Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 667/TCT-CS
V/v: chính sách thuế.

Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2015

 

Kính gửi: Công ty cổ phần kinh doanh gạch ốp lát Viglacera

(đ/c: Tầng 2, tòa nhà Viglacera, số 1 đại lộ Thăng Long, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 747/VIKD-TCKT ngày 31/12/2014 của Công ty CP kinh doanh gạch ốp lát Viglacera nêu vướng mắc về việc xuất hóa đơn chiết khấu thương mại. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

- Căn cứ quy định tại khoản 5, khoản 22 điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về giá tính thuế GTGT như sau:

“5. Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại, giá tính thuế được xác định bằng không (0); trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại nhưng không thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế như hàng hóa, dịch vụ dùng để tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho”.

“22. Giá tính thuế đối với các loại hàng hóa, dịch vụ quy định từ khoản 1 đến khoản 21 Điều này bao gồm cả khoản phụ thu và phí thu thêm ngoài giá hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh được hưởng.

Trường hợp cơ sở kinh doanh áp dụng hình thức chiết khấu thương mại dành cho khách hàng (nếu có) thì giá tính thuế GTGT là giá bán đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng. Trường hợp việc chiết khấu thương mại căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa, dịch vụ thì số tiền chiết khấu của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau. Trường hợp số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu hàng bán thì được lập hóa đơn điều chỉnh kèm bảng kê các số hóa đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế điều chỉnh. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh doanh thu mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào”.

- Tại điểm 2.5 phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập hóa đơn quy định:

“2.5. Hàng hóa, dịch vụ áp dụng hình thức chiết khấu thương mại dành cho khách hàng thì trên hóa đơn GTGT ghi giá bán đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng, thuế GTGT, tổng giá thanh toán đã có thuế GTGT.

Nếu việc chiết khấu thương mại căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa, dịch vụ thì số tiền chiết khấu của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau. Trường hợp số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu hàng bán thì được lập hóa đơn điều chỉnh kèm bảng kê các số hóa đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế điều chỉnh. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào”.

- Tại khoản 3 điều 20 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về xử lý đối với hóa đơn đã lập như sau:

“3. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót. Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm) số lượng hàng hóa, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng..., tiền thuế giá trị gia tăng cho hóa đơn số..., ký hiệu... Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Hóa đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-)”.

Căn cứ các quy định nêu trên và theo trình bày của Công ty CP kinh doanh gạch ốp lát Viglacera (Công ty) tại công văn số 747/VIKD-TCKT nêu trên: trường hợp Công ty thực hiện việc bán hàng theo phương thức giảm giá, chiết khấu bán hàng căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa thực tế mà khách hàng mua đạt mức nhất định thì hàng tháng, căn cứ trên doanh số mua hàng của tháng trước liền kề và mức giảm giá, chiết khấu bán hàng do công ty quy định từng thời kỳ, công ty được xuất hóa đơn điều chỉnh, trên hóa đơn ghi rõ giảm giá hàng bán hoặc chiết khấu thương mại cho hàng hóa tại các hóa đơn số..., ký hiệu... theo bảng kê chi tiết kèm theo hóa đơn điều chỉnh. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh công ty và khách hàng kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế GTGT đầu ra, đầu vào theo quy định.

Trường hợp từ quý 4/2012 đến hết tháng 4/2014, Công ty thực hiện việc bán hàng theo phương thức giảm giá, chiết khấu bán hàng căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa thực tế mà khách hàng mua đạt mức nhất định nhưng do sơ suất của bộ phận kế toán Công ty đã lập hóa đơn điều chỉnh cho việc chiết khấu bán hàng trên hóa đơn không ghi nội dung “chiết khấu bán hàng” mà ghi nội dung “hỗ trợ bán hàng” thì công ty và khách hàng phải lập biên bản ghi rõ việc sai sót tại các hóa đơn số... ký hiệu.

Công ty và khách hàng phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các biên bản và hóa đơn điều chỉnh này.

Tổng cục Thuế trả lời để Công ty cổ phần kinh doanh gạch ốp lát Viglacera được biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ PC-BTC;
- Vụ PC-TCT,
- Cục Thuế TP Hà Nội;
- Lưu: VT, CS (2).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Cao Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 667/TCT-CS năm 2015 về chính sách thuế do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 667/TCT-CS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 14/02/2015
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Cao Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/02/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản