Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6953/BTP-PLQT
V/v thuế giá trị gia tăng đối với thiết bị, vật tư nhập khẩu phục vụ hoạt động khai thác dầu khí

Hà Nội, ngày 27 tháng 09 năm 2013

 

Kính gửi: Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 12338/BTC-TCHQ ngày 16 tháng 09 năm 2013 của Quý Bộ về việc cho ý kiến về thuế giá trị gia tăng đối với thiết bị, vật tư nhập khẩu phục vụ hoạt động khai thác dầu khí đối với Liên doanh dầu khí Việt - Xô (Vietsopetro), Bộ Tư pháp có ý kiến như sau:

1. Liên doanh dầu khí Vietsopetro là một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập, hoạt động trên cơ sở Hiệp định giữa Việt Nam và Liên bang Xô Viết về tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa CHXHCN Việt Nam trong khuôn khổ Liên doanh Việt Nga "Vietsopetro" năm 1991 (sau đây gọi là Hiệp định năm 1991), sau đó được thay thế bởi Hiệp định giữa Việt Nam và Liên bang Nga về tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực tham dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa CHXHCN Việt Nam trong khuôn khổ Liên doanh Việt Nga "Vietsopetro" năm 2010 (sau đây gọi là Hiệp định năm 2010) và pháp luật Việt Nam, trong đó có pháp luật về đầu tư. Do đó, việc xử lý các nội dung liên quan tới thuế giá trị gia tăng của Vietsopetro cần dựa trên cả các điều ước quốc tế mà Việt Nam và Liên bang Nga là thành viên và pháp luật của Việt Nam.

Về nội dung được Quý Bộ đề nghị cho ý kiến, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 454/BTP-PLQT ngày 16/01/2013 gửi Quý Bộ, trong đó đề cập cách tiếp cận xử lý vấn đề đặt ra một cách tổng thể, rõ ràng dựa trên pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thuế giá trị gia tăng đối với thiết bị, vật tư nhập khẩu phục vụ hoạt động khai thác dầu khí (dự thảo Báo cáo) do Quý Bộ xây dựng không phản ánh đầy đủ ý kiến của Bộ Tư pháp. Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị Quý Bộ có nghiên cứu và tổng hợp đầy đủ, chính xác hơn ý kiến của Bộ Tư pháp tại Công văn số 454/BTP-PLQT ngày 16/01/2013 nêu trên.

2. Để làm rõ hơn cách tiếp cận xử lý vụ việc, Bộ Tư pháp đề nghị nên bắt đầu từ việc hai nước có Hiệp định năm 2010 đang có hiệu lực. Vấn đề đặt ra hiện nay liên quan tới việc thực hiện Hiệp định 2010 mà cụ thể có quy định về miễn thuế hải quan.

Theo pháp luật quốc tế thì các quốc gia không thể lấy pháp luật trong nước để giải thích điều ước quốc tế theo ý của riêng của mình (Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế năm 1969), mà phải dựa vào các quy định của pháp luật quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế liên quan. Tại Công văn số 454/BTP-PLQT ngày 16/01/2013, Bộ Tư pháp đã nêu rõ khái niệm về thuế hải quan được quy định bởi Tổ chức thương mại thế giới và Tổ chức Hải quan thế giới (các Tổ chức quốc tế mà Việt Nam và Liên bang Nga đều là thành viên). Theo định nghĩa của các Tổ chức này, thuế hải quan không bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, Vietsopetro cũng hoạt động theo các quy định của pháp luật Việt Nam (Điều 2 Hiệp định năm 2010). Theo đó, Vietsopetro là một doanh nghiệp được điều chỉnh cả bởi Luật Đầu tư năm 2005 và Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) đối với những hoạt động của mình trên lãnh thổ Việt Nam nếu các quy định của các Luật này không trái với Hiệp định năm 2010.

Vietsopetro là doanh nghiệp đã được thành lập theo Hiệp định năm 1991 và Hiệp định năm 2010 kế thừa về cơ bản những nội dung của Hiệp định năm 1991.

Căn cứ vào pháp luật về thuế giá trị gia tăng và pháp luật về đầu tư của Việt Nam hiện hành, Bộ Tư pháp cho rằng Quý Bộ cân nhắc thêm các quy định sau đây của pháp luật của Việt Nam:

Thứ nhất, khoản 17 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 (được sửa đổi tại khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2013) quy định được miễn thuế giá trị gia tăng đối với "máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu, khí đốt; tàu bay, dàn khoan, tàu thủy thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp hoặc thuê của nước ngoài để sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê, cho thuê lại".

Thứ hai, theo khoản 2 Điều 11 Luật Đầu tư năm 2005 thì "Trường hợp pháp luật, chính sách mới ban hành làm ảnh hưởng bất lợi đến lợi ích hợp pháp mà nhà đầu tư đã được hưởng trước khi quy định của pháp luật, chính sách đó có hiệu lực thì nhà đầu tư được bảo đảm hưởng các ưu đãi như quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư hoặc được giải quyết bằng một, một số hoặc các biện pháp sau đây:

a) Tiếp tục hưởng các quyền lợi, ưu đãi;

b) Được trừ thiệt hại vào thu nhập chịu thuế;

c) Được điều chỉnh mục tiêu hoạt động của dự án;

d) Được xem xét bồi thường trong một số trường hợp cần thiết".

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 4 Luật đầu tư năm 2005 cũng quy định "Nhà nước đối xử bình đẳng trước pháp luật đối với các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế, giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư".

Do vị trí đặc biệt của Liên doanh Vietsopetro trong quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Bộ Tư pháp đề nghị Quý Bộ có những cân nhắc tổng thể các yếu tố để có đề xuất xử lý việc này phù hợp.

Trên đây là ý kiến của Bộ Tư pháp về thuế giá trị gia tăng đối với thiết bị, vật tư nhập khẩu phục vụ hoạt động khai thác dầu khí đối với Liên doanh dầu khí Việt - Xô (Vietsopetro), xin gửi để Quý Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ xem xét, quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Thứ trưởng Lê Thành Long (để biết);
- Lưu VT, PLQT (TA).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Thế Liên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 6953/BTP-PLQT năm 2013 thuế giá trị gia tăng đối với thiết bị, vật tư nhập khẩu phục vụ hoạt động khai thác dầu khí do Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 6953/BTP-PLQT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 27/09/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Hoàng Thế Liên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/09/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản