Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 6437/TCHQ-GSQL
V/v vướng mắc trong thủ tục xuất khẩu lô hàng khai báo là phân bón

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2012

 

Kính gửi: Bộ Công Thương (Vụ Công nghiệp nặng).

Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 2402/HQQN-GSQL ngày 02/11/2012 và số 2424/HQQN-GSQL ngày 06/11/2012 của Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh về việc đề nghị hướng dẫn giải quyết vướng mắc trong thủ tục hải quan đối với việc xuất khẩu lô hàng khai báo là phân bón của Công ty CP công nghiệp và xây dựng GNG tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai. Liên quan đến việc này Tổng cục Hải quan xin trao đổi với quý Bộ một số nội dung sau:

1. Ngày 21/9/2012, Công ty CP Công nghiệp và xây dựng GNG mở tờ khai điện tử xuất khẩu số 314/XKD/C20F tại Chi cục HQCK cảng Hòn Gai - Cục HQ tỉnh Quảng Ninh, hàng hóa theo khai báo là phân trung lượng bón rễ Canxi Phosphate. Tuy nhiên, do có nghi ngờ doanh nghiệp khai sai về tên, chủng loại hàng hóa và mã số hàng hóa, Chi cục HQCK cảng Hòn Gai đã tiến hành lấy mẫu gửi Trung tâm PTPL hàng hóa XNK (Chi nhánh tại Hải Phòng) để xác định tên hàng và mã số hàng hóa XNK.

2. Trong khi chờ kết quả phân tích phân loại, Phòng 8 - Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) cung phối hợp với một số đơn vị tiến hành lấy mẫu lô hàng trên: Ngày 10/10/2012 lấy 05 túi mẫu (do cơ quan Công an, Hải quan, doanh nghiệp phối hợp lấy mẫu); Ngày 13/10/2012 lấy 08 túi mẫu (do cơ quan Công an, Hải quan, VINACONTROL Quảng Ninh và doanh nghiệp phối hợp lấy mẫu).

Ngày 17/10/2012, Cục Cảnh sát kinh tế có công văn số 1348/C46 (P8) gửi Chi Cục HQCK cảng Hòn Gai nêu: “Sau khi kết thúc việc lấy mẫu, Chi cục HQCK cảng Hòn Gai giải quyết thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất khẩu và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh theo thẩm quyền”.

3. Các kết quả giám định như sau:

+ Ngày 13/10/2012, Chi cục Hải quan nhận được bản Fax thông báo kết quả PTPL hàng hóa so 828/CNHP-NV của Trung tâm PTPLHHXNK (Chi nhánh tại Hải Phòng với kết quả như sau: Mẫu yêu cầu phân tích phân loại là chế phẩm có thành phần chính gồm: quặng apatit, canxi phosphat và các thành phần khác (có thể sử dụng làm phần bón) và chưa đủ cơ sở, căn cứ để phân loại mặt hàng.

+ Ngày 19/10/2012, Chi cục Hải quan nhận được bản Fax kết quả phân tích của Trung tâm Phân tích (Viện hóa học công nghiệp Việt Nam) cho các túi mẫu lấy ngày 10/10/2012 do Phòng 8 - Cục Cảnh sát kinh tế gửi. Kết quả: (P2O5 tổng: 28,60%; P2O5 hữu hiệu: 1,40%; CaO: 1,7%; MgO: 2,09%; Ghi chú: Thành phần cơ bản là quặng Apatit).

+ Ngày 01/11/2012, Chi cục Hải quan nhận được bản Fax thông báo kết quả PTPL hàng hóa số 882/CNHP-NV của Trung tâm PTPLHHXNK (Chi nhánh tại Hải Phòng), bổ sung cho thông báo kết quả số 828/CNHP-NV ngày 13/10/2012. Kết luận: Mẫu có thành phần cơ bản là Apatit ở dạng tự nhiên đã được nghiền nhưng không đều (ở dạng hạt lẫn dạng bột); mã số theo Biểu thuế XNK là 25.10.

+ Ngày 06/11/2012, Chi cục Hải quan nhận được bản Fax kết quả phân tích mẫu số 231/KDPB/2012 của Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Viện khoa học công nghiệp Viêt Nam) cho các túi mẫu lấy ngày 13/10/2012 do Phòng 8 - Cục Cảnh sát kinh tế gửi. Kết quả xác định: Ca: 18,8%, Mg: 2,07%, P2O5: 28,25%; P2O5 hh: 2,22%, kết luận: Thành phần cơ bản trong mẫu là quặng Apatit.

+ Kết quả phân tích của Trung tâm phân tích thí nghiệm địa chất - Tổng cục địa chất và khoáng sản đối với mẫu do Trung tâm PTPL hàng hóa XNK (Chi nhánh tại Hải Phòng) gửi: Mẫu có thành phần Apatit loại (Flourapatit) là nhiều nhất, hàm lượng là 60%, sau đến Diệp thạch - Cericit + Mica + Set, Dolomit, Canxit và Feldspat, Thạch anh. Mẫu ở dạng tự nhiên đã qua nghiền nhỏ vụn theo kích thước của mẫu gửi phân tích. Mẫu là một loại phân có thể bón trực tiếp cho cây trồng và cải tạo đất phèn, đất phèn mặn.

+ Kết quả phân tích mẫu số 231/KDPB/2012 nêu trên cũng được Cục Cảnh sát kinh tế gửi đến Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ngày 05/11/2012 Cục Trồng trọt có công văn số 2396/TT-ĐPB có ý kiến Mẫu phân tích trên được xếp vào nhóm phân trung vi lượng bón rễ, đã được đưa vào Danh mục bổ sung phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 62/2009/TT-BNNPTNT ngày 25/9/2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Cục Cảnh sát kinh tế có công văn số 1448/C46(P8) ngày 07/11/2012 với nội dung: trao đổi các kết quả phân tích mẫu của các đơn vị có liên quan và ý kiến chuyên môn của Cục Trồng trọt để Chi cục HQCK cảng Hòn Gai biết và giải quyết các thủ tục hải quan liên quan đến lô hàng nêu trên theo thẩm quyền.

Do còn chưa thống nhất trong việc xác định bản chất hàng hóa xuất khẩu giữa các đơn vị có liên quan, Tổng cục Hải quan đã chủ trì tổ chức cuộc họp bàn với các đơn vị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Trồng trọt), Bộ Tài chính (Vụ Chính sách thuế, Vụ Pháp chế), các cơ quan phân tích (Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam Viện Thổ nhưỡng nông hóa - Viện Khoa học Nông nghiệp, Trung tâm Phân tích thí nghiệm địa chất - Tổng cục Địa chất và Khoáng sản). Tại cuộc họp, các đơn vị giữ nguyên ý kiến như tại các văn bản trao đổi trước đo.

Như vậy, qua các kết quả phân tích mẫu của các cơ quan phân tích liên quan thấy đều thống nhất bản chất của mẫu hàng hóa có thành phần cơ bản là quặng apatit ở dạng tự nhiên đã qua nghiền, có thể sử dụng làm phân bón. Với kết luận phân tích thành phần và kết luận thống nhất tại cuộc họp giữa các bên nêu trên, căn cứ Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi 2012, chương 25 quy định phân loại mặt hàng muối; lưu huỳnh; đất và đá; thạch cao, vôi và xi măng, cụ thể nhóm 25.10 quy định cho mặt hàng canxi phosphat tự nhiên, canxi phosphat nhôm tự nhiên và đá phấn có chứa phosphat; chương 31 quy định phân loại mặt hàng phân bón cụ thể nhóm 31.03 quy định phân khoáng hoặc phân hóa học có chứa phosphat (phân lân), mẫu hàng hóa là dạng khoáng tự nhiên phù hợp phân loại vào nhóm 25.10 (Xin gửi kèm theo quy định của chương 25 và 31). Tuy nhiên, căn cứ kết quả phân tích mẫu nêu trên thì có đơn vị cơ quan chuyên ngành lại kết luận mẫu có thể sử dụng làm phân bón hoặc có đơn vị kết luận là mẫu được sử dụng làm phân bón, do đó Tổng cục Hải quan chưa có đủ cơ sở áp dụng chính sách quản lý xuất khẩu phù hợp đối với lô hàng trên của Công ty. Trong khi đó, theo Chỉ thị số 02/2012/CT-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản thì có quy định không xuất khẩu quặng apatit, nhưng không quy định dạng quặng nguyên khai, tinh quặng hay quặng đã được nghiền có thể dùng làm phân bón hoặc làm nguyên liệu để sản xuất phân bón.

Tổng cục Hải quan trao đổi với Quý Bộ về nội dung vụ việc trên (gửi kèm các tài liệu liên quan) và đề nghị Quý Bộ có ý kiến cụ thể đối với các nội dung sau:

- Hướng dẫn cụ thể các loại (dạng) quặng apatit không xuất khẩu theo Chỉ thị số 02/2012/CT-TTg ngày 09/01/2012 nêu trên của Thủ tướng Chính phủ.

- Trường hợp mặt hàng xuất khẩu là quặng apatit ở dạng tự nhiên đã qua nghiền có thể dùng làm phân bón hoặc nguyên liệu để sản xuất phân bón có thuộc đối tượng điều chỉnh của Chỉ thị số 02/2012/CT-TTg ngày 09/01/2012 nêu trên hay không?

Để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp do chi phí lưu tại cảng quá lâu, đề nghị quý Bộ có ý kiến trả lời trong ngày 19/11/2012.

Tổng cục Hải quan xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Bộ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, GSQL (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Công Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 6437/TCHQ-GSQL vướng mắc trong thủ tục xuất khẩu lô hàng khai báo là phân bón do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 6437/TCHQ-GSQL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 15/11/2012
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Nguyễn Công Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản