Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6299/BTC-NSNN
V/v tiết kiệm chi thường xuyên năm 2021 theo Nghị quyết 58/NQ-CP

Hà Nội, ngày 11 tháng 6 năm 2021

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2021 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021; trong đó yêu cầu: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên dành nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đột xuất khác; cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng chống dịch của các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, kinh phí hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết: Bộ Tài chính có báo cáo cụ thể Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng 6 năm 2021.

Để có cơ sở tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương (sau đây gọi tắt là các Bộ, cơ quan Trung ương) và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện cắt giảm và tiết kiệm thêm dự toán chi thường xuyên còn lại của năm 2021 như sau:

1. Đối tượng thực hiện:

Các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị đã được cấp có thẩm quyền giao dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2021 hoặc sử dụng số thu phí được để lại, thu nghiệp vụ được để lại theo quy định để chi hoạt động thường xuyên.

2. Phạm vi, cách thức cắt giảm kinh phí và tiết kiệm thêm:

a) Cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng chống dịch của các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, kinh phí hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại giao) còn lại tính đến ngày 15 tháng 6 năm 2021.

Số dự toán cắt giảm = (A-A1) x tối thiểu 50%

Trong đó: A là dự toán được giao năm 2021 để chi tổ chức hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước theo phân bổ hoặc số thực hiện năm 2020 (đối với trường hợp cấp có thẩm quyền khi giao dự toán năm 2021 không chi tiết các nội dung chi tổ chức hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước); A1 là số kinh phí tổ chức hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước đã triển khai thực hiện/hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thực hiện đến ngày 15 tháng 6 năm 2021.

Riêng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, được tính trừ tiếp dự toán kinh phí hội nghị, công tác phòng chống dịch; Bộ Ngoại giao được tính trừ tiếp dự toán kinh phí hội nghị, công tác hoạt động ngoại giao quốc gia dự kiến thực hiện từ ngày 15 tháng 6 đến cuối năm 2021.

b) Tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên còn lại (kể cả chi các hoạt động kinh tế và sự nghiệp bảo vệ môi trường) của năm 2021:

Số kinh phí tiết kiệm thêm = (A - B - C - D) x 10%.

Trong đó:

A: Là dự toán chi thường xuyên năm 2021 được cấp có thẩm quyền giao.

B: Tổng quỹ lương tính theo mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng, phụ cấp, tiền công và các khoản chi khác cho con người theo chế độ, chính sách hiện hành (học bổng học sinh, sinh viên; tiền ăn, tiền thưởng theo chế độ quy định, tiền thuê chuyên gia; các khoản phụ cấp đặc thù của từng ngành kể cả bằng tiền và hiện vật; kinh phí cấp bù miễn, giảm học phí theo chế độ quy định,...).

C: Tổng dự toán các khoản chi thường xuyên không thực hiện cắt giảm, gồm:

- Số tiết kiệm 10% dành để cải cách tiền lương đã giao cho các cơ quan, đơn vị đầu năm;

- Chi từ nguồn vốn ngoài nước, vốn đối ứng các dự án ODA;

- Kinh phí thực hiện các chế độ chính sách an sinh xã hội đã được cấp có thẩm quyền quyết định;

- Kinh phí để triển khai các nhiệm vụ chi phòng, chống và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19;

- Kinh phí đào tạo lưu học sinh nước ngoài ở Việt Nam và đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài diện Hiệp định; kinh phí thực hiện Đề án đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý,... ở nước ngoài;

- Kinh phí thực hiện các chương trình, đề tài, đề án khoa học cấp nhà nước đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; kinh phí thực hiện các nhiệm vụ hợp tác khoa học kỹ thuật với một số nước theo Hiệp định hoặc Nghị định thư;...

- Kinh phí tài trợ báo, tạp chí, xuất bản, chi trợ giá; quỹ nhuận bút của các cơ quan báo chí; kinh phí đặt hàng sản xuất phim; đặt hàng sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích; đặt hàng các kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị;

- Kinh phí mua sắm trang phục ngành, kinh phí thuê trụ sở;

- Kinh phí hoạt động phục vụ phiên tòa; kinh phí hoạt động điều tra, thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp của cơ quan kiểm sát nhân dân; kinh phí giám định phục vụ hoạt động của cơ quan tư pháp, thanh tra, kiểm toán; kinh phí hoạt động của đoàn Hội thẩm, kinh phí tạm ứng cưỡng chế thi hành án, tiêu hủy tang vật, kinh phí thừa phát lại;

- Kinh phí tổ chức hội nghị, công tác trong và ngoài nước (do đã tính tiết kiệm theo hướng dẫn tại tiết a nêu trên);

- Các khoản kinh phí được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính giao bổ sung dự toán ngoài Quyết định giao dự toán năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

D: Các khoản chi thường xuyên thực tế đã chi hoặc đã thực hiện ký kết hợp đồng thực hiện đến ngày 15 tháng 6 năm 2021; kinh phí thực hiện các nhiệm vụ mua sắm, sửa chữa tài sản, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích, đã thực hiện một trong các khâu tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

c) Tiết kiệm 10% chi phí quản lý thực hiện Pháp lệnh Người có công: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện cắt giảm 10% dự toán chi phí quản lý thực hiện Pháp lệnh Người có công còn lại tính từ ngày 15 tháng 6 đến cuối năm 2021.

d) Tiết kiệm 10% chi phí quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện cắt giảm 10% dự toán chi phí quản lý còn lại tính từ ngày 15 tháng 6 đến cuối năm 2021, loại trừ những nhiệm vụ chi sau:

- Chi tiền lương, tiền công, phụ cấp lương và các khoản đóng góp theo lương;

- Chi nghiên cứu khoa học đối với các đề tài, đề án đã được phê duyệt;

- Chi thực hiện tinh giản biên chế theo chế độ quy định; chi hỗ trợ công tác điều động, luân chuyển, biệt phái cán bộ trong ngành; chi thuê mướn, chi phí thực hiện hợp đồng thuê khoán công việc hoặc hợp đồng lao động theo quy định; chi đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức;

- Chi tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp;

- Chi hỗ trợ Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn lập danh sách tham gia bảo hiểm y tế;

- Chi phí thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, thu bảo hiểm y tế của người tham gia theo hộ gia đình, của học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;

- Chi phí chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp từ quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp;

- Chi làm sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế;

- Chi trang phục thanh tra chuyên ngành, trang phục y tế; chi hỗ trợ cước điện thoại cho một số chức danh, vị trí công tác;

- Chi phí chuyển tiền trả cho Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Thương mại;

- Chi cập nhật dữ liệu biến động thay đổi thông tin hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế; chi rà soát thông tin, cập nhật cơ sở dữ liệu, cấp mã số cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

3. Tổ chức thực hiện:

a) Căn cứ hướng dẫn xác định dự toán cắt giảm và tiết kiệm nêu tại khoản 2 của Công văn này; Thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách xác định số kinh phí cắt giảm và tiết kiệm thêm, gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp rà soát, tổng hợp.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định và chịu trách nhiệm về việc xác định số kinh phí cắt giảm và tiết kiệm thêm đối với từng lĩnh vực chi theo đúng hướng dẫn, gửi Bộ Tài chính trước ngày 15 tháng 6 năm 2021 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định số kinh phí thực hiện cắt giảm và tiết kiệm thêm cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, chi tiết theo từng lĩnh vực chi (kể cả các cơ quan, đơn vị hành chính đã được giao cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính; đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính; các cơ quan, đơn vị chi hoạt động thường xuyên từ nguồn thu phí được để lại, nguồn thu nghiệp vụ được để lại); gửi Bộ Tài chính để theo dõi, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi Kho bạc nhà nước để kiểm soát chi theo phương án cắt giảm và tiết kiệm thêm đã được duyệt.

c) Căn cứ Quyết định cắt giảm và tiết kiệm thêm dự toán chi thường xuyên được giao, các đơn vị sử dụng ngân sách có văn bản gửi Kho bạc Nhà nước giao dịch để thực hiện. Kho bạc Nhà nước thực hiện giữ lại tại ngân sách các cấp đối với số kinh phí cắt giảm, tiết kiệm thêm được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các cơ quan, đơn vị chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước. Hết thời gian chỉnh lý quyết toán KBNN nơi giao dịch hạch toán hủy dự toán đã hạch toán cắt giảm và tiết kiệm thêm tại đơn vị sử dụng ngân sách.

Đối với các cơ quan, đơn vị chi thường xuyên từ nguồn thu phí được để lại, thu nghiệp vụ được để lại: Căn cứ Quyết định cắt giảm và tiết kiệm thêm dự toán chi thường xuyên của cơ quan chủ quản, các cơ quan, đơn vị thực hiện nộp kinh phí cắt giảm vào ngân sách nhà nước chia làm 2 đợt trước ngày 30/9/2021 và trước ngày 31/12/2021, số kinh phí cắt giảm nộp vào thu ngân sách nhà nước, tiểu mục 4949.

Kinh phí cắt giảm và tiết kiệm thêm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện nộp vào các Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ Bảo hiểm y tế tương ứng.

Kinh phí cắt giảm và tiết kiệm thêm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ nguồn thu 2% kinh phí công đoàn chuyển sang năm sau sử dụng theo quy định.

d) Các Bộ, cơ quan Trung ương rà soát, sắp xếp, bố trí lại các nhiệm vụ chi thường xuyên trong phạm vi dự toán còn lại (sau khi đã thực hiện cắt giảm và tiết kiệm thêm dự toán 6 tháng cuối năm 2021):

Để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn đã được giao đầu năm trong điều kiện thực hiện cắt giảm và tiết kiệm thêm dự toán theo Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ, đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện rà soát, sắp xếp, bố trí lại nhiệm vụ chi thường xuyên đã được giao đầu năm, tăng cường quản lý, chi tiêu đảm bảo tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả, trên cơ sở đó đảm bảo nguồn thực hiện các chế độ, chính sách đã ban hành và an sinh xã hội.

Chủ động rà soát, sắp xếp để cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách, các khoản chi mua sắm trang thiết bị; hạn chế chi tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài.

đ) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính tham mưu, điều hành đảm bảo cân đối ngân sách địa phương; chủ động sắp xếp, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, trong đó:

- Chủ động đảm bảo nguồn ngân sách địa phương (bao gồm cả nguồn cải cách tiền lương còn dư theo quy định) và sử dụng nguồn ngân sách trung ương bổ sung (nếu có) để thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành; không để phát sinh tình trạng chậm, muộn, nợ chế độ, chính sách trên địa bàn.

- Trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương giảm so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao trong khi vẫn phải chi thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, địa phương phải chủ động xây dựng phương án điều hành sử dụng các nguồn lực của mình theo quy định để đảm bảo cân đối ngân
sách địa phương. Cụ thể:

Huy động nguồn dự phòng ngân sách địa phương và tối đa phần còn lại của 70% số dư Quỹ dự trữ tài chính đầu năm 2021 (sau khi đã sử dụng theo chế độ quy định để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19).

Huy động nguồn kết dư ngân sách địa phương, phần tăng thu ngân sách địa phương năm 2020 chuyển nguồn sang năm 2021 sau khi đã dành nguồn để cải cách tiền lương theo quy định (nếu có) và các nguồn lực tài chính hợp pháp khác của địa phương theo quy định.

Ủy ban nhân dân báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về phương án điều hành cân đối ngân sách địa phương tại kỳ họp gần nhất theo đúng quy định Khoản 3 Điều 52 và Khoản 1 Điều 59 Luật ngân sách nhà nước; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Trên đây là nội dung cắt giảm và tiết kiệm thêm chi thường xuyên còn lại năm 2021 theo Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ. Đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện; nếu có vướng mắc thì kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng
Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Sở Tài chính, Cục thuế, Cục hải quan,
KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các đơn vị: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan,
KBNN, Vụ HCSN, Vụ I, Vụ TCNH, Cục TCDN;
- Lưu: VT, NSNN (281b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 6299/BTC-NSNN về tiết kiệm chi thường xuyên năm 2021 theo Nghị quyết 58/NQ-CP do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 6299/BTC-NSNN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 11/06/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/06/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản