ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6089/UB-NN | TP. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 12 năm 1992 |
Kính gửi: | - Ban Quản lý ruộng đất thành phố; |
Ngày 3 tháng 12 năm 1992 Thường trực ủy ban nhân dân thành phố đã họp xem xét đề nghị của Trưởng ban quản lý ruộng đất thành phố (Tờ trình số 953/TT-RĐ ngày 5/10/1992) và Trưởng ban Tổ chức chánh quyền thành phố (Tờ trình số 269/TCCQ ngày 7/10/1992) về việc đổi tên và ban hành quy chế tổ chức hoạt động của Ban quản lý ruộng đất thành phố. Sau khi nghe Trưởng ban quản lý ruộng đất thành phố, Trưởng ban Tổ chức Chánh quyền thành phố, Kiến trúc sư Trưởng thành phố kiêm Giám đốc Sở Xây dựng báo cáo và ý kiến phát biểu của các ngành liên quan, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố đã thảo luận và thống nhất kết luận như sau:
1/ Về tên gọi:
Hiện nay Trung ương chưa có quy định về tổ chức Sở quản lý đất đai cấp tỉnh, thành phố nên trước mắt đồng ý đổi tên Ban quản lý ruộng đất thành phố thành Ban quản lý đất đai thành phố trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố.
2/ Về chức năng nhiệm vụ:
Ban quản lý đất đai thành phố có chức năng giúp Ủy ban nhân dân thành phố thống nhất quản lý Nhà nước về đất đai (bao gồm 7 nội dung quản lý về đất đai được quy định tại chương II, điều 9 của Luật Đất đai đã được Quốc Hội thông qua ngày 29 tháng 12 năm 1987), thống nhất quản lý Nhà nước về công tác đo đạc bản đồ và thực hiện công tác đo đạc bản đồ cơ bản chung ở thành phố (chủ yếu bản đồ hành chánh, bản đồ địa chánh).
Trên cơ sở điểm 1 và 2 nêu trên, giao Trưởng ban Tổ chức Chánh quyền thành phố và Trưởng ban quản lý ruộng đất thành phố chỉnh lý lại dự thảo quy chế tổ chức hoạt động của Ban quản lý đất đai thành phố trình cho ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định.
3/ Riêng việc giao đất cho các yêu cầu xây dựng các công trình kinh tế - văn hoá – xã hội trên địa bàn thành phố cần đảm bảo nguyên tắc là việc xây dựng, cải tạo các loại công trình đều phải dựa trên quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết khu vực của thành phố và trách nhiệm của Kiến trúc sư Trưởng thành phố. Vì vậy việc giao đất để xây dựng các loại công trình cần được tiến hành theo hai bước:
Bước 1: Giao cho Kiến trúc sư Trưởng thành phố xem xét cụ thể các yêu cầu về xây dựng, cải tạo công trình và ra thông báo hoặc trình cho ủy ban nhân dân thành phố ra thông báo chấp thuận địa điểm xây dựng.
Bước 2: Sau khi có thông báo chấp thuận địa điểm xây dựng ở Bước 1 và luận chứng kinh tế kỹ thuật được duyệt của công trình, giao cho Trưởng ban quản lý ruộng đất thành phố lập các thủ tục chi tiết trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định giao đất cho các đơn vị và cá nhân có nhu cầu xây dựng công trình hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Mẫu quyết định giao đất cần làm theo mẫu thống nhất của Nhà nước. Hai loại văn bản nói trên, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố phân công đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phụ trách xây dựng duyệt ký.
Các quyết định giao đất sản xuất nông nghiệp, giao đất làm nhà ở của từng căn hộ do Trưởng ban quản lý đất đai lập thủ tục trình (có sự nhất trí của Giám đốc Sở Xây dựng), Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố phân công đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phụ trách nông nghiệp duyệt ký.
4/ Về quản lý tài nguyên khoáng sản:
Theo quy định của Nhà nước, tài nguyên khoáng sản được giao cho ngành công nghiệp quản lý. Tuy nhiên ở thành phố cho đến nay chưa phát hiện được khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên chủ yếu là nước ngầm và các loại vật liệu xây dựng. Vì vậy, Ủy ban nhân dân thành phố giao các đơn vị sau đây giúp Ủy ban nhân dân thành phố thống nhất quản lý Nhà nước ở thành phố:
- Sở Nông nghiệp quản lý nguồn nước ngầm;
- Sở Xây dựng quản lý các nguồn tài nguyên khoáng sản khác.
Giao Ban tổ chức Chánh quyền dự thảo văn bản để ủy ban nhân dân thành phố báo cáo về việc phân công quản lý tài nguyên khoáng sản ở thành phố./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Công văn 6089/UB-NN tổ chức hoạt động của Ban quản lý đất đai thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 6089/UB-NN
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 17/12/1992
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Văn Huấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 17/12/1992
- Ngày hết hiệu lực: 18/02/2006
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực