Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6843/TCHQ-GSQL
V/v tổng hợp, giải đáp vướng mắc tại Thông tư số 139/2013/TT-BTC

Hà Nội, ngày 10 tháng 06 năm 2014

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.

Ngày 09/10/2013, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 139/2013/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan đối với xăng dầu xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế xăng dầu; nguyên liệu nhập khẩu để gia công xuất khẩu xăng dầu (thay thế Thông tư số 165/2010/TT-BTC ngày 26/10/2010 và Thông tư số 126/2011/TT-BTC ngày 07/9/2011).

Trong quá trình triển khai thực hiện, Tổng cục Hải quan đã nhận được phản ánh vướng mắc của một số Cục Hải quan địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu... Theo đó, Tổng cục Hải quan đã tổng hợp hướng dẫn, giải đáp vướng mắc theo Bảng tổng hợp giải đáp vướng mắc đính kèm.

Tổng cục Hải quan hướng dẫn để Cục Hải quan các tỉnh, thành phố biết, thực hiện.

 


Nơi nhận:

- Như trên;
- T/T Đỗ Hoàng Anh Tuấn (để b/c);
- Vụ PC, Vụ CST (BTC) (để p/h);
- Cục Thuế XNK, Vụ PC (để t/h);
- Lưu: VT, GSQL (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh

 


BẢNG TỔNG HỢP VƯỚNG MẮC THÔNG TƯ SỐ 139/2013/TT-BTC

Stt

Nội dung Thông tư số 139/2013/TT-BTC

Nội dung vướng mắc

Hướng dẫn của Tổng cục Hải quan

1

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Dầu nhớt xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất có bị điều chỉnh bởi Thông tư 139/2013/TT-BTC không?

Căn cứ khoản 1, Điều 3 Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, trường hợp mặt hàng dầu bôi trơn không dùng làm nhiên liệu không phải là mặt hàng xăng dầu và không bị điều chỉnh bởi Nghị định số 84/2009/NĐ-CP và Thông tư số 139/2013/TT-BTC ngày 09/10/2013 của Bộ Tài chính.

2

Điều 2. Đối tượng áp dụng

 

 

2.1

Thương nhân có Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu... để cung ứng (tái xuất) xăng dầu cho các đối tượng sau đây:

b) Tàu biển quốc tịch nước ngoài... tàu biển quốc tịch Việt Nam chạy tuyến quốc tế xuất cảnh.

Trường hợp tàu biển nước ngoài gặp sự cố (gặp nạn) và neo đậu để sửa chữa có được tiếp nhận xăng dầu tái xuất không. Nếu không thì có được cấp dầu từ nội địa không (có ý kiến cho rằng tàu nước ngoài không được cung ứng xăng dầu từ nội địa).

Theo quy định tại điểm b, khoản 3 Điều 2 thì chỉ tàu biển chạy tuyến quốc tế xuất cảnh mới được mua xăng dầu từ nguồn tạm nhập. Trường hợp tàu gặp sự cố phải neo đậu để sửa chữa thì không được mua xăng dầu từ nguồn tạm nhập.

Quy định hiện hành không cấm tàu biển nước ngoài mua xăng dầu từ nội địa.

2.2

 

Trường hợp thông qua Công ty cung ứng tàu biển có chức năng cung ứng tàu biển là đại lý của mình để cung ứng (tái xuất) xăng dầu: Trường hợp chủ tàu, thuyền trưởng, đại lý chủ tàu, doanh nghiệp quản lý khai thác tàu có đơn đặt hàng trực tiếp với Công ty làm đại lý để cung ứng xăng dầu (tái xuất) thì việc khai báo tại ô số 1 trên tờ khai hải quan xuất khẩu là Công ty làm đại lý hay Công ty tạm nhập xăng dầu.

Việc khai báo tại ô số 1 tờ khai hải quan xuất khẩu thể hiện nội dung Người xuất khẩu, theo đó tại ô này thể hiện tên Công ty làm thủ tục nhập khẩu (tạm nhập) xăng dầu.

2.3

 

Đề nghị bổ sung “Tại ô số 3 thể hiện nội dung Người ủy thác/người được ủy quyền, theo đó Công ty cung ứng tàu biển (Công ty làm đại lý) sẽ được khai báo vào ô này”.

(Gạch đầu dòng thứ nhất, điểm 1 công văn số 291/HQCT-NV ngày 24/2/2014 của Cục Hải quan TP. Cần Thơ)

Tại ô số 3 thể hiện nội dung Người ủy thác/ người được ủy quyền, theo đó tại ô này thể hiện tên Công ty cung ứng tàu biển.

3

Điều 3. Một số quy định đặc thù

 

3.1

Khoản 1. Bơm xăng dầu từ phương tiện vận chuyển vào kho và ngược lại:

Sau khi tờ khai hải quan đã được đăng ký, cấp số theo quy định và cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng đã tiến hành lấy mẫu (đối với xăng dầu thuộc Danh mục hàng hóa phải kiểm tra nhà nước về chất lượng), thương nhân được bơm xăng dầu theo quy định dưới đây:

Thông tư quy định rõ đối với xăng dầu được bơm vào bồn, bể rỗng; bồn bể đang chứa xăng dầu cùng chủng loại, chế độ giám sát khác nhau. Tuy nhiên Thông tư không hướng dẫn doanh nghiệp cách khai báo làm cơ sở để cơ quan hải quan tiến hành thủ tục.

Đề xuất: Bổ sung thêm ý “Khi làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập, người khai hải quan phải khai cụ thể hàng sẽ được bơm vào bồn, bể rỗng hoặc bơm vào bồn bể với xăng dầu cùng chủng loại trên ô ghi chép khác của tờ khai nhập khẩu”.

(Điểm 1 công văn số 10551/HQHP-GSQL ngày 18/11/2013 của Cục Hải quan TP. Hải Phòng)

Đề nghị bổ sung “Khi làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập, yêu cầu người khai hải quan khai cụ thể xăng dầu sẽ được bơm vào bồn, bể rỗng hoặc bơm vào bồn bể với xăng dầu cùng chủng loại và các bồn bể này có thiết kế nhiều đường ống dẫn liên hoàn giữa các bồn bể với nhau không trên ô ghi chép khác của tờ khai nhập khẩu”.

(Gạch đầu dòng thứ hai, điểm 1 công văn số 291/HQCT-NV ngày 24/2/2014 của Cục Hải quan TP. Cần Thơ)

Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập xăng dầu hướng dẫn thương nhân Khi làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập, người khai hải quan khai cụ thể xăng dầu sẽ được bơm vào bồn, bể rỗng hoặc bơm vào bồn bể với xăng dầu cùng chủng loại (kể cả trường hợp bồn, bể của các kho chứa xăng dầu được thiết kế nhiều đường ống dẫn xăng dầu liên hoàn giữa các bồn, bể với nhau) trên ô ghi chép khác của tờ khai nhập khẩu.

a

 

Khi thương nhân tiến hành nhập khẩu xăng dầu (loại hình nhập kinh doanh), sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế, có thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng lô hàng, thương nhân có thể thực hiện việc luân chuyển lô hàng đó đến kho của thương nhân ở một địa điểm khác không (kho này không nằm trong địa bàn quản lý của Chi cục Hải quan nơi mở tờ khai).

Sau khi có Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng xăng dầu nhập khẩu và hoàn thành nghĩa vụ về thuế (được thông quan theo quy định), việc lưu trữ xăng dầu sau khi thông quan thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp.

b

a.2) Thương nhân được bơm xăng dầu, nguyên liệu từ phương tiện vận chuyển vào bồn, bể rỗng. Sau khi bơm xong xăng dầu, công chức hải quan niêm phong bồn, bể.

Theo quy định tại điểm a.2, khoản 1, Điều 3 thì việc bơm xăng dầu, nguyên liệu từ phương tiện vận chuyển vào bồn bể rỗng có phải giám sát hải quan trước khi tiến hành niêm phong hay không và việc cơ quan xác định bồn bể rỗng như thế nào, xác định đang chứa xăng dầu cùng chủng loại, bồn bể của các kho chứa được thiết kế nhiều đường ống liên hoàn giữa các bồn bể như thế nào (do đặc thù các kho chứa xăng dầu được lưu trữ tại các khu vực không có cơ quan hải quan giám sát).

(Điểm 1 công văn số 10551/HQHP-GSQL ngày 18/11/2013 của Cục Hải quan TP. Hải Phòng)

Việc xác định bồn bể rỗng, bồn bể của các kho chứa được thiết kế nhiều đường ống dẫn liên hoàn do thương nhân tự khai báo và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khai báo và phải thực hiện giám sát.

Căn cứ quy định tại điểm a.2, khoản 1 Điều 3 Thông tư số 139/2013/TT-BTC , trường hợp thương nhân bơm xăng dầu vào bồn bể rỗng, cơ quan hải quan thực hiện niêm phong kho sau khi thương nhân hoàn thành việc bơm xăng dầu vào kho theo quy định.

c

 

Theo quy định tại điểm a.2, khoản 1, Điều 3 thì công chức hải quan phải niêm phong bồn, bể sau khi thương nhân bơm xăng dầu, nguyên liệu từ phương tiện vận chuyển vào bồn, bể rỗng.

Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a, khoản 5 Điều 3 thì đối với lô hàng thuộc diện kiểm tra thực tế thì công chức phải niêm phong bồn bể cho đến khi xác định được lô hàng đáp ứng đủ các điều kiện thông quan theo quy định thì sẽ mở niêm phong hải quan cho phép thương nhân đưa hàng hóa vào sử dụng. Việc niêm phong hải quan bồn bể theo quy định tại điểm a.2. khoản 1 Điều 3 có áp dụng đối với lô hàng thuộc diện miễn kiểm tra thực tế hay không. Thời điểm được phép mở niêm phong hải quan là khi nào (nếu có).

Đề nghị Tổng cục Hải quan có hướng dẫn cụ thể.

(Điểm 1 công văn số 2420/HQĐNa-GSQL ngày 26/11/2013 của Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai)

Căn cứ quy định tại điểm a.2, khoản 1 Điều 3 Thông tư số 139/2013/TT-BTC thì cơ quan hải quan chỉ thực hiện niêm phong trường hợp xăng dầu bơm từ phương tiện vận chuyển vào bồn, bể rỗng (Thông tư số 139/2013/TT-BTC không quy định việc niêm phong hải quan đối với trường hợp kiểm tra thực tế hay miễn kiểm tra thực tế).

Thời điểm mở niêm phong là thời điểm thông quan lô hàng (có kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng và hoàn thành nghĩa vụ về thuế).

d

a.3) Thương nhân được bơm và lưu trữ xăng dầu, nguyên liệu từ phương tiện vận chuyển vào bồn, bể đang chứa xăng dầu cùng chủng loại (kể cả trường hợp bồn, bể của các kho chứa xăng dầu được thiết kế nhiều đường ống dẫn xăng dầu liên hoàn giữa các bồn, bể với nhau).

Sau khi thương nhân hoàn thành việc bơm xăng dầu theo quy định, công chức hải quan không phải thực hiện niêm phong kho và giao chủ hàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giữ nguyên trạng xăng dầu cho đến khi có kết luận của cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng xăng dầu.

Mặt hàng xăng dầu ngoài việc có kết luận kiểm tra nhà nước về chất lượng, thương nhân có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi hoàn thành thủ tục hải quan.

Đề xuất: “Sau khi thương nhân hoàn thành việc bơm xăng dầu theo quy định, công chức hải quan niêm phong bồn bể chứa xăng dầu, trừ trường hợp bồn bể có kết nối liên hoàn với nhau không niêm phong được thì doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về giữ nguyên trạng xăng dầu cho đến lô hàng đủ điều kiện thông quan và hoàn thành nghĩa vụ về thuế".

(Gạch đầu dòng thứ 6, điểm 2, công văn số 291/HQCT-NV ngày 24/2/2014 của Cục Hải quan TP. Cần Thơ)

Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 3 Thông tư số 139/2013/TT-BTC thì:

- Trường hợp thương nhân bơm xăng dầu từ phương tiện vận chuyển vào bồn bể rỗng, công chức hải quan thực hiện niêm phong bồn bể.

- Trường hợp thương nhân bơm xăng dầu từ phương tiện vận chuyển vào bồn bể đang chứa xăng dầu cùng chủng loại (kể cả trường hợp bồn, bể của các kho chứa xăng dầu được thiết kế nhiều đường ống dẫn xăng dầu liên hoàn giữa các bồn bể với nhau), công chức hải quan không phải thực hiện niêm phong kho và giao chủ hàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giữ nguyên trạng xăng dầu chi đến khi có kết luận của cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng xăng dầu.

Đối với các trường hợp sau khi có Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng xăng dầu nhập khẩu và hoàn thành nghĩa vụ về thuế, thương nhân mới được phép đưa xăng dầu vào sử dụng.

e

b) Đối với xăng dầu xuất khẩu, tái xuất:

Thương nhân được bơm xăng dầu tái xuất từ kho chứa xăng dầu đã tạm nhập sang phương tiện vận chuyển xăng dầu để xuất ra nước ngoài hoặc để cung ứng (tái xuất) cho đối tượng quy định tại khoản 3, khoản 4, Điều 2 Thông tư này.

Tại Chi cục Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất-TP.Hồ Chí Minh đang thực hiện khi mở tờ khai tái xuất được cấp số thì thực hiện việc bơm xăng dầu tái xuất lên máy bay. Tuy nhiên đối với những tờ khai hệ thống rủi ro phân luồng đỏ thì không thể kiểm tra thực tế được, vì máy bay đã làm thủ tục để cất cánh.

(Điểm 1 công văn số 4443/HQHCM-GSQL ngày 11/12/2013 của Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh)

Đề nghị sửa đổi, bổ sung “Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 20 Thông tư số 139/2013/TT-BTC về hồ sơ hải quan đối với tái xuất xăng dầu cho tàu bay không quy định thương nhân phải nộp Chứng thư giám định về chủng loại hoặc Phiếu thử nghiệm. Theo đó, trường hợp tờ khai xuất khẩu (tái xuất) xăng dầu cho tàu bay được hệ thống phân luồng đỏ, Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai xuất khẩu (tái xuất) xăng dầu căn cứ các thông tin trên Hóa đơn bán hàng (hoặc Phiếu xuất kho), Đơn đặt hàng (nếu có), kết quả giám sát bơm xăng dầu cho tàu bay để ghi nhận kết quả kiểm hóa vào tờ khai xuất khẩu (tái xuất)”.

(Gạch đầu dòng thứ hai, điểm 1 công văn số 291/HQCT-NV ngày 24/2/2014 của Cục Hải quan TP. Cần Thơ)

Theo quy định tại khoản 5, Điều 3 Thông tư số 139/2013/TT-BTC , đối với lô hàng phải kiểm tra thực tế thì công chức hải quan căn cứ kết quả giám định về khối lượng, trọng lượng, chủng loại lô hàng và kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng lô hàng để thực hiện xác nhận trên tờ khai hải quan để thông quan lô hàng. Theo đó, trường hợp tờ khai hải quan xuất khẩu (tái xuất) xăng dầu cho tàu bay được hệ thống phân luồng vàng/luồng đỏ, Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai xuất khẩu căn cứ các thông tin trên Hóa đơn bán hàng/Phiếu xuất kho (trong Hóa đơn bán hàng/Phiếu xuất kho phải thể hiện rõ chỉ số đồng hồ đo lưu lượng xăng dầu điểm đầu và cuối - thời điểm trước và sau khi bơm), Đơn đặt hàng, kết quả giám sát bơm xăng dầu cho tàu bay để xác nhận kết quả kiểm hóa vào tờ khai xuất khẩu (tái xuất).

3.2

Khoản 2. Kiểm tra nhà nước về chất lượng lô hàng xăng dầu nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, nguyên liệu nhập khẩu:

Trường hợp xăng dầu nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế xăng dầu, nguyên liệu nhập khẩu để gia công xuất khẩu xăng dầu thuộc Danh mục hàng hóa phải kiểm tra nhà nước về chất lượng thì thực hiện như sau:

a

a) Đối với xăng dầu nhập khẩu:

Về thời điểm thông quan lô hàng đối với xăng dầu nhập khẩu hướng dẫn tại điểm a, khoản 2, Điều 3 là thời điểm thương nhân nộp Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng lô hàng. Tuy nhiên Điều 6 Thông tư lại quy định “Xăng dầu kinh doanh tạm nhập tái xuất phải nộp thuế trước khi hoàn thành thủ tục tạm nhập xăng dầu”.

Việc quy định thời điểm thông quan là thời điểm thương nhân nộp Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng lô hàng là chưa phù hợp do cơ quan hải quan còn phải kiểm tra các điều kiện về việc hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Đề xuất: Cơ quan hải quan ghi nhận trên hệ thống việc doanh nghiệp nộp kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng và chỉ thông quan khi doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các thủ tục khai bổ sung và nộp thuế theo quy định.

(Điểm 2 công văn số 10551/HQHP-GSQL ngày 18/11/2013 của Cục Hải quan TP. Hải Phòng)

Đề nghị hướng dẫn thêm trường hợp này, vì khi ghi nhận trên hệ thống việc doanh nghiệp nộp kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng, công chức hải quan phải chọn khâu nghiệp vụ tiếp theo như (giải phóng hàng, mang hàng về bảo quản, thông quan...) thì hệ thống mới cho ghi nhận.

(Gạch đầu dòng thứ hai, điểm 1 công văn số 291/HQCT-NV ngày 24/2/2014 của Cục Hải quan TP. Cần Thơ)

Căn cứ khoản 1, Điều 3 thì việc đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng là điều kiện để thông quan. Lô hàng xăng dầu nhập khẩu, tạm nhập chỉ được thông quan trên cơ sở kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng và hoàn thành nghĩa vụ về thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Theo đó đối với xăng dầu nhập khẩu, cơ quan hải quan ghi nhận trên hệ thống việc doanh nghiệp nộp kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng và chỉ thông quan khi doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các thủ tục khai bổ sung kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng và nộp thuế theo quy định.

Đề nghị thực hiện theo quy định như đối với các mặt hàng phải kiểm tra nhà nước về chất lượng.

b

b.2) Trường hợp xăng dầu kinh doanh tạm nhập tái xuất được lưu trữ chung với xăng dầu kinh doanh cùng chủng loại, khi tạm nhập phải thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng.

Nếu cơ quan kiểm tra nhà nước thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng lô hàng không đáp ứng yêu cầu chất lượng nhập khẩu thì toàn bộ xăng dầu (cả cũ và mới) buộc phải tái xuất. Thương nhân hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc này.

Theo quy định tại điểm d, khoản 5 Điều 14 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 về việc xử phạt các hành vi vi phạm các chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu “Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật”.

Trường hợp buộc tái xuất đối với lô hàng không đáp ứng yêu cầu chất lượng nhập khẩu có xử phạt theo Nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan hay chỉ buộc tái xuất.

Kiến nghị Tổng cục Hải quan có hướng dẫn, ngoài ra kiến nghị trong phần căn cứ ban hành Thông tư số 139/2013/TT-BTC nên bổ sung trích dẫn các Nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.

(Điểm 4 công văn số 2420/HQĐNa-GSQL ngày 26/11/2013 của Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai)

Trường hợp xăng dầu tạm nhập không đủ yêu cầu chất lượng nhập khẩu (chứa chung với xăng dầu nhập khẩu) thì buộc phải tái xuất và xử phạt theo quy định tại Nghị định số 127/2013/NĐ-CP .

3.3

Khoản 3. Xác định khối lượng xăng dầu nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất

a

a) Khối lượng xăng dầu xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất vận chuyển bằng phương tiện vận tải đường thủy qua cửa khẩu cảng sông quốc tế, cửa khẩu cảng biển căn cứ theo Thông báo kết quả giám định về khối lượng xăng dầu của thương nhân giám định (có chức năng giám định).

1. Theo quy định tại khoản 11, Điều 3 thì "Trường hợp khối lượng xăng dầu thực nhập, thực xuất có chênh lệch so với khối lượng xăng dầu ghi trên hóa đơn nhưng phù hợp với dung sai xăng dầu ghi trên hợp đồng do tính chất hàng hóa thì khối lượng xăng dầu để tính thuế được xác định trên cơ sở giá trị thực thanh toán cho lô xăng dầu xuất khẩu, nhập khẩu và thuế suất từng mặt hàng".

Như vậy, việc xác định khối lượng xăng dầu nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất căn cứ theo Thông báo kết quả giám định về khối lượng hay căn cứ trên cơ sở giá trị thực thanh toán cho lô hàng xăng dầu nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất và thuế suất từng mặt hàng.

(Điểm 2 công văn số 4443/HQHCM-GSQL ngày 11/12/2013 của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh)

2. Đề nghị sửa đổi, bổ sung “Trường hợp giữa kết quả giám định và khối lượng thanh toán có chênh lệch cao hoặc thấp hơn dung sai ghi trên hợp đồng cần có xác minh, giải trình của doanh nghiệp để xem xét cụ thể”.

(Gạch đầu dòng thứ hai, điểm 1 công văn số 291/HQCT-NV ngày 24/2/2014 của Cục Hải quan TP. Cần Thơ)

3. Đề nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể các chứng từ thương nhân phải nộp để giải trình với cơ quan hải quan trong trường hợp có sự chênh lệch giữa kết quả giám định và khối lượng thanh toán.

(Gạch đầu dòng thứ nhất, điểm 1 công văn số 2006/HQHP-GSQL ngày 03/3/2014 của Cục Hải quan TP. Hải Phòng)

Việc xác định khối lượng xăng dầu nhập khẩu, tạm nhập căn cứ vào Thông báo kết quả giám định về khối lượng của thương nhân giám định.

Trường hợp giữa kết quả giám định và khối lượng thanh toán có chênh lệch, Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xăng dầu xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất đối chiếu các thông tin (lượng, trị giá) trên tờ khai với Hóa đơn bán hàng (hoặc Phiếu xuất kho), Đơn đặt hàng, chứng thư giám định về khối lượng, ý kiến giải trình của doanh nghiệp để xem xét cụ thể.

b

c) Đối với xăng, dầu cung ứng (tái xuất) cho tàu biển:

c.1) Khối lượng xăng, dầu bơm trực tiếp từ kho xuống tàu biển được xác định bằng đồng hồ đo của kho chứa.

c.2) Xăng, dầu bơm từ kho xuống phương tiện vận tải để tiếp tục vận chuyển cung ứng cho tàu biển:

- Khối lượng xăng, dầu bơm từ kho xuống phương tiện vận tải được xác định bằng đồng hồ đo của kho chứa trên đất liền.

- Khối lượng xăng, dầu này bơm từ phương tiện vận tải sang tàu biển được xác định bằng một trong các phương pháp: giám định (căn cứ kết quả giám định về khối lượng của thương nhân giám định), Barem hoặc đồng hồ đo của tàu biển tùy theo điều kiện cụ thể của từng tàu biển và phù hợp với thông lệ quốc tế được áp dụng đối với mặt hàng này.

1. Trường hợp kết quả hai khối lượng trên không phù hợp hoặc lớn hơn, hoặc nhỏ hơn khối lượng từ kho bơm xuống phương tiện vận tải thì lấy kết quả nào để thanh khoản tờ khai tạm nhập.

Đề xuất: Lấy số đo từ phương tiện vận tải đến tàu biển.

(Điểm 3 công văn số 10551/HQHP-GSQL ngày 18/11/2013 của Cục Hải quan TP. Hải Phòng)

2. Đề nghị Tổng cục Hải quan cần quy định rõ các chứng từ thương nhân phải nộp trường hợp có sự chênh lệch đồng hồ đo của kho chứa và đồng hồ của phương tiện vận tải.

(Gạch đầu dòng thứ 2, điểm 1 công văn số 2006/HQHP-GSQL ngày 03/3/2014 của Cục Hải quan TP. Hải Phòng)

Đề nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn thống nhất việc xác định khối lượng (giám định, barem, đồng hồ đo) xăng dầu cung ứng cho tàu biển được thực hiện ở đâu, tàu nào (phương tiện vận tải hay tàu biển nhận nhiên liệu), có phải nhận biên bản ghi nhận kết quả của giám định, kết quả đo theo barem, kết quả đo từ đồng hồ hay không?

Khối lượng xăng dầu trên Biên bản giao nhận giữa phương tiện vận tải và tàu biển có phải là cơ sở để xác nhận trên tờ khai tái xuất hay không? Hay chỉ xác nhận trên tờ khai tái xuất cần có Biên bản ghi nhận khối lượng xăng dầu của cơ quan hải quan (giám định, barem, đồng hồ đo,) và Biên bản giao nhận của phương tiện vận tải và tàu biển?

Trường hợp cung ứng xăng dầu tại khu vực vùng neo, phao số 0 thì việc xác định khối lượng bằng giám định gây tốn nhiều thời gian và chi phí do cơ quan giám định phải ra khu vực vùng neo, phao số 0 để thực hiện việc giám định. Đề nghị Tổng cục Hải quan có hướng dẫn cụ thể: Cơ quan nào sẽ là đơn vị chịu chi phí giám định (tàu biển nhận nhiên liệu, phương tiện vận tải, chủ lô hàng tái xuất, hải quan).

Trong trường hợp có chênh lệch giữa đồng hồ đo của kho chứa và đồng hồ của phương tiện vận tải, Chi cục đề xuất căn cứ các số liệu trên Biên bản giao nhận, hóa đơn và chứng từ thanh toán để thanh khoản tờ khai tạm nhập.

(Điểm 1 công văn số 0437/HQBRVT-GSQL ngày 26/2/2014 của Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)

Căn cứ quy định tại Điều 12, Điều 13 Thông tư số 139/2013/TT-BTC , đối với xăng dầu cung ứng tái xuất cho tàu biển thì cơ quan hải quan làm thủ tục tái xuất sẽ niêm phong phương tiện vận tải chứa xăng dầu và thực hiện giám sát cho đến khi xăng dầu được giao toàn bộ cho tàu. Do vậy, trong trường hợp này, khối lượng xăng dầu cung ứng cho tàu biển được xác định bằng đồng hồ của phương tiện vận tải vận chuyển xăng dầu.

Khối lượng xăng dầu trên Biên bản giao nhận giữa phương tiện vận tải và tàu biển là cơ sở để xác nhận trên tờ khai tái xuất. Trường hợp không thống nhất về khối lượng xăng dầu giữa phương tiện vận tải và tàu biển thì thực hiện giám định, chi phí giám định do thương nhân và đại lý chủ tàu thống nhất.

Trường hợp có chênh lệch giữa đồng hồ đo của kho chứa và đồng hồ đo của phương tiện vận tải, Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập căn cứ vào Biên bản giao nhận, hóa đơn và chứng từ thanh toán, ý kiến giải trình của doanh nghiệp để xác định khối lượng xăng dầu thực tái xuất và thực hiện thanh khoản tờ khai tạm nhập.

c

 

Khi thương nhân thực hiện theo loại hình nhập kinh doanh đối với lượng xăng dầu tái xuất chạy chặng nội địa thì hồ sơ phải nộp cho cơ quan hải quan gồm những chứng từ gì?

Hồ sơ thực hiện như đối với xăng dầu chuyển tiêu thụ nội địa quy định tại Chương IV Thông tư số 139/2013/TT-BTC .

d

 

Trường hợp xăng dầu trên các phương tiện vận tải từ nội địa xuất cảnh ra nước ngoài qua cửa khẩu đường bộ có làm thủ tục xuất khẩu cho lượng xăng dầu này không? Nếu có thì làm thủ tục như thế nào?

Đối với nhiên liệu của phương tiện vận tải từ nội địa xuất cảnh ra nước ngoài qua cửa khẩu đường bộ không áp dụng quy định tại Thông tư số 139/2013/TT-BTC .

3.4

Khoản 4. Xác định chủng loại đối với xăng dầu xuất khẩu, tái xuất:

Đối với xăng dầu xuất khẩu, tái xuất được lấy ra từ cùng 01 (một) bồn, bể dưới sự giám sát của công chức hải quan thì giám định xác định về chủng loại này là xác định cho cả lô hàng xuất khẩu, tái xuất; không yêu cầu phải xác định riêng lẻ cho từng phương tiện vận tải vận chuyển xăng dầu của lô hàng.

Theo quy định tại khoản 4, Điều 3 thì khi doanh nghiệp xuất khẩu, tái xuất xăng dầu đều có công chức hải quan giám sát tại bồn chứa của doanh nghiệp.

(Điểm 4 công văn số 10551/HQHP-GSQL ngày 18/11/2013 của Cục Hải quan TP. Hải Phòng)

Khoản 4, Điều 3 Thông tư số 139/2013/TT-BTC quy định đối với việc xác định chủng loại, theo đó trường hợp xăng dầu nhập khẩu, tái xuất lấy ra từ cùng một bồn, bể mà có sự giám sát của công chức hải quan thì việc giám định thực hiện cho cả lô hàng.

3.5

Khoản 5. Kiểm tra thực tế xăng dầu nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất và nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất xăng dầu hoặc gia công xuất khẩu xăng dầu:

Tại khoản 5, Điều 3 quy định về kiểm tra thực tế hàng hóa: Đối với lô hàng phải kiểm tra thực tế hàng hóa, phải căn cứ vào kết quả giám định.

Tại khoản 2 Điều 11: Hồ sơ hải quan đối với xăng dầu tái xuất cho phép doanh nghiệp dùng Phiếu kết quả thử nghiệm.

Vậy đối với lô hàng xăng dầu tái xuất phải kiểm tra thực tế hàng hóa thì căn cứ vào Phiếu kết quả thử nghiệm của doanh nghiệp có được không hay phải căn cứ vào kết quả giám định của cơ quan giám định độc lập.

2. Đề nghị sửa đổi, bổ sung “Trường hợp phải kiểm tra thực tế hàng hóa, cơ quan hải quan căn cứ chứng thư giám định chủng loại. Riêng đối với xăng dầu cung ứng (tái xuất) theo khoản 3, khoản 4 Điều 2 thì căn cứ theo chứng thư giám định chủng loại hoặc Phiếu kết quả thử nghiệm của doanh nghiệp (trừ xăng dầu cung ứng cho tàu bay)”.

(Gạch đầu dòng thứ hai, điểm 1 công văn số 291/HQCT-NV ngày 24/2/2014 của Cục Hải quan TP. Cần Thơ)

Điểm b, khoản 5, Điều 3 quy định “Đối với lô hàng kiểm tra thực tế thì công chức hải quan căn cứ kết quả giám định về khối lượng, trọng lượng, chủng loại lô hàng... thực hiện xác nhận trên tờ khai hải quan để thông quan lô hàng”. Theo đó quy định này được hiểu là tất cả các lô hàng xăng dầu được phân luồng đỏ thì phải căn cứ chứng thư giám định.

Đề xuất: Sửa đổi, bổ sung “Đối với lô hàng kiểm tra thực tế thì công chức hải quan căn cứ vào khối lượng, trọng lượng được xác định theo khoản 3 Điều 3, chứng thư giám định chủng loại lô hàng và kết quả... thực hiện xác nhận trên tờ khai hải quan để thông quan lô hàng. Riêng đối với xăng dầu cung ứng (tái xuất) theo khoản 3, khoản 4 Điều 2 thì căn cứ theo chứng thư giám định chủng loại hoặc Phiếu kết quả thử nghiệm của doanh nghiệp (trừ xăng dầu cung ứng cho tàu bay)”.

Trường hợp phải kiểm tra thực tế hàng hóa, cơ quan hải quan căn cứ Chứng thư giám định về khối lượng, Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng, Chứng thư giám định về chủng loại xăng dầu hoặc Phiếu kết quả thử nghiệm của thương nhân (trừ trường hợp cung ứng xăng dầu cho tàu bay).

3.6

Khoản 7. Đối với xăng dầu chuyển tải, sang mạn:

b) Thương nhân thực hiện khai báo với Chi cục Hải quan (nơi làm thủ tục) trước khi thực hiện việc chuyển tải sang mạn.

Thương nhân có trách nhiệm khai rõ tên, loại, số hiệu phương tiện vận tải vận chuyển xăng dầu và phương tiện vận tải khác thực hiện việc chuyển tải, sang mạn; ... ngày ... giờ, lượng xăng dầu ... tấn thực hiện chuyển tải, sang mạn.

c) Căn cứ văn bản thông báo của thương nhân, công chức Hải quan thực hiện việc giám sát cho đến khi thực hiện xong việc chuyển tải, sang mạn.

d) Phương tiện chứa xăng dầu chuyển tải sang mạn phải được neo đậu tại khu vực thuộc địa bàn quản lý của hải quan nơi làm thủ tục cho đến khi hoàn thành thủ tục hải quan. Xăng dầu chuyển tải sang mạn phải được lưu trữ riêng tại các kho chứa riêng khi chưa hoàn thành thủ tục đăng ký tờ khai hải quan theo quy định của Luật Hải quan.

Theo quy định tại điểm b: Địa điểm làm thủ tục chuyển tải, sang mạn (có thể ở phao số 0) chưa xác định hàng hóa sẽ về cảng nào, do đó không thể xác định được Chi cục đăng ký tờ khai. Vậy doanh nghiệp không thực hiện đăng ký tờ khai vì không biết hàng hóa sẽ về cảng nào.

Theo quy định tại điểm c: Do đặc thù của hàng hóa nên việc giám sát xong chuyển tải, sang mạn thực hiện ở ngoài khơi và thời gian sang mạn có thể kéo dài, công chức tại cửa khẩu không thể có phương tiện ra tận địa điểm sang mạn.

Đề xuất: Bổ sung thêm ý “Thương nhân có trách nhiệm bố trí phương tiện đi lại cho công chức hải quan thực hiện việc giám sát”.

Theo quy định tại điểm d: Cần giải thích rõ phương tiện chứa xăng dầu chuyển tải, sang mạn được neo đậu tại khu vực địa bàn quản lý của hải quan nơi làm thủ tục cho đến khi hoàn thành thủ tục hải quan.

Việc quy định xăng dầu chuyển tải, sang mạn phải được lưu trữ riêng tại các kho chứa riêng khi chưa hoàn thành thủ tục đăng ký tờ khai hải quan theo quy định của Luật Hải quan là như thế nào.

(Điểm 5 công văn số 10551/HQHP-GSQL ngày 18/11/2013 của Cục Hải quan TP. Hải Phòng)

Vướng mắc tại điểm b: Căn cứ vào khai báo của doanh nghiệp và việc phân công quản lý địa bàn của đơn vị để thực hiện.

Vướng mắc tại điểm c: Cơ quan hải quan phối hợp với thương nhân trong việc bố trí phương tiện đi lại cho công chức hải quan thực hiện việc giám sát.

Vướng mắc tại điểm d: Thực hiện theo quy định tại khoản 9, Điều 1 Luật Hải quan sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan số 42/2005/QH11 và văn bản hướng dẫn liên quan để thực hiện.

3.7

Khoản 9. Xăng dầu đã tạm nhập nhưng không tái xuất hoặc tái xuất không hết được chuyển tiêu thụ nội địa (sau đây gọi tắt là xăng dầu chuyển tiêu thụ nội địa).

Đề nghị làm rõ quy định Lãnh đạo Chi cục Hải quan xem xét, phê duyệt như thế nào. Điều kiện, căn cứ để phê duyệt là gì, thủ tục như thế nào.

(Điểm 6 công văn số 10551/HQHP-GSQL ngày 18/11/2013 của Cục Hải quan TP. Hải Phòng)

Xăng dầu đã tạm nhập tái xuất chuyển tiêu thụ nội địa thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 5, Điều 41 Thông tư số 128/2013/TT-BTC .

Tuy nhiên khoản 5, Điều 41 không quy định cụ thể các chứng từ thương nhân phải nộp và điều kiện, căn cứ để Lãnh đạo Cục Hải quan phê duyệt việc đề nghị chuyển tiêu thụ nội địa xăng dầu đã tạm nhập nhưng không tái xuất hoặc tái xuất không hết.

Cục Hải quan TP. Hải Phòng đề nghị hướng dẫn cụ thể như sau:

* Hồ sơ thương nhân gửi Cục Hải quan:

- Công văn đề nghị được chuyển tiêu thụ nội địa nêu rõ: Số tờ khai tạm nhập, nơi đăng ký tạm nhập, khối lượng đã tái xuất, số tờ khai tái xuất, khối lượng chuyển tiêu thụ nội địa, nơi lưu giữ hàng hóa, tình trạng niêm phong hải quan (nếu có). Trình bày rõ lý do đề nghị chuyển tiêu thụ nội địa.

- Bản chụp các tờ khai tạm nhập, tái xuất (nếu có): 01 bản (xuất trình bản chính để đối chiếu).

- Phiếu theo dõi trừ lùi của tờ khai tạm nhập: 01 bản chụp (xuất trình bản chính để đối chiếu).

* Nhiệm vụ của Cục Hải quan:

- Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi làm thủ tục tạm nhập xem xét kiểm tra hồ sơ do thương nhân xuất trình nếu phù hợp về lượng hàng thể hiện tại tờ khai tạm nhập, tờ khai tái xuất, phiếu theo dõi trừ lùi thì có văn bản xác nhận đồng ý cho thương nhân làm thủ tục chuyển tiêu thụ nội địa.

* Sau khi Cục Hải quan tỉnh, thành phố phê duyệt, thương nhân làm thủ tục hải quan theo quy định.

Bổ sung hướng dẫn thủ tục hải quan đối với xăng dầu chuyển tiêu thụ nội địa như sau:

1. Hồ sơ thương nhân gửi Cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập:

- Công văn đề nghị được chuyển tiêu thụ nội địa nêu rõ: Số tờ khai tạm nhập, nơi đăng ký tạm nhập, khối lượng đã tái xuất, số tờ khai tái xuất, khối lượng chuyển tiêu thụ nội địa, tình trạng niêm phong hải quan (nếu có). Trình bày rõ lý do đề nghị chuyển tiêu thụ nội địa.

- Tờ khai hải quan nhập khẩu (tạm nhập): 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp.

- Tờ khai hải quan xuất khẩu (tái xuất) (nếu có): 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp.

- Phiếu theo dõi trừ lùi của tờ khai hải quan nhập khẩu (tạm nhập): 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp.

2. Trách nhiệm của Cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập:

Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập xem xét kiểm tra hồ sơ do thương nhân xuất trình, nếu phù hợp các điều kiện về lượng hàng thể hiện tại tờ khai tạm nhập, thời hạn tạm nhập, tờ khai tái xuất, phiếu theo dõi trừ lùi thì có văn bản xác nhận đồng ý cho thương nhân làm thủ tục chuyển tiêu thụ nội địa.

3. Sau khi Cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập phê duyệt, thương nhân thực hiện thủ tục hải quan đối với xăng dầu chuyển tiêu thụ nội địa theo quy định.

 

3.8

Khoản 10. Xác định xăng dầu đã xuất khẩu đối với xăng dầu xuất khẩu, tái xuất:

 

a

c) Đối với xăng dầu xuất khẩu, tái xuất qua cửa khẩu đường bộ quốc tế, cửa khẩu đường sông quốc tế, cảng chuyển tải, khu chuyển tải xăng dầu cung ứng cho tàu biển, tàu bay xuất cảnh là tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan, có xác nhận của Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất “Hàng hóa đã xuất khẩu”.

1. Theo quy định tại điểm c, khoản 10, Điều 3 Thông tư số 139/2013/TT-BTC thì “Đối với ... có xác nhận của Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất: Hàng hóa đã xuất khẩu”.

Theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 18 Thông tư số 196/2012/TT-BTC thì Hải quan cửa khẩu xác nhận “Hàng đã qua khu vực giám sát hải quan”.

Vậy đối với xăng dầu tái xuất khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử thì Hải quan cửa khẩu thực hiện xác nhận theo quy định tại Thông tư nào.

2. Theo quy định tại điểm c, khoản 10, Điều 3 Thông tư số 139/2013/TT-BTC thì “Đối với ... có xác nhận của Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất: Hàng hóa đã xuất khẩu”. Tuy nhiên nếu mở tờ khai điện tử thì theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 18 Thông tư số 196/2012/TT-BTC thì hải quan cửa khẩu xác nhận “Hàng đã qua khu vực giám sát hải quan”.

Vậy đối với xăng dầu cung ứng cho tàu bay mở tờ khai điện tử một lần thì hải quan cửa khẩu xác nhận thực xuất trên hóa đơn hoặc phiếu xuất kho theo Thông tư nào.

(Điểm 4 công văn số 347/HQNA-NV ngày 07/3/2014 của Cục Hải quan tỉnh Nghệ An)

Căn cứ khoản 17, Điều 3 Thông tư số 139/2013/TT-BTC , trường hợp thực hiện thủ tục hải quan điện tử thì áp dụng Thông tư số 196/2012/TT-BTC hoặc Thông tư số 22/2014/TT-BTC .

b

e.2) Trường hợp DNCX nằm ngoài KCX là tờ khai hàng hóa xuất khẩu (tái xuất) và tờ khai hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp mua xăng dầu đã làm xong thủ tục hải quan.

Quy định về xác nhận thực xuất khi bán vào DNCX dựa trên tờ khai của DNCX mở tại cơ quan quản lý DNCX. Như vậy, người tái xuất sẽ không có tờ khai này để xuất trình với cơ quan hải quan nơi mở tờ khai tạm nhập để thanh khoản. Đề nghị có quy định rõ về việc phối hợp của hai cơ quan Hải quan để thanh khoản.

Sau khi hoàn thành thủ tục nhập khẩu, Chi cục Hải quan quản lý DNCX có trách nhiệm sao gửi tờ khai nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tái xuất để làm cơ sở thanh khoản tờ khai tạm nhập.

3.9

Khoản 12. Trường hợp xăng dầu cung ứng (tái xuất) cho đối tượng quy định tại khoản 3, Điều 2 Thông tư này:

a

a) Thương nhân thực hiện thủ tục hải quan theo loại hình nhập kinh doanh đối với lượng xăng dầu tái xuất chạy chặng nội địa (phù hợp với bản định mức lượng xăng dầu chạy chặng nội địa do thương nhân nộp cho cơ quan Hải quan).

 

Theo quy định tại điểm a thì thủ tục nhập kinh doanh đối với doanh nghiệp thực hiện việc tiếp nhận xăng dầu để tiêu thụ nội địa hay đối với doanh nghiệp đầu mối. Lượng xăng dầu tái xuất chạy chặng nội địa được xác định trên cơ sở nào. Do đặc thù của xăng dầu cung ứng tàu biển là thủ tục nhập khẩu tại các Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh và cung ứng tại các Chi cục thuộc Cục Hải quan TP. Hải Phòng nên đề nghị quy định rõ địa điểm làm thủ tục nhập kinh doanh tại cửa khẩu nhập hay cửa khẩu xuất.

Đề xuất: Quy định làm thủ tục nhập kinh doanh đối với doanh nghiệp đầu mối tại Chi cục Hải quan làm thủ tục tạm nhập.

Khi làm thủ tục theo loại hình nhập kinh doanh đối với lượng xăng dầu tái xuất chạy tuyến nội địa thì có phải tính thuế môi trường hay không? Vì phần lớn các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu đều chưa phải tính thuế môi trường ở khâu nhập khẩu nhưng trường hợp này nhập khẩu xăng dầu để tiêu thụ ngay. Lượng hàng xuất cho đối tác nước ngoài có tính thuế bảo vệ môi trường không (vì không chạy ở môi trường Việt Nam).

(Điểm 7 công văn số 10551/HQHP-GSQL ngày 18/11/2013 của Cục Hải quan TP. Hải Phòng)

Theo quy định tại điểm a thì thương nhân thực hiện thủ tục hải quan theo loại hình nhập kinh doanh đối với lượng xăng dầu tái xuất chạy chặng nội địa.

Tuy nhiên, khoản 6 Điều 12 quy định “6. Tính thuế, thu thuế đối với phần xăng dầu đã làm thủ tục tái xuất cho tàu biển chạy chặng nội địa trong hành trình chạy tuyến quốc tế hoặc tàu biển đã xuất cảnh nhưng vì lý do khách quan tàu biển không xuất cảnh để chạy tuyến quốc tế hoặc đã làm thủ tục xuất cảnh nhưng thay đổi lịch trình (có thêm chặng nội địa). Thời điểm tính thuế là thời điểm mở tờ khai tái xuất”.

Như vậy đối với xăng dầu tái xuất cho tàu biển chạy chặng nội địa thực hiện mở tờ khai nhập kinh doanh hay mở tờ khai tái xuất.

(Điểm 4 công văn số 4443/HQHCM-GSQL ngày 11/12/2013 của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh)

Theo quy định điểm a có được hiểu là thương nhân kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu mở tờ khai nhập khẩu kinh doanh chuyển tiêu thụ nội địa đối với số xăng dầu cung cấp cho tàu dùng để chạy chặng nội địa thay vì tái xuất.

Kiến nghị Tổng cục Hải quan có hướng dẫn cụ thể, đồng thời giải thích thêm như thế nào là chạy chặng nội địa đối với tàu chở hàng xuất khẩu chạy một đoạn đường trong nước trước khi xuất cảnh. Đề nghị bổ sung quy định này vì chạy nội địa thực tế là tiêu thụ nội địa sử dụng xăng dầu nội địa.

(Điểm 5 công văn số 2420/HQĐNa-GSQL ngày 26/11/2013 của Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai)

Đối chiếu với quy định tại điểm a, khoản 12 Điều 3 thì thương nhân thực hiện mở tờ khai hải quan theo loại hình nhập kinh doanh đối với lượng xăng dầu chạy chặng nội địa.

Quy định tại khoản 6 Điều 12 được hiểu là cơ quan Hải quan thực hiện tính thuế, thu thuế và thời điểm tính thuế là ngày mở tờ khai tái xuất.

Kiến nghị Tổng cục Hải quan có hướng dẫn cụ thể quy trình tính thuế đối với trường hợp này và vướng mắc tương tự đối với trường hợp quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 21.

(Điểm 6 công văn số 2420/HQĐNa-GSQL ngày 26/11/2013 của Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai)

1. Thực hiện theo quy định tại khoản 6, Điều 11, khoản 4, khoản 5 Điều 14 Thông tư số 139/2013/TT-BTC và mục I công văn số 7756/TCHQ-GSQL ngày 16/12/2013 khi thực hiện thủ tục mở tờ khai tái xuất (cung ứng) xăng dầu cho tàu biển quốc tịch nước ngoài neo đậu tại cảng biển, cảng sông quốc tế và quốc tịch Việt Nam chạy tuyến quốc tế xuất cảnh.

2. Hiện, quy định về chặng nội địa của tàu biển xuất cảnh và lượng xăng dầu tái xuất chạy chặng nội địa căn cứ vào định mức khai báo và cam kết của thuyền trưởng hoặc chủ tàu hoặc đại lý chủ tàu hoặc doanh nghiệp quản lý khai thác tàu (điểm a, khoản 2, Điều 11 Thông tư số 139/2013/TT-BTC). Về lâu dài, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để có hướng dẫn cụ thể.

3. Theo quy định tại điểm b.2, khoản 4, Điều 15 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 16/11/2013 của Bộ Tài chính, đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất chuyển tiêu thụ nội địa, trường hợp trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không có đăng ký kinh doanh xăng dầu, người nộp thuế kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường với cơ quan hải quan. Lượng hàng xuất cho đối tác nước ngoài không phải tính thuế bảo vệ môi trường.

4. Việc tính thuế đối với lượng xăng dầu cung ứng (tái xuất) cho tàu biển, tàu bay chạy tuyến quốc tế xuất cảnh thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 12, Điều 3 Thông tư số 139/2013/TT-BTC. Thời điểm tính thuế là thời điểm mở tờ khai tái xuất xăng dầu.

5. Ngày 16/12/2013, Tổng cục Hải quan ban hành công văn số 7756/TCHQ-GSQL hướng dẫn thủ tục tạm nhập tái xuất xăng dầu cung ứng cho tàu biển; theo đó đã hướng dẫn nơi mở tờ khai nhập kinh doanh khi chạy tuyến nội địa và mở tờ khai có chặng nội địa từ đầu.

 

b

 

Xăng dầu tái xuất cho tàu biển có bắt buộc phải từ nguồn tạm nhập hay có thể sử dụng nguồn xăng dầu nội địa để cung ứng cho tàu khi chạy chặng nội địa (theo bản định mức) hay không? Trường hợp bắt buộc phải lấy từ nguồn tạm nhập thì đề nghị hướng dẫn việc mở tờ khai tái xuất:

- Doanh nghiệp phải mở tờ khai tái xuất cho toàn bộ lượng xăng dầu cung ứng cho tàu bao gồm cả chặng nội địa và chặng quốc tế, sau đó mở tiếp tờ khai nhập kinh doanh cho lượng xăng dầu chạy chặng nội địa. Trường hợp này, có phải thực hiện việc tính lại thời hạn nộp thuế đối với trường hợp xăng dầu tạm nhập không tái xuất hết chuyển tiêu thụ nội địa hay không.

- Hay chỉ mở tờ khai tái xuất cho lượng xăng dầu chạy tuyến quốc tế và mở tờ khai nhập kinh doanh cho lượng xăng dầu chạy tuyến nội địa (không phải mở tờ khai tái xuất cho lượng xăng dầu này).

Trường hợp có thể lấy từ nguồn nội địa để cung ứng cho chặng nội địa của tàu thì quy định trên là không phù hợp. Vì xăng dầu này doanh nghiệp đã mở tờ khai theo loại hình nhập kinh doanh và đóng thuế đầy đủ. Do đó, nếu mở thêm tờ khai mới thì doanh nghiệp phải đóng thuế 2 lần. Trường hợp này, doanh nghiệp cũng không thể khai báo lượng xăng dầu này trên tờ khai tái xuất mà chỉ có thể khai báo lượng xăng dầu cung ứng cho tuyến quốc tế của tàu.

(Điểm 1 công văn số 3437/HQBRVT-GSQL ngày 27/11/2013 của Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)

Quy định của pháp luật không cấm tàu biển mua xăng dầu từ nội địa (không phải là xăng dầu tạm nhập).

Trường hợp mua xăng dầu từ nguồn tạm nhập thì thương nhân phải mở tờ khai tái xuất cho lượng xăng dầu chạy chặng quốc tế, đối với lượng xăng dầu sử dụng chặng nội địa thì thực hiện mở tờ khai nhập kinh doanh theo quy định tại Thông tư số 139/2013/TT-BTC và hướng dẫn tại điểm 3.9 dẫn trên.

Trường hợp xăng dầu nội địa cung ứng cho tàu chạy chặng nội địa thì không phải làm thủ tục hải quan và thu thuế theo quy định.

3.10

Khoản 15. Đối với nhiên liệu xăng, dầu chứa trong phương tiện chuyên dụng tự hành tạm nhập tái xuất:

a

 

Về quy định nêu tại khoản này có áp dụng cho tàu biển xuất nhập cảnh hay không? Nếu có thì thủ tục hải quan tiến hành như thế nào?

(Điểm 8 công văn số 10551/HQHP-GSQL ngày 18/11/2013 của Cục Hải quan TP. Hải Phòng)

Quy định nêu trên chỉ áp dụng đối với phương tiện vận tải chuyên dụng tạm nhập tái xuất tự hành đến Việt Nam để phục vụ thi công công trình (có làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh). Theo đó, đối với tàu biển xuất nhập cảnh để phục vụ mục đích khác thì không thực hiện quy định tại Điều này.

b

b) Xác định khối lượng nhiên liệu xăng, dầu để tính thuế:

Khối lượng nhiên liệu xăng, dầu đang chứa trong phương tiện chuyên dụng được xác định theo bản khai chung khi phương tiện chuyên dụng làm thủ tục nhập cảnh; xuất cảnh.

Trong trường hợp tàu nhập cảnh đến tại các cảng dầu khí ngoài khơi vào ngày 1/11/2013, tuy nhiên đến ngày 10/11/2013 tàu mới làm thủ tục tạm nhập cho tàu và làm thủ tục nhập khẩu nhiên liệu trên tàu. Như vậy, để xác định số lượng xăng dầu vào thời điểm tàu nhập cảnh khai trên bản khai chung (do đại lý hoặc thuyền trưởng tự kê khai) và số lượng xăng dầu ngày thực tế làm thủ tục tạm nhập là hoàn toàn khác nhau, không có cơ sở để đối chiếu.

Mặt hàng xăng dầu chứa trên phương tiện vận chuyển là lượng xăng dầu dùng cho hoạt động của tàu. Vì vậy lượng hàng này sẽ thay đổi (không cố định). Như vậy trong trường hợp phải kiểm tra thực tế hàng hóa khi cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra, lượng xăng dầu thực tế sẽ không thể bằng được lượng xăng dầu khai báo trên bản khai chung khi phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh.

(Điểm 2 công văn số 3437/HQBRVT-GSQL ngày 27/11/2013 của Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)

Trường hợp tàu nhập cảnh tại các cảng dầu khí ngoài khơi (làm thủ tục nhập cảnh, sau đó làm thủ tục tạm nhập) để phục vụ hoạt động dầu khí thì thủ tục hải quan đối với lượng nhiên liệu trên tàu áp dụng theo quy định tại khoản 15, Điều 3 Thông tư số 139/2013/TT-BTC .

Khối lượng nhiên liệu để xác định tính thuế căn cứ trên Bản khai chung khi phương tiện làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh.

3.11

Khoản 16. Tỷ lệ hao hụt đối với hoạt động nhập, xuất, tồn, bảo quản, lưu trữ:

Lượng tồn, xuất hàng tạm nhập có được trừ đi không, không thấy quy định tại khoản 16, Điều 3.

Quy định này áp dụng cho cả xăng dầu tạm nhập (nếu doanh nghiệp có khai báo).

4

Điều 4. Địa điểm làm thủ tục hải quan:

1. Xăng dầu nhập khẩu, tạm nhập thực hiện thủ tục tại Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập được phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

 

1. Việc quy định xăng dầu nhập khẩu, tạm nhập thực hiện thủ tục tại Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập được phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật chưa thống nhất với quy định nơi làm thủ tục tái xuất tại Chi cục Hải quan nơi đã làm thủ tục tạm nhập chính lô xăng dầu đó: hoặc tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu nơi thương nhân có hệ thống kho nội địa chứa xăng dầu nhập khẩu, tái xuất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thường xây dựng kho bồn bể chứa xăng dầu trong nội địa, rất khó xây dựng tại khu vực cửa khẩu.

Việc quy định thực hiện thủ tục tại Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập được phép nhập khẩu là chưa phù hợp với thực tế phát sinh.

Kiến nghị: Sửa đổi quy định về địa điểm làm thủ tục hải quan đối với xăng dầu nhập khẩu, tạm nhập như sau “Xăng dầu nhập khẩu, tạm nhập thực hiện thủ tục tại Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi phương tiện vận chuyển xăng dầu đến; hoặc tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu nơi thương nhân có hệ thống kho nội địa chứa xăng dầu nhập khẩu, tái xuất”.

(Điểm 3 công văn số 2420/HQĐNa-GSQL ngày 26/11/2013 của Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai)

2. Đề nghị hướng dẫn cụ thể những cửa khẩu nào được phép nhập khẩu, tạm nhập theo quy định.

Đối với trường hợp chuyển tải, sang mạn tại các vị trí được phép của Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố công bố sau đó các tàu nhỏ vào vị trí neo đậu tại Chi cục Hải quan dự kiến làm thủ tục hải quan. Tại các Chi cục Hải quan này không đúng như quy định tại khoản 1, Điều 4 thì có được phép làm thủ tục hay không.

(Điểm 9 công văn số 10551/HQHP-GSQL ngày 18/11/2013 của Cục Hải quan TP. Hải Phòng)

1. Ngày 26/4/2014, Tổng cục Hải quan ban hành công văn số 4613/TCHQ-VNACCS về việc xử lý vướng mắc khi thực hiện Thông tư số 22/2014/TT-BTC ; theo đó điểm 18 công văn số 4613/TCHQ-VNACCS dẫn trên quy định “thủ tục kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu thực hiện theo quy định tại Chương III Thông tư số 139/2013/TT-BTC ngày 09/10/2013 của Bộ Tài chính và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tạm nhập tái xuất khi tái xuất có thể sử dụng nguồn xăng dầu cùng chủng loại với nguồn xăng dầu tạm nhập trong hệ thống kho nội địa của mình”. Đề nghị đơn vị nghiên cứu nội dung trên để thực hiện.

 

 

 

 

 

 

 

2. Địa điểm làm thủ tục hải quan đối với xăng dầu nhập khẩu, tạm nhập: Căn cứ khoản 1, Điều 4 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan.

Sau khi chuyển tải, sang mạn theo quy định, các Chi cục được thực hiện thủ tục nhập khẩu, tạm nhập theo quy định tại điểm 1 nêu trên.

 

5

Điều 6. Thời hạn nộp thuế đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất

1. Xăng dầu kinh doanh tạm nhập, tái xuất phải nộp thuế trước khi hoàn thành thủ tục tạm nhập xăng dầu.

5.1

 

1. Nộp thuế trước khi hoàn thành thủ tục tạm nhập xăng dầu, nếu chuyển tiêu thụ nội địa sẽ phát sinh thuế giá trị gia tăng; khi đó có phải nộp tiền chậm nộp hay không và nếu có thì tính từ thời điểm nào.

2. Theo quy định tại khoản 9, Điều 3 thì chính sách thuế, chính sách quản lý mặt hàng xăng dầu tạm nhập tái xuất chuyển tiêu thụ nội địa áp dụng tại thời điểm đăng ký tờ khai chuyển tiêu thụ nội địa.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4, Điều 6 “4. Trường hợp đã được áp dụng thời hạn nộp thuế theo thời hạn bảo lãnh nhưng chuyển tiêu thụ nội địa thì phải nộp đủ các loại thuế, tính lại thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa chuyển tiêu thụ nội địa và phải tính tiền chậm nộp từ thời điểm hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập hàng hóa đến ngày thực nộp thuế”.

Như vậy hai quy định trên mâu thuẫn với nhau, việc tính lại thuế được áp dụng tại thời điểm đăng ký tờ khai chuyển tiêu thụ nội địa hay tại thời điểm hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập hàng hóa.

(Điểm 3 công văn số 4443/HQHCM-GSQL ngày 11/12/2013 của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh)

1. Theo quy định tại điểm c khoản 2, khoản 6 Điều 20 (trường hợp ấn định thuế) Thông tư số 128/2013/TT-BTC , khi chuyển tiêu thụ nội địa, người nộp thuế phải nộp đủ thuế GTGT và phải tính tiền chậm nộp từ lúc hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập hàng hóa đến ngày thực nộp thuế.

2. Đối với xăng dầu kinh doanh tạm nhập tái xuất chuyển tiêu thụ nội địa thực hiện theo đúng quy định tại khoản 9, Điều 3 Thông tư số 139/2013/TT-BTC ; khoản 8 Điều 11, khoản 5 Điều 41, điểm c khoản 2 Điều 20 Thông tư số 128/2013/TT-BTC .

Việc tính tiền chậm nộp đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất được quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 20 Thông tư số 128/2013/TT-BTC .

5.2

4. Trường hợp đã được áp dụng thời hạn nộp thuế theo thời hạn bảo lãnh nhưng chuyển tiêu thụ nội địa thì phải nộp đủ các loại thuế, tính lại thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa chuyển tiêu thụ nội địa và phải tính tiền chậm nộp từ thời điểm hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập hàng hóa đến ngày thực nộp thuế.

Thuế GTGT đối với lượng xăng dầu tạm nhập tái xuất chỉ phát sinh khi chuyển tiêu thụ nội địa. Vậy thuế GTGT được tính như thế nào, có tính chậm nộp không.

Thuế GTGT đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất được tính từ ngày hoàn thành thủ tục tạm nhập theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 20 Thông tư số 128/2013/TT-BTC và phải tính phạt chậm nộp từ lúc hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập hàng hóa đến ngày thực nộp thuế.

6

Điều 10. Địa điểm làm thủ tục hải quan

2. Xăng dầu tái xuất được thực hiện thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan nơi đã làm thủ tục tạm nhập chính lô xăng dầu đó; hoặc tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu nơi thương nhân có hệ thống kho nội địa chứa xăng dầu nhập khẩu, tái xuất.

1. Đề nghị hướng dẫn cụ thể khoản 2, Điều 10.

2. Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu có được làm thủ tục tái xuất xăng dầu hay không (có kho nội địa). Thực hiện theo mẫu biên bản bàn giao nào.

3. Theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 3 thì đối với xăng dầu tái xuất (cung ứng) thì thương nhân được phép bơm xăng dầu tái xuất từ kho chứa xăng dầu đã tạm nhập.

Tuy nhiên theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 11 về hồ sơ hải quan đối với xăng dầu tái xuất “Tờ khai hải quan nhập khẩu của lô hàng tạm nhập: 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp”.

Và quy định tại khoản 2 Điều 10 “Xăng dầu tái xuất được thực hiện thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan nơi đã làm thủ tục tạm nhập chính lô xăng dầu đó; hoặc tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu nơi thương nhân có hệ thống kho nội địa chứa xăng dầu nhập khẩu, tái xuất”.

Như vậy, quy định này có thể hiểu thủ tục tái xuất thực hiện tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu hoặc tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu nơi thương nhân có hệ thống kho nội địa mà không yêu cầu lấy từ chính lô hàng tạm nhập trước đó.

Đề nghị Tổng cục Hải quan có hướng dẫn cụ thể.

(Điểm 2 công văn số 2420/HQĐNa-GSQL ngày 26/11/2013 của Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai)

4. Căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 10 và Điều 6 Quyết định số 01/2008/QĐ-BCT ngày 03/1/2008 của Bộ Công Thương (thương nhân được phép tạm nhập xăng dầu theo 01 lô lớn và tái xuất nguyên lô hoặc theo từng lô nhỏ từ các kho chứa trong nội địa của thương nhân theo đúng số lượng và chủng loại đã tạm nhập).

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có nhiều Công ty thành viên và các Công ty thành viên này thực hiện tạm nhập, tái xuất xăng dầu theo ủy quyền của Tập đoàn (tờ khai tạm nhập và tờ khai tái xuất đều do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đứng tên người xuất khẩu, người nhập khẩu và ủy quyền cho các Công ty thành viên ký tên khai báo thủ tục hải quan).

Trường hợp Công ty TNHH MTV Xăng dầu Tây Nam Bộ (là Công ty thành viên của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) đăng ký tờ khai tạm nhập xăng dầu theo ủy quyền của Tập đoàn tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cần Thơ, sau khi lô hàng được thông quan, Công ty thành viên khác trực thuộc Tập đoàn có được sử dụng tờ khai tạm nhập này và lấy nguồn xăng dầu cùng chủng loại tại hệ thống kho nội địa khác để đăng ký tờ khai tái xuất tại đơn vị hải quan quản lý kho nội địa hay không?

(Gạch đầu dòng thứ 7, điểm 2 công văn số 291/HQCT-NV ngày 24/2/2014 của Cục Hải quan TP. Cần Thơ)

5. Trường hợp bơm xăng dầu tái xuất từ kho nội địa chứa xăng dầu khác có được không.

1. Theo quy định tại khoản 2, Điều 10 thì xăng dầu tái xuất được thực hiện tại:

- Cửa khẩu tạm nhập;

- Hoặc tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu nơi thương nhân có hệ thống kho nội địa chứa xăng dầu nhập khẩu, tái xuất.

2. Mẫu Biên bản: Thực hiện theo mẫu chuyển cửa khẩu quy định tại Thông tư số 128/2013/TT-BTC .

3. Ngày 26/4/2014, Tổng cục Hải quan ban hành công văn số 4613/TCHQ-VNACCS về việc xử lý vướng mắc khi thực hiện Thông tư số 22/2014/TT-BTC ; theo đó điểm 18 công văn số 4613/TCHQ-VNACCS dẫn trên quy định “thủ tục kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu thực hiện theo quy định tại Chương III Thông tư số 139/2013/TT-BTC ngày 09/10/2013 của Bộ Tài chính và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tạm nhập tái xuất khi tái xuất có thể sử dụng nguồn xăng dầu cùng chủng loại với nguồn xăng dầu tạm nhập trong hệ thống kho nội địa của mình”.

7

Điều 11. Hồ sơ hải quan

2. Hồ sơ hải quan đối với tái xuất xăng dầu:

a) Chứng từ phải nộp:

- ... Trong Đơn đặt hàng (Order) phải thể hiện rõ nội dung: Định mức khối lượng xăng dầu chạy chặng nội địa (đối với các trường hợp tàu biển có đi chặng nội địa), định mức khối lượng xăng dầu chạy tuyến quốc tế, hành trình tàu, lượng xăng dầu dự kiến sử dụng, cam kết về tính chính xác và lượng xăng dầu đúng mục đích.

Điểm a, khoản 2, Điều 11: Trong Đơn đặt hàng (Order) phải khai “Định mức khối lượng xăng dầu chạy tuyến quốc tế”, thực tế định mức này phụ thuộc vào tuổi của tàu, lượng hàng hóa chở trên tàu... đo đó việc khai báo nội dung này của thương nhân trong Đơn đặt hàng, cơ quan hải quan không thể kiểm soát được.

Đề xuất: Trong Đơn đặt hàng (Order) thương nhân không phải khai “định mức xăng dầu chạy tuyến quốc tế”, thương nhân tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với số lượng xăng dầu đã được cung ứng.

(Gạch đầu dòng thứ 4, điểm 2 công văn số 294/HQCT-NV ngày 24/2/2014 của Cục Hải quan TP. Cần Thơ).

Đề nghị thực hiện theo đúng quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 11 Thông tư số 139/2013/TT-BTC .

7

Điều 12. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu, tái xuất xăng dầu

7.1

 

Quy định xăng dầu xuất khẩu thực hiện bàn giao, luân chuyển hồ sơ (quy định tại Điều 12, Điều 13) như hàng chuyển cửa khẩu không phù hợp với quy định tại khoản 1, Điều 10 (xăng dầu chuyển cửa khẩu được thực hiện tại Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất).

Trường hợp làm thủ tục ở cửa khẩu xuất nhưng vận chuyển đến cửa khẩu khác để xuất ra nước ngoài thì thực hiện giám sát như hàng chuyển cửa khẩu.

7.2

2. Sau khi thương nhân kết thúc việc bơm xăng dầu vào khoang chứa của phương tiện vận tải, công chức hải quan thực hiện niêm phong các khoang chứa của phương tiện vận tải theo quy định.

Quy định về niêm phong hải quan đối với phương tiện thủy chứa xăng dầu vì phương tiện thủy chứa xăng dầu có hệ thống đường ống két nước phức tạp. Để đảm bảo việc niêm phong hải quan đề nghị doanh nghiệp phải nộp hoặc xuất trình cho cơ quan hải quan lưu sơ đồ đường ống dẫn xăng dầu của phương tiện.

(Điểm 10 công văn số 10551/HQHP-GSQL ngày 18/11/2013 của Cục Hải quan TP. Hải Phòng)

Để đảm bảo, đề nghị đơn vị căn cứ thực tế phương tiện vận tải để thực hiện niêm phong cho phù hợp.

7.3

3. Trường hợp xăng dầu xuất khẩu, tái xuất qua cửa khẩu khác cửa khẩu làm thủ tục xuất khẩu, tái xuất để xuất ra nước ngoài hoặc xăng dầu cung ứng (tái xuất) theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 2 Thông tư này thì Chi cục Hải quan lập Biên bản bàn giao xăng dầu xuất khẩu, tái xuất và niêm phong hồ sơ xuất khẩu, tái xuất theo quy định đối với hàng chuyển cửa khẩu; trên Biên bản bàn giao hàng hóa phải mô tả cụ thể tình trạng hàng hóa (tên hàng, chủng loại hàng, trọng lượng hàng); ngày, giờ phương tiện vận chuyển xăng dầu xuất phát; tên, ký hiệu, đặc điểm của phương tiện; tuyến đường vận chuyển; niêm phong hải quan; theo dõi phản hồi thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất, từ Chi cục Hải quan quản lý doanh nghiệp quy định tại khoản 4 Điều 2 Thông tư này.

Khoản 3, Điều 12 quy định Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu, tái xuất xăng dầu lập Biên bản bàn giao xăng dầu xuất khẩu, tái xuất..., chỉ quy định lập Biên bản bàn giao (không quy định 2 hay 3 bản), Thông tư số 128/2013/TT-BTC quy định 3 bản Biên bản bàn giao.

Đề nghị hướng dẫn việc lập Biên bản bàn giao xăng dầu xuất khẩu, tái xuất theo mẫu quy định tại Thông tư số 128/2013/TT-BTC hay theo mẫu quy định tại Quyết định số 209/2011/QĐ-TCHQ.

Trường hợp xăng dầu xuất khẩu, tái xuất qua cửa khẩu khác cửa khẩu làm thủ tục xuất khẩu, tái xuất để xuất ra nước ngoài hoặc xăng dầu cung ứng (tái xuất) theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 2 Thông tư này thì Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu, tái xuất xăng dầu lập Biên bản bàn giao xăng dầu xuất khẩu, tái xuất theo mẫu quy định tại Thông tư số 128/2013/TT-BTC .

 

 

Khoản 3, Điều 12 quy định “Trường hợp xăng dầu xuất khẩu, tái xuất qua cửa khẩu làm thủ tục xuất khẩu, tái xuất để ra nước ngoài...” nhưng không quy định cụ thể đối với trường hợp mở tờ khai một lần và tái xuất nhiều lần thì Biên bản bàn giao được lập cho từng lần tái xuất hay chỉ một lần khi thực hiện tái xuất lần đầu tiên cho cả lô hàng.

(Điểm 2 công văn số 347/HQNA-NV ngày 07/3/2014 của Cục Hải quan tỉnh Nghệ An)

Tờ khai xuất khẩu (tái xuất) mở cho từng lô hàng xuất khẩu (tái xuất).

7.4

4. Thực hiện giám sát cho đến khi xăng dầu được giao toàn bộ cho tàu biển đối với xăng dầu cung ứng cho tàu biển.

Khi giám sát xong việc giao xăng dầu cho tàu biển, công chức hải quan yêu cầu thương nhân nộp bản chính Biên bản giao nhận giữa thương nhân với thuyền trưởng; chủ tàu; đại lý chủ tàu; doanh nghiệp quản lý khai thác tàu. Căn cứ khối lượng xăng dầu trên Biên bản giao nhận và hồi báo về việc tàu đã thực xuất cảnh của Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi tàu xuất cảnh ra nước ngoài (đối với trường hợp tàu xuất cảnh tại cửa khẩu khác với cửa khẩu nơi tàu neo đậu), công chức hải quan có trách nhiệm xác nhận “Hàng hóa đã xuất khẩu” trên tờ khai hải quan về lượng xăng dầu đã tái xuất theo quy định.

 

Khoản 4, Điều 13 quy định trách nhiệm của Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu, tái xuất xăng dầu; theo đó “Căn cứ khối lượng xăng dầu trên Biên bản giao nhận và hồi báo về việc tàu đã thực xuất cảnh của Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi tàu xuất cảnh ra nước ngoài... công chức hải quan có trách nhiệm xác nhận Hàng hóa đã xuất khẩu trên tờ khai”.

Tại khoản 3, Điều 13 quy định trách nhiệm của Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất “Thực hiện hồi báo về việc tàu biển đã thực xuất cảnh cho Chi cục Hải quan làm thủ tục tái xuất xăng dầu (đối với trường hợp tàu xuất cảnh tại cửa khẩu khác cửa khẩu nơi tàu neo đậu)”.

Như vậy, theo quy định của Điều 12 và Điều 13 thì việc xác định tàu đã thực xuất cảnh đối với cửa khẩu đường biển rất khó xác định cụ thể: cần phải quy định rõ và giải thích từ ngữ như thế nào là thực xuất cảnh đối với cửa khẩu đường biển, căn cứ vào chứng từ gì để xác định? Chứng từ của cơ quan nào (Hải quan, Biên phòng, Y tế, Cảng vụ).

Trường hợp phương tiện vận tải làm thủ tục xuất cảnh đối với đường bộ, đường sông, đường sắt có cửa khẩu, có mốc biên giới phân định nên việc xác định phương tiện thực xuất cảnh rất dễ. Tuy nhiên, đối với tàu biển tại khu vực cảng biển để xác định tàu qua vị trí nào, cột mốc nào, để xác định tàu đã thực xuất cảnh là không thể xác định được.

Đề xuất cần sửa đổi hoặc có giải thích từ ngữ “tàu thực xuất cảnh” thành “tàu đã hoàn thành thủ tục xuất cảnh tại cơ quan hải quan” là cơ sở để xác nhận và hồi báo đã xuất cảnh.

(Điểm 5 công văn số 3437/HQBRVT-GSQL ngày 27/11/2013 của Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)

Tổng cục Hải quan chỉ hướng dẫn đối với tàu xuất cảnh đang thực hiện thủ tục E-Manifest. Đề nghị Tổng cục Hải quan có hướng dẫn cụ thể về trường hợp “tàu xuất cảnh” của tàu xuất cảnh ra nước ngoài thực hiện hồ sơ giấy (hồ sơ thủ công). Căn cứ vào đâu, chứng từ nào, cơ quan nào?

(Điểm 2 công văn số 0437/HQBRVT-GSQL ngày 26/2/2014 của Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)

Tại khoản 4, Điều 12 quy định khi giám sát xong việc giao xăng cho tàu biển, công chức hải quan... và hồi báo về việc tàu đã thực xuất cảnh của Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi tàu xuất cảnh ra nước ngoài.

Khoản 3, Điều 13 quy định thực hiện hồi báo về việc tàu biển đã thực xuất cảnh cho Chi cục Hải quan làm thủ tục tái xuất xăng dầu (đối với trường hợp tàu xuất cảnh tại cửa khẩu khách với cửa khẩu nơi tàu neo đậu).

Đề nghị quy định các bước cụ thể phải thực hiện khi phối hợp theo dõi hồi báo tàu biển đã thực xuất cảnh giữa các Chi cục Hải quan cửa khẩu. Vì hiện nay, công chức hải quan (thuộc Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu, tái xuất xăng dầu) sau khi giám sát xong việc bơm xăng dầu cung ứng cho tàu biển, không biết được hành trình tiếp theo của tàu biển là xuất cảnh qua cửa khẩu nào để phối hợp theo dõi hồi báo.

Ngoài ra trường hợp tàu biển sau khi nhận xăng dầu cung ứng xong, vì lý do khách quan có thể chưa xuất cảnh mà chuyển cảng đến cảng ngoài địa bàn Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh. Đề nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể cách xử lý chung trường hợp này để thực hiện thống nhất.

(Công văn số 615/HQHCM-GSQL ngày 27/2/2014 của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh)

Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng nơi tàu biển xuất cảnh thực hiện xác nhận trên tờ khai tái xuất theo quy định tại khoản 4, Điều 12 Thông tư số 139/2013/TT-BTC sau khi tàu đã làm thủ tục xuất cảnh.

Cơ sở để xác định tàu thực xuất cảnh là Thông báo tàu rời cảng do hãng tàu hoặc đại lý hãng tàu gửi bằng phương thức điện tử cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tàu. Thời điểm gửi thông báo được xác định là thời điểm tàu và hàng hóa xuất khẩu trên tàu rời cảng Việt Nam theo quy định tại khoản 3, Điều 13 Thông tư số 64/2011/TT-BTC ngày 13/5/2011 của Bộ Tài chính.

Trường hợp tàu thực hiện hồ sơ thủ công, Chi cục Hải quan phụ trách đội thủ tục tàu có văn bản thông báo với Chi cục Hải quan nơi tàu xuất cảnh về thời gian thực tế tàu hoàn thành thủ tục hải quan và xuất cảnh.

 

7.5

6. Tính thuế, thu thuế đối với phần xăng dầu đã làm thủ tục tái xuất cho tàu biển chạy chặng nội địa trong hành trình chạy tuyến quốc tế hoặc tàu biển đã xuất cảnh nhưng vì lý do khách quan tàu biển không xuất cảnh để chạy tuyến quốc tế hoặc đã làm thủ tục xuất cảnh nhưng thay đổi lịch trình (có thêm chặng nội địa). Thời điểm tính thuế là thời điểm mở tờ khai tái xuất.

Theo quy định tại điểm a, khoản 12, Điều 3 của Thông tư này thì thương nhân thực hiện thủ tục hải quan theo loại hình nhập kinh doanh đối với lượng xăng dầu tái xuất chạy chặng nội địa.

Vướng mắc: Quy định tại điểm 6, Điều 12 được hiểu là cơ quan hải quan thực hiện tính thuế, thu thuế và thời điểm tính thuế là ngày mở tờ khai tái xuất. Tuy nhiên theo quy định tại khoản 8, Điều 53 Thông tư số 128/2013/TT-BTC thì khi chuyển tiêu thụ nội địa thì thời điểm tính thuế, thu thuế là ngày mở tờ khai nhập kinh doanh chuyển tiêu thụ nội địa.

Kiến nghị: Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể quy trình tính thuế đối với trường hợp này và vướng mắc tương tự như đối với trường hợp quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 21 Thông tư số 139/2013/TT-BTC .

(Công văn số 0320/HQĐNa-GSQL ngày 26/2/2014 của Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai)

 

Việc tính thuế đối với lượng xăng dầu cung ứng (tái xuất) cho tàu biển, tàu bay chạy tuyến quốc tế xuất cảnh thực hiện:

1. Trường hợp cung ứng xăng dầu cho tàu biển, tàu bay chạy tuyến quốc tế (trong hành trình chạy tuyến quốc tế có chặng nội địa), thương nhân khai rõ định mức xăng dầu sử dụng cho chặng nội địa, định mức xăng dầu sử dụng cho chặng quốc tế xuất cảnh thì lượng xăng dầu sử dụng chặng nội địa thực hiện theo quy định đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất chuyển tiêu thụ nội địa, lượng xăng dầu sử dụng chặng quốc tế xuất cảnh thực hiện theo quy định đối với xăng dầu tái xuất.

2. Trường hợp hành trình chạy tuyến quốc tế xuất cảnh phát sinh chặng nội địa thì lượng xăng dầu sử dụng chặng nội địa thực hiện tính thuế tại thời điểm mở tờ khai tái xuất.

8

Điều 13. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất; Chi cục Hải quan quản lý doanh nghiệp mua xăng dầu theo quy định tại khoản 4, Điều 2 Thông tư này:

8.1

 

Đề nghị bổ sung thêm quy định về cách thức tiếp nhận hồ sơ và phương tiện chở xăng dầu cung ứng từ Chi cục Hải quan làm thủ tục tái xuất, cách thức giám sát và xác nhận xăng dầu cung ứng cho tàu biển đối với trường hợp xăng dầu đó được làm thủ tục tại Chi cục Hải quan làm thủ tục tái xuất chuyển đến.

Tại điểm 3, điểm 4 Điều 13 đã quy định rất cụ thể cách thức lập Biên bản bàn giao, các nội dung cần ghi trên Biên bản bàn giao, cách thức giám sát hàng hóa. Tuy nhiên tại nội dung quy định về trách nhiệm của Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất lại chỉ quy định rất chung chung, cụ thể:

- Tiếp nhận Biên bản bàn giao và hồ sơ hải quan (bản fax) do Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu, tái xuất chuyển đến.

Đề nghị hướng dẫn: Việc tiếp nhận được thực hiện như thế nào, kiểm tra đối chiếu những nội dung gì, vào sổ như thế nào.

- Trường hợp phát hiện niêm phong không còn nguyên vẹn thì thực hiện phối hợp hay thông báo cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tái xuất như thế nào.

(Điểm 4 công văn số 3437/HQBRVT-GSQL ngày 27/11/2013 của Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)

Trên cơ sở quy định tại Thông tư và thực tế tại đơn vị, đơn vị tổ chức triển khai, thực hiện đảm bảo các quy định của Thông tư.

8.2

1. Xăng dầu xuất khẩu, tái xuất qua cửa khẩu quốc tế:

e) Khi phương tiện vận chuyển xăng dầu xuất khẩu, tái xuất quay về, công chức hải quan phải tiến hành kiểm tra phương tiện vận tải nhập cảnh theo quy định nhằm phát hiện hàng nhập lậu hoặc xăng dầu không xuất khẩu, tái xuất hết quay lại tiêu thụ trong nội địa.

Hiện Cục Hải quan Nghệ An thực hiện giám sát việc thực xuất xăng dầu cung ứng cho tàu bay của Công ty TNHH MTV Xăng dầu Hàng không Việt Nam, qua kiểm tra tàu bay khi nhập cảnh về Việt Nam tại sân bay quốc tế Vinh nhận thấy có một số chuyến tàu bay sử dụng dầu nhiều hơn số lượng thực tế đã thực xuất, một số chuyến tàu bay sử dụng ít hơn số lượng thực tế đã thực xuất nhưng hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể đối với hai trường hợp trên.

(Điểm 1 công văn số 347/HQNA-NV ngày 07/3/2014 của Cục Hải quan tỉnh Nghệ An)

Khoản 1, Điều 13 Thông tư số 139/2013/TT-BTC áp dụng cho trường hợp xăng dầu xuất khẩu, tái xuất qua cửa khẩu quốc tế (đối với xăng dầu xuất khẩu, tái xuất cho nước ngoài bằng phương tiện đường bộ).

8.3

3. Thực hiện hồi báo về việc tàu biển đã thực xuất cảnh cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tái xuất xăng dầu (đối với trường hợp tàu xuất cảnh tại cửa khẩu khác với cửa khẩu tàu neo đậu).

Đề nghị quy định các bước cụ thể khi phối hợp theo dõi hồi báo tàu biển đã thực xuất cảnh giữa các Chi cục Hải quan cửa khẩu. Vì hiện nay, công chức hải quan (thuộc Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu, tái xuất xăng dầu) sau khi giám sát xong việc bơm xăng dầu cung ứng cho tàu biển, không biết được hành trình tiếp theo của tàu biển là xuất cảnh qua cửa khẩu nào để phối hợp theo dõi hồi báo.

Ngoài ra, trường hợp tàu biển sau khi nhận xăng dầu cung ứng xong, vì lý do khách quan có thể chưa xuất cảnh mà chuyển cảng đến cảng biển ngoài địa bàn Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh quản lý (ví dụ: cảng Hải Phòng, Đà Nẵng...). Đề nghị TCHQ hướng dẫn cụ thể cách xử lý chung trường hợp này để thống nhất thực hiện.

Theo hướng dẫn tại công văn số 7756/TCHQ-GSQL ngày 16/12/2013 của TCHQ đã hướng dẫn trong đơn đặt hàng phải thể hiện rõ cảng đến tiếp theo là cảng nước ngoài. Do vậy, tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ để làm thủ tục tái xuất đã có thông tin về cảng và thời gian dự kiến xuất cảnh.

Nếu quá thời hạn dự kiến mà Chi cục Hải quan cửa khẩu thực xuất cảnh không hồi báo thì Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tái xuất xăng dầu có trách nhiệm trao đổi thông tin với Chi cục Hải quan nơi tàu thực xuất cảnh (ngày, giờ tàu biển xuất cảnh, tuyến đường xuất cảnh) để xử lý đối với trường hợp tàu có thực xuất cảnh hoặc xác nhận “hàng hóa đã xuất khẩu” theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Thông tư số 139/2013/TT-BTC trường hợp tàu đã xuất cảnh.

9

Điều 14. Trách nhiệm của thương nhân, thuyền trưởng, chủ tàu, đại lý chủ tàu, doanh nghiệp quản lý khai thác tàu

Điều 14 quy định trách nhiệm của thương nhân, thuyền trưởng, chủ tàu, đại lý chủ tàu, doanh nghiệp quản lý khai thác tàu. Vậy chủ thể nào thực hiện thông báo hoặc phát sinh xử lý thì cơ sở để xác định chủ thể để xử lý.

Một trong các đối tượng này khai báo với hải quan thì đối tượng đó thực hiện thông báo và bị xử lý (nếu có vi phạm).

10

Chương IV. Thủ tục hải quan đối với xăng dầu tạm nhập chuyển tiêu thụ nội địa

10.1

 

Kiểm tra thực tế xăng dầu chuyển tiêu thụ nội địa thực hiện như thế nào?

Trường hợp phải kiểm tra thực tế hàng hóa, cơ quan hải quan căn cứ kết quả giám định.

10.2

 

Việc đăng ký tờ khai nhập kinh doanh cho khối lượng xăng dầu tạm nhập tái xuất chuyển tiêu thụ nội địa được thực hiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 128/2013/TT-BTC và Điều 4, Điều 5 Thông tư này. Do đó xảy ra 3 trường hợp:

- Lô hàng của tờ khai thuộc diện miễn kiểm tra (luồng xanh)

- Lô hàng thuộc diện kiểm tra chi tiết hồ sơ (luồng vàng)

- Lô hàng thuộc diện kiểm tra thực tế hàng hóa (luồng đỏ).

Tất cả các thông tin khai báo trên mặt tờ khai và hồ sơ được sao lại từ tờ khai tạm nhập, tuy nhiên việc “Chứng thư giám định khối lượng hàng hóa” cấp cho khối lượng hàng chuyển nhập kinh doanh và kiểm tra thực tế hàng hóa (trường hợp c) gần như không thể thực hiện được do lượng hàng chuyển tiêu thụ nội địa của tờ khai tạm nhập bị ảnh hưởng của chênh lệch tỷ trọng, nên không phù hợp với thực tế hàng hóa (lít còn nhiều, nhưng tấn còn ít hoặc ngược lại, tấn nhiều, lít ít).

Vướng mắc trước đây đã được Tổng cục hướng dẫn trong công văn số 6060/TCHQ-GSQL ngày 16/10/2013. Vậy công văn số 6060/TCHQ-GSQL có được áp dụng để hướng dẫn đối với Điều này hay không, hay chỉ áp dụng đối với Thông tư số 165/2010/TT-BTC

Đối với những trường hợp xăng dầu kinh doanh tạm nhập tái xuất được lưu trữ chung bồn bể với xăng dầu nhập kinh doanh của nhiều tờ khai tạm nhập khác nhau, việc xác định lượng xăng dầu chuyển tiêu thụ nội địa căn cứ trên lượng xăng dầu khi tạm nhập (có chứng thư giám định khối lượng) và kết quả trừ lùi, thanh khoản của các tờ khai tái xuất xăng dầu đã hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định.

11

Điều 19. Thủ tục hải quan

Thương nhân được áp dụng hình thức đăng ký tờ khai một lần để xuất khẩu nhiều lần hoặc tái xuất nhiều lần: Thương nhân khai 01 tờ khai cho tất cả các hãng hàng không quốc tế hoặc 01 tờ khai cho tàu bay Việt Nam thực hiện các chuyến bay quốc tế xuất cảnh. Thời hạn hiệu lực của tờ khai theo quy định của pháp luật.

Điều 19 quy định thời hạn hiệu lực của tờ khai đăng ký 01 lần theo quy định của pháp luật. Căn cứ Luật Hải quan sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan số 42/2005/QH11 thì thời hạn hiệu lực của tờ khai là 15 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan, trong khi đó, quy định tại khoản 2, Điều 44 Thông tư số 128/2013/TT-BTC thì thời hạn hiệu lực của tờ khai đăng ký 01 lần theo hiệu lực của hợp đồng.

Đề xuất: Thời hạn hiệu lực của tờ khai đăng ký 01 lần thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 44 Thông tư số 128/2013/TT-BTC .

(Gạch đầu dòng thứ nhất, điểm 2 công văn số 291/HQCT-NV ngày 24/2/2014 của Cục Hải quan TP. Cần Thơ)

Trường hợp xăng dầu cung ứng (tái xuất) cho tàu bay, hiệu lực của tờ khai thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 44 Thông tư số 128/2013/TT-BTC .

12

Điều 20. Hồ sơ hải quan

1. Đối với tái xuất xăng dầu:

a) Chứng từ phải nộp:

- Thương nhân có trách nhiệm khai rõ tên, loại, số hiệu phương tiện tàu bay mua xăng dầu từ nguồn tạm nhập trên tờ khai hải quan.

12.1

 

Điểm a, khoản 1, Điều 20 quy định thương nhân có trách nhiệm khai rõ tên, loại, số hiệu phương tiện tàu bay mua xăng dầu từ nguồn tạm nhập trên tờ khai hải quan. Thực tế rất khó thực hiện khi đăng ký tờ khai một lần, tái xuất nhiều lần. Lý do: tại thời điểm đăng ký tờ khai, hãng hàng không chưa xác định được tên, loại phương tiện để khai báo.

Đề xuất: Trường hợp chưa xác định được tên, loại, số hiệu phương tiện để khai báo khi đăng ký tờ khai thì thương nhân sẽ thực hiện kê khai tên, loại, số hiệu phương tiện trên Hóa đơn bán hàng hoặc Phiếu xuất kho.

(Gạch đầu dòng thứ 2, điểm 2 công văn số 291/HQCT-NV ngày 24/2/2014 của Cục Hải quan TP. Cần Thơ)

Thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 20 Thông tư số 139/2013/TT-BTC. Trường hợp có thay thông tin thì thực hiện khai báo bổ sung theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính.

12.2

 

Việc xăng dầu cung ứng cho tàu bay của các doanh nghiệp quản lý khai thác tàu bay Việt Nam và nước ngoài chủ yếu thông qua hợp đồng đã ký kết, trong khi đó theo quy định tại Điều này thì doanh nghiệp quản lý khai thác tàu bay phía nộp thêm Đơn đặt hàng (Order). Việc sử dụng Đơn đặt hàng (Order) chỉ thực hiện cho các chuyến bay đột xuất, không thường xuyên.

Đề xuất:

- Trường hợp thương nhân có Hợp đồng bán hàng và Phụ lục bán hàng thì không cần nộp Đơn đặt hàng (Order).

- Đơn đặt hàng của doanh nghiệp quản lý khai thác tàu bay hoặc cơ trưởng. Trong Đơn đặt hàng thương nhân không cần khai báo “định mức khối lượng xăng dầu bay chuyến quốc tế”. Thương nhân tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với số lượng xăng dầu đã cung ứng.

Đề nghị thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 20 Thông tư số 139/2013/TT-BTC .

13

Điều 21. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan

2. Trường hợp cung ứng xăng dầu cho tàu bay Việt Nam xuất cảnh nhưng có dừng tại một sân bay nội địa:

13.1

 

Chi cục Hải quan nào tính thuế chặng tiêu thụ nội địa. Chi cục Hải quan làm thủ tục tạm nhập, Chi cục Hải quan nơi xăng dầu tái xuất hay Chi cục Hải quan nơi máy bay làm thủ tục xuất cảnh.

Chi cục Hải quan làm thủ tục tạm nhập theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 139/2013/TT-BTC .

13.2

3. Thanh khoản tờ khai:

b) Biện pháp thanh khoản tờ khai bằng cách cộng dồn lượng xăng dầu thực xuất trong các Hóa đơn bán hàng; Phiếu xuất kho và phiếu theo dõi; ghi kết quả “Hàng hóa đã xuất khẩu” vào tờ khai hàng hóa xuất khẩu (ô xác nhận của hải quan giám sát).

Điểm b, khoản 3 Điều 21 quy định "...ghi kết quả "hàng hóa đã xuất khẩu" vào tờ khai xuất khẩu (ô xác nhận của cả hải quan giám sát)" nhưng không quy định cụ thể hải quan giám sát của Chi cục Hải quan mở tờ khai tái xuất hay hải quan giám sát tại Chi cục cửa khẩu xác nhận thực xuất. Đề nghị hướng dẫn cụ thể.

(Điểm 3 công văn số 347/HQNA-NV ngày 07/3/2014 của Cục Hải quan tỉnh Nghệ An)

Hải quan cửa khẩu sân bay thực hiện giám sát việc bơm xăng dầu.

14

Điều 23. Thủ tục hải quan

1. Đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế xăng dầu xuất khẩu thực hiện theo quy định quản lý đối với nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu.

Quy định trên hướng dẫn thực hiện theo quy định quản lý đối với nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu nhưng không nêu rõ quản lý nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu theo quy định tại điểm nào, Thông tư nào vì tại Thông tư số 139/2013/TT-BTC không hướng dẫn quản lý hay hoàn thuế đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế xăng dầu.

Kiến nghị Tổng cục Hải quan có hướng dẫn cụ thể như quy định tại Điều 9 của Thông tư số 139/2013/TT-BTC quy định về hoàn thuế, không thu thuế tờ khai hải quan tạm nhập “Thủ tục hoàn thuế, không thu thuế xăng dầu kinh doanh tạm nhập tái xuất thực hiện theo quy định tại Điều 118, Điều 126, Điều 127, Điều 128, Điều 129 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013”.

(Điểm 7 công văn số 2420/HQĐNa-GSQL ngày 26/11/2013 của Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai)

Thủ tục nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất và pha chế xăng dầu xuất khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 36, Điều 37, Điều 38, Điều 39 Thông tư số 128/2013/TT-BTC .

15

Vướng mắc của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam

15.1

Thời hạn bảo lãnh thuế.

Theo quy định tại khoản 2, khoản 4, Điều 6 Thông tư số 139/2013/TT-BTC thì thời hạn nộp thuế đối với hàng kinh doanh TNTX theo thời hạn bảo lãnh (không áp dụng cho thời hạn gia hạn TNTX), hàng hóa kinh doanh TNTX khác cũng quy định tương tự. Theo đó căn cứ khoản 2, Điều 12 Nghị định số 12/2006/NĐ-CP thì thời hạn bảo lãnh thuế đối với xăng dầu kinh doanh TNTX sẽ là 120 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập (không áp dụng cho thời gian gia hạn thời hạn tạm nhập tái xuất là 60 ngày).

Nay theo quy định tại khoản 4, Điều 11 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP thì thời hạn bảo lãnh thuế đối với xăng dầu kinh doanh TNTX là 60 ngày (không kể thời gian gia hạn là 60 ngày).

Do vậy, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đề xuất được áp dụng thời hạn bảo lãnh thuế đối với mặt hàng xăng dầu kinh doanh TNTX được tính cả thời hạn gia hạn, tức là 120 ngày, vì thời hạn này tương đương với thời hạn TNTX quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP (không tính thời gian gia hạn).

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo bộ về đảm bảo quản lý chặt chẽ đối với hàng hóa kinh doanh TNTX (không áp dụng bảo lãnh thuế đối với thời gian gia hạn thời hạn TNTX), tại điểm b, khoản 1, Điều 20 Thông tư số 128/2013/TT-BTC đã quy định “… được áp dụng thời hạn nộp thuế theo thời hạn bảo lãnh nhưng tối đa không quá 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày hết thời hạn TNTX (không áp dụng cho thời gian gia hạn thời hạn TNTX) và không phải nộp tiền chậm nộp trong thời hạn bảo lãnh”. Theo đó, tại khoản 2, Điều 6 Thông tư số 139/2013/TT-BTC cũng quy định thời hạn bảo lãnh đối với xăng dầu TNTX theo hướng trên. Vì vậy, đề nghị doanh nghiệp thực hiện đúng quy định.

Do xăng dầu kinh doanh TNTX là mặt hàng đặc thù. Theo đó, trên cơ sở kiến nghị của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam về việc cho áp dụng bảo lãnh trong thời gian gia hạn thời hạn TNTX, Tổng cục Hải quan sẽ báo cáo Bộ xem xét, quyết định.

15.2

Nộp bản chính Thư bảo lãnh cho cơ quan hải quan.

Theo quy định tại Điều 21 Thông tư số 128/2013/TT-BTC , khi làm thủ tục cho lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu, nếu thực hiện bảo lãnh người nộp thuế nộp Thư bảo lãnh (bản chính ) của tổ chức tín dụng nhận bảo lãnh cho cơ quan hải quan.

Trên thực tế, tổ chức tín dụng chỉ phát hành 02 bản chính Thư bảo lãnh: 01 bản lưu tại tổ chức tín dụng, 01 bản gửi doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp phải nộp bản chính Thư bảo lãnh cho cơ quan hải quan sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp đề nghị được nộp chứng từ bản chụp từ bản chính Thư bảo lãnh (có xác nhận của doanh nghiệp) và xuất trình chứng từ bản chính cho cơ quan hải quan.

Theo quy định tại khoản 3, khoản 4, Điều 21 Thông tư số 128/2013/TT-BTC thì “Nội dung Thư bảo lãnh riêng thực hiện theo mẫu số 19/TBLR/2013 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này, nội dung Thư bảo lãnh chung thực hiện theo mẫu số 21/TBLC/2013 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này”. Theo đó, Thư bảo lãnh phải được tổ chức bảo lãnh ký tên, đóng dấu. Do đó, đề nghị doanh nghiệp nộp bản chính cho cơ quan hải quan.

15.3

Thời hạn nộp chứng từ thanh toán trường hợp doanh nghiệp nộp hồ sơ xét hoàn thuế, không thu thuế

Đối với hồ sơ không thu thuế, hoàn thuế: Điểm a.4, khoản 2, Điều 127 Thông tư số 128/2013/TT-BTC quy định hồ sơ không thu thuế, hoàn thuế “Trường hợp tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế, không thu thuế doanh nghiệp chưa có chứng từ thanh toán thì thời hạn nộp chứng từ thanh toán là 15 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn thanh toán ghi trên hợp đồng hoặc phụ kiện hợp đồng”.

Doanh nghiệp đề nghị: Thời hạn nộp chứng từ thanh toán là 30 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn thanh toán ghi trên hợp đồng vì còn phụ thuộc vào thời hạn trả chứng từ của ngân hàng. Trong trường hợp khách hàng gặp khó khăn về tài chính không thể thanh toán kịp thời theo hợp đồng nhưng có văn bản cam kết thanh toán chậm thì cơ quan hải quan vẫn ra quyết định hoàn thuế không thu thuế cho doanh nghiệp.

Tại điểm a.4, khoản 2, Điều 127 Thông tư số 128/2013/TT-BTC quy định “Trường hợp tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế, không thu thuế doanh nghiệp chưa có chứng từ thanh toán thì thời hạn nộp chứng từ thanh toán là 15 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn thanh toán ghi trên hợp đồng hoặc phụ kiện hợp đồng; doanh nghiệp có bản cam kết xuất trình chứng từ theo đúng quy định nêu trên, trừ trường hợp hướng dẫn tại điểm d.2, khoản 8 Điều này”.

Tại điểm d.1, khoản 8, Điều 127 Thông tư số 128/2013/TT-BTC quy định “Trường hợp tại thời điểm nộp hồ sơ hoàn thuế, doanh nghiệp chưa xuất trình được chứng từ nộp thuế qua ngân hàng do thời hạn thanh toán ghi trên hợp đồng hoặc phụ kiện hợp đồng xuất khẩu dài hơn 60 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai xuất khẩu cuối cùng hoặc dài hơn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, thì thời hạn phía nộp hồ sơ hoàn thuế vẫn thực hiện theo đúng thời hạn hướng dẫn tại khoản 2 Điều này nhưng doanh nghiệp phải có văn bản cam kết và xuất trình chứng từ thanh toán trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn thanh toán ghi trên hợp đồng hoặc phụ kiện hợp đồng”.

Tại điểm d.2, khoản 8, Điều 127 Thông tư số 128/2013/TT-NTC quy định “Trường hợp chưa có chứng từ thanh toán do chưa đến hạn thanh toán nhưng doanh nghiệp đề nghị được xét hoàn thuế trước khi cung cấp được chứng từ thanh toán hoặc quá hạn thanh toán trên hợp đồng nhưng doanh nghiệp không xuất trình được chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì chuyển hồ sơ hoàn thuế sang kiểm tra trước, hoàn thuế sau theo đúng quy định tại Điều này. Nếu qua kết quả kiểm tra xác định hàng đã thực xuất thì hoàn thuế, không thu thuế theo quy định, doanh nghiệp không phải nộp chứng từ thanh toán sau khi đã có quyết định hoàn thuế, không thu thuế”.

Đề nghị doanh nghiệp và cơ quan hải quan căn cứ các quy định về chứng từ thanh toán trong bộ hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế nêu trên để thực hiện.

15.4

Phạt chậm nộp thuế GTGT đối với xăng dầu TNTX chuyển tiêu thụ nội địa.

Trường hợp tại thời điểm tạm nhập, doanh nghiệp đã nộp thuế nhập khẩu, thuế TTĐB; tuy nhiên do tại thời điểm tạm nhập, hàng kinh doanh TNTX không chịu thuế GTGT. Do vậy, khi chuyển TTNĐ thì thuế GTGT có phải tính chậm nộp từ lúc hoàn thành tờ khai tạm nhập đến khi mở tờ khai chuyển tiêu thụ nội địa hay không.

Theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 20 Thông tư số 128/2013/TT-BTC và khoản 4, Điều 6 Thông tư số 139/2013/TT-BTC , xăng dầu kinh doanh TNTX khi chuyển tiêu thụ nội địa phải nộp đủ thuế các loại và phải tính tiền chậm nộp từ thời điểm hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập hàng hóa đến ngày thực nộp thuế.

15.5

Thời hạn nộp Giấy phép rời cảng

Theo quy định tại Nghị định số 21/2012/NĐ-CP , Giấy phép rời cảng là văn bản do Cảng vụ hàng hải hoặc cơ quan có thẩm quyền nơi tàu thuyền rời cảng cuối cùng cấp hoặc xác nhận và có thời hạn trong vòng 24h kể từ khi cấp.

Hiện, một số Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu, tái xuất xăng dầu yêu cầu thương nhân phải nộp Giấy phép rời cảng trong bộ hồ sơ cung ứng (tái xuất) xăng dầu cho tàu biển chạy tuyến quốc tế xuất cảnh. Việc này gây khó khăn cho doanh nghiệp vì khi làm thủ tục xuất khẩu xăng dầu, nếu thương nhân nộp Giấy phép rời cảng ngay thì trường hợp Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục khác với Chi cục Hải quan nơi giám sát xăng dầu cung ứng cho tàu biển, Giấy phép rời cảng sẽ hết hạn, thương nhân phải thực hiện thủ tục xin cấp lại.

Trường hợp Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục cung ứng (tái xuất) xăng dầu cho tàu biển khác với Chi cục Hải quan nơi giám sát xăng dầu cung ứng cho tàu biển, đề nghị:

- Thương nhân có văn bản cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung ứng (tái xuất) xăng dầu cho tàu biển từ nguồn tạm nhập để chạy tuyến quốc tế xuất cảnh.

- Thương nhân nộp Giấy phép rời cảng cho Chi cục Hải quan nơi giám sát xăng dầu cung ứng cho tàu biển.

16

Quản lý hải quan đối với hoạt động mua lại nhiên liệu thừa từ tàu bay của các hãng hàng không nước ngoài đỗ, dừng tại cảng hàng không Việt Nam.

Theo quy định tại khoản 10, Điều 9 Nghị định số 84/2009/NĐ-CP thì hiện doanh nghiệp có Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu được cung ứng nhiên liệu cho tàu bay trên các tuyến bay quốc tế xuất cảnh; chưa có quy định các doanh nghiệp này được mua lại nhiên liệu từ máy bay của các hãng hàng không nước ngoài đỗ, dừng tại cảng hàng không Việt Nam.

Tại khoản 3, Điều 9 Nghị định số 84/2009/NĐ-CP quy định thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu được mua bán xăng dầu, nguyên liệu với thương nhân đầu mối khác; tại khoản 2, Điều 53 Thông tư số 01/2012/TT-BGTVT ngày 09/1/2012 quy định nhiên liệu hút từ tàu bay được loại bỏ hoặc bảo quản phải được sự thống nhất của cả hai bên.

Như vậy, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu nêu trên chưa quy định cụ thể việc doanh nghiệp có Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu được mua lại nhiên liệu thừa hút ra từ máy bay của các hãng hàng không bay chặng quốc tế đỗ dừng tại cảng hàng không Việt Nam, sau đó đưa vào kinh doanh.

Đối với nhiên liệu xăng dầu chứa trong tàu bay của các hãng hàng không bay chặng quốc tế đỗ dừng tại cảng hàng không Việt Nam:

- Khi tàu bay làm thủ tục nhập cảnh, doanh nghiệp quản lý khai thác tàu bay chịu trách nhiệm hút lại lượng nhiên liệu thừa theo quy định tại khoản 2, Điều 53 Thông tư số 01/2012/TT-BGTVT ngày 09/1/2012 của Bộ Giao thông Vận tải; và có văn bản (ký tên, đóng dấu của giám đốc hoặc người được giám đốc ủy quyền và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật) về việc bảo quản hoặc tiêu hủy lượng nhiên liệu dẫn trên. Trường hợp lượng nhiên liệu trên hút ra để bảo quản, thương nhân thực hiện thủ tục nhập khẩu theo chế độ phi mậu dịch.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 6843/TCHQ-GSQL năm 2014 tổng hợp, giải đáp vướng mắc tại Thông tư 139/2013/TT-BTC về thủ tục hải quan đối với xăng dầu xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 6843/TCHQ-GSQL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 10/06/2014
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Vũ Ngọc Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/06/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản