Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 708/BNN-HTQT
V/v Báo cáo tình hình chuẩn bị dự án “Phát triển ngành lâm nghiệp” vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) 2011

Hà Nội, ngày 16 tháng 03 năm 2011

 

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 6569/BKH-KTĐN ngày 16/9/2010 về việc báo cáo tình hình chuẩn bị dự án vay vốn Ngân hàng thế giới 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin báo cáo tình hình chuẩn bị dự án “Phát triển ngành lâm nghiệp” (WB3), với số vốn bổ sung dự kiến 40 triệu USD, thời gian thực hiện từ 2011-2015 như sau:

Dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp (WB3) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 1067 QĐ/BNN-LN ngày 27/4/2004. Các Hiệp định của dự án được ký kết ngày 04/4/2005 và có hiệu lực từ ngày 04/8/2005, trong đó Hiệp định Tín dụng Phát triển số 3953-VN tài trợ 27,3 triệu SDR (tương đương khoảng 42,3 triệu USD theo tỷ giá trung bình hiện nay) cho các hợp phần Phát triển thể chế, Trồng rừng sản xuất và Quản lý dự án; Hiệp định Viện trợ Tín thác Quỹ Môi trường Toàn cầu số 53397-VN tài trợ 9 triệu USD cho hợp phần Rừng đặc dụng. Ngày đóng tài khoản của các Hiệp định nói trên là ngày 31/3/2011.

Trong giai đoạn đầu thực hiện, dự án chưa đạt được tiến độ như mong muốn do gặp phải nhiều vấn đề vướng mắc như sự biến động quỹ đất cho đầu tư trồng rừng tại các tỉnh, các Lâm trường Quốc doanh không được tham gia dự án do thay đổi chính sách của nhà tài trợ, giới hạn mức trần giải ngân cho các khu rừng đặc dụng quá thấp đã không thể đẩy nhanh được tiến độ giải ngân các nguồn vốn. Tuy nhiên, những vướng mắc trên đã từng bước được giải quyết. Tại biên bản ghi nhớ của Đoàn đánh giá tháng 11/2010, Ngân hàng Thế giới đã thống nhất chủ trương gia hạn thời gian thực hiện và cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư của Hiệp định Tín dụng và Hiệp định Viện trợ Quỹ Môi trường Toàn cầu của dự án.

Ngày 6/8/2010, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có công văn số 2518/BNN-HTQT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Quý Bộ xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục điều chỉnh, bổ sung vốn và kéo dài thời gian thực hiện dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp. Ngày 17/02/2011, Đại diện của Quỹ Tín thác Lâm nghiệp đã gửi công thư cho Bộ Nông nghiệp và PTNT cam kết sẽ tiếp tục viện trợ không hoàn lại cho dịch vụ tư vấn của dự án 2 triệu USD. Theo đó, ngày 8/3/2011 Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 342/TTg-QHQT cho phép điều chỉnh và gia hạn Dự án phát triển ngành Lâm nghiệp (tài liệu kèm theo).

Việc điều chỉnh, gia hạn và bổ sung nguồn vốn cho dự án là rất cần thiết. Hiện vẫn còn rất nhiều các hộ dân trong vùng dự án và một số tỉnh miền Trung khác có nhu cầu vay vốn để đầu tư trồng rừng. Dự kiến, dự án sẽ mở rộng địa bàn sang hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Các hoạt động đánh giá hiện trường, lựa chọn địa bàn trồng rừng tại các địa phương này đã hoàn thành vào tháng 1/2011 (84 xã thuộc 13 huyện).

Việc dự án tiếp tục triển khai thực hiện sẽ mang lại những cơ hội hết sức thuận lợi cho các hộ dân được tiếp cập nguồn vốn vay ưu đãi và các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật trong đầu tư trồng rừng sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn các tỉnh miền Trung. Dự án có mục tiêu hỗ trợ thí điểm cấp chứng chỉ rừng cho khoảng 10.000 ha rừng trồng thương mại của các hộ gia đình. Chứng chỉ rừng đảm bảo cho việc quản lý rừng trồng một cách bền vững, đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Khi rừng trồng được cấp chứng chỉ sẽ nâng cao một cách đáng kể giá trị của các sản phẩm từ rừng trồng, mở ra cơ hội cho các sản phẩm từ rừng trồng của dự án có thể tiếp cận với các thị trường mới có yêu cầu cao về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm như Châu Âu và Mỹ. Đây là hoạt động hoàn toàn mới đối với ngành Lâm nghiệp Việt Nam, do đó rất cần được sự hỗ trợ thích đáng về tài chính và kỹ thuật để triển khai hoạt động này.

Ngoài ra, việc đầu tư trồng rừng sản xuất cũng thiết thực góp phần bảo vệ môi trường như: làm giảm hiệu ứng nhà kính, theo kết quả nghiên cứu thì rừng trồng có thể lưu giữ các-bon (khoảng 77 tấn/ha trong 6 – 7 năm); tăng diện tích che phủ cũng như chất lượng của rừng trồng sẽ góp phần đáng kể vào việc bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn đất, tăng độ phì của đất, tăng sức sản xuất cho đất từ đó góp phần chống nguy cơ sa mạc hóa tại các tỉnh của vùng duyên hải miền Trung Việt Nam; bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo tồn các loài động, thực vật, các nguồn gen quý hiếm của Việt Nam.

Với những lý do trên và trong bối cảnh giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu, Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét dự án Phát triển ngành lâm nghiệp là một trong số các dự án ưu tiên của Bộ. Vì vậy, kính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, cho phép dự án “Phát triển ngành Lâm nghiệp” được gia hạn và bổ sung nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới tài khóa 2011 để triển khai được các hoạt động như dự kiến./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban QL các dự án lâm nghiệp;
- Lưu VT, HTQT (BMB-07).

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát