Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 705/TTg-KGVX
về việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP

Hà Nội, ngày 11 tháng 05 năm 2009

 

Kính gửi:

- Uỷ ban nhân dân các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Kạn, Bắc Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Kon Tum;
- Các Bộ, cơ quan: Lao động – Thương Binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Y tế, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Quốc phòng, Xây dựng, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp;
- Uỷ ban Dân tộc;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 

 

Từ sau Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 30a), được tổ chức vào ngày 12 tháng 02 năm 2009 tại Thanh Hoá đến nay, các Bộ, ngành và địa phương cùng các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty nhà nước đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao.

Một số văn bản hướng dẫn của các Bộ, cơ quan Trung ương đã được ban hành; các đoàn công tác liên ngành của Trung ương cũng đã về hướng dẫn các địa phương xây dựng đề án. Các tỉnh có huyện nghèo đã tổ chức quán triệt Nghị quyết 30a của Chính phủ, kiện toàn lại Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo và tiến hành chỉ đạo xây dựng Đề án giảm nghèo của từng huyện. Nhiều doanh nghiệp nhà nước đã đăng ký và bàn các biện pháp hỗ trợ các huyện nghèo. Giai đoạn xây dựng các Đề án giảm nghèo của các huyện đến nay cơ bản đã kết thúc. Tuy nhiên, do Chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a thực hiện trong thời gian dài (12 năm), lồng ghép rất nhiều chương trình, dự án khác nhau trên địa bàn; thời gian điều tra, khảo sát, tính toán nhu cầu từ cơ sở quá ngắn; mặt khác, các văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương chưa dầy đủ, nhất là việc hướng dẫn tính toán nhu cầu và nguồn vốn làm căn cứ để thực hiện đề án, nên các đề án nhìn chung chưa đạt các yêu cầu. Các mục tiêu đề ra trong hầu hết các đề án chưa phản ánh sát đúng thực trạng kinh tế - xã hội, nguyên nhân nghèo đói và điều kiện đặc thù của từng huyện. Nhu cầu hỗ trợ của các đề án chưa bám sát Nghị quyết 30a (vừa thừa, vừa thiếu), việc phân tách các nguồn vốn không đầy đủ, chính xác, sẽ gây khó khăn khi triển khai thực hiện.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 30a, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

I. CÁC BỘ, CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG CÓ LIÊN QUAN

1. Tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn theo tinh thần công văn số 139/VPCP-KGVX ngày 27 tháng 4 năm 2009 của Văn phòng Chính phủ.

2. Hướng dẫn các địa phương xây dựng và ban hành các quyết định phê duyệt chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền cững cho từng huyện nghèo theo mẫu thống nhất.

3. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm tra Đề án giảm nghèo của các huyện, sau khi đã được hoàn chỉnh theo mẫu thống nhất quy định tại Phụ lục II của công văn này.

4. Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư ứng vốn kịp thời và đầy đủ để các địa phương thực hiện các công việc trước mắt và thực hiện Chương trình giảm nghèo trong năm 2009; hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch năm 2010 và các năm tiếp theo.

II. UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC TỈNH VÀ CÁC HUYỆN NGHÈO CÓ NHIỆM VỤ:

1. Tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh các cơ sở dữ liệu làm căn cứ tính toán về nhu cầu của huyện, bảo đảm các số liệu được tập hợp từ thôn, xã lên và được các cơ quan chuyên môn của tỉnh thẩm tra kỹ; áp dụng các định mức kinh tế - kỹ thuật – tài chính hiện hành của Nhà nước và các hướng dẫn của Bộ, ngành trung ương tính toán nhu cầu vốn hỗ trợ giảm nghèo của huyện một cách chính xác cho từng giai đoạn của Chương trình (2009, 2010, 2011 – 2015, 2016 - 2020).

2. Trên cơ sở các kết quả xây dựng Đề án giảm nghèo vừa qua, chuẩn bị quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án hỗ trợ giảm nghèo tại từng huyện theo mẫu thống nhất (Phụ lục II), gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm tra trước cuối tháng 7 năm 2009.

3. Trong khi chưa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án giảm nghèo của huyện các địa phương cần triển khai ngay các việc sau đây:

a) Thực hiện hỗ trợ nghèo xây dựng nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện trong năm 2009. Bộ Tài chính ứng vốn cho các huyện thực hiện.

b) Áp dụng mức hỗ trợ 200.000 đồng/ha/năm cho các hộ nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng. Thời gian thực hiện do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định nhưng không hồi tố.

c) Thực hiện hỗ trợ 15 kg gạo cho các hộ nghèo ở khu vực biên giới. Thời gian thực hiện do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định nhưng không hồi tố.

d) Đối với các chưong trình, dự án, chính sách đã bố trí trong kế hoạch năm 2009, cần tổ chức thực hiện theo các quy định hiện hành.

4. Căn cứ tinh thần Nghị quyết 30a, các tỉnh lựa chọn thêm một số huyện nghèo khác trên địa bàn, nhất là các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung để huy động nguồn lực của địa phương đầu tư hỗ trợ các huyện này giảm nghèo nhanh và phát triển bền vững.

III. CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ CÁC HUYỆN NGHÈO CÓ NHIỆM VỤ:

1. Những doanh nghiệp đã đăng ký hỗ trợ huyện nghèo khẩn trương bàn bạc cụ thể với các địa phương về mức độ và hình thức hỗ trợ để địa phương tổng hợp vào Chương trình.

2. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục vận động các doanh nghiệp đăng ký hỗ trợ các huyện nghèo còn lại để đảm bảo tất cả các huyện nghèo trong Nghị quyết 30a đều được doanh nghiệp hỗ trợ.

IV. GIẢI THÍCH THÊM MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA NGHỊ QUYẾT 30A

1. Danh sách các huyện thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững kèm theo Nghị quyết 30a gồm các huyện trong Phụ lục I (kèm theo). Các huyện mới được tách ra từ các huyện nghèo nói trên cũng thuộc đối tượng thực hiện Nghị quyết 30a.

2. Chính sách hỗ trợ 200.000 đồng/ha/năm để khoán chăm sóc, bảo vệ rừng (quy định tại điểm II.A.1.a của Phần II Nghị quyết 30a) được thực hiện như sau: nếu giao khoán cho hộ thì cấp tiền hỗ trợ trực tiếp cho hộ; nếu giao khoán cho cộng đồng thì cộng đồng phải có hương ước được Uỷ ban nhân dân xã xác nhận làm cơ sở cho việc thực hiện chính sách hỗ trợ.

3. Việc hỗ trợ 15 kg gạo/khẩu/tháng cho các hộ nghèo nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, được giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất (quy định tại điểm II.A.1.c của phần II Nghị quyết 30a) và các hộ nghèo ở các thôn, bản (không phải xã) vùng giáp biên giới quy định tại điểm II.A.3 của Phần II Nghị quyết 30a) trong thời gian chưa tự túc được lương thực được thực hiện như sau:

- Đối tượng hưởng hỗ trợ là nhân khẩu hợp pháp trong hộ nghèo;

- Thời gian trợ cấp tính theo tháng và chỉ tính cho những tháng thực thiếu trong năm; thời gian tối đa được trợ cấp là 7 năm tính theo năm dương lịch;

- Thực hiện trợ cấp bằng gạo;

- Phương thức cấp, đơn vị thực hiện cấp và thanh quyết toán số gạo hỗ trợ do huyện đề nghị và được ghi trong Quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt Chương trình giảm nghèo của từng huyện.

4. Việc hộ trợ 05 triệu đồng/ha/hộ để tận dụng tạo đất sản xuất lương thực trong khu vực diện tích rừng nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng và đất được giao để trồng rừng sản xuất (quy định tại điểm II.A.1.c của Phần II Nghị quyết 30a) được hiểu như sau: nếu trong khu vực diện tích đất được giao có đủ điều kiện sản xuất lương thực và phù hợp với quy chế quản lý rừng thì hộ nghèo nhận khoán được tận dụng tạo đất sản xuất lương thực và được nhà nước hỗ trợ cho một ha đất tận dụng với số tiền là 5 triệu đồng (mỗi hộ chỉ được hỗ trợ tối đa một hécta, nếu diện tích đất tận dụng dưới một hécta thì mức hỗ trợ được tính theo số diện tích thực tận dụng đó, thí dụ diện tích đất tận dụng của hộ A là 0,5 ha thì hộ đó được hỗ trợ 0,5 ha x 5 triệu đồng/ha = 2,5 triệu đồng.

5. Việc hỗ trợ một lần toàn bộ tiền mua giống, phân bón cho việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; ưu tiên hỗ trợ trồng lúa lai, ngô lai (quy định tại điểm II.A.2.c của Phần II Nghị quyết 30a) không áp dụng đối với một số cây thuộc đối tượng trồng rừng sản xuất, như cao su.

6. Đối với chính sách luân chuyển cán bộ, thu hút trí thức trẻ tình nguyện (quy định tại điểm II.C của Phần II Nghị quyết 30a), thực hiện theo Quyết định số 70/2009/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ; các huyện cần xác định nhu cầu, vị trí cán bộ cần tăng cường cho cấp xã để tính toán nhu cầu kinh phí cho phù hợp.

7. Đối với chính sách xuất khẩu lao động đối với các huyện nghèo, thực hiện theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.

8. Đối với các công trình xây dựng cơ bản, thực hiện theo các định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành theo hướng dẫn của các Bộ.

9. Đối với những chính sách quy định trong Nghị quyết 30a nhưng chưa có định mức chi tiêu chính thức và thống nhất của Nhà nước, như hỗ trợ dạy nghề, đào tạo cán bộ cơ sở, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công… các huyện tạm tính theo mức hỗ trợ thực tế của địa phương đang thực hiện hoặc tự đề xuất với các mức hợp lý, khi có quyết định chính thức của Trung ương, sẽ điều chỉnh lại.

Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo có nội dung tương đối toàn diện và thực hiện từ nay đến năm 2020 trên địa bàn xã và huyện nghèo, do đó cần phải tổ chức xây dựng kỹ lưỡng, phù hợp với cơ chế, chính sách và có tính khả thi. Yêu cầu các Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện ngay các nội dung trên, báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện kỳ 3 tháng, hàng năm về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Chính phủ./.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Sinh Hùng

 

PHỤ LỤC I

DANH SÁCH CÁC HUYỆN NGHÈO THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 30A/2008/NQ-CP NGÀY 27 THÁNG 12 NĂM 2008 CỦA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm công văn số 705/TTg-KGVX ngày 11 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ)

1. Tỉnh Hà Giang, gồm 6 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh, Xín Mần và Hoàng Su Phì.

2. Tỉnh Cao Bằng, gồm 5 huyện: Thông Nông, Bảo Lâm, Hà Quảng, Bảo Lạc và Hạ Lang.

3. Tỉnh Lào Cai, gồm 3 huyện: Si Ma Cai, Mường Khương và Bắc Hà.

4. Tỉnh Yên Bái, gồm 2 huyện: Mù Căng Chải và Trạm Tấu.

5. Tỉnh Phú Thọ, gồm 1 huyện: Tân Sơn.

6. Tỉnh Bắc Giang, gồm 1 huyện: Sơn Động.

7. Tỉnh Bắc Kạn, gồm 2 huyện: Ba Bể và Pác Nặm.

8. Tỉnh Điện Biên, gồm 4 huyện: Mường Áng, Tủa Chùa, Mường Nhé và Điện Biên Đông.

9. Tỉnh Lai Châu, gồm 5 huyện: Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ, Than Uyên và Tân Yên (tách ra từ huyện Than Uyên theo Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ).

10. Tỉnh Sơn La, gồm 5 huyện: Mường La, Bắc Yên, Phù Yên, Quỳnh Nhai và Sốp Cộp.

11. Tỉnh Thanh Hoá, gồm 7 huyện: Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Quan Hoá, Bá Thước, Mường Lát và Quan Sơn.

12. Tỉnh Nghệ An, gồm 3 huyện: Quế phong, Tương Dương và Kỳ Sơn.

13. Tỉnh Quảng Bình, gồm 11 huyện: Minh Hoá.

14. Tỉnh Quảng Trị, gồm 1 huyện: Đa Krông.

15. Tỉnh Quảng Nam, gồm 3 huyện: Nam Trà My, Tây Giang và Phước Sơn.

16. Tỉnh Quảng Ngãi, gồm 6 huyện: Sơn Hà, Trà Bồng, Sơn Tây, Minh Long, Tây Trà và Ba Tơ.

17. Tỉnh Bình Định, gồm 3 huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh và Vân Canh.

18. Tỉnh Ninh Thuận, gồm 1 huyện: Bác Ái.

19. Tỉnh Lâm Đồng, gồm 1 huyện: Đam Rông.

20. Tỉnh Kon Tum, gồm 2 huyện: Kon Plong và Tu Mơ Rông./.

 

PHỤ LỤC II

MẪU QUYẾT ĐỊNH CỦA CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN CẤP TỈNH PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ GIẢM NGHÈO THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 30A/2008/NQ-CP NGÀY 27 THÁNG 12 NĂM 2008 CỦA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm công văn số 705/TTg-KGVX ngày 11 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ)

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH………..
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số:        /QĐ-UBND

Hà Nội, ngày       tháng      năm 200…

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện……………………...từ 2009 đến 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ………….. 

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân …………………..;

Căn cứ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;

Xét đề nghị của Uỷ ban nhân dân huyện ………… và Sở ……………..; 

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện …… từ năm 2009 đến 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:

A. Mục tiêu

I. Mục tiêu tổng quát: (Căn cứ mục tiêu chung trong Nghị quyết 30a, thực trạng kinh tế - xã hội của địa phương để xác định mục tiêu cần đạt được, trong đó cần nêu rõ định hướng cơ cấu kinh tế, yêu cầu đạt được về cơ sở hạ tầng, mức phấn đấu đạt tiêu chuẩn nông thôn mới).

II. Mục tiêu cụ thể

1. Mục tiêu đến năm 2010.

2. Mục tiêu đến năm 2015.

3. Mục tiêu đến năm 2020.

(Trong từng giai đoạn, cần xác định được các chỉ tiêu cơ bản như sau: mức sống, thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động qua đào tạo, mức độ đạt được về cơ sở hạ tầng, mức độ đạt được về tiêu chí nông thôn mới; một số chỉ tiêu khác phù hợp với đặc điểm của địa phương như giải quyết các vấn đề cung cấp nước ở các huyện núi đá, độ che phủ rừng ở những huyện có hướng phát triển chính là lâm nghiệp, giải quyết vấn đề cai nghiện ở các huyện biên giới, …).

B. Nội dung hỗ trợ giảm nghèo

1. Nội dung và kinh phí hỗ trợ giảm nghèo được xác định tại Phụ lục kèm theo Quyết định này (Ban Chỉ đạo các chương trình giảm nghèo Trung ương sẽ hướng dẫn cụ thể về mẫu Phụ lục này).

2. Tổng nhu cầu vốn đến năm 2020: ………. tỷ đồng (không kể vốn tín dụng)

Trong đó:

a) Vốn hỗ trợ của Trung ương (kể cả ODA; trái phiếu, công trái): …..tỷ đồng;

b) Vốn ngân sách địa phương: ……… tỷ đồng;

c) Vốn huy động các tổ chức kinh tế, xã hội và nhân dân, trong nước và ngoài nước: ……… tỷ đồng.

3. Kế hoạch vốn 2009;

Tổng nguồn vốn: ……….. tỷ đồng (không kể vốn tín dụng)

Trong đó:

a) Các chương trình, dự án hiện hành; ……… tỷ đồng;

b) Vốn cho chính sách mới theo Nghị quyết 30a: ……..tỷ đồng

4. Kế hoạch vốn năm 2010:

Tổng nguồn vốn: ….. tỷ đồng (không kể vốn tín dụng)

Trong đó:

a) Các chương trình, dự án hiện hành: ….. tỷ đồng;

b) Vốn cho chính sách mới theo Nghị quyết 30a: ………..tỷ đồng.

C. Cơ chế thực hiện:

- Xây dựng, tổng hợp kế hoạch hàng năm.

- Phương thức, cách thức tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo.

D. Tổ chức thực hiện:

1. Thời gian thực hiện chương trình là 12 năm từ 2009-2020.

2. Phân công trách nhiệm:

a) Trách nhiệm của các Sở, ngành (chi tiết);

b) Trách nhiệm của cấp huyện;

c) Trách nhiệm của cấp xã;

d) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức đoàn thể thành viên tham gia …..

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: ………, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện ………………..; Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
(Ký tên, đóng đấu)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 705/TTg-KGVX tiếp tục thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 705/TTg-KGVX
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 11/05/2009
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản