Hệ thống pháp luật

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6763/BKHĐT-KTNN
V/v Chỉ đạo một số nội dung công việc liên quan đến Dự án Giảm nghèo

Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 2017

 

Kính gửi:

Ủy ban nhân dân các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Khoản vay bổ sung (AF), tính đến tháng 7/2017, tiến độ thực hiện chung của Dự án Giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2 cơ bản đáp ứng yêu cầu. Dự án đã giải ngân được gần 47,71 triệu USD, tương đương 48,7% tổng vốn vay bổ sung, trong đó lượng vốn đã được giải ngân trong 7 tháng đầu năm 2017 đạt con số ấn tượng, hơn 21 triệu USD. Một số kết quả nổi bật được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đoàn hỗ trợ thực hiện dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) làm việc gần đây ghi nhận: Trên 90% hoạt động thuộc kế hoạch năm 2017 được trao thầu; Hoạt động Liên kết đối tác sản xuất đánh dấu bước tiến quan trọng với 30 đề xuất liên kết đã được phê duyệt và tiến hành thực hiện, trong đó nhiều liên kết mang tính chất bền vững lâu dài; Hoạt động tăng cường năng lực: đã tổ chức 822 lớp đào tạo, trong đó 57% là các lớp đào tạo cho nhóm sinh kế CIG; Về quản lý hoạt động nhóm: 9.470 nhóm CIG được lưu hồ sơ và theo dõi hoạt động định kỳ và 37,5% số nhóm đã duy trì hoạt động qua hơn 3 chu kỳ sản xuất và 7,9% số nhóm có triển vọng trở thành các “Hợp tác xã”.

Đạt được những kết quả nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ đạo dự án các tỉnh, sự nhiệt tình, nỗ lực và trách nhiệm cao của cán bộ Ban quản lý dự án các cấp.

Tuy nhiên, Hiệp định Tài trợ của Dự án ký kết với WB sẽ kết thúc tháng 6/2018, thời gian thực hiện còn lại của giai đoạn AF chỉ hơn 10 tháng trong khi cam kết của Chính phủ với Ngân hàng Thế giới về hoàn thành các mục tiêu của Dự án khá lớn. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, Ban Chỉ đạo dự án các tỉnh tập trung chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, Ban quản lý dự án các cấp và các ban ngành liên quan phối hợp triển khai một số công việc sau:

1. Duy trì tiến độ thực hiện Dự án

- Đối với Kế hoạch năm 2017: Hiện nay, một số tỉnh đã giải ngân gần hết vốn WB được giao của kế hoạch năm 2017 cho Dự án Giảm nghèo tỉnh, trong đó hầu hết các tỉnh được giao kế hoạch thấp hơn khả năng giải ngân thực tế của Dự án rất nhiều. Bộ KH&ĐT đề nghị các tỉnh nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 03/8/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công: Rà soát tình hình và tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân tổng thể các chương trình/dự án sử dụng vốn ODA trên địa bàn tỉnh. Nếu đến hết tháng 8/2017 toàn tỉnh đã giải ngân trên 80% kế hoạch năm 2017 được giao và có nhu cầu giải ngân thêm, UBND tỉnh gửi công văn về Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính đề nghị bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài cho tỉnh, trong đó có kế hoạch vốn của Dự án Giảm nghèo tỉnh. Lưu ý các tỉnh trước khi đề nghị bổ sung kế hoạch vốn cần rà soát và điều chuyển vốn đã được giao năm 2017 giữa các dự án trong tỉnh để đẩy nhanh tiến độ giải ngân chung toàn tỉnh, ưu tiên xử lý kế hoạch vốn cho Dự án Giảm nghèo vì Dự án sẽ kết thúc Hiệp định tháng 6/2018.

- Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020: Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 được giao của Dự án Giảm nghèo các tỉnh đang thấp hơn tổng mức đầu tư được phê duyệt tại Quyết định số 1080/QĐ-BKHĐT ngày 07/8/2017. Bộ KH&ĐT đề nghị UBND các tỉnh rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn của tất cả các dự án có vốn nước ngoài đang thực hiện tại tỉnh, lưu ý sắp xếp ưu tiên cho các dự án ODA có thời gian đóng hiệp định vào năm 2018 như dự án Giảm nghèo, có công văn báo cáo Bộ KH&ĐT về nhu cầu vốn nước ngoài chung của toàn tỉnh cho giai đoạn 2018 - 2020, trong đó đề nghị điều chuyển vốn trung hạn giữa các dự án thuộc tỉnh hoặc bổ sung kế hoạch trung hạn, bao gồm kế hoạch trung hạn của dự án Giảm nghèo.

- Kế hoạch thực hiện vốn IDA còn lại của Dự án Giảm nghèo: Căn cứ Quyết định số 1080/QĐ-BKHĐT ngày 07/8/2017 của Bộ KH&ĐT phê duyệt điều chỉnh tổng vốn đầu tư của các đơn vị thực hiện Khoản vay bổ sung, đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định của Luật Đầu tư công và khẩn trương phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án Giảm nghèo tỉnh; đồng thời chỉ đạo Ban QLDA các cấp xây dựng kế hoạch thực hiện cho toàn bộ số vốn IDA còn lại để xin ý kiến Ban Điều phối DATW và trình Ngân hàng Thế giới có ý kiến không phản đối. Theo Hiệp định Tài trợ ký kết với Ngân hàng Thế giới, Dự án sẽ đóng vào tháng 6/2018, do đó các địa phương cần dự kiến tiến độ triển khai kế hoạch một cách phù hợp để kết thúc hoạt động đầu tư vào tháng 4 - 5/2018. Đồng thời, lưu ý Ban quản lý dự án các cấp đặc biệt quan tâm đến giám sát quá trình thực hiện, thường xuyên rà soát, so sánh thực tế thực hiện với tiến độ dự kiến, Ủy ban nhân dân các tỉnh, Ban Chỉ đạo dự án các tỉnh cần kịp thời có các giải pháp xử lý vướng mắc, khó khăn nếu có phát sinh.

- Bên cạnh đó, quyết toán hoạt động và quyết toán dự án hoàn thành cũng là nhiệm vụ cần được các tỉnh chỉ đạo và thực hiện đầy đủ kể từ thời điểm này. Bộ KH&ĐT lưu ý một số tỉnh chưa hoàn thành thủ tục quyết toán dự án cho các loạt động của giai đoạn 2 (2010 -2015) và cần giải quyết dứt điểm vấn đề này.

- UBND các tỉnh có phương án bố trí thêm ngân sách địa phương (nếu cần) để đảm bảo hoạt động dự án được hiệu quả và đúng tiến độ.

2. Hoàn thành các mục tiêu kết quả của Dự án

Căn cứ nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi chung toàn dự án được phê duyệt, Chính phủ Việt Nam đã cam kết với WB đạt được một số mục tiêu kết quả vào cuối giai đoạn AF. Các mục tiêu đó bao gồm: (i) Tăng thu nhập bình quân đầu người của người hưởng lợi từ dự án; (ii) Gia tăng được giá trị tài sản phục vụ sản xuất và phát triển sinh kế cho nhóm CIG; (iii) Các kết quả của việc hỗ trợ cải thiện tiếp cận cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; (iv) Kết quả tăng cường liên kết thị trường và các sáng kiến kinh doanh; (v) Thể chế hóa quy trình lập kế hoạch phát triển KTXH cấp xã và lồng ghép kế hoạch xã vào kế hoạch KTXH cấp huyện; (vi) Phát triển các nhóm sinh kế CIG lên thành Tổ hợp tác đăng ký theo quy định pháp luật.

Hiện nay, Ban Điều phối DATW và Ban QLDA các tỉnh đang nỗ lực đẩy nạnh các hoạt động hướng đến hoàn thành các mục tiêu cam kết nêu trên và một số kết quả sẽ được đo lường thông qua điều tra độc lập kết thúc dự án. Bộ KH&ĐT đề nghị UBND các tỉnh quan tâm đến 2 nội dung sau:

- Thể chế hóa quy trình lập kế hoạch phát triển KTXH

Thực hiện chỉ đạo của Bộ KH&ĐT tại công văn số 8617/BKHĐT-KTNN ngày 17/10/2016 và các Thông tư có liên quan (Thông tư số 01/2017/TT-BKHĐT và Thông tư số 05/2016/TT-BKHĐT), với sự hỗ trợ kỹ thuật của Ban Điều phối DATW, các tỉnh tham gia dự án đã rất tích cực để hoàn thành cam kết thể chế hóa quy trình lập kế hoạch phát triển KTXH. Đến hết tháng 7/2017, các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Hòa Bình đã ban hành được các Quyết định và công văn chỉ đạo cần thiết về nội dung này.

Bộ KH&ĐT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh Sơn La và Yên Bái khẩn trương hoàn thành việc ban hành các Quyết định thể chế hóa có liên quan.

Ngoài ra, các tỉnh cần quan tâm đến tính bền vững trong thực hiện các quyết định của UBND tỉnh bằng các hành động cụ thể như: Cung cấp nguồn lực cho các hoạt động kế hoạch cấp xã; cấp huyện cần xem xét và sử dụng đầy đủ các nội dung từ kế hoạch xã để đưa vào kế hoạch phát triển KTXH cấp huyện; Hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên cho cấp xã và huyện nhằm nâng cao chất lượng kế hoạch; Thông báo và lồng ghép các nguồn lực đầu tư trên địa bàn xã tốt hơn để bản kế hoạch có tính khả thi cao hơn,....

- Phát triển các nhóm sinh kế CIG lên thành Tổ hợp tác theo quy định

Theo số liệu từ hệ thống Giám sát đánh giá của dự án, toàn dự án có gần 8% nhóm sinh kế CIG có tiềm năng phát triển thành Tổ hợp tác và Hợp tác xã. Bộ KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban QLDA các cấp và các cơ quan có liên quan lựa chọn và hỗ trợ các CIG tốt nhất phát triển thành các tổ chức có tư cách pháp nhân theo các văn bản quy phạm pháp luật (Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13; Nghị định 151/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác). Tuy nhiên, bên cạnh việc hoàn thành các thủ tục đăng ký theo luật, các cơ quan chuyên môn địa phương cần quan tâm cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết (tập huấn, hướng dẫn theo phương thức cầm tay chỉ việc,...) để duy trì hoạt động bền vững của các Tổ hợp tác hoặc HTX sau khi thành lập.

3. Đảm bảo chất lượng hoạt động và tính bền vững của Dự án

Tại công văn số 8617/BKHĐT-KTNN ngày 17/10/2016, Bộ KH&ĐT đã nêu những vấn đề các tỉnh cần quan tâm nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động và tính bền vững của Dự án. Bộ đề nghị các tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện những nội dung này. Tuy nhiên, một số vấn đề các tỉnh cần quan tâm thêm:

- Cơ chế vận hành và bảo trì bền vững cho các công trình cơ Sở hạ tầng đã được đầu tư, trong đó gồm cả việc bố trí nguồn ngân sách địa phương cho nhiệm vụ vận hành bảo trì thường xuyên các công trình và duy trì hoạt động của các tổ vận hành bảo trì cấp xã và thôn bản một cách hiệu quả.

- Chuẩn bị các nội dung đánh giá kết thúc dự án, bao gồm việc tư liệu hóa các bài học kinh nghiệm (cả thành công và không thành công) và chia sẻ rộng rãi, áp dụng những nội dung và cách thức thực hiện tốt vào các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 -2020 đang triển khai tại địa phương (Chương trình Giảm nghèo bền vững và Chương trình Nông thôn mới,..).

- Đối với công tác nhân sự: Bộ KH&ĐT được biết một số địa phương đã và đang quan tâm thực hiện nội dung chỉ đạo tại công văn số 8617/BKHĐT-KTNN, có phương án tuyển dụng một số cán bộ dự án sang các cơ quan khác của địa phương. Bên cạnh đó, hiện nay, các tỉnh đều đang triển khai một số chương trình, dự án trong lĩnh vực giảm nghèo và phát triển cộng đồng (Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững và Chương trình Nông thôn mới, một số dự án sử dụng vốn ODA khác,...). Năng lực và kinh nghiệm thực tế của các cán bộ đã tham gia dự án Giảm nghèo trong giai đoạn vừa qua rất phù hợp với các chương trình, dự án này và cần được tận dụng tuyển dụng làm việc để giảm thời gian và chi phí đào tạo cán bộ mới (ví dụ: tuyển dụng làm cộng tác viên chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững).

4. Một số nội dung liên quan đến dự án tỉnh Điện Biên

- Theo báo cáo của Ban Điều phối DATW và nội dung trao đổi với WB, quá trình thực hiện dự án tại tỉnh Điện Biên, đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế, có nhiều vấn đề đáng quan ngại (ví dụ: giá cả con giống cao làm giảm hiệu quả kinh tế và thu nhập, không để người dân được chủ động quyết định cách thức triển khai hoạt động,...). Những vấn đề này đã được WB cũng như Ban Điều phối DATW thảo luận nhiều lần tại tỉnh Điện Biên và khuyến nghị cần Điều chỉnh, cải thiện; tuy nhiên các khuyến nghị đều không được tiếp thu và thực hiện. Vì vậy, Bộ KH&ĐT và WB thống nhất giữ nguyên số vốn 8 triệu USD phân bổ ban đầu và không bổ sung thêm vốn IDA cho tỉnh Điện Biên.

- Hoạt động dự án Giảm nghèo tỉnh Điện Biên giai đoạn 2010 - 2015 đã kết thúc 2 năm nhưng vốn đối ứng của địa phương vẫn chưa được bố trí đầy đủ. Hai đoàn hỗ trợ thực hiện của WB gần đây (tháng 11/2016 và tháng 6/2017) đều yêu cầu xử lý dứt điểm vấn đề này. Bộ KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh Điện Biên quan tâm giải quyết triệt để nội dung này trong năm 2017 và không để lặp lại tình trạng tương tự trong giai đoạn khoản vay bổ sung.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, Ban chỉ đạo dự án các tỉnh quan tâm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban QLDA 6 tỉnh (Sở KH&ĐT)
- Ban ĐPDATW
- Lưu VT, KTNN; Nghĩa15

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Hiếu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 6763/BKHĐT-KTNN năm 2017 về chỉ đạo công việc liên quan đến Dự án Giảm nghèo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

  • Số hiệu: 6763/BKHĐT-KTNN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 18/08/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
  • Người ký: Nguyễn Văn Hiếu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản