Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 677/BTTTT-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh gửi tới kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 01 tháng 3 năm 2023

 

Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 21/BDN ngày 12/01/2023 về kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, nội dung kiến nghị như sau:

Câu 1: Dư luận Nhân dân lo lắng và bức xúc khi thông tin cá nhân bị lộ, từ đó các đối tượng sử dụng để thực hiện việc lừa đảo người dân dưới nhiều hình thức, cử tri đề nghị các cơ quan chức năng có các giải pháp tăng cường việc bảo mật thông tin cá nhân của người dân kết hợp đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thông tin cảnh giác đến người dân...

Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:

* Về xây dựng cơ chế chính sách:

- Bộ TTTT đã nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền ban hành các quy định nghiêm cấm hành vi mua bán thông tin cá nhân trên mạng và đã được cụ thể hóa trong Luật Viễn thông (Điều 6), Luật An toàn thông tin mạng (Điều 7), Nghị định 15/2020/NĐ-CP (Điều 84), chế tài xử lý hình sự đối với hành vi đưa hoặc mua bán, sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (bao gồm thông tin riêng hợp pháp của các tổ chức, cá nhân) trong Bộ luật hình sự năm 2015 (Điều 288). Bộ TTTT cũng đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-BTTTT ngày 18/3/2016 về tăng cường bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ và ngăn chặn việc mua bán, lưu thông tin SIM di động sai quy định.

Bộ cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020. Nghị định đã quy định hơn 80 hành vi vi phạm hành chính quy định tại các Điều 84, 85, 86, 87, 88, 99, 100, 102 nhằm xử phạt vi phạm đối với các đối tượng thu thập, sử dụng, mua bán thông tin cá nhân; vi phạm quy định về đảm bảo an toàn các hệ thống thông tin (bao gồm các hệ thống thông tin quản lý thông tin thuê bao, dữ liệu cá nhân) với mức phạt lên đến 100 triệu đồng/hành vi. Đồng thời quy định các biện pháp như buộc xóa bỏ thông tin đã thu thập, buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp cho được do mua bán thông tin cá nhân. Nghị định cũng đã bổ sung quy định xử phạt đối với các hành vi phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác, phát tán thông tin số có nội dung vi phạm pháp luật với mức phạt đến 170 triệu đồng/hành vi, buộc thu hồi đầu số, kho số viễn thông đã sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các phương thức, thủ đoạn của các băng nhóm tội phạm công nghệ cao và cách thức để người dân có thể nhận biết và có thể tự bảo vệ mình.

* Về triển khai các giải pháp kỹ thuật

- Chủ động triển khai các giải pháp kỹ thuật để cảnh báo, ngăn chặn và xử lý trước các website, công cụ lừa đảo trước khi chúng được các đối tượng lừa đảo sử dụng để thực hiện lừa đảo trực tuyến người dân. Đến hết tháng 02/2023, đã ngăn chặn xử lý 3.502 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật, trong đó 1.780 trang lừa đảo trực tuyến. Bảo vệ 7,1 triệu người dân (tương ứng 10,1 % người dùng Internet Việt Nam) trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

- Phát triển trang thông tin xử lý tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo (tại địa chỉ chongthurac.vn) và đầu số 5656, 156 để người dân phản ánh về lừa đảo trực tuyến.

- Phát triển trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn/canhbao.ncsc.gov.vn) để người dân có thể phản ánh các vấn đề về an toàn thông tin, trong đó có lừa đảo trực tuyến.

- Cung cấp bộ công cụ nhận diện lừa đảo trực tuyến, kiến thức kỹ năng phòng chống lừa đảo trực tuyến tại địa chỉ congcu.khonggianmang.vn.

- Công bố danh sách đen các trang vi phạm, tài khoản ngân hàng lừa đảo thông qua Cổng thông tin của Hệ sinh thái tín nhiệm mạng tại địa chỉ tinnhiemmang.vn.

- Kiểm tra, gán nhãn tín nhiệm cho 3.252 website để người dân có thể truy cập và nhận biết các trang web chính thống, giảm thiểu lừa đảo trực tuyến.

- Triển khai các chiến dịch phòng chống mã độc, làm sạch không gian mạng định kỳ hàng năm trên toàn quốc để bóc gỡ mã độc lây nhiễm trên máy tính, hạn chế tình trạng truy cập vào trang web lừa đảo, lộ lọt thông tin cá nhân.

- Thành lập Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng dưới sự bảo trợ của Bộ TTTT, trong đó, Cục An toàn thông tin và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) có vai trò chủ trì điều phối, định hướng. Đây là lần đầu tiên một liên minh về an toàn, an ninh mạng được thành lập và hoạt động chính thức tại Việt Nam, với sứ mệnh thúc đẩy sự hợp tác giữa cơ quan nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức và phổ biến kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin cho người dân khi tham gia sử dụng mạng, tạo dựng không gian mạng Việt Nam an toàn, giảm thiểu sự cố mất an toàn thông tin và tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số.

- Xây dựng và phát triển Cổng không gian mạng quốc gia, nhằm mục đích nâng cao kiến thức và phổ biến kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin để người dân có kỹ năng chủ động bảo vệ mình khi sử dụng mạng.

- Triển khai chiến dịch #VaccineSo (Vắc Xin Số) - An toàn trên không gian mạng. Chiến dịch với sự hưởng ứng của các thành viên Liên minh, nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng; cung cấp thông tin giúp người dân chủ động đối phó với các nguy cơ tiềm ẩn trên thế giới số; mang lại môi trường văn minh, tích cực trên các nền tảng nội dung để cộng đồng có thể thỏa sức sáng tạo và thể hiện bản thân, xây dựng xã hội văn minh phát triển.

Trong thời gian tới, Bộ TTTT dự kiến đẩy mạnh triển khai một số việc sau:

(1) Xây dựng Cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể truy vấn, khai thác, đóng góp dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến kịp thời thông qua các hệ thống kỹ thuật.

(2) Triển khai các chiến dịch trên toàn quốc nhằm tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức với mục tiêu phổ cập thông tin để người dân nắm được các kỹ năng và hiểu biết cơ bản để tránh lừa đảo trực tuyến và lộ lọt thông tin cá nhân.

(3) Tiếp tục triển khai mở rộng Hệ thống kỹ thuật quốc gia để phát hiện sớm và ngăn chặn các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến.

(4) Ưu tiên thúc đẩy các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng Việt Nam và khuyến khích người dân sử dụng để được bảo vệ quyền lợi tốt hơn khi bị lừa đảo trực tuyến.

Câu 2: Người dân bức xúc trước tình trạng nhiều nội dung phản cảm được đăng tải tràn lan trên không gian mạng làm ảnh hưởng đến nhận thức, lối sống, hành vi của người dân, đặc biệt là trong giới trẻ hiện nay. Cử tri đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm, triệt để đối với các hành vi đăng tải các nội dung không lành mạnh trên không gian mạng.

Để ngăn chặn hiệu quả hành vi vi phạm trên môi trường mạng, Bộ TTTT triển khai thực hiện các giải pháp như sau:

a) Về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật

Bộ TTTT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 và Nghị định số 14/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Trong đó đã quy định xử phạt đến 80 triệu đồng đối với hành vi thực hiện cuộc gọi rác; buộc thu hồi các số thuê bao đã thực hiện cuộc gọi rác. Xử phạt đến 100 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao là nguyên nhân làm phát sinh SIM đã đăng ký trước thông tin thuê bao được sử dụng để thực hiện cuộc gọi rác. Xử phạt đến 20 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về: cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc. Bổ sung quy định xử phạt từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản có trị giá dưới 2 triệu đồng; thiết lập hệ thống, cung cấp dịch vụ chuyển cuộc gọi quốc tế thành cuộc gọi trong nước phục vụ cho mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có trị giá dưới 2 triệu đồng; trộm cắp hoặc sử dụng trái phép thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt, gây thiệt hại tài sản hoặc để thanh toán hàng hóa, dịch vụ có trị giá dưới 2 triệu đồng.

b) Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm

- Trong thời gian qua, Bộ TTTT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác hậu kiểm, thường xuyên rà quét thông tin trên mạng, đặc biệt là trò chơi điện tử trên mạng, các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, TikTok, Instagram, YouTube... xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm không chỉ đối với các hành vi sai trái, cung cấp thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước mà còn xử lý các vi phạm về thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân gây tác động xấu tới dư luận và các thông tin độc hại, bạo lực, mang tính kích động, cổ súy lối sống không phù hợp2.

- Bộ TTTT cũng đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý, xử lý theo thẩm quyền được giao theo hướng: (1) Nếu xác định được nhân thân đối tượng vi phạm trên địa bàn thì các tỉnh chủ động xử lý đối tượng (xử phạt vi phạm hành chính); trong trường hợp đối tượng vi phạm nhiều lần, nghiêm trọng thì Sở TTTT phối hợp với Công an tỉnh/thành phố củng cố chứng cứ để có thể xử lý ở mức cao hơn (xử phạt hình sự); (2) Trong trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, thì các tỉnh phối hợp với Bộ TTTT, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp.

- Các đơn vị chức năng của Bộ cũng đã chủ động tổng hợp những luồng thông tin vi phạm trên các nền tảng mạng xã hội để đấu tranh với các nền tảng cung cấp thông tin xuyên biên giới để yêu cầu gỡ bỏ.

- Bộ TTTT đã vận hành “Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia” để chủ động rà soát, phát hiện, đánh giá thông tin trên mạng và giám sát an toàn không gian mạng, chỉ đạo các nhà mạng triển khai các giải pháp kỹ thuật mới để ngăn chặn hiệu quả sự phát tán của thông tin xấu độc, ngăn chặn các hành vi tấn công mạng, lợi dụng mạng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

- Bộ TTTT cũng đã đưa vào vận hành Trung tâm Xử lý tin giả (tên tiếng Anh: Viet Nam Anti Fake news Center -VAFC) tại tên miền www.tingia.gov.vn. Trung bình mỗi tháng Trung tâm tiếp nhận và xử lý hơn 400 phản ánh về tin giả của người dân, qua đó thực hiện xác minh và công bố các thông tin giả, tin sai sự thật và tin xác thực tránh gây hoang mang dư luận trong nhân dân. Tổ chức tập huấn cho các địa phương, bộ, ngành về cách thức nhận biết, phát hiện tin giả, thông tin xấu độc trên môi trường mạng.

- Đồng thời, Bộ TTTT phối hợp tích cực với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban Chỉ đạo 35 các Bộ, ngành, địa phương triển khai rà quét, đánh giá xu hướng về các luồng thông tin được dư luận quan tâm, thông tin xấu độc; phát hiện và ngăn chặn kịp thời nguồn thông tin vi phạm (chặn website, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm); tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan; thực hiện báo cáo theo tuần/tháng/quý và các báo cáo đột xuất về việc rà quét, xử lý thông tin xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước ta.

b) Công tác phòng ngừa, ngăn chặn:

Trong thời gian vừa qua, Bộ TTTT (Cục An toàn thông tin) không ngừng nâng cao năng lực hệ thống giám sát thông tin trên không gian mạng nhằm phát hiện sớm các thông tin xấu, độc, thiếu tính xác thực, sử dụng ngôn từ phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục làm ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin, sự phát triển lành mạnh người dân trên không gian mạng, đặc biệt là giới trẻ để có thể tiến hành xác minh, xử lý thông tin.

Phần lớn các nguồn tin phát tán trên không gian mạng đều xuất phát từ những nguồn tin ẩn danh, sử dụng thông tin giả do đó việc xác định các tổ chức, cá nhân cần sự vào cuộc của rất nhiều các đơn vị từ Trung ương đến địa phương, các Bộ, ban ngành.

Bộ TTTT (Cục An toàn thông tin) đang thực hiện giám sát liên tục nhằm phát hiện sớm các xu hướng thông tin tiêu cực, tin giả ảnh hưởng đến an toàn và lành mạnh của môi trường mạng. Các trường hợp phát hiện sớm đều được phối hợp với các Sở TTTT, Công an để xác minh và xử lý kịp thời. Đối với các nguồn thông tin chưa xác minh được đối tượng cụ thể, Bộ TTTT (Cục An toàn thông tin) cũng phối hợp với các đơn vị chức năng để tiến hành các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ.

Ngoài việc xử lý ngăn chặn, thời gian vừa qua, Bộ TTTT (Cục An toàn thông tin) cũng áp dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) lan tỏa các thông tin tích cực, thông tin chính sách mới của Đảng và Nhà nước lên các nền tảng mạng xã hội. Cụ thể đã thực hiện chia sẻ hàng chục nghìn lượt các bài viết tích cực lên các nền tảng mạng xã hội thu hút hàng chục triệu lượt tương tác.

Câu 3: Cử tri cho rằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý hiệu quả các nền tảng xuyên biên giới, nhất là mạng xã hội góp phần xây dựng văn hóa mạng lành mạnh, hạn chế tác động tiêu cực trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay, do đó kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện pháp luật liên quan về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, tên miền, nội dung giải trí trên không gian mạng.

Thời gian qua, Bộ TTTT đã phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nhiều giải pháp đồng thời nhằm quản lý các thông trên mạng để phát huy các mặt tích cực và hạn chế các thông tin tiêu cực trên mạng Internet. Trong đó, Bộ TTTT đã tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, hành lang pháp lý liên quan, đồng thời vận dụng các căn cứ pháp lý hiện có để quản lý hiệu quả thông tin trên mạng, đặc biệt tại các mạng xã hội xuyên biên giới, như:

- Đã bổ sung các phương án xử lý các hành vi vi phạm trên môi trường mạng tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử;

- Quy định trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ qua biên giới vào Việt Nam trong việc phối hợp với cơ quan quản lý để loại bỏ nội dung thông tin vi phạm theo quy định tại Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 quy định chi tiết việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới.

- Quy định về các hành vi đưa thông tin sai sự thật và thông tin gây phương hại đến an ninh quốc gia, an ninh chính trị và an toàn xã hội là những hành vi bị nghiêm cấm (quy định tại Điều 9 Luật Báo chí ngày 05/4/2016; Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng).

- Hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về quảng cáo với việc trình Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2021/NĐ-CP ngày 20/7/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó bổ sung các quy định về quảng cáo xuyên biên giới như: Bộ TTTT là đầu mối quản lý các hoạt động quảng cáo trực tuyến trong đó có quảng cáo xuyên biên giới; doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải tuân thủ quy định về quảng cáo như doanh nghiệp trong nước; phải gỡ bỏ quảng cáo vi phạm trong vòng 24 giờ theo yêu cầu; yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong và ngoài nước phải cung cấp giải pháp kỹ thuật kiểm tra, loại bỏ quảng cáo vi phạm; bổ sung chế tài xử lý trong trường hợp doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ luật pháp Việt Nam về quảng cáo.

Hiện nay, Bộ TTTT đang trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet nhằm bổ sung thêm các quy định để quản lý chặt chẽ hơn việc cung cấp thông tin trên mạng xã hội trong nước và các mạng xã hội nước ngoài hoạt động xuyên biên giới tại Việt Nam. Cụ thể như gia tăng các điều kiện cấp phép mạng xã hội để quản lý tiền kiểm chặt chẽ và thực tế hơn; yêu cầu mạng xã hội nước ngoài phải tiến hành thông báo/xác nhận thông báo cho cơ quan quản lý khi cung cấp dịch vụ cho người Việt Nam khi đạt mốc người sử dụng nhất định; bổ sung thêm trách nhiệm của các mạng xã hội trong nước trong việc chặn lọc, xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và ảnh hưởng đến trẻ em.

Ngoài ra, việc sửa đổi Luật Báo chí 2016 cũng đang được Bộ TTTT nghiên cứu, tiến hành tổng kết thi hành, đánh giá sự phù hợp với thực tiễn và dự kiến sẽ thực hiện việc sửa đổi, bổ sung trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó, dự kiến sẽ có các quy định cụ thể về việc quản lý các thông tin trên môi trường mạng.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để trả lời cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - Ủy ban TVQH;
- Ủy ban TWMTTQVN;
- Vụ QHĐP (VPCP);
- Vụ Dân nguyện (VPQH);
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng;
- Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng;
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm;
- Trung tâm Thông tin (để đăng lên Cổng TTĐT của Bộ);
- Lưu: VT, VP, TKTH.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Mạnh Hùng

 



2 Từ năm 2021 đến tháng 12/2022, các đơn vị chức năng thuộc Bộ (Thanh tra Bộ, Cục PTTH&TTĐT) và các Sở TT&TT đã kiểm tra 141 vụ, thanh tra 10 vụ, ban hành 589 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động thông tin điện tử, mạng xã hội, trò chơi điện tử trên mạng với tổng số tiền phạt 5.999.150.000 đồng, thu hồi: 120.000.000đ; Chuyển Cục An ninh Chính trị nội bộ (A03) Bộ Công an, danh sách 20 TMQT có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật (game bài, cờ bạc), đề nghị A03 xem xét, xác minh, xử lý; phối hợp với trung tâm Internet Việt Nam - VNNIC thực hiện tạm ngừng 45 tên miền. VN và 198 TMQT có dấu hiệu vi phạm liên quan đến game bài.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 677/BTTTT-VP năm 2023 về việc quản lý các thông tin trên môi trường mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 677/BTTTT-VP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 01/03/2023
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản