Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7177TC/TCT | Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2001 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 48/TB-VPCP ngày 05/06/2001 của Văn phòng Chính phủ về công tác điều hành sản xuất, lắp ráp và lưu thông xe hai bánh gắn máy, ngày 29/6/2001 Bộ Tài chính đã có công văn số 6097 TC/TCT báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi dự thảo văn bản hướng dẫn áp dụng chính sách thuế theo tỷ lệ nội địa hóa đối với sản xuất, lắp ráp xe máy xin ý kiến các Bộ, ngành có liên quan. Ngày 10/07/2001 Bộ Tài chính đã mời đại diện Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành để họp bàn về vấn đề này.
Tại cuộc họp, về cơ bản đại diện các Bộ, ngành đã nhất trí một số nội dung hướng dẫn áp dụng chính sách thuế theo tỷ lệ nội địa hóa đối với sản xuất, lắp ráp xe máy mà Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và có bổ sung một số ý kiến như sau:
I. Về hình thức văn bản:
Để đảm bảo tính thống nhất, liên tục của chính sách, tránh những quy định trùng lắp, đề nghị không nên ban hành một Thông tư hoàn toàn mới mà nên ban hành Thông tư liên tịch dựa trên cơ sở các nội dung của Thông tư liên tịch số 176/1998/TTLT-BTC-BCN-TCHQ ngày 25/12/1998 và Thông tư liên tịch số 120/2000/TTLT-BTC-BCN-TCHQ ngày 25/12/2000 của liên Bộ Tài chính - Bộ Công nghiệp - Tổng cục Hải quan, bổ sung và sửa đổi một số nội dung để áp dụng riêng với sản xuất, lắp ráp xe hai bánh gắn máy.
II- Về nội dung Thông tư:
1- Điều kiện áp dụng:
- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 294/CP-KTTH ngày 17/04/2001 và Thông báo số 48/TB-VPCP ngày 05/06/2001 của Văn phòng Chính phủ, thì tại dự thảo Thông tư báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hướng dẫn áp dụng chính sách thuế theo tỷ lệ nội địa hóa đối với sản xuất, lắp ráp xe máy (kèm theo công văn số 6097 TC/TCT ngày 29/06/2001) có quy định bổ sung thêm các điều kiện doanh nghiệp phải đảm bảo để được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hóa. Cụ thể:
- Doanh nghiệp phải trực tiếp sản xuất, lắp ráp được động cơ (bao gồm cả hộp số, bộ phát điện) có tỷ lệ nội địa hóa trên 15% hoặc khung xe từ nguyên liệu chưa định hình (thép ở dạng ống, thanh, tấm, ... chưa định hình).
- Có văn bản chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu về linh kiện, chi tiết, bộ phận,... xe hai bánh gắn máy nhập khẩu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của nước xuất khẩu.
Tuy nhiên các Bộ, ngành có ý kiến đề nghị bỏ 2 điều kiện trên, vì:
Quy định điều kiện doanh nghiệp phải trực tiếp sản xuất, lắp ráp được động cơ, cơ tỷ lệ nội địa hóa trên 15% hoặc khung xe từ nguyên liệu chưa định hình, sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư sản xuất linh kiện, phụ tùng trong nước, góp phần hạn chế được các doanh nghiệp chỉ lắp ráp xe máy đơn thuần. Tuy nhiên xét thực tế sản xuất của ngành cơ khí, chế tạo trong nước, khả năng đầu tư vốn và năng lực sản xuất, lắp ráp linh kiện, phụ tùng của các doanh nghiệp (sản xuất, lắp ráp xe máy và doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng) số lượng xe được sản xuất và tiêu thụ bình quân trong những năm qua và dự kiến trong tương lai. Các Bộ, ngành đều cho rằng trong thời gian này chưa nên quy định điều kiện doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe máy phải trực tiếp sản xuất được động cơ, khung xe mà nên xem xét có chính sách khuyến khích đối với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, lắp ráp động cơ, khung xe để bán cho doanh nghiệp lắp ráp, cũng như các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe máy sử dụng động cơ và khung xe sản xuất trong nước.
Đối với điều kiện bộ linh kiện xe máy nhập khẩu phải có văn bản chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất về linh kiện, chi tiết, bộ phận,... xe hai bánh gắn máy nhập khẩu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của nước xuất khẩu. Các Bộ, ngành thấy rằng để đảm bảo nâng cao chất lượng hàng hóa nhập khẩu thì quy định này là cần thiết, tuy nhiên trong thực tế xuất nhập khẩu, thì linh kiện xe máy nhập khẩu từ nhiều nhà sản xuất khác nhau và hiện tại chưa có mẫu văn bản chứng chỉ chất lượng hàng hóa của các nước sản xuất, do đó các Bộ đề nghị giao Tổng cục Hải quan phối hợp với Bộ Thương mại quy định mẫu văn bản để các doanh nghiệp phải thực hiện khi nhập khẩu hàng hóa.
2- Xác định tỷ lệ nội địa hóa:
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 176/1998/TTLT-BTC-BCN-TCHQ ngày 5/12/1998 và Thông tư liên tịch số 120/2000/TTLT-BTC-BCN-TCHQ ngày 25/12/2000 của liên Bộ Tài chính - Bộ Công nghiệp - Tổng cục Hải quan, thì tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm được xác định theo giá trị sản xuất trong nước. Xác định theo phương pháp này đảm bảo phản ánh được giá trị thực tế sản xuất trong nước, nhưng phụ thuộc nhiều vào việc khai báo giá bán của nước ngoài nên thường bị lợi dụng kê khai giá nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc tăng, giá nhập khẩu bộ linh kiện giảm để tăng tỷ lệ nội địa hóa.
- Để khắc phục các hạn chế của chính sách hiện hành, thì tại dự thảo quy định tỷ lệ % (tỷ lệ pháp định) cho từng linh kiện, chi tiết,... Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hai bánh gắn máy căn cứ tỷ lệ (%) của từng linh kiện, chi tiết,... để kê khai đăng ký tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm (tại dự thảo Thông tư Bộ Tài chính đã xây dựng tỷ lệ (%) của từng linh kiện, chi tiết, bộ phận, phụ tùng... của 4 nhóm xe chuẩn).
Việc xác định tỷ lệ nội địa hóa theo phương pháp mới, sẽ hạn chế được sự lợi dụng trong việc đăng ký thực hiện tỷ lệ nội địa hóa, gây thất thu Ngân sách Nhà nước, đảm bảo phản ánh được tỷ lệ nội địa hóa thực tế đạt được và tạo ra sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, đồng thời nó thể hiện được chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất của Nhà nước trong từng lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ tùng qua việc quy định mức tỷ lệ (%) của các linh kiện, chi tiết.
- Để tăng dần từng bước việc sản xuất các linh kiện, chi tiết, phụ tùng,... xe máy trong nước, tránh trường hợp các doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, chi tiết, phụ tùng,... ở dạng rời để lắp ráp trong nước hoặc chỉ sơ chế, cung cấp cho các doanh nghiệp lắp ráp xe máy, tại dự thảo quy định các linh kiện, chi tiết, ... xe hai bánh gắn máy được coi là sản xuất trong nước phải là các linh kiện, chi tiết,... có tỷ lệ nội địa hóa từ trên 30% trở lên.
3- Để khuyến khích sản xuất, lắp ráp sản phẩm phụ tùng trong nước, đặc biệt là các sản phẩm, phụ tùng đòi hỏi vốn đầu tư lớn, công nghệ sản xuất phức tạp, tại dự thảo có quy định chỉ số khuyến khích áp dụng cho động cơ sản xuất, lắp ráp trong nước (có tỷ lệ nội địa hóa từ trên 15% trở lên). Tuy nhiên để đảm bảo việc ban hành chỉ số khuyến khích đối với sản xuất, lắp ráp động cơ phù hợp với thực tế, đại diện các Bộ, ngành đề nghị giao Bộ Công nghiệp chủ trì việc công bố chỉ số khuyến khích đối với sản xuất, lắp ráp động cơ sản xuất có ý kiến tham gia của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
4- Về tổ chức thực hiện (Thủ tục và hồ sơ đăng ký và quyết toán việc thực hiện thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hóa):
Để đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh trường hợp lợi dụng chính sách, gây thất thu cho Ngân sách Nhà nước, thì về việc đăng ký thủ tục và hồ sơ và quyết toán thực hiện thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hóa có bổ sung, sửa đổi một số nội dung đã quy định tại Thông tư liên tịch số 120/2000/TTLT-BTC-BCN-TCHQ. Cụ thể:
- Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hai bánh gắn máy phải làm thủ tục nhập khẩu tại một cơ quan Hải quan địa phương, nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính 0 (trường hợp nơi đóng trụ sở chính không có cơ quan Hải quan thì gửi đến cơ quan Hải quan, nơi gần địa phương đóng trụ sở nhất).
- Kết thúc năm Tài chính, doanh nghiệp phải tổng hợp lập báo cáo quyết toán tình hình thực hiện thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hóa theo hướng dẫn gửi Bộ Công nghiệp, cơ quan Hải quan địa phương, nơi làm thủ tục nhập khẩu, cơ quan Thuế, nơi quản lý doanh nghiệp. (do tỷ lệ nội địa hóa được xác định theo tỷ lệ (%) của từng linh kiện, chi tiết, bộ phận, phụ tùng,... so với bộ linh kiện đồng bộ để lắp ráp sản phẩm nguyên chiếc, không xác định theo phương pháp giá trị, do đó quyết toán của doanh nghiệp không phải có xác nhận của cơ quan Kiểm toán).
5- Ngoài ra tại cuộc họp này Bộ Tài chính và đại diện các Bộ, ngành thống nhất bổ sung vào dự thảo Thông tư nội dung giao Bộ Công nghiệp chủ trì lấy ý kiến tham gia của các Bộ Tài chính và Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, để ban hành Danh mục các linh kiện, chi tiết, bộ phận, phụ tùng,... trong nước đã sản xuất được, nếu các doanh nghiệp nhập khẩu thì phải áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu theo quy định tại Biểu thuế.
Bộ Tài chính xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và có ý kiến chỉ đạo thực hiện./.
| KT/BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
- 1Thông tư liên tịch 176/1998/TTLT/BTC-BCN-TCHQ thực hiện chính sách thuế theo tỷ lệ nội địa hoá đối với các sản phẩm, phụ tùng thuộc ngành cơ khí - điện - điện tử do Bộ Tài chính - Bộ Công nghiệp - Tổng cục Hải quan ban hành
- 2Thông tư liên tịch 120/2000/TTLT-BTC-BCN-TCHQ hướng dẫn TTLT 176/1998/TTLT-BTC-BCN-TCHQ sửa đổi chính sách thuế theo tỷ nội địa hoá đối với sản phẩm, phụ tùng thuộc ngành cơ khí-điện-điện tử do Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp và Tổng cục Hải quan ban hành
- 3Công văn 2301/TCHQ-KTTT của Tổng cục Hải quan về việc áp giá tính thuế bộ linh kiện xe máy theo tỷ lệ nội địa hoá
- 4Công văn về việc thu thuế theo tỷ lệ nội địa hoá sản xuất, lắp ráp xe gắn máy
- 5Công văn 8168/TC-TCT của Bộ Tài chính về việc chính sách thuế theo tỷ lệ nội địa hoá
Công văn 7177TC/TCT về chính sách thuế theo tỷ lệ nội địa hoá đối với sản xuất, lắp ráp xe hai bánh gắn máy do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 7177TC/TCT
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 31/07/2001
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Vũ Văn Ninh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra