Hệ thống pháp luật

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 60/TANDTC-TH
V/v sơ kết 01 năm thực hiện Ch thị số 21/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2021

 

Kính gửi:

- Vụ trưởng Vụ Tổ chức - cán bộ;
- Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học;
- Vụ trưởng Vụ giám đốc kiểm tra I;
- Chánh án các Tòa án nhân dân cấp cao;
- Chánh án Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phối hợp thực hiện việc sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo đề nghị tại Công văn số 1322/BCA-C02 ngày 10/5/2021 của Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị các đồng chí căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị theo quy định chỉ đạo việc xây dựng báo cáo và lập kế hoạch sơ kết về công tác triển khai, thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; cụ thể như sau:

1. Vụ Tổ chức - cán bộ

1.1. Đánh giá công tác đào tạo, tập huấn các văn bản mới về hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự; bồi dưỡng chuyên sâu kỹ năng xét xử các vụ án liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho các Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên và Hội thẩm nhân dân.

1.2. Công tác xử lý, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để cấp dưới vi phạm hoặc để xảy ra các vụ việc vi phạm trong phạm vi quản lý của đơn vị.

2. Vụ pháp chế và Quản lý khoa học

2.1. Đánh giá cụ thể về kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

2.2. Báo cáo về công tác xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật liên quan đến phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, nêu cụ thể:

- Kết quả việc xây dựng hướng dẫn đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử của các Tòa án về tội lừa đảo tài sản chiếm đoạt tài sản và các tội liên quan. Nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc.

2.3. Đánh giá tính kịp thời, thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn pháp luật liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản; những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành Luật.

2.4. Đề xuất các kiến nghị, giải pháp.

3. Vụ Giám đốc kiểm tra I

3.1. Kết quả công tác kiểm tra, thanh tra, phối hợp liên ngành, liên địa phương trong xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

3.2. Thông qua công tác giải quyết đơn khiếu nại, đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các vụ án hình sự liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản đánh giá những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc áp dụng luật hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và các tội phạm liên quan; nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng các quy định trong thực tiễn.

4. Các Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

4.1. Khái quát tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thực trạng công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, có đánh giá so sánh với cùng thời điểm năm 2019 và tóm tắt một số vụ án điển hình đã xét xử về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

4.2. Đánh giá cụ thể việc chỉ đạo triển khai thi hành Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 77/KH-TANDTC ngày 03/7/2020 của Tòa án nhân dân tối cao về triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg.

4.3. Đánh giá cụ thể về kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

4.4. Đánh giá công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Kết quả công tác kiểm tra, thanh tra, phối hợp liên ngành, liên địa phương trong xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Công tác xử lý, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để cấp dưới vi phạm hoặc để xảy ra các vụ việc vi phạm trong phạm vi quản lý của đơn vị.

4.5. Đánh giá cụ thể những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết, xét xử tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

4.6. Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc.

4.7. Kiến nghị, đề xuất, trong đó:

- Nêu những kiến nghị đề xuất chung đối với các cơ quan, Bộ ngành trong quá trình tổ chức triển khai thi hành Chỉ thị số 21/CT-TTg đảm bảo có hiệu quả trong thực tiễn.

- Kiến nghị nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể đối với các quy định của pháp luật hình sự đối với các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và các tội phạm liên quan.

5. Vụ Tổng hợp

Giao Vụ Tổng hợp làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng báo cáo chung.

Lưu ý:

- Mốc thời gian số liệu sơ kết từ 01/06/2020 đến 30/4/2021;

- Hình thức báo cáo theo Đề cương được gửi kèm theo;

- Thời gian nộp báo cáo, kế hoạch sơ kết và gửi về Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Tổng hợp) trước ngày 25/5/2021; và qua hộp thư điện tử theo địa chỉ: tatc.tonghop@toaan.gov.vn.

 


Nơi nhận:
- Như trên (để thực hiện);
- Đ/c Chánh án TANDTC (để báo cáo);
- Các Đ/c PCA TANDTC (để phối hợp chỉ đạo);
- Lưu; VP, Vụ TH TANDTC.

KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN





Nguyễn Trí Tuệ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 60/TANDTC-TH năm 2021 sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị 21/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

  • Số hiệu: 60/TANDTC-TH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 20/05/2021
  • Nơi ban hành: Tòa án nhân dân tối cao
  • Người ký: Nguyễn Trí Tuệ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản