Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7418/BNN-TCTL
V/v kiểm tra, đánh giá an toàn các hồ chứa nước thủy lợi

Hà Nội, ngày 15 tháng 09 năm 2014

 

Kính gửi: Bộ Xây dựng

Theo đề nghị tại văn bản số 1392/BXD-GĐ ngày 23/6/2014 của Bộ Xây dựng về việc kiểm tra, đánh giá an toàn của các hồ chứa trên toàn quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp kết quả đánh giá mức độ an toàn đập của các hồ chứa thủy lợi trong phạm vi kiểm tra (hồ chứa có dung tích trữ từ 3,0 triệu m3 trở lên hoặc đập có chiều cao từ 15 m đến dưới 50m) như sau:

I. ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG AN TOÀN ĐẬP

1. Phạm vi hồ chứa kiểm tra

1.1. Số lượng

Trên phạm vi cả nước, số lượng hồ có dung tích trữ từ 3,0 triệu m3 nước trở lên hoặc đập có chiều cao từ 15m đến dưới 50m là 559 hồ chứa.

1.2. Phân loại đập theo kết cấu

- Đập bê tông trọng lực: 3 hồ (Định Bình, Tân Giang, Lòng Sông).

- Đập đất đá hỗn hợp: 1 hồ (Sông Quao).

- Đập đất: 555 hồ.

2. Kết quả kiểm tra, đánh giá

2.1. Hiện trạng đập, hồ chứa thủy lợi

a) Đánh giá chung

Hầu hết các đập của hồ chứa thủy lợi là đập đất (trừ một số đập của các hồ mới xây dựng trong những năm gần đây). Các hồ chứa xây dựng sau năm 2000 được thiết kế ở mức đảm bảo an toàn. Các hồ chứa xây dựng trước năm 2000, sau một thời gian khai thác vận hành đến nay nhiều hồ bị xuống cấp, tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn.

Trong những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các hồ chứa có dung tích trên 10 triệu m3 và nhiều hồ chứa nước có dung tích từ 3 triệu m3 trở lên. Nhìn chung, các hồ chứa có dung tích trên 10 triệu m3 bảo đảm an toàn chống lũ theo tiêu chuẩn thiết kế.

b) Thống kê số lượng các đập có biểu hiện thấm, nứt, sạt trượt mái đập, xói lở hạ lưu và các hiện tượng bất thường khác

Các hư hỏng xảy ra chủ yếu là đập bị thấm, biến dạng mái đập, thân tràn xả lũ bị xói lở bào mòn, thân cống bị hư hỏng, một số các hư hỏng khác được thống kê cụ thể như sau:

Hiện trạng đập:

- Có hiện tượng nứt đập: 22 đập;

- Tình trạng thấm: Thấm nhẹ 140 đập, thấm nặng 11 đập;

- Biến dạng mái đập: Mức độ nhẹ 61 đập, mức nặng 10 đập;

Các hồ chứa cần lưu ý về tình trạng mất an toàn đập gồm:

Đập bị thấm ở mức độ mạnh: Nà Vàng, Ngòi Là 2 (Tuyên Quang); Khuôn Ping, Bản Cưởm (Lạng Sơn); Nước Xanh (Hà Tĩnh); Hóc Cơ (Quảng Ngãi); Đạ Tẻ (Lâm Đồng); Buôn Triết (ĐắkLắk).

Mái đập bị biến dạng tại các hồ: Trục Hồ, Khuôn Ping (Lạng Sơn); Đá Vách, An Long (Quảng Nam); Sông Quao (Bình Thuận); Hà Tam (Gia Lai).

Đập bị lún: Làng Thum (Bắc Giang), Hồ Ban (Hòa Bình), Đạ Tẻh (Lâm Đồng), Trà Tân (Bình Thuận).

Hiện trạng tràn xả lũ:

- Tình trạng nứt: 25 tràn;

- Hư hỏng thân tràn: Mức độ nhẹ 70 tràn, mức độ nặng 8 tràn.

- Xói lở tiêu năng: Mức độ nhẹ 48 tràn, mức nặng 11 tràn;

Một số hồ có tràn xả lũ bị hư hỏng như:

Thân tràn bị hư hỏng nặng: Nà Vàng, Ngòi Là 2 (Tuyên Quang); Khe Vải (Yên Bái); Khuôn Ping (Lạng Sơn); Đát Ban (Phú Thọ); Hồ Rả (Hòa Bình); Hóc Cơ (Quảng Ngãi).

Xói lở hạ lưu: Chúc Bài Sơn (Quảng Ninh), Buôn Triết (Đắk Lắk), Sông Sắt (Ninh Thuận).

Hiện trạng cống lấy nước:

- Tình trạng lún: Có vết cũ 21 cống.

- Hư hỏng thân cống: Hỏng nhẹ 45 cống, mức độ nặng 13 cống.

- Hư hỏng tháp cống, dàn van: Mức độ nhẹ 66 cống, mức độ nặng 12 cống.

Các hồ chứa nước có cống bị hư hỏng nặng gồm:

Hư hỏng thân cống: Hồ Ban, Bãi Bông (Hòa Bình); Bản Cưởm, Kỳ Nà (Lạng Sơn); Liệt Sơn (Quảng Ngãi); Đạ Tẻh (Lâm Đồng); Ea Uy (Đắk Lắk).

Cửa van cống lấy nước bị rò rỉ, không kín nước: Khe Chè (Quảng Ninh); Chúc Bài Sơn, Kỳ Nà (Lạng Sơn); Khuôn Thần (Bắc Giang); Xạ Hương (Vĩnh Phúc); Thọ Sơn (Thừa Thiên Huế).

2.2. Công tác quan trắc đập

Hầu hết các hồ chứa thủy lợi lớn đã được lắp đặt thiết bị quan trắc lún, thấm, có 12 hồ thủy lợi được lắp đặt thiết bị giám sát vận hành gồm các hồ: Yên Lập (Quảng Ninh), Cấm Sơn (Bắc Giang), Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), Sông Rác (Hà Tĩnh), Cửa Đạt (Thanh Hóa), Phú Ninh (Quảng Nam), Rào Đá (Quảng Bình), Định Bình (Bình Định), Núi Một (Bình Định), Đá Bàn (Khánh Hòa), Ea Soup thượng (Đắk Lắk), Dầu Tiếng (Tây Ninh). Tuy nhiên, các thiết bị được lắp đặt chủ yếu là các thiết bị giám sát phục vụ vận hành công trình, các thiết bị giám sát an toàn công trình được lắp đặt không nhiều.

2.3. Về năng lực chống lũ và công tác quản lý vận hành công trình

a) Đánh giá khả năng chống lũ theo QCVN 04-05:2012/BNNPTNT

Hầu hết các hồ chứa thủy lợi được xây dựng từ những năm 1990 trở về trước chưa được kiểm tra, nâng cấp theo tiêu chuẩn mới, trừ một số hồ chứa mới được sửa chữa, nâng cấp trong những năm gần đây, như: Núi Cốc (Thái Nguyên), Đại Lải (Vĩnh Phúc), Vĩnh Trinh (Quảng Nam).

Các hồ chứa chưa được nâng cấp tiêu chuẩn chống lũ có nguy cơ mất an toàn nếu trong lưu vực có mưa, lũ lớn vượt tần suất thiết kế của hồ, như: Xạ Hương (Vĩnh Phúc), Khe Chè (Quảng Ninh), Đồng Tròn (Phú Yên), Buôn Triết (Đắk Lắk), Đạ Tẻ (Lâm Đồng). Các sự cố có khả năng xảy ra như: tràn xả lũ không đủ năng lực xả lũ gây xói lở hạ lưu, hư hỏng thân tràn; lũ tràn qua đỉnh đập gây xói lở mái đập và vỡ đập. Kết quả kiểm tra có 214/559 hồ chứa chưa được nâng cấp năng lực chống lũ theo quy định hiện tại, chiếm 38%.

b) Tình hình thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập

Theo các quy định tại Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 7/5/2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập (Nghị định 72/CP) và các văn bản khác có liên quan, chủ đập phải thực hiện một số công việc chính để bảo đảm an toàn hồ chứa nước. Kết quả kiểm tra việc thực hiện như sau:

- Đăng ký an toàn đập: đã thực hiện 559/559 hồ.

- Kiểm định an toàn đập, hoặc kiểm tra dòng chảy hồ: đã thực hiện 270/559 hồ.

- Phương án phòng, chống lụt, bão cho công trình đầu mối: đã thực hiện 559/559 hồ.

- Quy trình vận hành hồ chứa: 197/559 hồ chứa đã có quy trình vận hành được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép áp dụng.

- Kiểm tra công trình trước và sau mùa lũ: thực hiện đạt gần 100%.

- Phương án phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập: bắt đầu thực hiện ở một số hồ chứa lớn bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới.

Nhìn chung, từ khi Nghị định 72/CP được ban hành, Ủy ban nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố đã quan tâm chỉ đạo các chủ đập thực hiện các nội dung về công tác quản lý an toàn đập. Một số nội dung được các chủ đập thực hiện tương đối tốt, như: kiểm tra hiện trạng công trình trước và sau mùa lũ, xây dựng phương án phòng, chống lụt, bão, xây dựng quy trình vận hành, điều tiết hồ chứa. Tuy nhiên, việc xây dựng phương án phòng, chống úng, ngập vùng hạ du hồ chứa và kiểm định an toàn đập hầu như chưa được các chủ đập thực hiện, nguyên nhân do thiếu kinh phí, vượt quá khả năng chi trả của các chủ đập.

c) Phân cấp quản lý vận hành đập

Công tác quản lý các hồ chứa thủy lợi hiện chủ yếu được giao cho một số tổ chức quản lý (chủ đập) gồm: các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL), Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã, các tổ chức hợp tác dùng nước và một số tổ chức khác. Theo thống kê, các doanh nghiệp KTCTTL hiện được giao quản lý khoảng 900 hồ chứa có dung tích 1,0 triệu m3 nước trở lên (chiếm 13%). Các doanh nghiệp KTCTTL thường có kinh nghiệm, năng lực cán bộ, công nhân đáp ứng yêu cầu, công tác duy tu, bảo dưỡng công trình được quan tâm thường xuyên. Ngoài ra, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam quản lý 122 hồ chứa trên địa bàn các tỉnh Tây nguyên.

Các hồ chứa có dung tích dưới 1,0 triệu m3 chủ yếu do UBND cấp huyện, xã, các Hợp tác xã, tổ chức hợp tác dùng nước quản lý, việc quản lý hồ chứa của các chủ đập này còn thiếu cán bộ kỹ thuật, công nhân có chuyên môn, thiếu kinh phí duy tu bảo dưỡng đập theo quy định hiện hành, nên hồ xuống cấp nhanh.

II. KẾT LUẬN - KIẾN NGHỊ

1. Kết luận

1.1. Đánh giá chung về mức độ bảo đảm an toàn đập và các bất cập trong quản lý vận hành đập

Mức độ đảm bảo an toàn được đánh giá gồm ba nhóm chính như sau:

- Mức đảm bảo an toàn tương đối cao đối với những hồ đã được sửa chữa, nâng cấp đồng bộ và được tính toán theo tiêu chuẩn chống lũ mới.

- Các hồ chứa hư hỏng nhẹ và các hồ chưa được nâng cấp theo tiêu chuẩn chống lũ mới đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi có mưa lũ vượt tần suất.

- Các hồ chứa hư hỏng nặng là các hồ xung yếu có nguy cơ mất an toàn cao, cần có phương án tích nước hạn chế và phương án cứu hộ đập, phương án phòng, chống lụt, bão thích hợp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại khi có sự cố.

1.2. Thống kê số lượng các công trình được kiểm tra, đánh giá theo các mức độ an toàn

- Hồ chứa đảm bảo an toàn vận hành theo năng lực thiết kế: 435 hồ;

- An toàn nhưng có khiếm khuyết, có thể vận hành theo công suất thiết kế nhưng phải sớm khắc phục các khiếm khuyết: 85 hồ;

- An toàn nhưng có khiếm khuyết, phải vận hành dưới công suất thiết kế nhưng phải sớm khắc phục các khiếm khuyết: 39 hồ;

- Hồ không hoạt động vận hành: 0 hồ.

- Chưa đủ điều kiện đánh giá: 0 hồ.

Trong những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau (ODA, trong nước) các hồ chứa được sửa chữa nâng cấp đảm bảo an toàn. Tuy vậy, do số lượng hồ chứa lớn, nên nhiều hồ vẫn chưa được sửa chữa, nâng cấp. Đây là một trong những khó khăn lớn về thực hiện công tác quản lý an toàn công trình.

Các địa phương có nhiều hồ chứa bị hư hỏng hoặc chưa được nâng cấp năng lực chống lũ theo QCVN 04-05: 2012/BNNPTNT bao gồm: Lạng Sơn, Bắc Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Lâm Đồng..v.v.

(Phụ lục kèm theo)

2. Kiến nghị

Để thực hiện tốt công tác quản lý an toàn hồ chứa thủy lợi, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Xây dựng tổng hợp, đề xuất Chính phủ các nội dung sau:

- Rà soát, bổ sung các quy định nhằm tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng hồ chứa, đặc biệt chú trọng quản lý công tác tư vấn; quy định cụ thể điều kiện năng lực và kinh nghiệm của các đơn vị tư vấn: lập quy hoạch, thiết kế, giám sát công trình hồ chứa; nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan thẩm định, thẩm tra;

- Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng liên quan đến kháng chấn động đất trong điều kiện biến đổi khí hậu.

- Các địa phương cần có quy định về việc phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền các cấp trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn đập; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập của các chủ đập trên địa bàn, xử lý kiên quyết đối với các chủ đập không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập; củng cố lực lượng quản lý hồ chứa có đủ năng lực, chuyên môn; tổ chức tốt việc thường xuyên theo dõi, kiểm tra hồ chứa, trước, trong và sau mùa mưa lũ nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để xảy ra sự cố.

- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương trong dự toán ngân sách hàng năm để sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các hồ chứa thủy lợi theo kết quả rà soát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; nghiên cứu, đề xuất nguồn thu ổn định để có kinh phí cho công tác bảo trì, sửa chữa nâng cấp hồ chứa thủy lợi và thực hiện các nội dung về quản lý an toàn đập.

Trên đây là tổng hợp kết quả kiểm tra, đánh giá an toàn các hồ chứa thủy lợi, đề nghị Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- PTTg Hoàng Trung Hải (để b/c);
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính;
- Lưu VT; TCTL

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Văn Thắng

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 7418/BNN-TCTL năm 2014 về kiểm tra, đánh giá an toàn hồ chứa nước thủy lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 7418/BNN-TCTL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 15/09/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Hoàng Văn Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/09/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản