Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 7824/BGTVT-KHĐT
V/v Chuẩn bị vay vốn bổ sung cho Dự án Nâng cấp cải tạo mạng lưới đường bộ (Dự án WB4)

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2008

 

Kính gửi: Bộ Kế hoạch đầu tư

Bộ Giao thông vận tải nhận được văn bản số 7455/BKH-KTĐN ngày 13/10/2008 của Bộ KHĐT về việc chuẩn bị vay vốn bổ sung cho các dự án chuẩn bị vay vốn bổ sung của Ngân hàng Thế giới.

Bộ Giao thông vận tải xin báo cáo tình hình triển khai dự án và tiến độ công tác chuẩn bị cho các hạng mục sử dụng vốn bổ sung như sau:

Hiệp định tín dụng Dự án Nâng cấp cải tạo mạng lưới đường bộ (Dự án WB4) đã được ký kết giữa Chính phủ nước CHXH Chủ nghĩa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới ngày 27/5/2004 và chính thức có hiệu lực thi hành từ 25/10/2004. Dự án WB4 bao gồm các các mục tiêu và nội dung cơ bản như sau:

1. Hợp phần A: “Bảo trì mạng lưới đường bộ”

Thực hiện bảo trì khoảng 1.100km các quốc lộ quan trọng trong những năm qua chưa được bảo trì đúng quy định và niên hạn.

2. Hợp phần B: “Nâng cấp mạng lưới đường bộ”

Nâng cấp khoảng 600 km đường quốc lộ quan trọng đã xuống cấp có lưu lượng vận tải lớn yêu cầu phải ưu tiên đầu tư thuộc khu vực miền Bắc Việt Nam từ Quảng Bình trở ra.

3. Hợp phần C: “Tăng cường thể chế”

Tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý đường bộ (Cục Đường bộ Việt Nam, các Khu Quản lý đường bộ và các Sở Giao thông vận tải các tỉnh), đồng thời nghiên cứu đề xuất cơ chế Quỹ đường bộ.

Sau gần bốn năm triển khai thực hiện, bước đầu Dự án đã đạt được những mục tiêu cơ bản và chứng minh được tính hiệu quả, bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, các cơ quan quản lý dự án đã gặp không ít những khó khăn vướng mắc khách quan và chủ quan. Tóm tắt tình hình thực hiện dự án như sau:

1. Tiến độ thực hiện công tác xây lắp

Hợp phần A: “Bảo trì mạng lưới đường bộ” - NPP

Hợp phần “Bảo trì mạng lưới đường bộ” được chia thành các năm chương trình thực hiện đầu tư và các Hợp đồng thí điểm dài hạn về bảo dưỡng đường bộ dựa trên kết quả thực hiện (Hợp đồng PBC).

Trong quá trình triển khai thực hiện, do có sự tăng đột biến về giá cả các loại nguyên, nhiên vật liệu nên nguồn vốn phân bổ trong Hiệp định tín dụng chỉ đủ để thực hiện bảo trì cho 530km đường quốc lộ và bảo dưỡng thí điểm 150km (chỉ chọn tuyến đường còn đang trong tình trạng tốt và không có phát sinh sửa chữa lớn trong vòng 3 năm thực hiện). Tình hình thực hiện các năm chương trình có thể tóm tắt như sau:

+ Chương trình năm thứ nhất bao gồm 7 tiểu dự án với 15 gói thầu với chiều dài tổng cộng là 247km. Đã hoàn thành 11/15 gói. Khối lượng thực hiện 90,5 %, giải ngân gần 80%. Đến nay đã bàn giao được 10/15 gói, sẽ bàn giao 01 gói cuối tháng 10/08 (gói 7).

+ Chương trình năm thứ 2 bao gồm 6 tiểu dự án với 22 gói thầu (trong đó có 1 gói năm thứ nhất đấu thầu lại), tổng chiều dài hơn 175km. Toàn bộ 22 gói đang trong quá trình phê duyệt kết quả đấu thầu để triển khai thi công bắt đầu từ tháng 11/2008.

+ Chương trình năm thứ 3 bao gồm 3 tiểu dự án với 18 gói thầu, tổng chiều dài 117km đang trong quá trình thiết kế và trình duyệt. Dự kiến sẽ ký hợp đồng triển khai thi công trong tháng 12/2008.

+ Các tuyến đường thiếu vốn (Chương trình năm thứ 4) có tổng chiều dài khoảng 380km. Nguồn vốn đề nghị vay bổ sung từ IDA cho các tuyến này khoảng 80 triệu USD. Với các tuyến này Bộ GTVT đang chỉ đạo Cục ĐBVN, Ban QLDA2 khẩn trương tiến hành công tác khảo sát, lập FS và thiết kế kỹ thuật. Dự kiến toàn bộ công tác chuẩn bị sẽ hoàn thành vào giữa tháng 6/2009; công tác thi công sẽ được hoàn thành vào tháng 6/2011.

+ Các Hợp đồng PBC (3 hợp đồng): đã hoàn thành thiết kế và hồ sơ mời thầu cho 302km. Để thực hiện được 302 Km cần bổ sung thêm 15 triệu USD (trong đó vốn vay WB là 14,25 triệu USD). Đây là hợp đồng thí điểm dài hạn về bảo trì lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam, thời hạn hợp đồng tối thiểu là 3 năm. Hiện nay đang vướng về cơ chế thanh toán. Bộ GTVT đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thực hiện để đúc rút kinh nghiệm, nhằm mục đích cải thiện phương pháp quản lý hoạt động duy tu bảo dưỡng đường bộ trong tương lai.

Hợp phần B: “Nâng cấp cải tạo” - NIP

Theo kế hoạch ban đầu, hợp phần nâng cấp sẽ tiến hành nâng cấp khoảng 600km các quốc lộ gồm 18 đoạn tuyến. Trong quá trình thực hiện dự án, do biến động giá cả xăng dầu, nguyên nhiên vật liệu tăng đột biến. Nguồn vốn ban đầu trong Hiệp định tín dụng chỉ đủ thực hiện 10 tuyến đường. Kết quả đến nay đã có 7/10 tuyến (QL48-1, QL48-2, QL48-3, QL47, QL37, QL38B và QL21-2) với tổng chiều dài khoảng 200km đang triển khai thi công; 1 tuyến đường (QL21-1) dài 21km chuẩn bị ký hợp đồng và hai tuyến đường (QL18 và QL39-2) dài 30km đang trong giai đoạn xét thầu.

Tiến độ thực hiện các tuyến đang thi công có thể tóm tắt qua bảng sau

TT gói thầu

Tên đường

Thời gian kết thúc hợp đồng

Giá trị KL thực tế thi công

Tiến độ GPMB đạt

Tiến độ giải ngân đạt

Nhà thầu báo cáo

Tư vấn nghiệm thu

1

QL48-1/2

8/01/2009

30%

28%

100%

15%

2

QL47

31/12/2008 (*)

41%

40%

76%

16%

3

QL48-2

31/01/2009 (*)

45%

43%

90%

33%

4

QL48-3

31/10/2008 (*)

55%

48%

96%

45%

5

QL37

16/9/2009

12%

7,5%

87%

16%

6

QL38B-1

24/3/2010

6%

1%

70%

15%

7

QL38B-2

24/3/2010

15%

1%

84%

15%

8

QL21-2

16/7/2010

2%

1%

92%

20%

Ghi chú: (*) Tiến độ đã được Bộ GTVT cho phép điều chỉnh

+ Với 7/18 tuyến (1 tuyến đã chuyển Chủ đầu tư cho tỉnh Ninh Bình) với chiều dài khoảng 215km đang thiếu vốn đầu tư, Bộ GTVT đã trình Chính phủ các phương án đề nghị WB cho vay vốn bổ sung để hoàn thiện các hạng mục cần thiết của Dự án. Trong 3 phương án trình Chính phủ, Bộ GTVT kiến nghị phương án vay khoảng 230 triệu USD để hoàn thiện bảo trì 350km thuộc Hợp phần NPP và 5/18 tuyến thuộc Hợp phần NIP (QL8B, QL39-1, QL38, QL2C và QL12B), 2/18 tuyến còn lại (QL18 và QL15) kiến nghị chưa đầu tư xây dựng.

+ Đến nay, 5 tuyến kiến nghị nói trên đang được Tư vấn khẩn trương hoàn thành FS, TKKT để trình WB xem xét chấp thuận đưa vào danh mục các tuyến được bổ sung vay vốn đầu tư.

+ Một trong các hạng mục được Chính phủ và WB chấp thuận đưa vào Dự án WB4 là các cầu lớn hơn 25m. Với hạng mục này, Bộ GTVT đang chỉ đạo Cục ĐBVN và Ban QLDA 2 khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị (lập FS, TKKT và đấu thầu) để có thể bắt đầu thi công vào Quý II/2009 để đảm bảo tính đồng bộ của Dự án.

Hợp phần “Tăng cường thể chế” - RSMIBP

Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quản triển khai dự án rà soát kỹ các hạng mục tư vấn trong Hợp phần “Tăng cường thể chế” để tránh trùng lặp, nguyên tắc chỉ triển khai các nghiên cứu, hỗ trợ thực sự cần thiết. Do đó, các hạng mục công việc trong hợp phần tăng cường năng lực như: đào tạo nâng cao năng lực cán bộ quản lý nghành GTVT, nghiên cứu hình thức hợp tác nhà nước - tư nhân… đã và đang được triển khai một cách đồng bộ, có hiệu quả trong dự án.

2. Tiến độ giải ngân

Tính đến 15/10/2008, toàn bộ Dự án đã giải ngân được 1.325,8 tỷ đồng trên tổng số 4.550 tỷ đồng (TMĐT được duyệt) đạt hơn 29%, trong đó vốn trong nước 681 tỷ đồng (49,5%), vốn IDA là 644 tỷ đồng (20,3%).

Theo dự kiến, đến hết tháng 12/2008 do khối lượng hoàn thành có giá trị lớn nên phần vốn IDA sẽ giải ngân được khoảng 30%.

Chi tiết giải ngân Dự án WB4 được thể hiện qua bảng sau:

Tóm tắt tình hình giải ngân Dự án WB4

Đơn vị tính: Tỷ đồng

Hợp phần

Tổng được duyệt

Giải ngân

Tổng

IDA

Đối ứng

Tổng số

Vốn IDA

Vốn đối ứng

Tiền

%

Tiền

%

Tiền

%

NPP và RSMIBP

1,913.0

1,350.0

563.0

406.8

21.3%

295.0

21.9%

111.1

19.7%

NIP

2,637.8

1,826.0

811.8

919.0

34.8%

349.0

19.1%

570.0

70.2%

Tổng

4,550.80

3,176.00

1,374.80

1,325.77

29.1%

644.00

20.3%

681.08

49.5%

3. Khó khăn vướng mắc

Trong quá trình thực hiện, các cơ quan quản lý dự án đã gặp phải không ít những khó khăn, vướng mắc khách quan và chủ quan, đặc biệt đối với giai đoạn đầu thực hiện dự án, cụ thể như:

Đây là một trong những dự án phức tạp, gồm nhiều hợp phần, đầu tư theo chương trình hàng năm, lần đầu tiên triển khai trong lĩnh vực giao thông ở Việt Nam nên các đơn vị triển khai dự án và các cơ quan hữu quan còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Một số quy định, yêu cầu của WB là rất mới nên phía các cơ quan quản lý dự án đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Trong quá trình thực hiện dự án có nhiều thay đổi về cơ chế chính sách. Công tác TKKT, lập dự toán, quản lý chi phí đầu tư xây dựng có sự thay đổi, cơ chế thực hiện chuyển tiếp chưa thực sự phù hợp...

Công tác GPMB rất phức tạp (nhất là đối với Hợp phần NIP) do công tác quản lý đất đai của các địa phương thực hiện chưa tốt.

Có rất ít Nhà thầu tham gia đấu thầu, đặc biệt với các gói thầu giá trị trên 10 triệu USD. Do dự án này chỉ cho phép các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp không trực thuộc Bộ GTVT được tham gia đấu thầu, các nhà thầu này thường không đủ về kinh nghiệm theo yêu cầu của WB (đặc biệt là về công trình tương tự). Các nhà thầu nước ngoài ít tham gia (có thể do các gói thầu này đơn giản về mặt kỹ thuật, công nghệ, sử dụng nhiều nhân công và vật liệu trong nước nên Nhà thầu nước ngoài khó có ưu thế). Bộ GTVT đã nhiều lần đề nghị chia nhỏ các gói thầu hoặc hạ tiêu chí đánh giá năng lực nhưng không được WB chấp thuận. Chỉ khi sơ tuyển không thành công, WB mới cho phép hạ tiêu chí. Điều này dẫn đến quá trình chuẩn bị dự án kéo dài.

Trong thời gian qua, trước những biến động lớn về giá sắt thép, nguyên, vật liệu, giá xăng dầu đã có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình triển khai dự án. Việc biến động giá dẫn đến giá dự thầu của nhà thầu không đảm bảo hiệu quả kinh tế, cách tính trượt giá theo công thức trong Hợp đồng không bù đắp nổi sự biến động giá cả như trên. Các hợp đồng thuộc hợp phần bảo trì năm thứ nhất triển khai từ năm 2006 không được điều chỉnh giá, vì vậy các nhà thầu gặp nhiều khó khăn về tài chính dẫn đến tiến độ dự án bị kéo dài.

4. Kế hoạch thực hiện trong thời gian tới

Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã kiện toàn lại Ban Chỉ đạo thực hiện dự án WB4, những khó khăn vướng mắc nêu trên đã cơ bản được tháo gỡ. Đến nay, tất cả các gói thầu xây lắp trong dự án đã cơ bản hoàn tất giai đoạn đấu thầu. Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị thực hiện dự án hoàn thành giai đoạn thi công các hợp đồng xây lắp trong năm 2010 như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 254/TTg-CN ngày 19/2/2008. Trong đó:

Đối với hợp phần bảo trì:

+ Hoàn thành bàn giao 14/15 gói thầu xây lắp năm thứ nhất trong tháng 12/2008 (trừ gói 1 đấu thầu lại sẽ thực hiện trong chương trình năm thứ 2);

+ Hoàn thành thi công toàn bộ các gói thầu năm thứ 2 và thứ 3 (tổng cộng 37 gói thầu) vào tháng 9/2010;

+ Các tuyến đường thiếu vốn đề nghị vay bổ sung sẽ hoàn thành thi công vào cuối tháng 6 năm 2011;

+ Đối với 3 hợp đồng PBC sẽ triển khai thi công vào tháng 1/2009, hoàn thành vào tháng 12/2011.

Đối với hợp phần nâng cấp:

+ Hoàn thành thi công 10 tuyến đủ vốn (QL48-1, QL48-2, QL48-3, QL47, QL37, QL38B, QL21-1, QL21-2, QL18 và QL39-2) trước 31/12/2010.

+ Các tuyến thiếu vốn và các cầu lớn hơn 25m, Bộ GTVT chỉ đạo các Đơn vị liên quan hoàn thành trước thời điểm WB quy định là tháng 6/2011.

(Có bảng chi tiết về tiến độ thực hiện đính kèm theo văn bản)

Trên đây là tóm tắt về tình hình thực hiện Dự án WB4, Bộ GTVT mong nhận được sự phối hợp của Quý Bộ trong việc thảo luận, đàm phán với WB về việc bổ sung tài chính cho Dự án trong năm tài khóa 2009 (vào tháng 3/2009).

 

 

Nơi nhận:
Như trên;
Bộ trưởng Bộ GTVT (báo cáo);
Bộ Tài chính;
Ngân hàng NNVN;
Cục ĐBVN; Ban QLDA 2;
Lưu: VT, KHĐT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hồng Trường