Hệ thống pháp luật

ỦY BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 630/UBDT-HTQT
V/v: Xin ý kiến góp ý cho dự thảo Thỏa thuận Hợp tác sửa đổi lần 2 về lĩnh vực công tác dân tộc

Hà Nội, ngày 06 tháng 07 năm 2017

 

Kính gửi:

- Bộ Ngoại giao;
- Bộ Tư pháp.

 

Thỏa thuận Hợp tác giữa Ủy ban Dân tộc nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Các vấn đề Biên giới nước Cộng hòa Liên bang Myanmar do Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Các vấn đề Biên giới Myanmar ký ngày 28/7/2000 và ký lại ngày 10/12/2012. Để thực hiện Thỏa thuận Hợp tác được hiệu quả, phía Bộ Các vấn đề Biên giới Myanmar đề nghị ký lại Thỏa thuận Hợp tác do Bộ trưởng hai bên ký.

Để có cơ sở xin phép Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc trân trọng đề nghị Quý Bộ góp ý kiến vào Dự thảo Thỏa thuận Hợp tác sửa đổi lần 2 giữa Ủy ban Dân tộc nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với Bộ Các vấn đề Biên giới nước Cộng hòa Liên bang Myanmar (có Dự thảo gửi kèm theo).

Mọi ý kiến đóng góp đề nghị Quý Bộ gửi bằng văn bản về địa chỉ: Ủy ban Dân tộc (qua Vụ Hợp tác Quốc tế), 80 Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội, đồng thời gửi bản mềm vào địa chỉ email: tranthuha@cema.gov.vn trước ngày 12/7/2017.

Xin trân trọng cám ơn!

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm (để b/c);
- Cổng thông tin UBDT;
- Lưu: VT, HTQT (2).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
THỨ TRƯỞNG, PHÓ CHỦ NHIỆM




Đinh Quế Hải

 

THỎA THUẬN HỢP TÁC SỬA ĐỔI LẦN 2

GIỮA ỦY BAN DÂN TỘC NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ BỘ CÁC VẤN ĐỀ BIÊN GIỚI NƯỚC CỘNG HÒA LIÊN BANG MI-AN-MA

Thỏa thuận Hợp tác giữa Ủy ban Dân tộc nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Bộ các vấn đề biên giới nước Cộng hòa Liên bang Myanmar được ký ngày 28-7-2000 và bản sửa đổi đầu tiên của Thỏa thuận Hợp tác giữa Ủy ban Dân tộc nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Bộ các vấn đề biên giới nước Cộng hòa Liên bang Myanmar được ký ngày 10-12-2012.

Trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết và hữu nghị, góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước, phát triển giao lưu hợp tác hữu nghị giữa hai Cơ quan làm công tác dân tộc của Chính phủ hai nước, ủy ban Dân tộc nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ các vấn đề về Biên giới nước Cộng hòa Liên bang Mi-an-ma (dưới đây gọi tắt là “hai Bên”) thống nhất Thỏa thuận hợp tác gồm các nội dung như sau:

ĐIỀU 1

Hai Bên đồng ý hợp tác trên các lĩnh vực liên quan tới công tác dân tộc như nghiên cứu khoa học, văn hóa, giáo dục, kinh tế, xây dựng chính sách... bằng nhiều hình thức thích hợp nhằm thúc đẩy tiến bộ về công tác dân tộc của mỗi nước, góp phần duy trì sự thống nhất và ổn định của quốc gia, sự ổn định của khu vực và hòa bình thế giới.

ĐIỀU 2

Hai Bên đồng ý cử đoàn cán bộ cấp Lãnh đạo Bộ, cấp Vụ, cấp chuyên viên của hai nước đi tham quan khảo sát, trao đổi, học tập kinh nghiệm của nhau về công tác dân tộc và đánh giá kết quả thực hiện thỏa thuận hợp tác theo nguyên tắc có đi có lại, cứ hai năm một lần, mỗi lần từ 5 đến 7 người, thời gian không quá 7 ngày. Kinh phí thực hiện theo nguyên tắc: bên cử đoàn đi chịu trách nhiệm chi phí đi, lại quốc tế; bên đón đoàn đài thọ đi lại, ăn, nghỉ và các điều kiện hoạt động của đoàn tại nơi đến.

ĐIỀU 3

Hai Bên đồng ý:

1. Cử đoàn công tác gồm các cán bộ và chuyên gia làm việc trong lĩnh vực dân tộc thiểu số đi nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực công tác dân tộc thiểu số giữa hai quốc gia theo hình thức hội đàm, hội thảo, hội nghị và đi thực địa ít nhất mỗi năm một lần. Thời gian của mỗi chuyến công tác tùy thuộc vào nội dung/chủ đề.

2. Hợp tác nghiên cứu, đề xuất và triển khai các hoạt động về công tác dân tộc, phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong khối ASEAN. Trong điều kiện cho phép, hai bên sẽ luân phiên tổ chức các hội thảo chuyên đề ngắn và các khóa đào tạo về lĩnh vực công tác dân tộc. Mỗi khóa đào tạo có thể kéo dài từ 10 đến 30 ngày với số lượng từ 15 đến 20 chỉ tiêu/năm.

3. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ và công chức là người dân tộc thiểu số của hai bên tham gia vào các chuyến giao lưu chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và bảo tồn văn hóa truyền thống vùng dân tộc thiểu số.

ĐIỀU 4

1. Hai Bên nhất trí thông qua thương lượng để giải quyết một cách hữu nghị, hiệu quả những khác biệt nảy sinh trong quá trình thực hiện Thỏa thuận Hợp tác.

2. Hai Bên có trách nhiệm bảo mật thông tin đối với các kết quả hợp tác giữa Hai Bên trong quá trình thực hiện Thỏa thuận này.

ĐIỀU 5

1. Thỏa thuận này có hiệu lực 5 năm kể từ ngày ký. Thỏa thuận này có thể được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở đồng thuận của hai Bên, nội dung sửa đổi, bổ sung là một phần không tách rời của Thỏa thuận.

2. Nếu một trong Hai Bên muốn chấm dứt Thỏa thuận này thì phải thông báo cho Bên kia bằng văn bản. Việc chấm dứt hiệu lực của Thỏa thuận không làm ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác đã được triển khai trong khuôn khổ Thỏa thuận.

3. Được sự ủy quyền hợp pháp của mỗi nước, Hai Bên ký bản Thỏa thuận Hợp tác này.

Làm tại Nây-pi-tô, ngày     tháng    năm 2017 thành 02 bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Mi-an-ma và tiếng anh; các văn bản có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau, văn bản tiếng Anh sẽ được dùng làm căn cứ.

 

THAY MẶT
ỦY BAN DÂN TỘC NƯỚC CỘNG HÒA
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM




ĐỖ VĂN CHIẾN
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

THAY MẶT
BỘ CÁC VẤN ĐỀ BIÊN GIỚI NƯỚC
CỘNG HÒA LIÊN BANG MI-AN-MA




TRUNG TƯỚNG YE AUNG
Bộ trưởng Bộ Các vấn đề Biên giới

 

THỎA THUẬN HỢP TÁC SỬA ĐỔI

GIỮA ỦY BAN DÂN TỘC NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ BỘ CÁC VẤN ĐỀ BIÊN GIỚI NƯỚC CỘNG HÒA LIÊN BANG MI-AN-MA

Trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết và hữu nghị, góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước, phát triển giao lưu hợp tác hữu nghị giữa hai Cơ quan làm công tác dân tộc của Chính phủ hai nước, Ủy ban Dân tộc nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ các vấn đề về Biên giới nước Cộng hòa Liên bang Mi-an-ma (dưới đây gọi tắt là “hai Bên”) sau khi hiệp thương hữu nghị đã thỏa thuận như sau:

ĐIỀU I

Hai Bên đồng ý hợp tác trên các lĩnh vực liên quan tới công tác dân tộc như nghiên cứu khoa học, văn hóa, giáo dục, kinh tế... bằng nhiều hình thức thích hợp nhằm thúc đẩy tiến bộ về công tác dân tộc của mỗi nước, góp phần duy trì, sự thống nhất và ổn định của quốc gia, sự ổn định của khu vực và hòa bình thế giới.

ĐIỀU II

Hai Bên đồng ý Cơ quan phụ trách công tác dân tộc của Chính phủ hai nước chính thức thành lập mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, tăng cường quan hệ qua lại và giao lưu hữu nghị. Theo nguyên tắc có đi có lại, cứ hai năm một lần, hai Bên cử đoàn đại biểu cấp Bộ đi khảo sát trao đổi tình hình và kinh nghiệm công tác dân tộc, trao đổi về những nội dung liên quan đến bản Thỏa thuận này.

ĐIỀU III

Hai Bên đồng ý:

1. Cử đoàn công tác gồm các cán bộ và chuyên gia làm việc trong lĩnh vực dân tộc thiểu số đi nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực công tác dân tộc thiểu số giữa hai quốc gia theo hình thức hội đàm, hội thảo, hội nghị và đi thực địa ít nhất mỗi năm một lần. Thời gian của mỗi chuyến công tác tùy thuộc vào nội dung/chủ đề.

2. Luân phiên tổ chức các hội thảo chuyên đề ngắn và các khóa đào tạo về lĩnh vực công tác dân tộc thiểu số. Mỗi khóa đào tạo có thể kéo dài từ mười đến ba mươi ngày cho mười đến hai mươi người là những cán bộ làm việc trong lĩnh vực dân tộc thiểu số, trong đó có các cán bộ cấp cơ sở.

3. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ và người dân tộc thiểu số ở địa phương tham gia vào các chuyến giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và bảo tồn văn hóa truyền thống ...

4. Về kinh phí, đối với đoàn cấp bộ và đoàn công tác, Bên cử đoàn đi sẽ chịu trách nhiệm chi trả phí đi lại quốc tế và tiền tiêu vặt hàng ngày cho thành viên đoàn; Bên đón đoàn sẽ chịu trách nhiệm chi trả phí ăn, ở và đi lại nội địa tại nước đón tiếp. Đối với đoàn cấp địa phương, Bên cử đoàn đi sẽ chịu toàn bộ chi phí và Bên đón sẽ chịu trách nhiệm thu xếp.

ĐIỀU IV

Hai Bên đồng ý giới thiệu các đơn vị trực thuộc của mỗi Cơ quan tiến hành trao đổi, hợp tác tương ứng với nhau trên những nội dung và điều kiện cho phép.

ĐIỀU V

Hai Bên đồng ý rằng bất cứ sự bất đồng, tranh chấp nào phát sinh từ Thỏa thuận này sẽ được hai Bên giải quyết một cách hữu nghị, thông qua thương lượng.

ĐIỀU VI

1. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực trong thời hạn năm (5) năm kể từ ngày ký và sẽ mặc nhiên được gia hạn từng năm một, trừ khi một trong hai Bên thông báo cho phía Bên kia bằng văn bản về ý định của mình muốn chấm dứt Thỏa thuận này ít nhất 4 tháng trước khi Thỏa thuận hết hiệu lực.

2. Thỏa thuận này có thể được sửa đổi hoặc bổ sung theo sự thỏa thuận bằng văn bản của hai Bên.

Thỏa thuận này được ký tại Nây-pi-tô ngày 10 tháng 12 năm 2012, thành hai bản gốc, một bản bằng tiếng Việt, tiếng Mi-an-ma và tiếng Anh, các văn bản đều có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau, văn bản tiếng Anh sẽ được dùng làm căn cứ.

 

THAY MẶT
ỦY BAN DÂN TỘC
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM




Sơn Minh Thắng
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm
Ủy ban Dân tộc

THAY MẶT
BỘ CÁC VẤN ĐỀ VỀ BIÊN GIỚI
NƯỚC CỘNG HÒA LIÊN BANG MI-AN-MA





THIẾU TƯỚNG Zaw Win
Thứ trưởng Bộ Các vấn đề về Biên giới

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 630/UBDT-HTQT năm 2017 xin ý kiến góp ý cho dự thảo Thỏa thuận Hợp tác sửa đổi lần 2 về lĩnh vực công tác dân tộc do Ủy ban Dân tộc ban hành

  • Số hiệu: 630/UBDT-HTQT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 06/07/2017
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Dân tộc
  • Người ký: Đinh Quế Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản