Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7352/BTC-CST
V/v sửa đổi thuế nhập khẩu đối với mặt hàng khung gầm đã gắn động cơ, có buồng lái, có tổng trọng lượng có tải trên 20 tấn đến dưới 45 tấn

Hà Nội, ngày 04 tháng 06 năm 2014

 

Kính gửi:

- Bộ Công Thương;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).

Bộ Tài chính nhận được công văn số 49/CV-XNK ngày 12/4/2014 của Công ty Cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ ô tô Nam Việt (gọi tắt là Công ty Nam Việt) kiến nghị về việc xem xét điều chỉnh thuế nhập khẩu ô tô tải trên 20 tấn đến dưới 45 tấn. Về việc này, Bộ Tài chính có ý kiến trao đổi với các Bộ, ngành, Hiệp hội như sau:

I. Kiến nghị của Công ty Nam Việt:

Công ty Nam Việt có trụ sở tại quốc lộ 51, Long Phước, Long Thành, Đồng Nai là nhà phân phối chính thức các dòng xe ô tô thương mại của Huyndai Motor Company (Hàn Quốc) tại Việt Nam.

Từ năm 2012, Công ty nhập khẩu chủ yếu là các loại xe ô tô sát xi có buồng lái, có tổng trọng lượng có tải trên 20 nhưng không quá 45 tấn (được áp mã HS 87042329). Đây là những loại xe ô tô chưa hoàn chỉnh (ô tô chassi có buồng lái) trong nước chưa sản xuất được, nhập khẩu vào Việt Nam cho mục đích đóng mới thành xe ô tô tải hoặc xe chuyên dùng các loại, có mức thuế suất ổn định các năm qua là 15%. Tuy nhiên, tại Biểu thuế Xuất nhập khẩu ban hành kèm theo Thông tư số 164/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính, các mặt hàng này đều bị điều chỉnh thuế suất tăng thêm 5% (từ 15% tăng lên 20%).

Do đây là những loại xe trong nước chưa sản xuất được nên có giá nhập khẩu khá cao. Điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành nhập khẩu, trong khi trong nước chưa có sản phẩm thay thế, đẩy chi phí sản xuất trong nước lên cao. Mặt khác, do hoạt động của một nhà phân phối, Công ty phải đặt hàng với nhà sản xuất từ tháng 09 năm 2013 và đã nhận đặt hàng của các đại lý trong nước từ tháng 09 năm 2013. Do được ổn định giá đầu vào cho năm 2014, nên Công ty đã bán cho các đại lý trong nước với giá ổn định ngay ban đầu của kế hoạch năm và đã nhận tiền cọc cho các đơn hàng trong năm 2014. Theo tính toán của Công ty, riêng phần điều chỉnh tăng thuế theo thông tư 164/2013/TT-BTC lần này, Công ty đã thiệt hại tương đương 74 (bảy mươi bốn tỷ đồng). Đây là thiệt hại doanh nghiệp không thể chịu nổi và đứng trước nguy cơ phá sản.

Để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp, duy trì và phát triển nguồn thu ổn định hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách Nhà nước, Công ty CP SXTMDV Ô Tô Nam Việt kính đề nghị Bộ Tài chính xem xét và điều chỉnh chính sách giảm thuế suất nhập khẩu của các mã hàng 87042329 và 87042369 phù hợp để không làm tăng chi phí sản xuất trong nước và tránh cho Doanh nghiệp trước bờ vực phá sản.

II. Ý kiến Bộ Tài chính:

1. Chính sách thuế nhập khẩu hiện hành đối với mặt hàng xe ô tô sát xi, có buồng lái:

Xe ô tô sát xi có buồng lái là xe ô tô ở dạng chưa hoàn chỉnh. Trên nền xe ô tô sát xi nhập khẩu, doanh nghiệp sẽ tiếp tục lắp ráp thêm một số linh kiện như thùng xe, hoặc các bộ phận chuyên dùng để thành xe tải (xe tải ben, xe tải tự đổ) hoặc xe tải chuyên dùng (xe chở bùn, xe xi téc, xe chở xi măng kiểu bồn...). Theo nguyên tắc phân loại hàng hóa nhập khẩu thì khi doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng xe ô tô sát xi có buồng lái thì sẽ phải phân loại vào mã hàng và thuế suất của xe ô tô nguyên chiếc cùng trọng tải, cùng chủng loại.

Theo đó, trường hợp của công ty Nam Việt nhập khẩu xe ô tô sát xi có buồng lái, có tổng trọng lượng có tải trên 20 tấn nhưng không quá 45 tấn thì sẽ phải áp dụng mã hàng và thuế suất của xe nguyên chiếc cùng tổng trọng lượng (mã hàng 8704.23.29 của xe tải nguyên chiếc trên 20 tấn đến 24 tấn và mã hàng 8704.23.69 của xe tải trên 24 tấn đến 45 tấn). Cụ thể cam kết WTO, khung thuế suất của UBTVQH, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các FTA đối với xe ô tô tải nguyên chiếc thuộc mã hàng 8704.23.29 và 8704.23.69 năm 2014 như sau:

Mã hàng

Mô tả hàng hóa

Cam kết WTO 2014

Khung thuế suất

Thuế suất MFN 2014

ATIGA

ASEAN-Trung Quốc

ASEAN-Nhật Bản

Việt Nam - Nhật Bản

8704.23.29
(Loại trên 20 tấn - 24 tấn)

Loại khác

25

0-50

20

0

5

-

-

8704.23.69
(Loại trên 24 tấn - 45 tấn)

Loại khác

25

0-50

20

0

5

10

10

Trong đó, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của xe ô tô tải từ 24 tấn đến dưới 45 tấn, mã hàng 8704.23.69 vừa được điều chỉnh tăng từ mức 15% lên 20% từ ngày 01/01/2014 (theo Thông tư số 164/2013/TT-BTC).

2. Kim ngạch nhập khẩu: Theo số liệu của TCHQ, năm 2012 kim ngạch xe ô tô tải từ 20 tấn đến dưới 24 tấn đạt 4,7 triệu USD, xe ô tô tải trên 24 tấn đến dưới 45 tấn đạt 85,6 triệu USD. Nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga...Đây là số liệu chung của xe ô tô nguyên chiếc và xe ô tô sát xi có buồng lái.

3. Tình hình sản xuất dòng xe tải trong nước:

Hiện nay, ngoài công ty Nam Việt sản xuất, lắp ráp xe tải hạng trung từ 20 tấn trở lên trên nền cơ sở là xe ô tô sát xi có buồng lái còn có một số công ty khác như công ty LD Hinor Motor Việt Nam lắp ráp xe trên 26 tấn từ bộ linh kiện ôtô. Công suất tối đa có thể đạt được 4.000-5.000chiếc/năm nhưng công ty mới sản xuất khoảng 1.000chiếc/năm. Công ty cổ phần đầu tư thương mại dịch vụ của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam sản xuất, lắp ráp xe loại tự đổ có tổng trọng lượng trên 24 tấn và cũng trên nền nhập khẩu xe ô tô sát xi có buồng lái do nhu cầu xe này ít và chỉ sử dụng cho nhu cầu trong Tập đoàn nên mỗi năm chỉ lắp ráp khoảng 100 xe.

4. Phương án dự kiến của Bộ Tài chính:

- Thuế suất thuế nhập khẩu MFN của bộ linh kiện ô tô để lắp ráp xe ô tô nguyên chiếc có tổng trọng lượng có tải trên 20 tấn là 7% (quy định tại Chương 98 - nhóm 98.21 danh mục ban hành kèm theo Thông tư số 164/2013/TT-BTC).

- Thuế suất thuế nhập khẩu MFN của xe ô tô tải nguyên chiếc từ 20 tấn (diesel hoặc bán diesel) trở lên là 20%. Riêng loại xe ô tô tải tự đổ có tổng trọng lượng có tải trên 24 tấn đến dưới 45 tấn là 10%.

- Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của xe tải nguyên chiếc trên 20 tấn đến dưới 45 tấn theo các FTA như sau: ATIGA: 0%, ASEAN- Trung Quốc: 5%, ASEAN- Nhật bản và Việt Nam - Nhật Bản: 0% đối với xe tải trên 24 tấn. Hàn quốc chưa cam kết về cắt giảm thuế suất ô tô tải trong ký kết Hiệp định với Hàn Quốc nên khi công ty Nam Việt nhập khẩu xe ô tô sát xi từ Hàn Quốc để lắp ráp xe tải sẽ vẫn phải áp dụng mức thuế suất MFN.

Từ các quy định hiện hành nêu trên, trong bối cảnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt từ các nước trong khu vực ASEAN, và ASEAN ++ (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) ngày càng giảm dần về mức thuế suất 0%, Vụ CST thấy rằng nếu không có chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp chủng loại xe tải trên 24 tấn (kể cả lắp ráp từ nền là khung gầm đã gắn động cơ, có buồng lái hay còn gọi là ô tô sát xi có buồng lái) thì sẽ không khuyến khích doanh nghiệp trong nước lắp ráp chủng loại xe này và Việt Nam sẽ tiếp tục phải phụ thuộc hoàn toàn vào việc nhập khẩu.

Mục đích của việc điều chỉnh tăng thuế suất đối với xe nguyên chiếc tải trọng trên 24 tấn từ 01/01/2014 được tăng từ 15% lên 20% là thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2013, cần tăng thuế nhập khẩu để khuyến khích doanh nghiệp tăng tiêu thụ các sản phẩm đã sản xuất trong nước. Tuy nhiên công ty bị ảnh hưởng bởi việc điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu vì nguyên tắc phân loại hàng hóa như nêu ở trên.

Vì vậy, Bộ Tài chính dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung vào Chương 98 nhóm 98.37 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng “khung gầm đã gắn động cơ, có buồng lái (ô tô sát xi, có buồng lái), tổng trọng lượng có tải trên 20 tấn đến dưới 45 tấn”, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng là 15%.

Bộ Tài chính kính đề nghị các đơn vị có ý kiến về dự thảo Thông tư kèm theo. Ý kiến tham gia xin gửi về Bộ Tài chính trước ngày    /6/2014 để nghiên cứu, tổng hợp./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Website Bộ Tài chính (để xin ý kiến);
- Tổng Cục Hải quan;
- Vụ Pháp chế;
- Lưu: VT, CST (PXNK).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn