Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6293/BTC-ĐT
V/v góp ý đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội

Hà Nội, ngày 14 tháng 5 năm 2014

 

Kính gửi: Bộ Xây dựng.

Trả lời công văn số 810/BXD-QHKT ngày 28/4/2014 của Bộ Xây dựng về việc góp ý đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội; Sau khi nghiên cứu, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Về cơ sở pháp lý triển khai và các nội dung chính của đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội:

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội được triển khai trên cơ sở nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 20/11/2012. Theo đó, các nội dung tập trung nghiên cứu điều chỉnh cụ thể như sau:

- Đánh giá việc thực hiện Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 05/5/2008.

- Dự báo phát triển Vùng.

- Điều chỉnh định hướng quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội.

- Đánh giá môi trường chiến lược.

- Đề xuất tài chính, nguồn lực đầu tư.

- Đề xuất mô hình quản lý Vùng.

- Dự thảo Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch xây dựng Vùng.

Về cơ bản nội dung đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đã bám sát các yêu cầu tại nhiệm vụ quy hoạch, tuy nhiên tại Thông báo kết luận số 151/TB-VPCP ngày 10/4/2014 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Hội nghị Ban Chỉ đạo Quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã yêu cầu tập trung làm rõ một số các nội dung như: Đối với lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cần phân tích làm rõ những mặt được và nhất là những mặt chưa được, không còn phù hợp với yêu cầu phát triển để thấy rõ hơn về sự cần thiết các nội dung điều chỉnh của quy hoạch; Làm rõ hơn về vấn đề đất lúa, rà soát cập nhật số liệu quy hoạch các ngành có liên quan..., vì vậy nội dung đồ án đề nghị bám sát các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo chất lượng đồ án đáp ứng các yêu cầu phát triển hài hòa, bền vững, lâu dài của Vùng thủ đô Hà Nội.

2. Các nội dung cụ thể của đồ án quy hoạch:

2.1. Về sự phù hợp quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội với các quy hoạch có liên quan;

Tại quyết định phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, vùng Thủ đô Hà Nội có tổng diện tích là 24.314,7 km2 (chiếm 7,3% diện tích tự nhiên toàn quốc); dân số là 17,495 triệu người (chiếm 19,1 % dân số toàn quốc), bao gồm trung tâm vùng là Thủ đô Hà Nội và 09 tỉnh (Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang). Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội có phạm vi lớn, cần rà soát đảm bảo quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội nằm trong tổng thể và phù hợp với các quy hoạch khác đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 23/5/2013, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và Miền núi phía Bắc đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt tại số 1064/QĐ-TTg ngày 08/7/2013, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 25/01/2014, Quy hoạch xây dựng vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 980/QĐ-TTg ngày 21/6/2013; các quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác trong vùng có liên quan. Trong trường hợp có sự không thống nhất giữa các quy hoạch, đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch trong vùng.

2.2. Về đánh giá tình hình triển khai thực hiện Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 05/5/2008:

- Quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 05/5/2008, gồm toàn bộ ranh giới hành chính Thủ đô Hà Nội và 7 tỉnh: Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam và Hoà Bình với diện tích tự nhiên khoảng 13.436 km2, bán kính ảnh hưởng từ 100-150 km. Đến nay, nội dung Quyết định số 490/QĐ-TTg đã được thực hiện trên 5 năm, vì vậy đề nghị cần đánh giá kỹ và đầy đủ hơn những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện trên các mặt như:

(1) Chất lượng công tác quy hoạch, trong đó cần đặc biệt chú trọng tới việc xác định vị trí, chức năng của các tỉnh trong mối quan hệ vùng để phát huy lợi thế so sánh.

(2) Các yếu tố dự báo về dân số, tỷ lệ đô thị hóa, tốc độ tăng trưởng GDP, cơ cấu ngành...

(3) Tính đồng bộ của các nội dung Quyết định số 490/QĐ-TTg với các quy hoạch ngành, quy hoạch chung xây dựng khác... có liên quan.

(4) Đánh giá việc triển khai thực hiện một số nội dung quy hoạch còn chậm.

(5) Về nguồn lực triển khai quy hoạch.

(6) Về sự phối hợp trong tổ chức triển khai quy hoạch giữa các địa phương trong vùng.

Trên cơ sở đánh giá các nội dung nêu trên để chỉ ra những điểm phù hợp, đặc biệt là những mặt chưa phù hợp, không đáp ứng các yêu cầu phát triển làm cơ sở cho việc kiến nghị các nội dung điều chỉnh trong quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, đảm bảo tính khoa học, hợp lý cũng như phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc biệt là với các nội dung đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ- TTg ngày 21/7/2011.

2.3 Về một số nội dung lưu ý trong quá trình điều chỉnh quy hoạch:

Vùng thủ đô Hà Nội gồm 9 tỉnh, thành phố với trọng tâm là thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011. Việc tổ chức không gian vùng thủ đô cần chú ý một số nội dung sau:

- Quy hoạch vùng thủ đô phải đáp ứng yêu cầu phát triển hài hòa giữa các tỉnh và đảm bảo phát triển bền vững, cần nghiên cứu, đánh giá lợi thế các địa phương trong vùng để đề xuất về tính chất, chức năng của các địa phương trong vùng cho phù hợp, đảm bảo nguồn lực đầu tư hệ thống kết cầu hạ tầng đồng bộ với tính chất, chức năng trong vùng.

- Quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như: giao thông, giáo dục, y tế... phải đảm bảo tính liên kết vùng không chỉ phụ thuộc vào địa giới hành chính đơn thuần, cần phải có tính chất lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong và ngoài vùng. Ngoài ra, đề nghị cân nhắc đề xuất nghiên cứu sân bay quốc tế thứ 2 trong vùng (trang 85 đồ án) vì trong khu vực đã có sân bay quốc tế Nội Bài, đồng thời có quy hoạch xây dựng các sân bay quốc tế tại Hải Phòng, Quảng Ninh vì vậy để đảm bảo kết nối mạng lưới giao thông của vùng cần nghiên cứu theo hướng phát triển các loại hình giao thông như đường bộ, đường sắt,... để đảm bảo về hiệu quả đầu tư.

- Nội dung quy hoạch cần lưu ý tác động của biến đổi khí hậu đến vùng đê đề ra các giải pháp quy hoạch cho phù hợp trong đó cần chú trọng tới quy hoạch hệ thống thủy lợi, quy hoạch tưới tiêu, cấp nước, thoát nước có tính chất liên vùng.

Ngoài ra, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Thông báo số 151/TB-VPCP ngày 10/4/2014 yêu cầu rà soát vấn đề đất lúa về hiện trạng, số liệu về đất trồng lúa và đất trồng lúa hai vụ liên quan đến việc phát triển các khu công nghiệp. Tuy nhiên, trong đồ án quy hoạch chưa thể hiện rõ được nội dung này.

- Việc tổ chức triển các dự án có tính chất liên vùng như giao thông, thủy lợi ... cần có sự phối hợp triển khai đồng bộ giữa các địa phương trong vùng.

- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các địa phương trong việc tổ chức quản lý không gian vùng, đảm bảo phát triển bền vững và đúng quy hoạch.

2.4 Một số nội dung đề xuất liên quan đến nguồn lực tài chính để thực hiện quy hoạch:

- Về xây dựng cơ sở pháp lý thu hút vốn đầu tư phát triển vùng:

+ Cần xây dựng văn bản pháp lý về các giải pháp để tạo và đảm bảo nguồn lực thực hiện quy hoạch, trong đó cần xác định vốn ngân sách là vốn mồi, cần phải đi trước một bước để thúc đẩy huy động nguồn vốn ngoài ngân sách trong việc thực hiện quy hoạch.

+ Việc huy động và đáp ứng nguồn lực của các địa phương trong vùng là khác nhau, vì vậy cần nghiên cứu cơ chế phát huy lợi thế của từng địa phương trong việc huy động nguồn lực để triển khai quy hoạch.

- Về xác định danh mục dự án ưu tiên đầu tư và phân kỳ thực hiện: Để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện đề nghị bổ sung:

+ Tiêu chí lựa chọn dự án ưu tiên

+ Xây dựng danh mục các dự án đầu tư

+ Dự kiến các nguồn lực thực hiện theo các giai đoạn phù hợp với khả năng có thể huy động nguồn vốn để thực hiện theo tiến độ triển khai quy hoạch.

Tóm lại, việc xây dựng danh mục chương trình dự án phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể theo từng giai đoạn, quy mô dự án phù hợp với khả năng huy động vốn ngoài ngân sách và khả năng cân đối vốn trong ngân sách của từng địa phương, khả năng hỗ trợ vốn từ trung ương phù hợp với dự kiến kế hoạch trung và dài hạn, trong đó cần tập trung ưu tiên các dự án có tính chất liên vùng như các dự án giao thông trọng điểm, các dự án công nghiệp công nghệ cao,... đầu tư sớm hình thành đưa vào khai thác thúc đẩy phát triển vùng, tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí trong đầu tư.

- Về nguồn vốn đầu tư và phân kỳ thực hiện:

+ Vốn NSNN cho đầu tư năm 2012 là 170 nghìn tỷ đồng, năm 2013 là 167 nghìn tỷ đồng, năm 2014 là 155 nghìn tỷ đồng và các năm tiếp theo có xu hướng giảm, vì vậy cần đề xuất các giải pháp trọng tâm nhằm huy động tối đa nguồn vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện quy hoạch.

+ Nội dung đồ án quy hoạch đề nghị cần đề xuất rõ về dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương, ngân sách từng địa phương) và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để bố trí triển khai quy hoạch theo các giai đoạn. Việc đề xuất bố trí vốn ngân sách nhà nước để triển khai quy hoạch phải khả thi để đảm bảo tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch,

Đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Công Nghiệp

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 6293/BTC-ĐT năm 2014 góp ý đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 6293/BTC-ĐT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 14/05/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Công Nghiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/05/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản