Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 659/BGDĐT-TCCB
V/v giải quyết vướng mắc chế độ trợ cấp đối với nhà giáo theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 02 năm 2014

 

Kính gửi: Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Thực hiện Phiếu chuyển số 25/PC-VPCP ngày 10/01/2014 của Văn phòng Chính phủ chuyển công văn số 02/BHXH-CSXH ngày 02/01/2014 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc đề xuất giải quyết vướng mắc chế độ trợ cấp đối với nhà giáo theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg ngày 30/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo nghỉ hưu chưa được hưởng phụ cấp thâm niên trong lương hưu (sau đây gọi chung là Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg); Căn cứ Điều 1, Điều 2, Điều 3 quy định tại Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg, Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến làm rõ thêm một số nội dung như sau:

1. Cơ sở giáo dục công lập nêu tại Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg là những cơ sở giáo dục do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên, bao gồm: các trường mầm non (kể cả nhà trẻ, trường mẫu giáo thuộc các nhà máy, công ty, xí nghiệp, nông trường, lâm trường hoặc các đơn vị khối hành chính sự nghiệp trước đây); trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông cơ sở, phổ thông nhiều cấp học, trung học phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học, học viện; Trung tâm giáo dục thường xuyên (Bổ túc văn hóa trước đây); trường, trung tâm dạy nghề thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; trường, trung tâm thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

2. Đối tượng áp dụng tại Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg

a) Nhà giáo nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành tại các cơ sở giáo dục công lập trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1994 đến ngày 31/5/2011 mà trong lương hưu chưa có phụ cấp thâm niên nhà giáo [theo quy định tại Quyết định số 309-CT ngày 09/12/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về chế độ phụ cấp thâm niên cho ngành giáo dục, Nghị định số 54/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo], phụ cấp thâm niên của lực lượng vũ trang, phụ cấp thâm niên nghề khác và tại thời điểm ngày 01/01/2012 đang hưởng lương hưu hàng tháng, cụ thể:

- Giáo viên đang trực tiếp tham gia giảng dạy tại cơ sở giáo dục mầm non công lập (kể cả cô nuôi dạy trẻ, trông trẻ, giữ trẻ trước đây) thì nghỉ hưu;

- Giáo viên đang trực tiếp tham gia giảng dạy tại cơ sở giáo dục phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề công lập thì nghỉ hưu;

- Giảng viên (cán bộ giảng dạy) đang trực tiếp tham gia giảng dạy tại cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng công lập thì nghỉ hưu;

- Hiệu trưởng (giám đốc), phó hiệu trưởng (phó giám đốc), trưởng khoa, chủ nhiệm khoa, phó trưởng khoa, phó chủ nhiệm khoa, trưởng ban, phó trưởng ban, trưởng phòng, phó trưởng phòng, tổ trưởng, tổ phó (chuyên môn) đang trực tiếp tham gia giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập thì nghỉ hưu;

- Nhà giáo kiêm nhiệm công tác Bí thư đảng bộ, Chủ tịch công đoàn, Thư ký công đoàn, Bí thư Đoàn thanh niên, Tổng phụ trách Đội đang trực tiếp tham gia giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập thì nghỉ hưu.

Công tác giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành tại các cơ sở giáo dục công lập của các nhà giáo trên được thực hiện theo quy định tại các văn bản sau:

- Thông tư số 49/TT ngày 29/11/1979 của Bộ Giáo dục quy định chế độ công tác của giáo viên phổ thông;

- Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông (thay thế Thông tư số 49/TT ngày 29/11/1979 của Bộ Giáo dục quy định chế độ công tác của giáo viên phổ thông);

- Quyết định số 18/2007/QĐ-BGDĐT ngày 24/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định chế độ công tác giáo viên giảng dạy trung cấp chuyên nghiệp;

- Thông tư số 09/2008/TT-BLĐTBXH ngày 27/06/2008 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn chế độ làm việc của giáo viên dạy nghề;

- Thông tư số 02/2002/TT-BLĐTBXH ngày 04/01/2002 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn chế độ làm việc của giáo viên trường dạy nghề;

- Quyết định số 1712/QĐ-BĐH ngày 18/12/1978 của Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) quy định chế độ làm việc của cán bộ giảng dạy đại học;

- Quyết định số 64/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định chế độ làm việc đối với giảng viên (thay thế Quyết định số 1712/QĐ-BĐH ngày 18/12/1978 của Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp);

- Thông tư số 36/2010/TT-BGDĐT ngày 15/12/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chế độ làm việc đối với giảng viên ban hành kèm theo Quyết định số 64/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Quyết định số 61/2005/QĐ-TTg ngày 24/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và trung học phổ thông.

b. Nhà giáo chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu trước ngày 31/5/2011, được giải quyết hưởng lương hưu kể từ ngày 01/6/2011 trở về sau.

3. Về thời gian tính hưởng chế độ trợ cấp theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg

a. Thời gian được tính hưởng là tổng thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục hướng dẫn thực hành tại các cơ sở giáo dục công lập (sau đây gọi chung là thời gian giảng dạy), bao gồm:

- Thời gian giảng dạy đã được tính hưởng chế độ hưu trí thuộc các đối tượng nêu trên;

- Thời gian là giáo viên vỡ lòng trước ngày 08/4/1976 (thời điểm Quyết định số 152/TTg ngày 08/4/1976 của Thủ tướng Chính phủ chuyển các lớp vỡ lòng vào hệ giáo dục phổ thông cấp I) được tính liên tục sau khi xét tuyển vào biên chế Nhà nước quy định tại Điểm 1 Khoản C Mục II Thông tư số 08/TTLB ngày 21/5/1977 của liên Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 152/TTg ngày 08/4/1976 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung chế độ chính sách đối với giáo viên vỡ lòng;

- Thời gian đi nghĩa vụ quân sự theo luật định mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự là nhà giáo thuộc đối tượng nêu tại Điểm a, Mục 2 nêu trên;

- Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản (trong thời gian là nhà giáo đang giảng dạy) đã được tính hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật;

- Thời gian đi học ở trong nước mà vẫn giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập (nơi đang công tác);

- Thời gian là nhà giáo giảng dạy có kiêm nhiệm công tác khác tại vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.

b. Thời gian không tính hưởng

- Thời gian đang giữ mã ngạch giáo viên, giảng viên nhưng chuyển sang làm công tác khác không trực tiếp giảng dạy;

- Thời gian được cử đi học tập, nghiên cứu, thực tập sinh, chuyên gia ở nước ngoài.

Trên đây là một số nội dung Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời để Bảo hiểm xã hội Việt Nam làm căn cứ hướng dẫn thực hiện chế độ trợ cấp đối với nhà giáo nghỉ hưu chưa được hưởng phụ cấp thâm niên trong lương hưu theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg. Trong quá tình thực hiện chi trả trợ cấp nếu có nội dung phát sinh, vướng mắc, đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để có hướng dẫn bổ sung kịp thời./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Lưu: VT, TCCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Quang Quý

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 659/BGDĐT-TCCB năm 2014 giải quyết vướng mắc chế độ trợ cấp đối với nhà giáo theo Quyết định 52/2013/QĐ-TTg do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 659/BGDĐT-TCCB
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 17/02/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Trần Quang Quý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản