Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7030/SGTVT-KT
V/v hướng dẫn công tác tổ chức giao thông nhằm tạo thuận lợi (tạo luồng xanh) cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa và vận chuyển chuyên gia, công nhân trong thời gian thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 7 năm 2021

 

Kính gửi:

- Sở Giao thông vận tải các tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ;
- Công an Thành phố Hồ Chí Minh;
- Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh;
- Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện;
- Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp.

Căn cứ Công văn 2279/UBND-VX ngày 08 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần nội dung Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam tại Công văn số 4658/TCĐBVN-VT ngày 08 tháng 7 năm 2021 về việc hướng dẫn tạo thuận lợi (tạo luồng xanh) cho phương tiện vận chuyển hàng hóa và vận chuyển chuyên gia, công nhân trong thời gian Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16;

1. Mục đích:

Nhằm tạo thuận lợi cho các xe ô tô vận chuyển hàng hóa, vận chuyển công nhân, chuyên gia và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh, từ các tỉnh đến Thành phố Hồ Chí Minh và phương tiện đi qua địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được ưu tiên lưu thông khi qua các khu vực kiểm soát phòng chống dịch Covid19, trong thời gian Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Loại hình vận chuyển được cấp giấy nhận diện phương tiện:

a) Xe ô tô vận chuyển hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm như: gạo, mì gói, bún khô; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; rau củ quả; thủy hải sản,…) từ các tỉnh đến địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại.

b) Xe ô tô vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, xe chở chuyên gia, công nhân từ các tỉnh đến địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại, phục vụ hoạt động của các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

c) Xe ô tô vận chuyển hàng hóa ra vào các cảng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ các tỉnh đến thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại.

d) Xe ô tô vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xe ô tô vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng hóa đến các cảng, khu công nghiệp, xe chở chuyên gia, công nhân của các khu chế xuất, khu công nghiệp lưu thông “quá cảnh” (đi qua) địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

3. Trình tự thực hiện:

a) Thành phần tài liệu:

Các đơn vị thực hiện việc số hóa Công văn đề nghị (Phụ lục 1) kèm danh sách các thông số của phương tiện (tập tin có định dạng .pdf và file excel theo Phụ lục 2) và gửi về các Cơ quan đầu mối được nêu tại Mục 4. Sau đó các Cơ quan đầu mối tổng hợp và gởi đến hộp thư điện tử (sogtvt@tphcm.gov.vn) hoặc qua tài khoản Zalo (Sở Giao thông vận tải TPHCM) để được xem xét giải quyết.

Lưu ý: Các nội dung tại Phụ lục 2 phải bảo đảm thông tin chính xác, đơn vị đề nghị phải chịu trách nhiệm đối với nội dung đã kê khai.

Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn vướng mắc đề nghị các doanh nghiệp liên hệ với Ông Trần Hoàng Hải, chuyên viên Phòng Quản lý Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, số điện thoại 0933.656.488.

b) Kết quả giải quyết:

- Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp nhận đề nghị từ các Cơ quan đầu mối, kiểm tra và tiến hành giải quyết cho đơn vị trong thời gian không quá 24 giờ.

- Trả kết quả: Bao gồm Thông báo tổ chức giao thông của Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã được số hóa theo Phụ lục 3 và Giấy nhận diện (có mã tra cứu QR) tương ứng với mỗi phương tiện theo Phụ lục 4.

c) Kết quả giải quyết sẽ gửi đến các đơn vị đầu mối thông qua hộp thư điện tử, qua trục gửi nhận văn bản số hóa hoặc qua tài khoản Zalo (Lưu ý: Cơ quan đầu mối phải cung cấp địa chỉ hộp thư điện tử và tài khoản Zalo để tiếp nhận thông báo và phiếu nhận diện).

d) Sau khi các đơn vị được nhận thông báo tổ chức giao thông của Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đã được số hóa kèm theo Thẻ nhận diện phương tiện (có mã tra cứu QR) tương ứng với mỗi phương tiện. Các đơn vị tự in, đóng dấu của đơn vị vào Giấy nhận diện phương tiện và gắn lên kính chắn gió phía trước của xe ô tô khu vực phía bên phải người lái xe.

4. Tổ chức thực hiện:

a) Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh là đầu mối tiếp nhận, tổng hợp các đề nghị của các doanh nghiệp thuộc đối tượng nêu tại mục a, khoản 2 và gửi cho Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh.

b) Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp hoặc Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện (theo phân cấp quản lý) là đầu mới là đầu mối tiếp nhận, tổng hợp các đề nghị của các doanh nghiệp thuộc đối tượng nêu tại mục b, khoản 2 và gửi cho Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh.

c) Đơn vị quản lý cảng là đầu mối tiếp nhận, tổng hợp các đề nghị của các doanh nghiệp thuộc đối tượng nêu tại mục c, khoản 2 và gửi cho Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh.

d) Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố là đầu mối tiếp nhận, tổng hợp các đề nghị của các đơn vị, doanh nghiệp thuộc đối tượng nêu tại mục d, khoản 2 (kèm thông tin các phương tiện giao thông theo mẫu đính kèm) gửi cho Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh.

đ) Đề nghị các Cơ quan, đơn vị đầu mối nêu trên cung cấp số điện thoại của cá nhân để liên hệ trong trường hợp cần thiết; đề nghị gửi thông tin cho Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh qua số điện thoại cá nhân ông Trần Hoàng Hải (0933.656.488).

e) Sau khi các phương tiện được cấp Giấy nhận diện, đề nghị Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố có liên quan, phối hợp với các lực lượng chức năng liên ngành tại các chốt kiểm soát, các lực lượng chức năng trên đường có liên quan tạo điều kiện cho các xe ô tô được lưu thông thuận lợi. Lực lượng chức năng kiểm tra thông tin thông qua mã QR trên giấy nhận diện, sử dụng phần mềm để quét mã QR, qua đó sẽ kết nối với phần mềm của Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh sẽ thể hiện thông tin liên quan đến phương tiện (Phụ lục 5).

f) Yêu cầu đối với người lái xe, người bốc xếp dỡ hàng hóa theo xe, chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện:

- Đơn vị kinh doanh vận tải, người lái xe chịu trách nhiệm bảo đảm lưu thông đúng lộ trình và đúng mục đích.

- Phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế và chính quyền địa phương (chú ý đeo khẩu trang trong suốt quá trình vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa, sát khuẩn tay thường xuyên); Khi lưu thông trên đường, người điều khiển phương tiện phải được xét nghiệm và có kết quả âm tính theo quy định của ngành y tế;

- Khi lưu thông phải mang theo thông báo, thẻ nhận diện phương tiện, các giấy tờ liên quan và các quy định khác của pháp luật về giao thông đường bộ; và phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng kiểm soát giao thông, các lực lượng chức năng trên đường bộ.

- Chịu trách nhiệm đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt các nội dung về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế và các cơ quan khác có liên quan.

- Đơn vị kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp không đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, để lái xe, người bốc xếp dỡ hàng hóa theo xe làm lây lan dịch bệnh Covid-19 trong quá trình vận chuyển.

- Đơn vị kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát lái xe, người bốc xếp dỡ hàng hóa theo xe có đủ điều kiện phòng chống dịch theo quy định mới được tham gia vận chuyển.

- Đơn vị kinh doanh vận tải tăng cường việc kiểm tra kiểm soát trước, trong và sau khi vận chuyển về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và công tác phòng chống dịch theo quy định.

5. Một số nội dung khác cần lưu ý:

a) Đối với các loại xe ô tô chở hàng, ô tô tải được phép hoạt động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định của Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2019 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2018 quy định về hạn chế và cấp phép ô tô chở hàng, ô tô tải lưu thông trong khu vực nội đô Thành phố Hồ Chí Minh và theo hệ thống biển báo hiệu đường bộ trên đường.

c) Đối với các đối tượng nêu tại mục a, khoản 2 được lưu thông 24/24 giờ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

b) Người điều khiển phương tiện giao thông khi tham gia giao thông phải thực hiện nghiêm công tác phòng dịch “5K” và theo yêu cầu của Bộ Y tế; chấp hành theo hướng dẫn của hệ thống biển báo giao thông trên đường hoặc theo hướng dẫn của lực lượng cảnh sát giao thông, điều tiết giao thông.

Trên đây là hướng dẫn công tác tổ chức giao thông khu vực địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tạo thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa và vận chuyển chuyên gia, công nhân trong thời gian Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, đề nghị các cơ quan, đơn vị nghiên cứu thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ GTVT “để báo cáo”;
- UBND TP HCM “để báo cáo”;
- Tổng Cục đường bộ VN;
- SGTVT (GĐ; PGĐ Hưng);
- P. QLVTĐB;
- Website Sở GTVT;
- Lưu: VT, KTHT. HH.

GIÁM ĐỐC




Trần Quang Lâm

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 7030/SGTVT-KT năm 2021 hướng dẫn công tác tổ chức giao thông nhằm tạo thuận lợi (tạo luồng xanh) cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa và vận chuyển chuyên gia, công nhân trong thời gian thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg

  • Số hiệu: 7030/SGTVT-KT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 08/07/2021
  • Nơi ban hành: Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Trần Quang Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản