BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 807/KBNN-THPC | Hà Nội, ngày 19 tháng 03 năm 2012 |
Kính gửi: Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Thực hiện Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/06/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn quy trình phối hợp thu ngân sách nhà nước (NSNN) giữa Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các ngân hàng thương mại (sau đây gọi tắt là Thông tư số 85/2011/TT-BTC); Kho bạc Nhà nước (KBNN) hướng dẫn cụ thể một số điểm như sau:
1. Về việc mở tài khoản chuyên thu tại ngân hàng thương mại để tổ chức phối hợp thu NSNN:
1.1. Phạm vi thực hiện:
a. KBNN được mở tài khoản chuyên thu:
- Đối với Văn phòng KBNN tỉnh, thành phố: Văn phòng KBNN tỉnh, thành phố có số lượng người nộp thuế (NNT) đông (các đối tượng do Cục Thuế hoặc Cục Hải quan quản lý) hoặc hiện đang còn thực hiện phương thức thanh toán bù trừ thủ công với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thì được mở một tài khoản chuyên thu tại một chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) để tổ chức phối hợp thu NSNN.
- Đối với KBNN quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh: Trước mắt, KBNN chưa có chủ trương cho phép các KBNN quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc KBNN tỉnh được mở tài khoản chuyên thu tại chi nhánh NHTM. Sau khi KBNN quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đã triển khai thanh toán điện tử song phương tập trung giữa KBNN với hệ thống NHTM, thì KBNN sẽ có hướng dẫn cụ thể việc mở tài khoản chuyên thu của các KBNN quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.
b. Ngân hàng thương mại nơi KBNN mở tài khoản chuyên thu:
- Văn phòng KBNN tỉnh, thành phố chỉ được mở một tài khoản chuyên thu tại một chi nhánh NHTM nhà nước trên địa bàn để tổ chức thực hiện phối hợp thu NSNN nếu đảm bảo đủ các điều kiện sau:
+ Hệ thống NHTM nhà nước đó đã ký kết thỏa thuận hợp tác thanh toán điện tử song phương tập trung với KBNN.
+ KBNN đã có văn bản chấp thuận cho phép Văn phòng KBNN tỉnh, thành phố được mở tài khoản chuyên thu tại chi nhánh NHTM nhà nước đó.
- Nghiêm cấm các đơn vị KBNN cấp tỉnh, cấp huyện tự ý mở tài khoản chuyên thu tại chi nhánh NHTM khi chưa được sự chấp thuận bằng văn bản của KBNN hoặc mở tài khoản chuyên thu tại các chi nhánh NHTM cổ phần.
1.2. Quy trình mở tài khoản chuyên thu:
- Khi có nhu cầu mở tài khoản chuyên thu, KBNN tỉnh, thành phố có văn bản gửi KBNN nêu rõ lý do và chi nhánh NHTM dự kiến mở tài khoản để KBNN xem xét, quyết định.
- Căn cứ đề nghị của KBNN tỉnh, thành phố, KBNN xem xét và có văn bản trả lời chấp thuận hoặc không chấp thuận việc mở tài khoản chuyên thu của KBNN tỉnh, thành phố.
- KBNN tỉnh, thành phố chỉ thực hiện việc mở và sử dụng tài khoản chuyên thu tại chi nhánh NHTM sau khi đã có văn bản chấp thuận của KBNN.
1.3. Mở và sử dụng tài khoản chuyên thu:
Việc mở và sử dụng tài khoản chuyên thu của KBNN tỉnh, thành phố được thực hiện theo đúng quy định tại điều 3 Thông tư số 85/2011/TT-BTC. Ngoài ra, KBNN hướng dẫn thêm một số điểm như sau:
- Về tài khoản kế toán: Được thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 1 công văn số 1657/KBNN-KTNN ngày 9/9/2011 của KBNN về hướng dẫn mở tài khoản chuyên thu tại các NHTM.
- Về sử dụng tài khoản:
+ Tài khoản chuyên thu của các đơn vị KBNN tại chi nhánh NHTM chỉ được sử dụng để tập trung các khoản thu của NSNN và các khoản ủy nhiệm thu phạt vi phạm hành chính (nếu có); các đơn vị KBNN tuyệt đối không được sử dụng tài khoản này vào các mục đích thanh toán khác.
+ Cuối ngày làm việc, toàn bộ số thu NSNN và thu phạt vi phạm hành chính (nếu có) phát sinh trên tài khoản chuyên thu của Văn phòng KBNN tỉnh, thành phố phải được chuyển về tài khoản tiền gửi của Văn phòng KBNN tỉnh, thành phố tại chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đảm bảo đến cuối ngày làm việc thì tài khoản chuyên thu của KBNN tại chi nhánh NHTM được KBNN hạch toán có số dư bằng không; trừ các khoản thu nộp NSNN phát sinh sau thời điểm “cut off time” giữa Văn phòng KBNN tỉnh, thành phố và chi nhánh NHTM nơi mở tài khoản chuyên thu thì được chuyền về tài khoản tiền gửi của Văn phòng KBNN tỉnh, thành phố tại chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh vào ngày làm việc kế tiếp.
Trường hợp Văn phòng KBNN tỉnh, thành phố đã tham gia thanh toán điện tử liên ngân hàng và Văn phòng KBNN tỉnh, thành phố không còn tài khoản tiền gửi tại chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thì toàn bộ số phát sinh thu trên tài khoản chuyên thu của Văn phòng KBNN tỉnh, thành phố đến cuối ngày phải được chuyển về tài khoản tiền gửi của Sở Giao dịch KBNN tại Ngân hàng Nhà nước (TW) theo kênh thanh toán điện tử liên ngân hàng.
Trường hợp có các khoản thu nộp NSNN phát sinh trên tài khoản chuyên thu sau thời điểm “cut off time” giữa Văn phòng KBNN tỉnh, thành phố và chi nhánh NHTM nơi mở tài khoản chuyên thu, thì Văn phòng KBNN tỉnh, thành phố phải phối hợp, đối chiếu với chi nhánh NHTM để tính và trả lãi đối với các khoản thu phát sinh sau giờ “cut off time” cho KBNN theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và NHTM (TW) của chi nhánh đó trong từng thời kỳ. Việc theo dõi, quản lý số tiền lãi này được thực hiện theo đúng quy định của KBNN.
- Về hạch toán kế toán:
+ Các khoản thu phát sinh trên tài khoản chuyên thu trước thời điểm “cut off time” và các khoản kết chuyển cuối ngày từ tài khoản chuyên thu của Văn phòng KBNN tỉnh, thành phố về tài khoản tiền gửi của Văn phòng KBNN tỉnh, thành phố tại chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, thì được Văn phòng KBNN tỉnh, thành phố thực hiện hạch toán ngay trong ngày.
+ Các khoản thu phát sinh trên tài khoản chuyên thu sau thời điểm “cut off time” giữa Văn phòng KBNN tỉnh, thành phố với chi nhánh NHTM nơi mở tài khoản, thì được Văn phòng KBNN tỉnh, thành phố thực hiện hạch toán và đối chiếu với chi nhánh NHTM nơi mở tài khoản vào ngày làm việc kế tiếp.
+ Riêng đối với ngày làm việc cuối cùng của năm, thì Văn phòng KBNN tỉnh, thành phố phải phối hợp với chi nhánh NHTM nơi mở tài khoản chuyên thu để đối chiếu khớp đúng, hạch toán kế toán và kết chuyển toàn bộ các khoản thu phát sinh trên tài khoản chuyên thu (kể cả trước và sau thời điểm “cut off time”) về tài khoản tiền gửi của Văn phòng KBNN tỉnh, thành phố ngay trong ngày làm việc cuối cùng của năm.
- Về đối chiếu số liệu cuối ngày giữa KBNN và NHTM nơi mở tài khoản chuyên thu: Được thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 5 công văn này.
- Đối với các đơn vị KBNN tỉnh, thành phố đã được KBNN (TW) cho phép mở tài khoản thu hộ tại NHTM trước khi Thông tư số 85/2011/TT-BTC có hiệu lực, thì KBNN tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức tất toán và chuyển tài khoản thu hộ thành tài khoản chuyên thu; đồng thời, tổ chức quản lý, sử dụng tài khoản chuyên thu theo đúng quy định tại Thông tư số 85/2011/TT-BTC và hướng dẫn tại công văn này.
Hiện nay, KBNN đã chủ trì phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và một số NHTM xây dựng thỏa thuận và quy trình chi tiết về thu, nộp NSNN qua ATM, qua Internet Banking, dịch vụ thu không chờ chấp thuận của NHTM. Khi các NHTM xây dựng xong ứng dụng và triển khai thu NSNN qua ATM hoặc Internet Banking hoặc dịch vụ không chờ chấp thuận, KBNN sẽ có văn bản thông báo cho các KBNN tỉnh, thành phố (nơi NHTM tổ chức thu NSNN qua ATM hoặc Internet Banking hoặc dịch vụ thu không chờ chấp thuận). Để phối hợp triển khai thực hiện thu NSNN qua ATM hoặc Internet Banking hoặc dịch vụ thu không chờ chấp thuận với các NHTM trên địa bàn được thuận lợi, KBNN đề nghị KBNN các tỉnh, thành phố phối hợp thực hiện một số nội dung công việc sau:
- Phối hợp với cơ quan thu (Thuế, Hải quan) và chi nhánh NHTM tuyên truyền, giới thiệu với NNT và các cơ quan có liên quan về các hình thức thu NSNN này;
- Phối hợp với cơ quan thu (Thuế, Hải quan) và chi nhánh NHTM xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thu NSNN;
- Tổ chức nhận và đối chiếu thông tin, dữ liệu về số đã nộp NSNN, hạch toán thu NSNN đối với các khoản thu NSNN qua ATM, Internet Banking, dịch vụ thu không chờ chấp thuận của chi nhánh NHTM tương tự như đối với các khoản thu NSNN phát sinh tại các chi nhánh, điểm giao dịch của chi nhánh NHTM.
3. Phối hợp thu ngân sách nhà nước các khoản thu liên quan đến nhà, đất:
Trường hợp KBNN, cơ quan Thuế và NHTM (nơi KBNN mở tài khoản) đã thống nhất thực hiện việc ủy nhiệm cho NHTM thu các khoản thu từ người sử dụng đất khi thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến nhà, đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, lệ phí trước bạ và các khoản thu khác nếu có) thì NHTM có trách nhiệm tổ chức thu các khoản thu này. KBNN (nơi ủy nhiệm) có trách nhiệm hướng dẫn chi nhánh NHTM (nơi nhận ủy nhiệm) thực hiện việc thu các khoản thu này theo đúng quy định. Chương trình thu NSNN do NHTM tự phát triển (TCS-NHTM) phải có màn hình nhập chứng từ để nhập đầy đủ các thông tin của các loại chứng từ được ủy nhiệm thu. Quy trình thu được thực hiện cụ thể như sau:
- Người nộp tiền mang Thông báo nộp tiền của cơ quan Thuế đến chi nhánh NHTM theo địa chỉ, thời hạn nộp tiền ghi trong Thông báo nộp tiền để làm thủ tục nộp tiền vào NSNN.
- Căn cứ vào Thông báo nộp tiền, cán bộ của chi nhánh NHTM vào chương trình TCS-NHTM nhập đầy đủ các thông tin trên Thông báo nộp tiền vào chương trình TCS-NHTM và làm thủ tục thu tiền mặt từ người nộp (hoặc trích tài khoản của người nộp) để chuyển vào tài khoản của KBNN mở tại chi nhánh NHTM (chi nhánh NHTM không yêu cầu người nộp lập Bảng kê nộp thuế); sau đó, in 02 liên giấy nộp tiền vào NSNN, ký, đóng dấu lên các liên chứng từ (01 liên lưu tại chi nhánh NHTM để làm chứng từ hạch toán và lưu cùng Thông báo nộp tiền; 01 liên trả cho người nộp) và xử lý các bước tiếp theo tương tự như việc thu NSNN bằng Bảng kê nộp thuế quy định tại tiết a điểm 1.1 khoản 1 Điều 5 Thông tư số 85/2011/TT-BTC
- Trường hợp người nộp thuế đến làm thủ tục nộp tiền quá ngày phải nộp tiền ghi trên Thông báo nộp tiền của cơ quan Thuế, thì NHTM có trách nhiệm: thu tiền theo Thông báo nộp tiền của cơ quan Thuế; đồng thời, ghi rõ nội dung trên liên chứng từ thu tiền trả cho người nộp thuế “Người nộp tiền chưa thực hiện nộp tiền phạt chậm nộp theo quy định” và đề nghị người nộp thuế liên hệ với cơ quan Thuế để cơ quan Thuế xử lý theo quy định.
4. Về việc ủy nhiệm thu phạt hành chính bằng biên lai thu:
4.1. Phạm vi thực hiện: Văn phòng KBNN tỉnh, thành phố (đối với các tỉnh, thành phố được mở tài khoản chuyên thu tại NHTM), phòng Giao dịch và KBNN quận, huyện, thành phố, thị xã trực thuộc KBNN tỉnh, thành phố thực hiện việc ủy nhiệm thu phạt vi phạm hành chính bằng biên lai thu cho chi nhánh NHTM nơi mở tài khoản và đã tổ chức triển khai phối hợp thu NSNN đảm nhận.
Trường hợp KBNN đã ký văn bản thỏa thuận phối hợp thu NSNN với chi nhánh NHTM nơi mở tài khoản, song chưa có nội dung về ủy nhiệm thu phạt vi phạm hành chính bằng biên lai thu, thì KBNN tổ chức ký bổ sung nội dung này.
4.2. Nguyên tắc thực hiện: KBNN (nơi ủy nhiệm) và chi nhánh NHTM (nơi nhận ủy nhiệm) thực hiện đầy đủ các nguyên tắc về việc ủy nhiệm thu phạt vi phạm hành chính bằng biên lai thu quy định tại Điều 3 và Điều 8 Thông tư 85/2011/TT-BTC.
4.3. Phương thức thực hiện: Việc ủy nhiệm thu phạt vi phạm hành chính bằng biên lai thu cho chi nhánh NHTM được thực hiện theo hai phương thức: sử dụng biên lai thu phạt được lập thủ công và sử dụng biên lai thu phạt được lập và in từ chương trình TCS-NHTM. Trong đó, phương thức sử dụng biên lai thu phạt được lập và in từ chương trình TCS-NHTM chỉ được thực hiện khi đảm bảo đối chiếu được số liệu giữa KBNN với cơ quan ra quyết định xử phạt. Giám đốc KBNN tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, khả năng đáp ứng của chi nhánh NHTM và khả năng đối chiếu số liệu thu phạt vi phạm hành chính giữa KBNN, chi nhánh NHTM và các cơ quan ra quyết định xử phạt hành chính trên địa bàn để quyết định phương thức ủy nhiệm thu phạt vi phạm hành chính bằng biên lai thu được lập thủ công hay được lập và in từ chương trình TCS-NHTM thống nhất trên địa bàn, đảm bảo việc ủy nhiệm thu phạt vi phạm hành chính bằng biên lai thu được an toàn và thuận lợi.
4.4. Quy trình thực hiện:
- Đối với ủy nhiệm thu phạt vi phạm hành chính bằng biên lai thu được lập thủ công: KBNN (nơi ủy nhiệm) ký hợp đồng ủy nhiệm thu phạt và giao biên lai thu phạt (loại biên lai thu không in sẵn mệnh giá, khi sử dụng phải viết tay) cho chi nhánh NHTM (nơi nhận ủy nhiệm) để tổ chức thu tiền từ người nộp phạt. Quy trình thu phạt vi phạm hành chính bằng biên lai thu được thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục số 01 kèm theo công văn này.
- Đối với ủy nhiệm thu phạt vi phạm hành chính bằng biên lai thu được lập và in từ chương trình TCS-NHTM: KBNN (nơi ủy nhiệm) ký hợp đồng ủy nhiệm thu phạt và cho phép chi nhánh NHTM (nơi nhận ủy nhiệm) được in biên lai thu từ chương trình TCS-NHTM để tổ chức thu tiền từ người nộp phạt. Quy trình thu phạt vi phạm hành chính bằng biên lai thu được lập và in từ chương trình TCS-NHTM được thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục số 01 kèm theo công văn này.
4.5. Trách nhiệm của các bên:
a. Kho bạc Nhà nước:
- KBNN nơi ủy nhiệm ký hợp đồng ủy nhiệm thu phạt vi phạm hành chính và giao biên lai thu cho chi nhánh NHTM nơi nhận ủy nhiệm (trường hợp sử dụng biên lai thu được lập thủ công) để tổ chức thu tiền từ người nộp; đồng thời, có trách nhiệm hướng dẫn chi nhánh NHTM tuân thủ đúng chế độ quản lý, sử dụng, quyết toán biên lai thu phạt vi phạm hành chính của Bộ Tài chính và các quy định trong hợp đồng ủy nhiệm với KBNN.
- KBNN tỉnh, thành phố có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan liên quan (Công an, Thanh tra giao thông…) trên địa bàn biết chủ trương ủy nhiệm thu phạt vi phạm hành chính bằng biên lai thu cho chi nhánh NHTM, thời gian và địa điểm tổ chức thu phạt của các chi nhánh NHTM đã nhận ủy nhiệm để các cơ quan này thông báo cho người vi phạm biết các địa điểm nộp phạt và chấp nhận các chứng từ thu nộp tiền phạt từ các chi nhánh NHTM (nơi được KBNN ủy nhiệm thu); đồng thời, phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh có liên quan.
- Trường hợp KBNN đã ủy nhiệm thu phạt vi phạm hành chính bằng biên lai thu cho chi nhánh NHTM đảm nhận, song người nộp phạt vẫn đến KBNN để nộp phạt, thì KBNN vẫn tổ chức thu tiền để tạo thuận lợi cho người nộp phạt.
- Thường xuyên tổ chức đối chiếu, đảm bảo khớp đúng số liệu về thu phạt vi phạm hành chính (tổng số món, số tiền từng món, tổng số tiền) giữa KBNN (nơi ủy nhiệm), chi nhánh NHTM (nơi nhận ủy nhiệm) và các cơ quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (chi tiết theo từng cơ quan ra quyết định xử phạt).
Định kỳ, KBNN in 02 liên bảng tổng hợp thu phạt từ chương trình TCS để tổng hợp các khoản thu phạt vi phạm hành chính bằng biên lai thu phát sinh trong kỳ (bao gồm cả số thu phạt vi phạm hành chính thực hiện tại KBNN và số thu phạt vi phạm hành chính thực hiện tại chi nhánh NHTM nhận ủy quyền), chi tiết theo cơ quan ra quyết định xử phạt và loại hình thu; KBNN lưu 01 liên, 01 liên gửi cơ quan ra quyết định xử phạt để đối chiếu. Trên bảng tổng hợp thu tiền phạt ghi rõ thời hạn cơ quan ra quyết định xử phạt phải có văn bản xác nhận kết quả đối chiếu; nếu quá thời hạn quy định, thì coi như cơ quan ra quyết định xử phạt thống nhất với số liệu thu phạt vi phạm hành chính mà KBNN đã gửi để đối chiếu.
b. Ngân hàng thương mại:
- Tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về giao nhận, quản lý, sử dụng, quyết toán biên lai thu của Bộ Tài chính (đối với trường hợp thực hiện ủy nhiệm thu phạt vi phạm hành chính bằng biên lai thu được lập thủ công) và các điều khoản trong hợp đồng ủy nhiệm thu phạt vi phạm hành chính bằng biên lai thu với KBNN.
- Đảm bảo đầy đủ các điều kiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ để tổ chức việc ủy nhiệm thu phạt vi phạm hành chính bằng biên lai thu được thuận lợi và an toàn.
- Hạch toán toàn bộ số tiền đã thu phạt ngay trong ngày có phát sinh giao dịch vào tài khoản của KBNN theo đúng quy định tại Thông tư số 85/2011/TT-BTC; đồng thời, chuyển toàn bộ thông tin, dữ liệu về việc thu phạt vi phạm hành chính cho KBNN cùng với thông tin, dữ liệu về thu NSNN.
- Chi nhánh NHTM không thu phí đối với các khoản thu phạt vi phạm hành chính bằng biên lai thu được KBNN ủy nhiệm.
- Định kỳ theo thỏa thuận, chi nhánh NHTM (nơi nhận ủy nhiệm) làm thủ tục quyết toán biên lai với KBNN (đối với trường hợp ủy nhiệm thu phạt vi phạm hành chính bằng biên lai thu được lập thủ công) theo chế độ quy định.
Việc đối chiếu dữ liệu cuối ngày giữa KBNN với chi nhánh NHTM nơi KBNN mở tài khoản và tổ chức phối hợp thu được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư số 85/2011/TT-BTC và hướng dẫn tại điểm 3 công văn số 1657/KBNN-KTNN ngày 09/9/2011 của KBNN về đối chiếu số liệu tài khoản chuyên thu. Ngoài ra, KBNN hướng dẫn thêm một số điểm về việc đối chiếu và hạch toán các khoản thu phát sinh sau thời điểm “cut off time” như sau:
- Đối với ngày giao dịch thông thường (ngày giao dịch không phải là ngày cuối tháng hoặc cuối năm): Khoản thu phát sinh sau thời điểm “cut off time” được chi nhánh NHTM hạch toán vào tài khoản của KBNN ngay trong ngày có phát sinh. Chi nhánh NHTM có trách nhiệm gửi bảng sao kê chi tiết về số phát sinh sau giờ “cut off time” và đối chiếu với KBNN vào ngày giao dịch kế tiếp. Dữ liệu và chứng từ do chi nhánh NHTM gửi KBNN phải đảm bảo tách bạch rõ số phát sinh sau thời điểm “cut off time” của ngày hôm trước và số phát sinh của ngày hôm sau. KBNN hạch toán số phát sinh thu NSNN tại chi nhánh NHTM sau thời điểm “cut off time” của ngày hôm trước vào ngày làm việc hôm sau.
- Đối với ngày giao dịch cuối tháng (trừ ngày giao dịch cuối năm): Khoản thu sau giờ “cut off time" được chi nhánh NHTM hạch toán và đối chiếu với KBNN vào ngày làm việc đầu tiên của tháng kế tiếp. KBNN đối chiếu và hạch toán khoản thu sau giờ “cut off time” này vào ngày làm việc đầu tiên của tháng kế tiếp.
- Đối với ngày giao dịch cuối năm: Cả KBNN và chi nhánh NHTM phải cùng phối hợp để đối chiếu khớp đúng và hạch toán toàn bộ các khoản thu kể cả trước và sau giờ “cut off time” vào ngay trong ngày làm việc cuối cùng của năm, đảm bảo số liệu phát sinh của cả hai bên khớp đúng.
6. Về cách xác định mục lục NSNN trên Bảng kê nộp thuế và lưu chứng từ:
- Để tạo điều kiện thuận lợi cho NNT trong việc nộp tiền vào NSNN, Bảng kê nộp thuế theo mẫu số 01/BKNT ban hành kèm theo Thông tư số 85/2011/TT-BTC không ghi mục lục NSNN (chương, tiểu mục) mà chỉ ghi nội dung khoản nộp. Vì vậy, khi thực hiện lập giấy nộp tiền vào NSNN, KBNN căn cứ vào thông tin về số phải thu NSNN do cơ quan Thuế hoặc Hải quan chuyển sang trên chương trình TCS và nội dung khoản nộp do NNT kê khai trên Bảng kê nộp thuế để tự xác định mục lục NSNN của khoản nộp và hạch toán thu NSNN.
- Đối với các khoản tiền thuế, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế do cơ quan thuế nội địa quản lý thu được nộp trực tiếp tại KBNN: Trường hợp chưa xác định được mục lục NSNN, thì tại chương trình TCS, kế toán hạch toán vào tài khoản chờ xử lý các khoản thu chưa đủ thông tin hạch toán thu NSNN theo mã chương 000 (hoặc mã chương do cơ quan thu chuyển sang trên chương trình TCS nếu có) và mã tiểu mục 0000 để lập giấy nộp tiền vào NSNN và làm thủ tục thu tiền từ NNT; sau đó, xử lý theo quy định của Bộ Tài chính và hướng dẫn của KBNN (công văn số 8326/BTC-TCT ngày 24/6/2011 và công văn số 1340/KBNN-KTNN ngày 29/7/2011).
- Đối với các khoản các khoản tiền thuế, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế do cơ quan thuế nội địa quản lý thu do ngân hàng chuyển về: Trường hợp chưa có thông tin về mục lục NSNN hoặc mục lục NSNN không chính xác, thì tại chương trình TCS, kế toán hạch toán vào tài khoản chờ xử lý các khoản thu chưa đủ thông tin hạch toán thu NSNN theo mục lục NSNN do ngân hàng xác định (đối với khoản thu ngân hàng đã xác định mục lục NSNN song không chính xác) hoặc mã chương 000 và mã tiểu mục 0000 (đối với các khoản thu NSNN mà ngân hàng chưa xác định thông tin về mục lục NSNN); sau đó, xử lý theo quy định của Bộ Tài chính và hướng dẫn của KBNN (công văn số 8326/BTC-TCT ngày 24/6/2011 và công văn số 1340/KBNN-KTNN ngày 29/7/2011).
- Khi kết xuất chứng từ các khoản thu được theo dõi trên tài khoản chờ xử lý các khoản thu chưa đủ thông tin hạch toán thu NSNN từ chương trình TCS vào TABMIS, thì KBNN để trống thông tin mục lục NSNN.
- Đối với các khoản thu NSNN trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu được hạch toán vào tài khoản tạm thu (đối với các khoản tiền thuế của nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, hàng tạm nhập-tái xuất, hàng tạm xuất-tái nhập, …) hoặc tài khoản tạm giữ (đối với các khoản tạm giữ chờ xử lý theo quy định của pháp luật, tiền thu về bán hàng hóa tồn đọng trong kho ngoại quan, …) của cơ quan Hải quan, nếu có thông tin về mục lục NSNN (do cơ quan thu chuyển sang trên chương trình TCS), thì KBNN (hoặc chi nhánh NHTM) phải phản ánh thông tin này trên chương trình TCS để truyền thông tin lại cho cơ quan Hải quan.
- Cán bộ KBNN khi thực hiện thu tiền từ NNT phải ký trên Bảng kê nộp thuế (trường hợp thu bằng tiền mặt, thì người ký là thủ quỹ và đóng dấu “Đã thu tiền”; trường hợp thu bằng chuyển khoản, thì người ký là kế toán viên).
- Về lưu giữ chứng từ:
+ Bảng kê giấy nộp tiền vào NSNN (mẫu số C1-06/NS) nhận được từ chi nhánh ngân hàng thương mại nơi tổ chức phối hợp thu NSNN được lưu kèm Bảng kê chứng từ nộp ngân sách (mẫu số 04/BK-CTNNS) và đóng vào tập chứng từ hàng ngày.
+ Trường hợp KBNN trực tiếp thu theo Bảng kê nộp thuế, thì Bảng kê nộp thuế được lưu kèm 01 liên giấy nộp tiền vào NSNN (mẫu C1-02/NS hoặc C1-03/NS) được in từ chương trình TCS và Bảng kê chứng từ nộp ngân sách (mẫu số 04/BK-CTNNS) và đóng vào tập chứng từ hàng ngày.
Trên đây là nội dung hướng dẫn một số điểm quy định tại Thông tư số 85/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính. Đề nghị Giám đốc KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, KBNN các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc triển khai thực hiện.
Nơi nhận: | KT. TỔNG GIÁM ĐỐC |
QUY TRÌNH THU PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH BẰNG BIÊN LAI
Trước khi thực hiện, KBNN (nơi ủy nhiệm) ký hợp đồng ủy nhiệm thu phạt vi phạm hành chính và giao biên lai thu (loại biên lai thu phạt không in sẵn mệnh giá, có 04 liên) cho chi nhánh NHTM (nơi mở tài khoản và nhận ủy nhiệm thu phạt vi phạm hành chính) để tổ chức thu tiền phạt từ người nộp phạt; đồng thời, tổ chức hướng dẫn chi nhánh NHTM các chế độ quy định về việc quản lý, sử dụng, quyết toán biên lai thu và việc ủy nhiệm thu phạt vi phạm hành chính của Bộ Tài chính và KBNN.
Quy trình thu phạt vi phạm hành chính bằng biên lai thu lập thủ công được thực hiện như sau:
Bước 1: Căn cứ quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chi nhánh NHTM lập biên lai thu để thu tiền (04 liên) và xử lý các liên biên lai như sau: 01 liên lưu tại chi nhánh NHTM, 01 liên gửi người nộp phạt, 01 liên gửi cơ quan ra quyết định xử phạt (thông qua người nộp phạt), 01 liên lưu cuống để quyết toán biên lai.
Bước 2: Cuối ngày, chi nhánh NHTM nơi được KBNN ủy nhiệm thu tập hợp các biên lai thu đã thu trong ngày (có cùng cơ quan ra quyết định xử phạt và loại hình thu) để lập 02 liên Bảng kê biên lai thu (mẫu số 02/BK-BLT ban hành kèm theo Thông tư số 85/2011/TT-BTC) theo chế độ quy định.
Bước 3: Căn cứ Bảng kê biên lai thu, chi nhánh NHTM vào chương trình TCS-NHTM để lập Giấy nộp tiền vào NSNN từ chương trình TCS-NHTM và hạch toán vào tài khoản của KBNN. Sau đó, in 01 liên Giấy nộp tiền vào NSNN từ chương trình TCS-NHTM để lưu cùng với 01 liên Bảng kê biên lai thu và các liên biên lai thu.
Bước 4: Chi nhánh NHTM kết xuất và truyền đầy đủ dữ liệu về số đã thu NSNN (bao gồm cả số thu phạt vi phạm hành chính) cho KBNN theo quy định; đồng thời, gửi 01 liên Bảng kê biên lai thu và các quyết định xử phạt vi phạm hành chính tương ứng cho KBNN để theo dõi và đối chiếu.
Bước 5: Trên cơ sở dữ liệu về số đã thu NSNN do chi nhánh NHTM chuyển đến, KBNN kiểm tra, đối chiếu với Bảng kê biên lai thu, nếu phù hợp thì thực hiện hạch toán theo chế độ quy định; đồng thời, căn cứ vào Bảng kê biên lai thu (nhận từ chi nhánh NHTM) và Bảng kê biên lai thu do KBNN lập (trường hợp KBNN có thực hiện thu phạt vi phạm hành chính bằng biên lai thu phạt được lập thủ công), KBNN nhập toàn bộ thông tin về số biên lai thu được lập thủ công này vào chương trình TCS để thực hiện việc đối chiếu với cơ quan ra quyết định xử phạt.
Bước 6: Định kỳ, các đơn vị KBNN lập 02 liên Bảng tổng hợp thu phạt từ chương trình TCS để tổng hợp toàn bộ số thu phạt vi phạm hành chính bằng biên lai thu phát sinh trong kỳ (bao gồm cả số thu phạt vi phạm hành chính thực hiện tại KBNN và số thu phạt vi phạm hành chính thực hiện tại chi nhánh NHTM nhận ủy nhiệm thu), chi tiết theo từng cơ quan ra quyết định xử phạt và loại hình thu; KBNN lưu 01 liên, 01 liên gửi cơ quan ra quyết định xử phạt để đối chiếu.
Căn cứ Bảng tổng hợp thu phạt nhận từ KBNN, cơ quan ra quyết định xử phạt thực hiện đối chiếu với các quyết định xử phạt đã được xử lý tại đơn vị (các quyết định phạt vi phạm hành chính đã nhận được biên lai thu từ người nộp phạt), đảm bảo khớp đúng về tổng số quyết định đã được xử lý trong kỳ, tổng số tiền của các quyết định đã được xử lý trong kỳ, số tiền chi tiết của các quyết định đã được xử lý trong kỳ.
- Trường hợp có sai lệch, thì cơ quan ra quyết định xử phạt cần có văn bản thông báo ngay cho đơn vị KBNN để tìm nguyên nhân và biện pháp xử lý, đảm bảo khớp đúng số liệu giữa cơ quan ra quyết định xử phạt (các quyết định xử phạt tại đơn vị) và KBNN.
- Trường hợp số liệu đã khớp đúng, thì cơ quan ra quyết định xử phạt có văn bản xác nhận số liệu đối chiếu với đơn vị KBNN thực hiện thu phạt.
- Trường hợp quá thời hạn đề nghị của KBNN mà cơ quan ra quyết định xử phạt không có văn bản xác nhận đối chiếu số liệu với KBNN, thì coi như cơ quan ra quyết định xử phạt đã thống nhất với số liệu của KBNN thực hiện thu phạt.
Định kỳ theo thỏa thuận, chi nhánh NHTM làm thủ tục quyết toán biên lai thu với KBNN theo quy định.
Trước khi thực hiện, KBNN (nơi ủy nhiệm) ký hợp đồng ủy nhiệm thu phạt và cho phép chi nhánh NHTM (nơi mở tài khoản và nhận ủy nhiệm thu) được in biên lai thu phạt từ chương trình TCS-NHTM để tổ chức thu tiền từ người nộp phạt; đồng thời, tổ chức hướng dẫn chi nhánh NHTM các quy định về việc ủy nhiệm thu phạt vi phạm hành chính của Bộ Tài chính và KBNN.
Quy trình thu phạt vi phạm hành chính bằng biên lai thu lập và in từ chương trình TCS-NHTM được thực hiện như sau:
Bước 1: Căn cứ quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền do người nộp phạt mang đến, chi nhánh NHTM lập và in 03 liên Biên lai thu (Mẫu số C1-10/NS ban hành kèm theo Thông tư số 128/2008/TT-BTC ngày 24/12/2008 của Bộ Tài chính) từ chương trình TCS-NHTM để thu tiền và xử lý các liên Biên lai thu như sau: 01 liên gửi người nộp phạt; 01 liên gửi cơ quan ra quyết định xử phạt (thông qua người nộp phạt); 01 liên lưu tại NHTM.
Bước 2: Cuối ngày, chi nhánh NHTM nơi được KBNN ủy nhiệm thu tập hợp các liên Biên lai đã thu trong ngày có cùng loại hình thu và cùng cơ quan ra quyết định xử phạt để lập và in 02 liên Bảng kê thu tiền phạt (Mẫu 02/BKTP kèm theo Thông tư số 85/2011/TT-BTC) từ chương trình TCS-NHTM.
Bước 3: Căn cứ Bảng kê thu tiền phạt tại chương trình TCS-NHTM, chi nhánh NHTM sử dụng chương trình TCS-NHTM để lập và in 01 liên Giấy nộp tiền vào NSNN (Mẫu số C1-02/NS ban hành kèm theo Thông tư số 85/2011/TT-BTC) để lưu cùng với 01 liên Bảng kê thu tiền phạt; đồng thời, làm thủ tục hạch toán vào tài khoản của KBNN.
Bước 4: Chi nhánh NHTM thực hiện truyền toàn bộ dữ liệu về thu NSNN và thu phạt vi phạm hành chính về cho KBNN theo chế độ quy định (trong đó, phải bao gồm đầy đủ và chi tiết dữ liệu về các Bảng kê thu tiền phạt và Biên lai thu); đồng thời, gửi 01 liên Bảng kê thu tiền phạt kèm theo các quyết định xử phạt vi phạm hành chính tương ứng cho KBNN để theo dõi và đối chiếu.
Trường hợp chi nhánh NHTM nhập sai dữ liệu biên lai thu và được phát hiện sau khi chi nhánh NHTM đã in Biên lai thu, thì chi nhánh NHTM thực hiện như quy trình xử lý giấy nộp tiền vào NSNN bị in sai (quy định tại Điều 10 Thông tư số 85/2011/TT-BTC).
Bước 5: Căn cứ dữ liệu và Bảng kê thu tiền phạt nhận từ chi nhánh NHTM, KBNN kiểm tra, đối chiếu, nếu khớp đúng thì thực hiện hạch toán theo chế độ quy định; đồng thời, lưu Bảng kê thu tiền phạt kèm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính tương ứng do chi nhánh NHTM chuyển tới.
Trường hợp KBNN có thực hiện thu phạt vi phạm hành chính bằng biên lai thu được lập thủ công, thì căn cứ vào Bảng kê biên lai thu, KBNN thực hiện nhập toàn bộ thông tin về số biên lai thu được lập thủ công này vào chương trình TCS để thực hiện việc đối chiếu với cơ quan ra quyết định xử phạt.
Bước 6: Định kỳ, các đơn vị KBNN lập 02 liên bảng tổng hợp thu phạt từ chương trình TCS để tổng hợp toàn bộ số thu phạt vi phạm hành chính bằng biên lai thu phát sinh trong kỳ (bao gồm cả số thu phạt vi phạm hành chính thực hiện tại KBNN và số thu phạt vi phạm hành chính thực hiện tại chi nhánh NHTM nhận ủy nhiệm thu), chi tiết theo từng cơ quan ra quyết định xử phạt và loại hình thu; KBNN lưu 01 liên, 01 liên gửi cơ quan ra quyết định xử phạt để đối chiếu.
Căn cứ Bảng tổng hợp thu phạt nhận từ KBNN, cơ quan ra quyết định xử phạt thực hiện đối chiếu với các quyết định xử phạt đã được xử lý tại đơn vị tương tự như quy định tại Bước 6 mục I Phụ lục này.
- 1Thông tư 85/2011/TT-BTC hướng dẫn quy trình tổ chức phối hợp thu ngân sách nhà nước giữa Kho bạc Nhà nước - Tổng cục Thuế - Tổng cục Hải quan và Ngân hàng thương mại do Bộ Tài chính ban hành
- 2Công văn 8326/BTC-TCT hướng dẫn tất toán tài khoản tạm giữ của cơ quan thuế và quy trình xử lý các khoản nộp chưa đủ thông tin hạch toán thu ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
Công văn 807/KBNN-THPC hướng dẫn Thông tư 85/2011/TT-BTC do Kho bạc Nhà nước ban hành
- Số hiệu: 807/KBNN-THPC
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 19/03/2012
- Nơi ban hành: Kho bạc Nhà nước Trung ương
- Người ký: Tạ Anh Tuấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 19/03/2012
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực