Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5957/BGDĐT-GDĐH
V/v: Hướng dẫn dạy học ngoại ngữ tăng cường

Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2014

 

Kính gửi:

- Các đại học, học viện;
- Các trường đại học, cao đẳng;
- Các trường sĩ quan có đào tạo trình độ đại học, cao đẳng.

 

Ngày 30/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1400/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (sau đây gọi tắt là Đề án). Đề án quy định sinh viên tốt nghiệp (đầu ra) đạt năng lực ngoại ngữ bậc 3 đối với cao đẳng, đại học không chuyên ngữ, bậc 4 đối với cao đẳng chuyên ngữ và bậc 5 đối với đại học chuyên ngữ theo Khung Năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (ban hành tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo). Hiện nay năng lực ngoại ngữ của sinh viên khi nhập học (đầu vào) rất khác nhau và thường là chưa đạt chuẩn. Trước thực tế đó, Đề án yêu cầu các trường triển khai hình thức dạy học ngoại ngữ tăng cường để hỗ trợ chương trình đào tạo chính khóa nhằm bảo đảm năng lực ngoại ngữ của sinh viên khi tốt nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các đại học, học viện, trường đại học và trường cao đẳng và các trường sĩ quan có đào tạo trình độ đại học, cao đẳng (sau đây gọi chung là trường) triển khai dạy học ngoại ngữ tăng cường như sau:

1. Xây dựng và công bố chuẩn đầu ra về ngoại ngữ

- Chuẩn đầu ra ngoại ngữ được nâng cao dần đối với từng khóa tuyển sinh, từng chương trình đào tạo nhưng phải hướng tới sớm đạt mục tiêu của Đề án; lộ trình đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế và sự cố gắng của nhà trường.

- Nhà trường công bố công khai chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, lộ trình đạt chuẩn cũng như các loại chứng chỉ ngoại ngữ được chấp nhận cho miễn học/thi ngoại ngữ (nếu có) trên trang thông tin điện tử chính thức của trường trước mỗi khóa/kỳ học để sinh viên có kế hoạch học tập và đạt chuẩn theo quy định.

- Trong khi học sinh trung học phổ thông chưa được học ngoại ngữ theo chương trình mới (chương trình học 10 năm, ban hành theo quy định của Đề án), khuyến khích sinh viên tham gia học ngoại ngữ tăng cường nhưng không bắt buộc.

2. Triển khai dạy và học ngoại ngữ tăng cường

a) Kiểm tra năng lực ngoại ngữ đầu vào

Tổ chức thi/kiểm tra khảo sát năng lực ngoại ngữ đầu vào của sinh viên để làm căn cứ xếp lớp học ngoại ngữ tăng cường theo năng lực ngoại ngữ thực tế của sinh viên.

b) Thời lượng và hình thức tổ chức

- Nội dung học tập, giáo trình, tài liệu và hình thức triển khai dạy học ngoại ngữ tăng cường nên đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, với năng lực của sinh viên để tạo môi trường, điều kiện học tập và phát huy tốt nhất khả năng của sinh viên.

- Thời lượng tổ chức học ngoại ngữ tăng cường do trường quyết định trên cơ sở điều kiện thực tế của trường, yêu cầu về chuẩn đầu ra ngoại ngữ của từng ngành/lĩnh vực đào tạo và đảm bảo quy định hiện hành về khối lượng kiến thức tối thiểu đối với mỗi trình độ đào tạo.

- Hình thức tổ chức giảng dạy ngoại ngữ tăng cường có thể là dạy học trên lớp, dạy học trực tuyến, các hình thức ngoại khóa, câu lạc bộ tiếng nước ngoài,... coi trọng việc hướng dẫn và tạo môi trường cho sinh viên tự học; phối hợp đồng bộ với các chương trình học ngoại ngữ chính khóa.

- Thông báo kế hoạch tổ chức dạy học ngoại ngữ tăng cường trước từng khóa/kỳ học để hỗ trợ những sinh viên có nhu cầu.

c) Giảng viên

Bố trí các giảng viên có năng lực thực tế trên cơ sở đội ngũ giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng của trường, khuyến khích sử dụng giảng viên, tình nguyện viên bản ngữ tham gia cùng các giảng viên trong nước.

d) Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học

Tận dụng cơ sở vật chất và thiết bị chung của nhà trường, chú trọng sử dụng hiệu quả các thiết bị có ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông.

3. Kinh phí

Các trường chủ động xây dựng mức thu học phí ngoại ngữ tăng cường theo quy định tại Khoản 15 Điều 1 của Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 -2015, theo nguyên tắc thỏa thuận với người học, đảm bảo bù đắp chi phí. Việc thu học phí dạy học ngoại ngữ tăng cường không tính cho nội dung chương trình đào tạo theo quy định bắt buộc.

Hàng năm các trường báo cáo kết quả thực hiện mục tiêu đầu ra về năng lực ngoại ngữ và dạy học ngoại ngữ tăng cường trong các báo cáo về thực hiện nhiệm vụ năm học. Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh, đề nghị các trường liên hệ với Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Giáo dục Đại học) để được xem xét và giải quyết kịp thời.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- TT Bùi Văn Ga (để phối hợp);
- BQL Đề án 2020, Vụ KHTC;
- Lưu: VT, Vụ GDĐH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Vinh Hiển

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5957/BGDĐT-GDĐH năm 2014 hướng dẫn dạy học ngoại ngữ tăng cường do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 5957/BGDĐT-GDĐH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 20/10/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Vinh Hiển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/10/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản