Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 610/TTg-KTTH
V/v triển khai các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu

Hà Nội, ngày 25 tháng 04 năm 2008

 

Kính gửi:

- Bộ Công thương;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bộ Y tế;
- Bộ Xây dựng;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Bộ Thông tin và Truyền thông.

 

Xét báo cáo của Bộ Công thương tại cuộc họp ngày 14 tháng 4 năm 2008 bàn triển khai các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, của các Phó Thủ tướng Chính phủ và các chuyên gia, cố vấn trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, giá cả, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau:

Để khắc phục các nguyên nhân đã được phân tích về chủ quan và khách quan của tình trạng nhập siêu hiện nay và trong các năm tới, yêu cầu các Bộ, ngành theo chức năng, thẩm quyền được giao, tổ chức xây dựng và thực hiện nhóm giải pháp chủ yếu sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao chất lượng tăng trưởng xuất khẩu và xem đây là nhóm biện pháp chủ yếu để thu hẹp cán cân thương mại, hạn chế nhập siêu.

Các Bộ, ngành cần khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 227/TTg-KTTH ngày 14 tháng 02 năm 2008 và công văn số 481/TTg-KTTH ngày 31 tháng 3 năm 2008 về việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án phát triển xuất khẩu đối với từng ngành hàng. Trong quá trình triển khai thực hiện, các Bộ, ngành chủ động phối hợp thực hiện để cụ thể hóa các nội dung sau:

a) Đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh phát triển các mặt hàng khác có tiềm năng thành những mặt hàng chủ lực mới có hiệu quả xuất khẩu cao; chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao; tăng sản phẩm chế biến, chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao; nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản…

b) Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại cấp nhà nước để thúc đẩy hợp tác, đầu tư và buôn bán với các nền kinh tế; thu hút các tập đoàn đa quốc gia nhằm tạo sự chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam các lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu có nhiều tiềm năng; nâng cao khả năng dự báo, chất lượng phân tích thông tin về thị trường, giá cả, trước mắt là dự báo mức nhập siêu cho giai đoạn 2008 - 2010; tập trung xúc tiến thương mại đối với các thị trường trọng điểm, các ngành hàng có sức tăng trưởng.

c) Nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu theo hướng: cải thiện môi trường cạnh tranh; điều chỉnh chính sách, cơ chế thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu; nâng cao năng lực và hiệu quả của hệ thống kết cấu hạ tầng và hoạt động dịch vụ giao nhận, kho vận; khuyến khích đầu tư và khai thác có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư ở trong, ngoài nước vào hoạt động sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế so sánh, có giá trị gia tăng cao; rà soát loại bỏ các loại phí, lệ phí bất hợp lý và trái pháp luật; tổ chức hệ thống kênh phân phối, đại lý đối với các vật tư chủ yếu; đổi mới công nghệ sản xuất và quy trình quản lý để giảm chi phí sản xuất, chi phí lưu thông, tiết kiệm nhân lực, năng lượng, vật tư.

d) Tăng cường các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng, linh hoạt, phù hợp chủ trương tăng trưởng bền vững, kiểm soát lạm pháp; chỉ đạo các tổ chức tín dụng huy động và sử dụng vốn hiệu quả, giảm chi phí để ổn định lãi suất cho vay đối với hoạt động xuất khẩu; điều hành linh hoạt tỷ giá nhằm bảo đảm khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát mức tăng nhập khẩu phù hợp yêu cầu tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát, trước mắt thực hiện điều hành biên độ giao động ở mức đã quy định tại văn bản số 319/TTg-KTTH ngày 03 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ; phát triển thị trường ngoại hối nhằm phục vụ tốt các nhu cầu mua, bán ngoại tệ và phòng ngừa rủi ro về tỷ giá trong hoạt động xuất nhập khẩu.

đ) Tiếp tục điều chỉnh các cơ chế, chính sách để mở rộng cho vay đối với những dự án, hoạt động xuất khẩu có hiệu quả, có khả năng hoàn vốn; khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng các hình thức huy động vốn để tăng nguồn vốn cho vay, đa dạng hóa các hình thức tài trợ tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu; cho vay ưu đãi theo các Hiệp định thương mại Chính phủ; mở rộng hoạt động bảo lãnh tín dụng xuất khẩu; sớm tổ chức và thực thi chế độ bảo hiểm tín dụng xuất khẩu; áp dụng quy trình miễn, giảm, hoàn thuế đối với nguyên liệu nhập khẩu sản xuất hàng xuất khẩu theo thông lệ quốc tế.

2. Phát triển đầu tư, sản xuất có hiệu quả và tiết kiệm các nguồn lực.

Trên cơ sở bảo đảm khả năng cạnh tranh và dự báo nhu cầu thị trường, cần chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện các nhóm giải pháp chủ yếu sau:

a) Phát triển sản xuất các mặt hàng thay thế nhập khẩu và các ngành công nghiệp phụ trợ.

Căn cứ cơ cấu nhập khẩu hình thành trong giai đoạn 2001 - 2007, nhu cầu của nền kinh tế và nhu cầu của xuất khẩu trong thời gian tới, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các nhóm mặt hàng sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu, các ngành công nghiệp phụ trợ cần được ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn 2008 - 2010 và các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư theo phương châm tạo môi trường, cơ chế để huy động vốn từ mọi nguồn lực của xã hội.

b) Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh các quy định hiện hành hướng dẫn Luật đấu thầu thuộc hướng khuyến khích sử dụng các vật tư, thiết bị trong nước đã sản xuất bảo đảm yêu cầu kỹ thuật; hạn chế đấu thầu quốc tế các công trình xây dựng cơ bản, công nghiệp không sử dụng vốn vay quốc tế.

c) Chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, trong tiêu dùng và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong nước và nhập khẩu thông qua việc thực hiện tốt công tác quy hoạch, kiểm soát việc lập đề án khả thi các dự án cho sát yêu cầu, tiêu chuẩn và định mức; đồng thời phải giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện các dự án.

3. Điều tiết xuất, nhập khẩu.

a) Bảo đảm đủ nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu các mặt hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng, nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất.

b) Kiểm soát chặt chẽ các khoản vay nợ nước ngoài ngắn hạn dưới hình thức nhập khẩu trả chậm đối với các mặt hàng thuộc nhóm hàng cần kiểm soát và cần hạn chế nhập khẩu.

Bộ Công thương thông báo danh mục mặt hàng cụ thể để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện các biện pháp cần thiết áp dụng từ ngày 01 tháng 5 năm 2008.

c) Căn cứ Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, trên cơ sở tiêu chuẩn hiện hành và khả năng đáp ứng nhu cầu của hàng hóa sản xuất trong nước, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung các mặt hàng: kính xây dựng, nguyên phụ liệu thuốc lá, hàng điện máy vào danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng trước khi thông quan được quy định tại Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ;

d) Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng phương án áp dụng thí điểm việc kiểm tra đối với các mặt hàng nông, thủy, hải sản, thực phẩm chế biến, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh cho người, thuốc bảo vệ thực vật trước khi hàng được xếp lên tàu tại nước xuất khẩu; hoặc kiểm tra quy trình sản xuất của nhà sản xuất nước ngoài để cấp giấy chứng nhận hàng hóa đủ điều kiện lưu thông trên thị trường Việt Nam.

đ) Tăng cường kiểm soát buôn bán biên mậu các mặt hàng lương thực, thực phẩm, gia súc, gia cầm, nông sản … bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

e) Bộ Tài chính thực hiện ngay trong tháng 4 năm 2008.

- Điều chỉnh tăng thuế suất thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng: phân NPK, ôtô du lịch nguyên chiếc, bộ linh kiện lắp ráp ôtô, du lịch, xe gắn máy 2,3 bánh nguyên chiếc, bộ linh kiện lắp ráp xe gắn máy 2, 3 bánh, xe máy điện, xe đạp điện, xe đạp, bộ linh kiện láp ráp xe máy, xe đạp điện, rượu, bia và các mặt hàng xa xỉ khác có thuế tiêu thụ đặc biệt.

- Điều chỉnh tăng thuế suất thuế xuất khẩu một số loại khoáng sản, dầu thô, than đá.

Trường hợp vượt thẩm quyền, Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội trong phiên họp gần nhất để sớm tổ chức thực hiện.

4. Cải thiện các yếu tố có tác động lành mạnh đến cán cân thanh toán.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ trong quý III năm 2008 Chương trình hành động phát triển các ngành dịch vụ theo Nghị quyết của Chính phủ; nghiên cứu áp dụng từ năm 2008 các chính sách, cơ chế thúc đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ; xuất khẩu tại chỗ; phát triển du lịch; đẩy mạnh xuất khẩu lao động có tay nghề cao; tăng thu kiều hối; thu hút mạnh FDI cho sản xuất hàng xuất khẩu; thu hút, sử dụng ODA cho phát triển hạ tầng xuất khẩu hàng hóa./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng, các PTTg;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW Đảng;
- VPCP: BTCN, các PCN; Các vụ: QHQT, KTN, KG, VX;
- Lưu: VT, KTTH (2b)

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 610/TTg-KTTH triển khai các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 610/TTg-KTTH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 25/04/2008
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/04/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản