Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 606/BTC-CĐKT
V/v chế độ kế toán

Hà Nội, ngày 13 tháng 01 năm 2016

 

Kính gửi: Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán AAC

Trả lời Công văn số 387/CV-AAC ngày 27/11/2015 của Quý Công ty về một số vướng mắc liên quan đến chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính (sau đây gọi tắt là Thông tư số 200), Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1/. Về việc lựa chọn tỷ giá khi chuyển đổi báo cáo tài chính lập bằng đồng ngoại tệ sang đồng Việt Nam để công bố thông tin ra công chúng và nộp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

a) Điều 107 Thông tư số 200 quy định “Các Khoản Mục thuộc Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời Điểm phát sinh giao dịch. Trường hợp tỷ giá bình quân kỳ kế toán xấp xỉ với tỷ giá thực tế tại thời Điểm phát sinh giao dịch (chênh lệch không vượt quá 3%) thì có thể áp dụng theo tỷ giá bình quân (nếu lựa chọn)”.

Thông tư số 200 không quy định cụ thể cách tính tỷ giá bình quân kỳ kế toán nên các doanh nghiệp có thể sử dụng tỷ giá bình quân giữa tỷ giá mua và tỷ giá bán chuyển Khoản ngoại tệ của ngân hàng thương mại để chuyển đổi cho các Khoản Mục thuộc Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Tỷ giá bình quân này có thể được tính trên cơ sở trung bình các ngày, các tuần hoặc các tháng của kỳ kế toán.

Mức độ chênh lệch 3% được xác định trên cơ sở so sánh giữa tỷ giá bình quân kỳ kế toán với tỷ giá mua thấp nhất hoặc tỷ giá bán cao nhất của ngân hàng thương mại trong kỳ kế toán.

b) Trường hợp doanh nghiệp lựa chọn tỷ giá giao dịch thực tế tại thời Điểm phát sinh giao dịch

- Việc trích khấu hao TSCĐ phải được căn cứ vào đơn vị tiền tệ trong kế toán của doanh nghiệp.

Tại Điểm a Khoản 2 Điều 107 Thông tư số 200/2014/TT-BTC quy định khi chuyển đổi báo cáo tài chính được lập bằng đồng ngoại tệ sang Việt Nam đồng thì tài sản và nợ phải trả được quy đổi theo tỷ giá giao dịch thực tế cuối kỳ do đó các Khoản chi phí khấu hao TSCĐ đã trích sẽ được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế cuối mỗi kỳ kế toán có báo cáo tài chính chuyển đổi, không quy đổi theo tỷ giá tại ngày mua tài sản hay ngày định kỳ trích khấu hao TSCĐ.

Tương tự, đối với nguyên vật liệu xuất kho đưa vào sản xuất đang ở hàng tồn kho cũng được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế cuối mỗi kỳ kế toán có báo cáo tài chính chuyển đổi, không quy đổi theo tỷ giá tại ngày mua nguyên vật liệu hay ngày xuất kho nguyên vật liệu để sản xuất.

2/. Trình bày thuyết minh chi tiết biến động của vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2014 và ngày 1/1/2015:

- Thông tư 200 không có quy định về hồi tố đối với số liệu so sánh năm 2014 trên báo cáo tài chính được trình bày theo quy định của Thông tư 244/2009/TT-BTC do đó để đảm bảo tính lôgíc và phù hợp của số liệu về chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2014 và ngày 1/1/2015, khi trình bày thuyết minh chi tiết biến động vốn chủ sở hữu giữa ngày 31/12/2014 và ngày 1/1/2015, doanh nghiệp sẽ trình bày sự chênh lệch giữa số liệu vốn chủ sở hữu cuối năm trước và đầu năm sau là do sự thay đổi của chính sách kế toán.

- Tỷ giá sử dụng để quy đổi số liệu so sánh của Khoản Mục vốn chủ sở hữu năm 2014:

Đối với báo cáo tài chính năm 2015, số liệu so sánh Khoản Mục vốn chủ sở hữu năm 2014 được xác định trên cơ sở lấy số liệu cuối kỳ kế toán năm 2014 chuyển sang và Điều chỉnh số dư đầu kỳ do sự thay đổi của chính sách kế toán để đảm bảo tính so sánh được của báo cáo tài chính năm 2015.

3/. Đối với Khoản Mục vốn chủ sở hữu, theo quy định tại Điều 107 Thông tư 200/2014/TT-BTC thì: Vốn chủ sở hữu (vốn góp của chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần, vốn khác, quyền chọn chuyển đổi trái phiếu) được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày góp vốn”.

Căn cứ vào quy định nêu trên, doanh nghiệp sử dụng đơn vị tiền tệ kế toán là đồng tiền khác đồng Việt Nam, khi chuyển đổi báo cáo tài chính sang Đồng Việt Nam để nộp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, phải sử dụng tỷ giá thực tế tại ngày góp vốn để chuyển đổi Khoản Mục vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính.

Do đó, trong bất kể trường hợp nào, doanh nghiệp cũng phải căn cứ vào tỷ giá lịch sử (tỷ giá tại thời Điểm góp vốn) để chuyển đổi Khoản Mục vốn chủ sở hữu. Việc để mất hoặc không còn lưu trữ các tài liệu kế toán liên quan làm cơ sở xác định các số liệu kế toán thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp.

4/. Việc sử dụng báo cáo tài chính nào để xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

5/. Trường hợp doanh nghiệp có phát sinh lỗ từ năm 2010 đến 2014 thì việc sử dụng tỷ giá để quy đổi số lỗ được phép chuyển để trừ vào thu nhập chịu thuế năm 2015 được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

Trên đây là ý kiến trả lời của Bộ Tài chính, đề nghị Công ty nghiên cứu thực hiện theo quy định của pháp luật./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo Bộ (để báo cáo);
- Vụ Pháp chế;
- Lưu: VT, Vụ CĐKT.

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN VÀ KIỂM TOÁN




Đặng Thái Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 606/BTC-CĐKT năm 2016 về chế độ kế toán do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 606/BTC-CĐKT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 13/01/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đặng Thái Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản