Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 802/BGDĐT-NGCBQLGD
V/v trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Hà Nội, ngày 09 tháng 03 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lai Châu gửi tới sau kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến tại Công văn số 19/BDN ngày 10/01/2022.

Nội dung kiến nghị:

Xem xét, sửa đổi các Thông tư 01, 02, 03, 04 năm 2021 của Bộ về các quy định liên quan đến xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương cho giáo viên đảm bảo công bằng, không bị thiệt thòi cho giáo viên so với trước khi ban hành các Thông tư trên. Vì thực tế hiện nay một số giáo viên làm công tác giảng dạy, giáo viên quản lý lâu năm có bằng cao đẳng, đại học quản lý giáo dục đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn cũ đến nay không được chuyển hạng, xếp lương tương đương số lượng đội ngũ này đông và đang giữ chức vụ quản lý các cơ sở giáo dục, nếu không được thăng hạng không đảm bảo điều kiện bổ nhiệm lại và giải quyết vấn đề này rất khó khăn ở cơ sở. (Câu 11).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cảm ơn sự quan tâm của cử tri tỉnh Lai Châu. Về vấn đề này, Bộ GDĐT xin được trả lời cụ thể như sau:

Bộ GDĐT đã gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Công văn số 336/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 27/01/2022 đề nghị địa phương thực hiện một số nội dung liên quan đến trình độ chuẩn được đào tạo và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Theo đó, về việc bổ nhiệm lại và bổ nhiệm, xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng có bằng cử nhân quản lý giáo dục (không phải bằng cử nhân chuyên ngành đào tạo giáo viên) thì thực hiện như sau:

- Xem xét thực hiện quy trình bổ nhiệm lại cán bộ quản lý trường học đối với Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng có bằng cử nhân quản lý giáo dục (không phải bằng cử nhân chuyên ngành đào tạo giáo viên).

- Sau khi bổ nhiệm lại, Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng phải tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn để đạt trình độ chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.

- Sau khi đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 thì thực hiện bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của Bộ GDĐT.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo được quy định tại các Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT tuân thủ đúng yêu cầu về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tại Điều 72 Luật Giáo dục 2019. Bằng cử nhân chuyên ngành quản lý giáo dục không phải là bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên (theo quy định tại Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10/10/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học thì mã ngành Quản lý giáo dục thuộc nhóm ngành Khoa học giáo dục, không thuộc nhóm ngành Đào tạo giáo viên) và không phải là bằng cử nhân phù hợp với bộ môn giảng dạy tại trường phổ thông nên không thể thay thế cho các bằng cấp đã quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục 2019. Vì vậy, trường hợp Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng có bằng cử nhân quản lý giáo dục (không phải bằng cử nhân chuyên ngành đào tạo giáo viên) phải tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn được đào tạo.

Hiện nay, Bộ GDĐT đang tiến hành sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT để điều chỉnh quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên đáp ứng quy định mới của Chính phủ tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời, rà soát các quy định về bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương nhằm bảo đảm công bằng đối với đội ngũ giáo viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng báo cáo./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Thứ trưởng;
- Văn phòng (để tổng hợp);
- Lưu: VT, NGCBQLGD.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Kim Sơn