho một người cụ thể, thì theo quy định tại khoản 4 Điều 100 Bộ luật dân sự, Toà án chỉ chấp nhận việc tham gia tố tụng theo uỷ quyền của Ngân hàng đối với người đứng đầu Văn phòng đại diện, chi nhánh của Ngân hàng.
b. Nếu trong văn bản uỷ quyền, Ngân hàng là pháp nhân uỷ quyền cho người đứng đầu Văn phòng đại diện, chi nhánh của Ngân hàng và cho phép người đứng đầu này uỷ quyền lại cho một người cụ thể nào đó, thì Toà án chỉ chấp nhận việc tham gia tố tụng theo uỷ quyền của Ngân hàng khi người tham gia tố tụng đúng như trong văn bản uỷ quyền của Ngân hàng.
Ví dụ: Ngân hàng có văn bản uỷ quyền cho Giám đốc chi nhánh của Ngân hàng tham gia tố tụng tại Toà án nhân dân để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Ngân hàng khi có tranh chấp và trong trường hợp Giám đốc Chi nhánh của Ngân hàng đi vắng có thể uỷ quyền lại cho một Phó giám đốc Chi nhánh của Ngân hàng, thì Toà án chỉ chấp nhận việc tham gia tố tụng của Giám đốc chi nhánh hoặc của Phó giám đốc chi nhánh được Giám đốc Chi nhánh uỷ quyền lại. Trong trường hợp này, nếu Giám đốc Chi nhánh uỷ quyền lại cho một Trưởng phòng của Chi nhánh, thì việc uỷ quyền này không đúng như trong văn bản uỷ quyền của ngân hàng và do đó Toà án không chấp nhận.
c. Nếu trong văn bản uỷ quyền, Ngân hàng là pháp nhân uỷ quyền cho một người cụ thể, thì Toà án chỉ chấp nhận việc tham gia tố tụng theo uỷ quyền của Ngân hàng khi người tham gia tố tụng đúng như trong văn bản uỷ quyền của Ngân hàng.
đ. Trong trường hợp người được uỷ quyền không thể tiếp tục tham gia tố tụng được, nếu Ngân hàng không thể tự mình tham gia tố tụng thì Toà án chấp nhận việc Ngân hàng uỷ quyền cho người khác tiếp tục tham gia tố tụng.
3. Khoản 2 Điều 22 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự và khoản 2 Điều 22 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế chỉ quy định việc uỷ quyền tham gia tố tụng tại Toà án nhân dân phải làm thành văn bản uỷ quyền mà không quy định hình thức văn bản uỷ quyền; do đó, Toà án cần chấp nhận văn bản uỷ quyền của Ngân hàng là hợp pháp nếu bằng một trong các hình thức sau đây được người đứng đầu Ngân hàng ký tên và đóng dấu của Ngân hàng.
a. Văn bản thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh của Ngân hàng, trong đó có việc Ngân hàng uỷ quyền cho Văn phòng đại diện, Chi nhánh của Ngân hàng tham gia tố tụng tại Toà án nhân dân để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Ngân hàng khi có tranh chấp.
b. Văn bản của Ngân hàng uỷ quyền cho Văn phòng đại diện, Chi nhánh của Ngân hàng tham gia tố tụng tại Toà án nhân dân để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Ngân hàng khi có tranh chấp.
c. Văn bản của Ngân hàng uỷ quyền cho Văn phòng đại diện, Chi nhánh của Ngân hàng hoặc một người cụ thể tham gia tố tụng tại Toà án nhân dân để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Ngân hàng trong một vụ tranh chấp cụ thể.
4. Theo quy định tại Điều 23 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự và khoản 1 Điều 22 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, thì người đại diện được uỷ quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự trong phạm vi uỷ quyền; do đó, cần chú ý trong văn bản uỷ quyền, Ngân hàng uỷ quyền cho văn phòng đại diện, chi nhánh của Ngân hàng hoặc một người cụ thể thực hiện những quyền và nghĩa vụ tố tụng nào thì Toà án chỉ chấp nhận trong phạm vi uỷ quyền đó, cụ thể như sau:
a- Nếu trong văn bản uỷ quyền, Ngân hàng uỷ quyền cho Văn phòng đại diện, Chi nhánh của Ngân hàng hoặc một người cụ thể thực hiện tất cả các quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự, thì Toà án chấp nhận việc uỷ quyền đó trong việc khởi kiện và giải quyết vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm, trong việc kháng cáo bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm cũng như trong việc giải quyết vụ án tại Toà án cấp phúc thẩm (nếu có kháng cáo, kháng nghị).
b- Nếu trong văn bản uỷ quyền, Ngân hàng chỉ uỷ quyền cho Văn phòng đại diện. Chi nhánh của Ngân hàng hoặc một người cụ thể thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự trong việc khởi kiện và giải quyết vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm, thì Toà án chỉ chấp thuận việc uỷ quyền đó trong việc khởi kiện và giải quyết vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm. Mặc dù theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, khoản 1 Điều 59 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, thì người đại diện của đương sự có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm, song trong trường hợp này Toà án không chấp nhận việc người được uỷ quyền kháng cáo bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm cũng như tham gia giải quyết vụ án tại Toà án cấp phúc thẩm, với lý do các việc này không thuộc phạm vi uỷ quyền.
5. Theo quy định tại khoản 5 Điều 100 Bộ luật dân sự thì: "Pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch do văn phòng đại diện, chi nhánh xác lập, thực hiện". Đồng thời theo hướng dẫn tại điểm 3 Mục VI Nghị quyết số 3/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao "hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự" thì: "Mặc dù đương sự đã uỷ quyền cho người đại diện nhưng đương sự vẫn có quyền tự mình tham gia tố tụng. Toà án cũng có quyền triệu tập đương sự đích thân tham gia tố tụng khi xét thấy cần thiết"; do đó, trong trường hợp xét thấy cần thiết (để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Ngân hàng; bảo vệ tài sản của Nhà nước...), thì Toà án cần triệu tập đại diện theo pháp luật của Ngân hàng tham gia tố tụng.
6. Trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, lao động, hành chính mà có Ngân hàng tham gia tố tụng, nếu Ngân hàng không thể tự mình tham gia tố tụng và có uỷ quyền cho người khác tham gia tố tụng, thì việc uỷ quyền cũng phải được thực hiện tương tự các hướng dẫn trên đây mới được Toà án chấp nhận.
Trong quá trình thực hiện các hướng dẫn trong Công văn này, có điều gì vướng mắc hoặc chưa cụ thể, đề nghị các Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phản ánh cho Toà án nhân dân tối cao để có hướng dẫn bổ sung.
| Trịnh Hồng Dương (Đã ký) |
- 1Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 do Hội đồng Nhà nước ban hành
- 2Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế năm 1994
- 3Bộ luật Dân sự 1995
- 4Nghị quyết 03/HĐTP năm 1990 hướng dẫn áp dụng Quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự (trích) do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 5Công văn 3620/BHXH-PC xác định tư cách tham gia tố tụng tại Tòa án của Bảo hiểm xã hội
Công văn 81/2000/KHXX của Toà án nhân dân tối cao về việc uỷ quyền tham gia tố tụng tại Toà án nhân dân
- Số hiệu: 81/2000/KHXX
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 03/07/2000
- Nơi ban hành: Tòa án nhân dân tối cao
- Người ký: Trịnh Hồng Dương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra