Hệ thống pháp luật

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7375/BKHĐT-KTĐN
V/v Cơ chế thực hiện dự án Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn dựa trên kết qucủa Chính phủ Nhật Bản

Hà Nội, ngày 08 tháng 9 năm 2017

 

Kính gửi:

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bộ Tài chính;
- UBND các tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được công văn số 5125/BNN-HTQT ngày 20/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn dựa trên kết quả” đề xuất sử dụng ODA vốn vay Nhật Bản. Về việc này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin thông báo như sau:

Đối với nội dung Đề xuất dự án, nội dung đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn hoàn toàn thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Theo Luật Ngân sách, nhiệm vụ chi của cấp nào thì cấp đó là chủ quản đầu tư. Đồng thời, nếu Bộ NNPTNT là cơ quan chủ quản chung của dự án, sẽ làm tăng thủ tục hành chính và làm cơ chế thực hiện dự án phức tạp hơn, trong khi hàng năm dự án phải xây dựng dự toán chi ngân sách địa phương từ nguồn vốn nước ngoài, vốn đối ứng; xác định mức dư nợ theo số giải ngân của địa phương để tính mức bội chi của địa phương hàng năm; theo dõi, báo cáo số liệu giải ngân, quyết toán ngân sách. Do đó, việc Bộ NNPTNT đề xuất dự án và dự kiến là cơ quan chủ quản, trong khi vai trò của Bộ đối với Dự án chưa rõ ràng, không phù hợp với quy định về quản lý ngân sách hiện hành.

Về khả năng bố trí vốn đối ứng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Đề xuất dự án: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có các công văn số 2801/BNN-HTQT ngày 4/4/2017 và công văn số 6391/BNN-HTQT ngày 4/8/2017 khẳng định bố trí đủ vốn đối ứng để triển khai dự án. Tuy nhiên, nguồn vốn kế hoạch trung hạn cho các dự án ODA của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (khoảng 2.821 tỷ đồng) đã được xác định và về cơ bản đã được phân bổ hết cho các dự án trong danh mục. Nguồn dự phòng còn lại là khoảng 313 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với nhu cầu cho các dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ quản. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cần bố trí vốn đối ứng cho dự án Quản lý nước Bến Tre sử dụng ODA vốn vay Nhật Bản bắt đầu thực hiện vào năm 2017 (Hiệp định vay vừa ký vào tháng 6/2017, vốn đối ứng khoảng 929 tỷ đồng) cũng như đề xuất dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán sử dụng vốn vay ADB (vốn đối ứng dự kiến khoảng 65 tỷ đồng). Như vậy, phần dự phòng vốn đối ứng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không đủ để đảm bảo vốn đối ứng cho dự án Phát triển nông thôn dựa vào kết quả.

Về cơ chế thực hiện dự án Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn số 1984/BKHĐT-KTĐN gửi các cơ quan liên quan đề nghị có ý kiến chính thức đối với các phương án về cơ chế thực hiện dự án. Các cơ quan liên quan đã có văn bản trả lời (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại công văn số 2801/BNN-HTQT ngày 4/4/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu tại công văn số 518/UBND-NLN ngày 24/3/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tại công văn số 820/UBND-KTN ngày 27/3/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La tại công văn số 999/UBND-KT ngày 5/4/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai tại công văn số 1310/UBND-TH ngày 30/3/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái tại công văn số 575/UBND-NLN ngày 31/3/2017).

Tất cả các tỉnh được xin ý kiến đều thống nhất phương án thực hiện theo phương thức các tỉnh sẽ là cơ quan chủ quản của dự án thực hiện trên địa bàn tỉnh, nguồn vốn của dự án được phân bổ trực tiếp cho tỉnh, đồng thời tỉnh sẽ chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm toàn bộ về quản lý dự án và hiệu quả của dự án. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị phương án thực hiện theo phương thức dự án ô như đề xuất dự án ban đầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (bản sao công văn của các cơ quan liên quan gửi kèm theo).

Về phía nhà tài trợ, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đã bày tỏ quan điểm ủng hộ việc lựa chọn phương án thực hiện các tỉnh là cơ quan chủ quản và trực tiếp quản lý dự án.

Trên cơ sở sự phù hợp của phương thức thực hiện dự án đối với các quy định liên quan (Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Quản lý nợ công, Nghị định 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài), kết quả nội dung các cuộc họp với các cơ quan liên quan và quan điểm của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và kết quả lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan liên quan về cơ chế thực hiện dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thực hiện dự án theo phương thức các tỉnh sẽ là cơ quan chủ quản của dự án thực hiện trên địa bàn tỉnh. Nguồn vốn của dự án được phân bổ trực tiếp cho tỉnh, đồng thời tỉnh sẽ chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm toàn bộ về quản lý dự án và hiệu quả của dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ KTNN;
- Lưu: VT, KTĐN. L11

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Nguyễn Thế Phương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 7375/BKHĐT-KTĐN năm 2017 về cơ chế thực hiện dự án Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn dựa trên kết quả của Chính phủ Nhật Bản do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

  • Số hiệu: 7375/BKHĐT-KTĐN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 08/09/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
  • Người ký: Nguyễn Thế Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/09/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản