Hệ thống pháp luật

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 606/VKSTC-V11
V/v: Giải đáp, hướng dẫn về khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính

Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2023

 

Kính gửi:

- Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương
- Viện kiểm sát Quân sự Trung ương

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) các địa phương về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính (THADS, THAHC); sau khi trao đổi với Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14), VKSND tối cao, Vụ kiểm sát THADS (Vụ 11) giải đáp, hướng dẫn một số nội dung như sau:

1. Luật THADS quy định Cơ quan THADS phải gửi cho VKS Quyết định chưa có điều kiện THA nhưng không quy định phải gửi kèm Biên bản xác minh gần nhất cho VKS. Việc phối hợp giữa Kiểm sát viên (KSV) và Chấp hành viên (CHV) để photo hoặc cung cấp Biên bản xác minh gần nhất gặp nhiều khó khăn.

Trả lời: Sau khi nhận được quyết định chưa có điều kiện THA của Cơ quan THADS cùng cấp mà Viện kiểm sát xét thấy cần phải nghiên cứu hồ sơ vụ việc để kiểm sát thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan THADS chuyển hồ sơ, tài liệu (Biên bản xác minh gần nhất, có căn cứ xác định người phải THA chưa có điều kiện THA) theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2014, điểm b khoản 2 Điều 12 Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014)1, Điều 4 Quy chế công tác kiểm sát THADS, THAHC2 (Ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC-V11 ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao).

VKSND các cấp cần chủ động phối hợp với Cơ quan THADS cùng cấp thống nhất đưa vào Quy chế phối hợp liên ngành của hai cơ quan nội dung: “Cơ quan THADS ban hành và gửi Quyết định chưa có điều kiện THA kèm theo Biên bản xác minh gần nhất, có căn cứ xác định người phải THA chưa có điều kiện thi hành cho Viện kiểm sát”.

2. Đề nghị có hướng dẫn cụ thể về việc kiểm sát đối với trường hợp chưa có điều kiện thi hành án, được chuyển sang sổ theo dõi riêng khi “có thông tin mới” về điều kiện THA của người phải THA.

Trả lời: Khoản 6 Điều 9 Văn bản hợp nhất số 1357/VBHN-BTP ngày 14/4/2020 của Bộ Tư pháp (hợp nhất Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS quy định: “… việc THA chưa có điều kiện được thống kê riêng để theo dõi. Khi có thông tin mới về điều kiện THA của người phải THA theo quy định tại khoản 4 Điều này, ...nếu người phải THA có điều kiện THA trở lại thì Cơ quan THADS ra quyết định tiếp tục THA”.

“Thông tin mới” được hiểu là những thông tin, nguồn tin (có thể do đương sự, do các cơ quan, tổ chức cung cấp; có thể thông qua phương tiện thông tin hoặc các nguồn tin khác) về tài sản của người phải THA không có trong kết quả xác minh về điều kiện THA của các lần trước. Khi nhận được thông tin mới về điều kiện THA của người phải THA thì Cơ quan THADS phải tiến hành xác minh ngay để có cơ sở tiếp tục tổ chức thi hành.

Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, khi biết được “thông tin mới” về điều kiện THA của người phải THA thì VKS các cấp cần chủ động, kịp thời yêu cầu Cơ quan THADS thực hiện ngay việc xác minh hoặc VKS trực tiếp xác minh. Căn cứ kết quả xác minh, nếu “người phải thi hành án có điều kiện thi hành” thì VKS thực hiện quyền kiến nghị, yêu cầu Cơ quan THADS ra quyết định tiếp tục THA theo quy định tại khoản 2 Điều 44a Luật THADS.

Cần lưu ý: Đối với các khoản thu, nộp Ngân sách nhà nước, Cơ quan THADS vẫn phải tiến hành rà soát, chủ động xác minh để xét miễn, giảm nghĩa vụ THA theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSTC ngày 15/9/2015 hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ THA đối với khoản thu, nộp Ngân sách nhà nước.

3. Quy định tại điểm i khoản 2 Điều 35 Luật THADS và hướng dẫn tại khoản 1 Điều 50 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP có sự chồng chéo về thẩm quyền ủy thác tư pháp về THA, dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện.

Trả lời: Hướng dẫn tại khoản 1 Điều 50 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP không có sự chồng chéo với quy định tại điểm i khoản 2 Điều 35 Luật THADS về thẩm quyền ủy thác tư pháp về THA. Điều 35 Luật THADS quy định thẩm quyền THA, xác định thẩm quyền thi hành ngay từ giai đoạn đầu của quá trình THA; trong đó, tại điểm i khoản 2 Điều 35 Luật THADS quy định Cơ quan THADS cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành đối với bản án, quyết định mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp về THA. Còn hướng dẫn tại khoản 1 Điều 50 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP về việc trong giai đoạn Cơ quan THADS cấp huyện đang tổ chức THA mà cần có yêu cầu tương trợ tư pháp thì Cơ quan THADS cấp huyện có thể lập hồ sơ ủy thác tư pháp và gửi Cơ quan THADS cấp tỉnh để thực hiện việc ủy thác tư pháp, sau đó tiếp tục tổ chức việc THA theo quy định tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP.

4. Đề nghị hướng dẫn về điều kiện hoãn THA theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48 Luật THADS đối với trường hợp “vì lý do chính đáng khác mà người phải THA không thể tự mình thực hiện được nghĩa vụ theo bản án, quyết định”.

Trả lời: Trên cơ sở trao đổi, thống nhất với VKSND tối cao (Vụ 11), Tổng cục THADS - Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 1103/TCTHADS-NV1 ngày 30/3/2017 hướng dẫn một số vấn đề về nghiệp vụ THADS; trong đó, tại điểm 10 Công văn số 1103/TCTHADS-NV1 đã hướng dẫn như sau: “Hiện nay, pháp luật chưa quy định cụ thể trường hợp nào là “lý do chính đáng” để hoãn THA theo điểm b khoản 1 Điều 48 luật THADS. Do đó, trong thời gian tới, nội dung này cần được nghiên cứu, giải quyết trong quá trình hoàn thiện thể chế. Trước mắt, để thống nhất thực hiện, đối với trường hợp người phải THA không thể tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định (không phải là các trường hợp THA nghĩa vụ về tài sản, mà là nghĩa vụ THA về nhân thân), cơ quan THADS địa phương có thể tham khảo, vận dụng các trường hợp quy định tại Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (quy định đối với trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan) làm căn cứ được coi là có “lý do chính đáng” để hoãn THA như: Đối với trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức mà không thể tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định như công khai, xin lỗi...”.

Do vậy, đề nghị các đơn vị nghiên cứu nội dung hướng dẫn tại Công văn số 1103/TCTHADS-NV1 nêu trên để vận dụng.

5. Tại điểm e khoản 1 Điều 48 Luật THADS quy định: Người được nhận tài sản đã được thông báo hợp lệ 02 lần về việc nhận tài sản, nhưng không đến nhận thì Thủ trưởng Cơ quan THADS ra quyết định hoãn THA. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 126 Luật THADS quy định về việc hoàn trả lại tiền, tài sản tạm giữ: Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, mà đương sự không đến nhận tiền thì CHV gửi số tiền đó theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và thông báo cho đương sự. Hết thời hạn 3 ngày, kể từ ngày được thông báo, nhưng đương sự không đến nhận tài sản mà không có lý do chính đáng thì CHV xử lý tài sản theo quy định tại các Điều 98, Điều 99 và Điều 101 Luật THADS và gửi số tiền thu được theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn, đồng thời thông báo cho đương sự. Như vậy, quy định tại điểm e khoản 1 Điều 48 và khoản 2 Điều 126 Luật THADS có sự mâu thuẫn với nhau.

Trả lời: Quy định tại điểm e khoản 1 Điều 48 và khoản 2 Điều 126 Luật THADS không có sự mâu thuẫn với nhau. Quy định tại điểm e khoản 1 Điều 48 Luật THADS thuộc diện Cơ quan THADS ra quyết định THA khi có yêu cầu THA, được áp dụng trong trường hợp người được nhận tài sản đã được thông báo hợp lệ 02 lần nhưng không đến nhận thì Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định hoãn THA. Còn quy định tại khoản 2 Điều 126 Luật THADS được áp dụng đối với trường hợp Cơ quan THADS chủ động ra quyết định THA trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự; sau khi có quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ, CHV thông báo cho đương sự thời gian, địa điểm nhận tiền, tài sản.

6. Theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật THADS, trường hợp người được THA, người phải THA là cá nhân đã chết, thì quyền, nghĩa vụ THA được chuyển giao cho người khác theo pháp luật thừa kế. Đồng thời, tại khoản 3 quy định: ... Thủ trưởng Cơ quan THADS ra Quyết định THA đối với cá nhân, tổ chức mới tương ứng được chuyển giao và ra quyết định thu hồi quyết định THA trước đây.

Nhưng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định 62/2015/NĐ-CP, trường hợp thi hành nghĩa vụ về trả tài sản mà người phải THA đã chết nhưng có người đang trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản đó thì Cơ quan THADS ấn định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ, để người quản lý, sử dụng tài sản của người phải THA giao tài sản cho người được THA. Hết thời hạn này mà họ không thực hiện thì cơ quan THADS tổ chức giao tài sản, kể cả cưỡng chế giao tài sản cho người được THA theo quy định của pháp luật. Như vậy, nghĩa vụ trả nhà của người đã chết (cha, mẹ) có chuyển giao cho những người con theo khoản 2 Điều 54 Luật THADS hay không?

Trả lời: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định 62/2015/NĐ-CP thì quyền, nghĩa vụ THA được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật THADS được thực hiện như sau: Trường hợp thi hành nghĩa vụ về trả tài sản mà người phải THA đã chết nhưng có người đang trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản đó thì Cơ quan THADS ấn định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ, để người quản lý, sử dụng tài sản của người phải THA giao tài sản cho người được THA ...

Do đó, việc chuyển giao nghĩa vụ trả tài sản (trả nhà) của người phải THA đã chết nhưng có người đang trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản đó thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định 62/2015/NĐ-CP, không chuyển giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

7. Theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật THADS thì Thủ trưởng cơ quan THADS phải ủy thác THA cho Cơ quan THADS nơi người phải THA có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở. Trường hợp sau khi Cơ quan THADS nhận ủy thác ban hành quyết định THA, tiến hành xác minh thì người phải THA mặc dù có đăng ký hộ khẩu thường trú nhưng không sinh sống và không có tài sản tại địa phương hoặc có đăng ký hộ khẩu thường trú trên địa bàn, sau đó đã chuyển đến địa phương khác để sinh sống nhưng không làm thủ tục chuyển, cắt khẩu; khi tiến hành xác minh thì chính quyền cấp xã cung cấp thông tin về địa chỉ chỗ ở mới của người phải THA, nhưng xác định người này không đăng ký hoặc chỉ sống chung với hộ gia đình khác, không có tài sản... Vậy căn cứ nào để thu hồi quyết định THA và ra quyết định ủy thác tiếp?

Trả lời: Theo quy định tại Mục 1 khoản 3 Điều 9 Luật số 03 ngày 01/3/2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS, thì Điều 57 được sửa đổi, bổ sung như sau: “…Trường hợp đã ra quyết định THA nhưng xét thấy cần ủy thác thì phải ra quyết định thu hồi một phần hoặc toàn bộ quyết định THA”. Như vậy, đối với trường hợp Cơ quan THADS nhận ủy thác đã ra quyết định THA, tiến hành xác minh, xác định người phải THA mặc dù có đăng ký hộ khẩu thường trú nhưng không sinh sống và không có tài sản tại địa phương hoặc có đăng ký hộ khẩu thường trú trên địa bàn, sau đó đã chuyển đến địa phương khác để sinh sống nhưng không làm thủ tục chuyển, cắt khẩu; sau khi xác minh điều kiện của người phải THA tại địa chỉ chỗ ở mới thì Thủ trưởng Cơ quan THADS nhận ủy thác căn cứ quy định nêu trên để thu hồi quyết định THA và ra quyết định ủy thác THA (ủy thác tiếp) đến Cơ quan THADS nơi cư trú tại địa chỉ mới của người phải THA. Cần căn cứ quy định của Điều 11, Điều 19 Luật Cư trú để làm cơ sở xác định nơi cư trú của đương sự trước khi thực hiện việc ủy thác THA.

8. Trường hợp tài sản sau khi đã kê biên, xử lý đang được bảo quản và trả phí gửi giữ, bảo quản thì có quyết định của cơ quan có thẩm quyền đề nghị hoãn THA để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án. Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 48 Luật THADS, Thủ trưởng Cơ quan THADS ra Quyết định hoãn thi hành. Sau khi người có thẩm quyền xem xét và ra văn bản trả lời không kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định nêu trên thì vụ việc được tiếp tục đưa ra thi hành. Vậy chi phí gửi giữ, bảo quản tài sản trong thời gian hoãn THA sẽ do cá nhân, cơ quan nào chi trả?

Trả lời: Tại khoản 3 Điều 58 Luật THADS quy định: Thù lao và chi phí bảo quản tài sản do người phải THA chịu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Theo quy định trên, thì chi phí gửi giữ, bảo quản tài sản THA do người phải THA chịu (thường thì là người có tài sản gửi giữ). Tuy nhiên, đối với trường hợp người đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm không phải là người phải THA (trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan), nhưng theo quy định trên thì người phải THA vẫn phải chịu chi phí bảo quản tài sản trong thời gian hoãn THA là chưa phù hợp, gây thiệt hại cho người phải THA.

Do vậy, VKSND tối cao (Vụ 11) sẽ tổng hợp để đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật THADS cho phù hợp.

9. Đối với tài sản là động sản có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng (ô tô, xe máy, tàu thủy...), trong trường hợp tài sản còn giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu, sử dụng nhưng thực tế đã được chuyển nhượng bằng hình thức giấy viết tay hoặc vì lý do khác như cho thuê, cho mượn... không thu hồi được tài sản nên không thể thực hiện được việc kê biên tài sản để THA. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành thì chưa có căn cứ để xác định đây là việc chưa có điều kiện THA. Đề nghị hướng dẫn biện pháp giải quyết?

Trả lời: Đối với tài sản kê biên là động sản có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng thì Cơ quan THADS phải áp dụng quy định tại Điều 69 Luật THADS, ban hành văn bản yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.

Khi kê biên tài sản là phương tiện giao thông thì Cơ quan THADS phải áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 96 Luật THADS, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấm chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, cho thuê hoặc hạn chế phương tiện được phép tham gia giao thông.

Trường hợp kết quả xác minh xác định tài sản còn giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, nhưng nếu xác định tài sản đã cháy, hỏng, không còn giá trị và giá trị sử dụng thì CHV thông báo cho người được THA biết và tiếp tục xác minh, tìm tài sản khác để kê biên; nếu kết quả xác minh xác định không còn tài sản khác để THA thì thuộc trường hợp chưa có điều kiện THA.

10. Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 98 Luật THADS thì ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thỏa thuận được về giá tài sản... thì CHV ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá đó. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kê biên tài sản, CHV ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên... Với quy định trên là chưa phù hợp với thực tế, vì Văn phòng đăng ký đất đai thường cung cấp Bảng vẽ kỹ thuật đo đạc đất cho Cơ quan THADS trong thời gian từ 01 tháng đến 03 tháng. Do vậy, CHV chậm ký hợp đồng thẩm định giá là do lỗi khách quan. Tuy nhiên, Luật chưa có quy định nghĩa vụ của Văn phòng đăng ký đất đai cung cấp số liệu đo đạc cho Cơ quan THADS trong thời gian là bao lâu sau khi tham gia phối hợp cưỡng chế kê biên.

Trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 89 Luật THADS thì trước khi kê biên CHV phải yêu cầu Văn phòng đăng ký đất đai cung cấp thông tin về quyền sử dụng đất (QSDĐ) và trong quá trình xác minh được thực hiện trước khi kê biên, CHV phải xác định được rõ tình trạng pháp lý của tài sản, vị trí, diện tích, sơ đồ hiện trạng của thửa đất...; riêng đối với QSDĐ mà tại bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên thì yêu cầu Tòa án cung cấp hồ sơ về đất có tranh chấp để kết hợp với tài liệu do Văn phòng đăng ký đất đai cung cấp để làm căn cứ kê biên và thẩm định giá, bán đấu giá tài sản. Nếu có sự chênh lệch thì CHV cần có văn bản trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền để làm cơ sở cho việc xử lý tiếp theo. Nếu các cơ quan có liên quan không phối hợp thì báo cáo Ban chỉ đạo THADS để cho ý kiến chỉ đạo. Trên cơ sở đó, CHV tiến hành kê biên và xử lý tài sản và không vi phạm thời hạn được quy định tại khoản 2 Điều 98 Luật THADS.

11. Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 98 Luật THADS thì CHV được ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong trường hợp “Thi hành phần bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật THADS”. Nhưng khoản 1 Điều 36 Luật THADS quy định về việc ra quyết định THA theo đơn yêu cầu, trường hợp này thì đương sự lại có quyền thỏa thuận về giá và lựa chọn tổ chức thẩm định giá theo quy định pháp luật. Trong khi đó khoản 2 Điều 98 Luật THADS lại không quy định về việc định giá đối với trường hợp thi hành phần bản án, quyết định quy định tại khoản 2 Điều 36 của Luật THADS.

Trả lời: Về vấn đề này đã được hướng dẫn tại mục 9 Công văn số 1103/TCTHADS-NV1 ngày 30/3/2017 của Tổng cục THADS- Bộ Tư pháp, cụ thể: Điểm c khoản 2 Điều 98 Luật THADS năm 2014 đã quy định là những trường hợp THA chủ động. Tuy nhiên, tại Điều 36 Luật THADS được sửa đổi năm 2014, trong đó có việc sắp xếp lại thứ tự khoản 1 và khoản 2 (những trường hợp THA chủ động quy định tại khoản 1 được chuyển thành khoản 2 và ngược lại) nhưng Điều 98 vẫn được giữ nguyên, nên việc viện dẫn tại khoản 2 Điều 98 “phần bản án, quyết định quy định tại khoản , Điều 36 của Luật này” không còn phù hợp. Do đó, trong thời gian tới nội dung này cần được tiếp tục tổng hợp, sửa đổi trong quá trình hoàn thiện thể chế. Trước mắt, khi áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 98 Luật THADS (sửa đổi, bổ sung năm 2014), CHV thực hiện việc chủ động ký Hợp đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp THA chủ động được quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014”.

Đề nghị các đơn vị nghiên cứu nội dung Công văn số 1103 để vận dụng.

12. Theo Thông tư số 28/2015/TT-BTC ngày 06/3/2015 của Bộ Tài chính ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, trong đó Quy trình thẩm định giá quy định thời hạn có hiệu lực của kết quả thẩm định giá tối đa không quá 06 tháng kể từ thời điểm Chứng thư thẩm định giá có hiệu lực. Tuy nhiên, qua công tác kiểm sát THADS thấy nhiều vụ việc THA sau khi thẩm định giá tài sản đưa ra bán nhiều lần nhưng không có người đăng ký tham gia đấu giá, thời gian kéo dài trên 06 tháng có khi là một vài năm dẫn đến vụ việc kéo dài. Nếu thẩm định giá lại thì người phải THA phải tiếp tục chịu chi phí thẩm định giá lần hai. Đề nghị hướng dẫn Chứng thư thẩm định giá quá 06 tháng (không còn hiệu lực) có được sử dụng để bán đấu giá tài sản đối với trường hợp này không?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 101 Luật THADS về việc bán tài sản đã kê biên, thì CHV phải thực hiện việc ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày định giá. Việc tài sản được đưa ra bán đấu giá nhiều lần không bán được do không có người đăng ký mua là lý do khách quan; chứng thư thẩm định giá ban đầu là căn cứ xác định giá khởi điểm để bán đấu giá lần thứ nhất, những lần bán tiếp theo căn cứ vào giá tài sản đã giảm trong Quyết định giảm giá tài sản của CHV nếu đương sự không thỏa thuận được về giá ở lần bán thứ hai và từ sau lần giảm giá thứ hai trở đi, người được THA không nhận tài sản để trừ vào số tiền được THA theo quy định tại Điều 104 Luật THADS, tài sản THA sẽ được bán đấu giá tới cùng cho đến khi giá trị tài sản đã giảm bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế. Vì vậy, hiệu lực của Chứng thư thẩm định giá đã sử dụng để bán đấu giá tài sản theo đúng trình tự, thủ tục quy định sẽ không bị ảnh hưởng do việc kéo dài thời gian bán đấu giá không có người đăng ký mua. Mặt khác, tại Điều 99 Luật THADS không quy định về định giá lại tài sản kê biên đối với trường hợp này.

Tuy nhiên, trong thực tế vì lý do khách quan, việc bán đấu giá tài sản phải dừng lại trong khi thời hạn chứng thư đã hết hiệu lực. Do pháp luật về THADS chưa có quy định chi tiết về nội dung này nên đối với từng trường hợp cụ thể, CHV cần tổ chức lấy ý kiến thỏa thuận của các bên có liên quan đến tài sản bán đấu giá về việc lấy giá khởi điểm của Chứng thư ban đầu để tiếp tục bán đấu giá hoặc định giá lại tài sản, cũng như chi phí thẩm định giá lại... Trường hợp không thực hiện được thỏa thuận thì liên ngành cấp dưới phải có văn bản báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của liên ngành cấp trên.

13. Tại Điều 101 Luật THADS không quy định CHV phải lựa chọn tổ chức đấu giá trên địa bàn để ký hợp đồng, nhưng lại có quy định “CHV bán đấu giá tài sản kê biên khi... tại tỉnh thành phố chưa có tổ chức bán đấu giá hoặc có tổ chức bán đấu đấu giá nhưng tổ chức bán đấu giá từ chối ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá”. Không có quy định về bán đấu giá lại (trong trường hợp hủy kết quả đấu giá); bán đấu giá bổ sung (trường hợp bán đấu giá thiếu tài sản) và quy định về dừng đấu giá. Đề nghị giải thích vì có sự mâu thuẫn và thiếu cụ thể.

Trả lời: (i) Quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 101 Luật THADS về bán tài sản kê biên không có sự mâu thuẫn. CHV khi thực hiện việc bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật THADS không bắt buộc phải lựa chọn các tổ chức đấu giá trên địa bàn tỉnh, thành phố. Còn việc CHV bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định tại khoản 3 Điều 101 Luật THADS trong trường hợp tại địa bàn tỉnh, thành phố chưa có tổ chức bán đấu giá hoặc có tổ chức bán đấu đấu giá nhưng tổ chức bán đấu giá từ chối ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá.

(ii) Trường hợp Hủy kết quả đấu giá thì đương nhiên việc bán đấu giá được thực hiện lại từ đầu nên không cần phải có quy định cụ thể.

(iii) Bán đấu giá tài sản kê biên bổ sung được thực hiện khi tài sản kê biên đã bán đấu giá thành, đúng các trình tự, thủ tục về thẩm định giá, bán đấu giá nhưng phát hiện tài sản đã bán đấu giá còn thiếu loại tài sản hoặc thiếu phần tài sản có thể tách rời mà không làm giảm tổng giá trị tài sản chưa được kê biên để bán cùng thì kê biên bổ sung và thực hiện việc bán tài sản (được kê biên bổ sung).

Đối với trường hợp tương tự nhưng loại tài sản hoặc phần tài sản không thể tách rời với tài sản đã bán hoặc việc tách rời làm giảm tổng giá trị tài sản để THA thì không thể kê biên loại/phần tài sản (bổ sung) để bán đấu giá. Trường hợp CHV đã tổ chức thỏa thuận với tất cả những người liên quan nhưng không có kết quả thì cần thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án có thẩm quyền tuyên hủy kết quả đấu giá. Sau khi kết quả đấu giá bị hủy thì thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá lại.

(iv) Việc dừng đấu giá đã được quy định cụ thể tại Điều 19, Điều 47, Điều 62 Luật Đấu giá tài sản.

14: Luật THADS chỉ quy định về quyền nhận tài sản THA đối với người được THA (Điều 104) và đối với người phải THA (khoản 5 Điều 101) mà không quy định về quyền nhận tài sản của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (thường là bên dùng tài sản của mình để thế chấp cho nghĩa vụ của người được cấp tín dụng trong các Hợp đồng tín dụng). Vậy người có tài sản là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có được quyền nhận lại tài sản như người phải THA hay không?

Trả lời: Trong thực tế hiện nay, việc một bên dùng tài sản của mình để bảo đảm cho khoản vay hay khoản tín dụng được cấp của một bên khác tương đối phổ biến. Đối chiếu quy định tại Điều 3 Luật THADS thì bên nhận thế chấp là Ngân hàng (Tổ chức tín dụng), đồng thời là người được THA; bên được cấp tín dụng là người phải THA; bên dùng tài sản của mình để thế chấp cho nghĩa vụ của người được cấp tín dụng là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Khi người phải THA không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo nội dung bản án, quyết định của Tòa án tuyên thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có nghĩa vụ giao tài sản đảm bảo (tài sản đã thế chấp) để xử lý. Nghĩa là họ phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định của Tòa án và trở thành người phải THA trong phạm vi tài sản bảo đảm. Do đó, họ được hưởng quyền của người phải THA đối với trách nhiệm về tài sản trong phạm vi đảm bảo - có quyền được nộp tiền để nhận tài sản.

15. Theo quy định tại khoản 2 Điều 103 Luật THADS, khi người mua tài sản trúng đấu giá đã nộp đủ tiền thì Cơ quan THADS thực hiện việc giao tài sản. Trường hợp người mua tài sản trúng đấu giá đã nộp đủ tiền, nhưng Cơ quan THADS nhận được yêu cầu hoãn THA của cơ quan có thẩm quyền thì có tiếp tục thực hiện cưỡng chế giao tài sản hay không? Nếu không ra Quyết định hoãn THA thì có vi phạm khoản 2 Điều 48 Luật THADS hay không?

Trả lời: Quy định tại khoản 2 Điều 48 và khoản 2 Điều 103 Luật THADS không có sự mâu thuẫn, cụ thể: Tại khoản 2 Điều 48 Luật THADS quy định chung về việc Cơ quan THADS phải ra quyết định hoãn THA khi nhận được “...yêu cầu hoãn THA của người có thẩm quyền kháng nghị…”. Về nguyên tắc khi nhận được văn bản yêu cầu hoãn THA của người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, thì Thủ trưởng cơ quan THADS xem xét việc ra quyết định hoãn THA theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật THADS.

Đối với trường hợp cụ thể được quy định tại khoản 2 Điều 103 Luật THADS thì mặc dù vụ việc có Quyết định hoãn THA, Cơ quan THADS vẫn phải giao tài sản cho người mua trúng đấu giá ngay tình. Một số nội dung liên quan đến việc thực hiện quy định tại Điều 103 Luật THADS, đã được Bộ Tư pháp và VKSND tối cao thống nhất hướng dẫn tại Công văn số 462/VKSNDTC-V11 ngày 31/01/2019. Đề nghị các đơn vị nghiên cứu vận dụng theo các nội dung đã hướng dẫn. Để thận trọng, đối với từng vụ việc giao tài sản cụ thể nếu có vướng mắc thì cần có văn bản xin ý kiến hướng dẫn nghiệp vụ để được liên ngành Trung ương xem xét, thống nhất hướng dẫn giải quyết.

16. Tại khoản 3 Điều 104 Luật THADS quy định: “...Nếu giá trị tài sản đã giảm bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được THA vẫn không nhận để trừ vào số tiền được THA thì tài sản được giao lại cho người phải THA quản lý, sử dụng...”. Tuy nhiên, Luật THADS chưa quy định trường hợp khi giá trị tài sản đã giảm bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được THA đồng ý nhận để trừ vào số tiền được THA thì trừ bao nhiêu vì giá trị tài sản đã bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 104 Luật THADS, sau lần giảm giá thứ hai trở đi mà không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì người được THA có quyền nhận tài sản để trừ vào số tiền được THA. Trường hợp giá trị tài sản đã giảm bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được THA đồng ý nhận tài sản để trừ vào số tiền được THA thì tài sản sẽ được giao cho người được THA. Như vậy, người được THA sẽ không có tiền THA để thanh toán chi phí cưỡng chế theo khoản 1 Điều 47 Luật THADS và số tiền được THA được tính tương đương giá trị tài sản đã giảm (bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế).

17. Luật THADS và một số quy định của pháp luật có liên quan, (pháp luật về đất đai, doanh nghiệp...) còn chồng chéo, bất cập trong thực tiễn, cụ thể như: QSDĐ nông nghiệp bị kê biên, xử lý để bán đấu giá, sau hai lần giảm giá không có người tham gia đấu giá, trả giá, bên được THA là tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không trực tiếp sản xuất và không có thu nhập chính từ sản xuất đất nông nghiệp thì không được nhận QSDĐ nông nghiệp để trừ vào số tiền được THA theo quy định tại khoản 2 Điều 104 Luật THADSĐiều 3 Thông tư số 33/2017/TT-BTN&MT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Vì vậy, không thể thi hành được theo quy định của Luật THADS, đề nghị hướng dẫn?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 104 Luật THADS thì từ sau lần giảm giá thứ hai trở đi mà không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì người được THA có quyền nhận tài sản để trừ vào số tiền được THA (nhận chuyển nhượng với giá đã giảm). Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về đất đai thì bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 188, Điều 190, Điều 191 Luật Đất đai năm 2013Điều 3 Thông tư số 33/2017/TT-BTN&MT của Bộ Tài nguyên và Môi trường; trong đó, có quy định hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDĐ trồng lúa.

Do vậy, khi thực hiện việc kê biên, bán đấu giá QSDĐ nông nghiệp để THA, thì ngoài việc tuân thủ quy định chung của pháp luật về THADS, còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai. Theo đó, trường hợp sau hai lần giảm giá không có người tham gia đấu giá, trả giá, bên được THA nếu là tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không trực tiếp sản xuất và không có thu nhập chính từ sản xuất đất nông nghiệp thì không được nhận QSDĐ nông nghiệp để trừ vào số tiền được THA theo quy định tại khoản 2 Điều 104 Luật THADS.

Đây là vướng mắc do quy định của pháp luật, VKSND tối cao sẽ tiếp thu để kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền sửa đổi Luật.

18. Theo quy định tại khoản 2 Điều 126 Luật THADS thì:

- “Hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày được thông báo nhưng đương sự không đến nhận tài sản mà không có lý do chính đáng...”. Trường hợp đương sự là người nước ngoài, sau khi chấp hành án phạt tù xong trở về nước, nếu không thông báo được cho người nước ngoài đến nhận tài sản theo quyết định của bản án thì giải quyết thế nào?

- “Hết thời hạn 05 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng thì cơ quan THADS làm thủ tục sung quỹ Nhà nước”. Trường hợp đã thực hiện xong thủ tục sung quỹ Nhà nước thì đương sự mới có yêu cầu được nhận tiền và chứng minh được có lý do chính đáng, thì việc hoàn trả lại tiền cho đương sự thực hiện như thế nào?

Trả lời: Trong trường hợp cụ thể nêu trên, Cơ quan THADS phải thực hiện việc ủy thác tư pháp theo quy định tại Điều 181 Luật THADS để thông báo cho đương sự là người nước ngoài. Chỉ khi Cơ quan THADS thực hiện thông báo hợp lệ cho đương sự thì mới có cơ sở thực hiện theo quy định tại Điều 126 Luật THADS điểm b khoản 13 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62/2015/NĐ-CP về trình tự, thủ tục việc thi hành án có yêu cầu ủy thác tư pháp).

Trường hợp Cơ quan THADS đã thực hiện xong thủ tục sung quỹ Nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 126 Luật THADS mà đương sự mới có yêu cầu được nhận tiền và chứng minh được có lý do chính đáng, thì Cơ quan THADS phải ban hành Quyết định thoái thu và thực hiện thủ tục xuất trả tiền từ ngân sách cho đương sự theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp.

19. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 và khoản 1 Điều 130 Luật THADS thì “Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” của Tòa án cấp sơ thẩm phải được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị và trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được Quyết định THA, CHV phải áp dụng ngay các biện pháp bảo đảm, cưỡng chế THA. Tuy nhiên, nếu trong 24 giờ đó rơi vào ngày lễ, ngày tết thì CHV có phải thực hiện hay không, trong khi điểm a khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động quy định ngày lễ, ngày tết người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự, việc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc để bảo đảm việc THA. Biện pháp khẩn cấp tạm thời phải được thi hành ngay sau khi Tòa án đã ra quyết định nên tại khoản 1 Điều 130 Luật THADS quy định về việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án không loại trừ các trường hợp vào ngày nghỉ lễ, tết.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động thì ngày lễ, ngày tết người lao động được nghỉ, hưởng nguyên lương. Tuy nhiên, trong thực tế, các cơ quan, đơn vị vẫn phải phân công người trực để xử lý, giải quyết các công việc. Do vậy, khi phải thi hành quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án, CHV phải khẩn trương áp dụng ngay và đảm bảo về trình tự các biện pháp bảo đảm, cưỡng chế THA theo quy định.

20. Theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì Cơ quan THADS thực hiện việc thanh toán tiền THA theo quy định tại Điều 47 Luật THADS trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá. Trong thời gian chưa giao được tài sản, cơ quan THADS làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào ngân hàng theo hình thức gửi tiền có kỳ hạn 01 tháng cho đến khi giao được tài sản... Tuy nhiên, Luật không quy định việc gửi tiết kiệm được thực hiện từ thời điểm nào. Hiện có hai quan điểm: Một là, tính từ ngày ký hợp đồng mua bán tài sản với người mua được tài sản bán đấu giá (thời điểm này người mua đã đặt cọc một khoản tiền); hai là, tính từ ngày người mua được tài sản bán đấu giá nộp đủ tiền mua tài sản. Ngoài ra, trường hợp sau khi người mua được tài sản bán đấu giá nộp đủ tiền mua tài sản, Cơ quan THADS tiến hành giao tài sản trong thời hạn chưa đến 01 tháng thì có cần phải gửi tiết kiệm không, vì nếu gửi tiết kiệm kỳ hạn 01 tháng mà thời gian gửi chưa đến 01 tháng thì cũng không nhận được lãi nên việc gửi tiền là không cần thiết.

Trả lời: Tại khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSTC quy định: “1. Người mua được tài sản bán đấu giá thực hiện việc nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan THADS mở tại Kho bạc Nhà nước. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày người mua được tài sản bán đấu giá nộp đủ tiền mua tài sản mà Cơ quan THADS chưa giao được tài sản cho người mua thì Cơ quan THADS có trách nhiệm làm thủ tục gửi số tiền đó vào Ngân hàng theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ…”. Do đó, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người mua được tài sản bán đấu giá nộp đủ tiền mua tài sản mà Cơ quan THADS chưa giao được tài sản cho người mua thì Cơ quan THADS phải gửi số tiền đó vào Ngân hàng kỳ hạn 01 tháng, kể cả trường hợp việc giao tài sản được tiến hành trong thời hạn chưa đến 01 tháng thì Cơ quan THADS vẫn phải gửi tiền vào Ngân hàng theo quy định.

21. Tại Điều 159 Luật THADS quy định VKS có quyền yêu cầu, kiến nghị đối với Cơ quan THADS cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm để đảm bảo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có căn cứ, đúng pháp luật. Vậy khi phát hiện Cơ quan THADS, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm có vi phạm nghiêm trọng trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thì VKS có quyền kháng nghị không?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 159 Luật THADS, khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS, Viện kiểm sát chỉ có quyền yêu cầu, kiến nghị mà không có quyền kháng nghị đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về THA dân sự. Tuy nhiên, qua kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS nếu phát hiện hành vi, quyết định của Thủ trưởng, CHV Cơ quan THADS có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc tổ chức THADS, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì VKS thực hiện quyền kháng nghị theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 12 Luật THADS.

22. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 170 Luật THADS thì TAND cấp cao, Tòa án quân sự Trung ương có nhiệm vụ “b) Trả lời kiến nghị của Cơ quan THADS về việc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị”. Trường hợp Tòa án có thẩm quyền không trả lời kiến nghị của Cơ quan THADS thì có tiếp tục hoãn THA không?

Trả lời: Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 48 Luật THADS thì Thủ trưởng Cơ quan THADS ra quyết định hoãn THA khi việc THA đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của Cơ quan THADS theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 170 và khoản 2 Điều 179 của Luật này.

Như vậy, nếu hết thời hạn theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 170 Luật THADS (thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị) mà cơ quan có thẩm quyền chưa trả lời kiến nghị của Cơ quan THADS về việc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì căn cứ hoãn THA không còn, nên Cơ quan THADS phải ra quyết định tiếp tục THA và tổ chức thi hành theo quy định của pháp luật.

23. Thế nào là không tham gia cuộc đấu giá thuộc trường hợp bất khả kháng? Tại cuộc đấu giá trực tiếp bằng lời nói, bằng bỏ phiếu trực tiếp theo quy định tại Điều 41, Điều 42 Luật Đấu giá tài sản, Đấu giá viên đã tiến hành các thủ tục, đã phát số cho người tham gia đấu giá, ổn định chỗ ngồi thì một/một số/tất cả khách hàng có đơn đề nghị không tham gia đấu giá với lý do không có nhu cầu mua tài sản thì đây có phải là trường hợp không tham gia cuộc đấu giá hay không?

Trả lời: Hiện Luật Đấu giá tài sản không có quy định như thế nào là trường hợp bất khả kháng. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Theo quy định tại khoản 7 Điều 5 và khoản 1 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản, cá nhân, tổ chức đã đăng ký và đủ điều kiện tham gia đấu giá để mua tài sản đấu giá, được chấp nhận là “người tham gia đấu giá”. Tại cuộc đấu giá, người tham gia đấu giá có đơn đề nghị không tham gia đấu giá với lý do không có nhu cầu mua tài sản là do ý thức chủ quan “không tham gia đấu giá” nên không thuộc trường hợp “không tham gia đấu giá vì lý do bất khả kháng”.

24. Theo Điều 42 Luật Đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá trả giá theo thứ tự số phát hay ai muốn trả giá thì giơ số phát để được quyền trả giá? Nếu tất cả người tham gia đấu giá trả giá lần đầu tiên bằng giá khởi điểm thì có vi phạm hay không? Trường hợp người trả giá đầu tiên trả giá cao hơn rất nhiều so với giá khởi điểm (bằng giá khởi điểm nhiều lần bước giá) thì trong số những người tham gia đấu giá còn lại có người không trả giá (vì họ cho rằng đã cao hơn giá họ dự định trả) có vi phạm hay không? Hai trường hợp trên, nếu vi phạm thì xử lý khoản tiền đặt trước như thế nào?

Ngoài ra theo Điều 42, Điều 43 Luật Đấu giá tài sản, trường hợp khi tham gia đấu giá có người trả giá cao nhất chỉ cao hơn giá khởi điểm nhưng lại thấp hơn giá khởi điểm 01 bước giá thì có được coi là trúng đấu giá hay không?

Trả lời: Điều 42 Luật Đấu giá tài sản đã quy định rõ việc người tham gia đấu giá được phát một tờ phiếu, ghi giá muốn trả vào phiếu của mình, nộp phiếu trả giá hoặc bỏ phiếu vào hòm phiếu. Như vậy, tất cả những người tham gia đấu giá cũng được phát phiếu, ghi giá muốn trả vào phiếu và nộp hoặc bỏ phiếu trả giá, không phải giơ số phát hay trả giá theo thứ tự số phát. Trường hợp tất cả người tham gia đấu giá trả giá lần đầu tiên bằng giá khởi điểm thì tại điểm d khoản 2 và điểm d khoản 3 Điều 42 Luật Đấu giá tài sản đã có quy định cụ thể là Đấu giá viên tổ chức đấu giá tiếp hoặc bốc thăm để chọn ra người trúng đấu giá, nên không vi phạm.

Đối với việc người trả giá đầu tiên trả giá cao hơn rất nhiều so với giá khởi điểm (bằng giá khởi điểm nhiều lần bước giá) thì tại khoản 1 Điều 5 Luật Đấu giá tài sản đã quy định rõ “Bước giá là mức chênh lệch tối thiểu của lần trả giá sau so với lần trả giá trước liền kề trong trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên”. Như vậy, trong lần trả giá đầu tiên thì người tham gia đấu giá chỉ cần tuân thủ theo mức giá khởi điểm, từ lần trả giá thứ hai mới phải tuân thủ thêm bước giá đã quy định trước đó (giá trả phải ít nhất bằng bước giá giá khởi điểm lần 2). Do đó, người trả giá cao hơn rất nhiều so với giá khởi điểm không vi phạm.

Đối với người không trả giá (ở lần 2) thì tại điểm b khoản 2 Điều 42 đã quy định “Đấu giá viên... đề nghị người tham gia đấu giá tiếp tục trả giá cho vòng tiếp theo” và tại điểm c khoản 2 Điều 42 quy định “...Cuộc đấu giá kết thúc khi không còn ai tham gia trả giá...”. Như vậy, người tham gia đấu giá có quyền không tham gia trả giá cho vòng tiếp theo và việc xử lý tiền đặt trước được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản.

Đối với người tham gia đấu giá trả giá cao hơn giá khởi điểm nhưng lại thấp hơn giá khởi điểm 01 bước giá thì tương tự như trên, chỉ cần trong lần trả giá đầu tiên, người tham gia đấu giá tuân thủ theo mức giá khởi điểm thì không vi phạm và vẫn có thể trúng đấu giá (tại khoản 8 Điều 5 Luật Đấu giá quy định trả giá bằng giá khởi điểm vẫn có thể trúng đấu giá).

25. Luật THADS chỉ quy định trình tự, thủ tục THADS, không quy định về THAHC. Người phải THAHC phần lớn là Chủ tịch UBND các cấp, cũng là Trưởng Ban chỉ đạo THADS tại địa phương, Giám đốc các Sở, ban, ngành hoặc tương đương. Do đó, rất khó trong việc CHV thực hiện theo dõi quá trình THAHC của người phải THA như: thông báo, tống đạt thông báo tự nguyện THA và lập biên bản về buộc THAHC hoặc đề nghị xử lý trách nhiệm về việc chậm THA, không chấp hành án hoặc chấp hành không đúng nội dung bản án, quyết định theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 (Nghị định số 71/2016); đồng thời, cũng khó khăn trong việc kiểm sát THAHC, việc thực hiện quyền kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ THAHC. Cần có quy định rõ trách nhiệm của người không THAHC, chậm THAHC và có biện pháp xử lý nghiêm để đảm bảo kỷ cương trong bộ máy Nhà nước, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được THA.

Trả lời: Luật Tố tụng hành chính và Nghị định số 71/2016 đã có những quy định khá cụ thể về thời hạn, trình tự, thủ tục THAHC và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án, như: Điều 6 Nghị định số 71/2016 quy định về quyền và nghĩa vụ của người phải THAHC; Điều 311 Luật Tố tụng hành chính, Điều 10, Điều 12 Nghị định số 71/2016 quy định về việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, thời hạn tự nguyện THA của người phải THA; Điều 7, Điều 8 Nghị định số 71/2016 quy định trách nhiệm của người đứng đầu của người phải THA và của người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải THA; Điều 13 Nghị định số 71/2016 quy định về việc chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện quyết định buộc THAHC; khoản 2 Điều 312 Luật Tố tụng hành chính, Điều 14 Nghị định số 71/2016 quy định về việc theo dõi việc THAHC, quyết định buộc THAHC; Điều 314 Luật Tố tụng hành chính và các điều từ Điều 20 đến Điều 29 Nghị định số 71/2016 quy định về việc xử lý trách nhiệm đối với người phải THA cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, quyết định buộc THA của Tòa án.

Để đảm bảo kiểm sát việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, căn cứ Điều 315 Luật Tố tụng hành chính, VKS thực hiện kiểm sát tuân theo pháp luật của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc THAHC; thực hiện quyền kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ THAHC và cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người phải THAHC theo quy định tại Luật Tố tụng hành chính và Nghị định số 71/2016 (các điều luật viện dẫn nêu trên).

Cần lưu ý: Do còn có nội dung chưa có sự thống nhất giữa Luật Tố tụng hành chính, Nghị định số 71/2016 và Thông tư số 06/TT-BTP ngày 29/11/2019 của Bộ Tư pháp nên trên cơ sở trao đổi và thống nhất với VKSND tối cao (Vụ 11), ngày 05/01/2021 Tổng cục THADS-Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 16/TCTHADS-NV3 về việc hướng dẫn nghiệp vụ theo dõi THAHC, trong đó trách nhiệm của Cơ quan THADS thực hiện các nội dung theo dõi THAHC quy định tại Điều 14 Nghị định số 71/2016 (trừ quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 71/2016 về trách nhiệm thông báo nghĩa vụ tự nguyện THA cho người phải THA). Do vậy, các VKS địa phương khi thực hiện công tác kiểm sát THAHC, cần nghiên cứu, vận dụng hướng dẫn tại Công văn số 16/TCTHADS-NV3 ngày 05/01/2021 nêu trên của Tổng cục THADS-Bộ Tư pháp.

Trên đây là nội dung giải đáp, hướng dẫn về những khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát THADS, THAHC để Viện kiểm sát các cấp nghiên cứu, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên (để t/hiện);
- Đ/c Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSTC (để b/cáo);
- Đ/c Nguyễn Duy Giảng, PVT VKSTC (để b/cáo);
- Vụ 14, Văn phòng, T1, T2, T3 (để biết);
- Lưu: VT, V11.

TL. VIỆN TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG
VỤ KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ




Nguyễn Kim Sáu

 



1 Điểm b khoản 2 Điều 12 Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định: “Khi kiểm sát THADS, VKSND có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: ... b)...yêu cầu cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng có liên quan đến việc THA theo quy định của Luật này:...”.

2 Điều 4 Quy chế công tác Kiểm sát THADS, THAHC quy định: “Khi kiểm sát THADS, THAHC, VKSND có nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2014; các Điều 12, 38, 62, 64, 160, 161 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014; Điều 315 Luật Tố tụng hành chính năm 2015”.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 606/VKSTC-V11 năm 2023 giải đáp, hướng dẫn về khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

  • Số hiệu: 606/VKSTC-V11
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 24/02/2023
  • Nơi ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Người ký: Nguyễn Kim Sáu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản