Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5889/BGDĐT-GDTH
V/v tăng cường công tác chỉ đạo về việc biên soạn, tổ chức dạy học, in và phát hành tài liệu giáo dục địa phương

Hà Nội, ngày 27 tháng 09 năm 2024

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Để thực hiện nội dung giáo dục địa phương (GDĐP), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành các văn bản[1] chỉ đạo, hướng dẫn địa phương về việc biên soạn, thẩm định, tổ chức dạy học, in và phát hành tài liệu GDĐP theo thẩm quyền quy định[2]. Qua kiểm tra, giám sát và báo cáo từ các địa phương, Bộ GDĐT đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các địa phương đã hoàn thành việc biên soạn, thẩm định và được Bộ GDĐT phê duyệt tài liệu GDĐP các lớp theo lộ trình; linh hoạt nhiều hình thức để tổ chức thực hiện dạy học nội dung GDĐP; thực hiện các giải pháp để thực hiện in, phát hành tài liệu GDĐP theo thẩm quyền quy định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện tại địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc biên soạn, thẩm định, tập huấn, hướng dẫn giáo viên dạy học nội dung GDĐP; đặc biệt nhiều địa phương chưa thực hiện được công tác in, phát hành tài liệu GDĐP theo thẩm quyền quy định. Để nâng cao hiệu quả việc biên soạn, dạy học, in và phát hành tài liệu GDĐP, Bộ GDĐT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND tỉnh) tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

1. Công tác biên soạn, thẩm định và trình phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện hoàn thiện nội dung GDĐP, cập nhật số liệu, ngữ liệu trong tài liệu đã được phê duyệt bảo đảm tính chính xác, khoa học; bổ sung, điều chỉnh các thông tin, ngữ liệu hoặc hình ảnh đã lạc hậu, không phù hợp theo quy định tại Điều 3, Thông tư số 33/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 quy định việc thẩm định tài liệu GDĐP. Khẩn trương hoàn thiện việc biên soạn, thẩm định và trình Bộ trưởng BGDĐT phê duyệt tài liệu lớp 5, lớp 9, lớp 12 bảo đảm chất lượng và tiến độ theo đúng quy định.

2. Tổ chức dạy học nội dung giáo dục địa phương

Chỉ đạo Sở GDĐT tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác tập huấn giáo viên nâng cao chất lượng dạy học nội dung GDĐP, xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung GDĐP bảo đảm quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình GDPT 2018) theo hướng dẫn của Bộ GDĐT[3] phù hợp với đặc thù của môn học, cấp học, lớp học, cụ thể:

2.1. Đối với cấp Tiểu học

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch thực hiện tích hợp, lồng ghép nội dung GDĐP vào kế hoạch giáo dục nhà trường với hình thức linh hoạt, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của nhà trường, địa phương đảm bảo mục tiêu và chất lượng giáo dục. Khi xây dựng cần lồng ghép, tích hợp nội dung GDĐP vào chương trình các môn học, hoạt động trải nghiệm để phù hợp với đặc điểm tâm lí, trình độ phát triển nhận thức của học sinh theo từng khối lớp đảm bảo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động giáo dục, không gây áp lực, quá tải cho học sinh khi thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 3036/BGDĐT-GDTH ngày 20/7/2021[4].

2.2. Đối với cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phân công giáo viên dạy học nội dung GDĐP phù hợp với chuyên môn; căn cứ vào phân công của nhà trường, các tổ, nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch dạy học nội dung GDĐP theo từng chủ đề phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường và kế hoạch dạy học các môn học có liên quan, tạo thuận lợi cho học sinh liên hệ, vận dụng những nội dung kiến thức đã học trong các môn học với thực tiễn tại địa phương; tổ chức sinh hoạt chuyên môn để giáo viên nắm vững nội dung và phương pháp giảng dạy.

3. Công tác in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương

Nội dung giáo dục của địa phương được quy định tại các văn bản: Nghị quyết số 88/2014/QH13[5], Luật Giáo dục 2019[6], Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT[7], đề nghị UBND các tỉnh quán triệt, thống nhất quan điểm: tài liệu GDĐP là tài liệu bắt buộc trong thực hiện Chương trình GDPT 2018, vì vậy cần tập trung nghiên cứu, phân tích thực trạng và căn cứ pháp lý để thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền trách nhiệm, không né tránh trách nhiệm trong tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương; quá trình biên soạn, thẩm định, in, phát hành tài liệu GDĐP phải thực hiện đúng quy định, phù hợp với điều kiện của địa phương, bảo đảm tính ổn định để sử dụng lâu dài tránh lãng phí trong in, phát hành; các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, tham gia với mục tiêu thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo đảm việc học tập của học sinh là trên hết, không đặt nặng mục tiêu kinh doanh lợi nhuận; cần thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ, bảo đảm tài liệu GDĐP được in và phát hành kịp thời để giáo viên và học sinh có tài liệu cho hoạt động dạy học theo quy định.

Triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao tại điểm d, khoản 3, mục II, Kế hoạch kèm theo Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 20/3/2024 của Chính phủ về tăng cường các điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, trong đó quy định UBND các tỉnh “bố trí ngân sách thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa; in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương” báo cáo kết quả triển khai thực hiện tại địa phương về Bộ GDĐT để tổng hợp báo cáo Chính phủ theo quy định[8].

Trong quá trình thực hiện các nội dung liên quan đến in, phát hành tài liệu GDĐP phải bảo đảm thực hiện đúng các quy định pháp luật liên quan: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14; Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14; Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15; Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 (và các văn bản sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ); Luật Xuất bản số 19/2012/QH13; Luật Giá số 16/2023/QH15 ngày 19/6/2023 (Luật Giá); Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan và pháp luật liên quan về quản lí tài sản công; Nghị định số 85/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Giá (Nghị định 85/2024/NĐ-CP); Thông tư số 23/2022/TT-BTC ngày 6/4/2022 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước; Thông tư số 45/2024/TT-BTC ngày 01/7/2024 của Bộ Tài chính ban hành phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và các văn bản liên quan khác phù hợp thực trạng đang triển khai thực tế tại địa phương và theo thẩm quyền quy định (Thông tư 45/2024/TT-BTC).

3.1. Đối với địa phương sử dụng nguồn vốn xã hội hóa để biên soạn tài liệu giáo dục địa phương

Chủ động triển khai theo thẩm quyền thực hiện quy trình đấu thầu công khai, minh bạch, với các tiêu chí lựa chọn rõ ràng về năng lực, kinh nghiệm và cam kết về chất lượng tài liệu. Đồng thời, cần thực hiện việc xác định giá theo đúng quy định của Luật Giá, Nghị định 85/2024/NĐ-CP, Thông tư 45/2024/TT- BTC và các văn bản pháp luật liên quan khác. Đặc biệt, cần bảo đảm UBND tỉnh là chủ sở hữu quyền tác giả của tài liệu GDĐP để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm pháp lý của địa phương.

3.2. Đối với địa phương sử dụng nguồn vốn từ ngân sách địa phương và nguồn tài trợ, hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức để biên soạn tài liệu giáo dục địa phương

Chỉ đạo thực hiện phân cấp quản lý, sử dụng tài liệu GDĐP để chủ động triển khai công tác in, phát hành tài liệu GDĐP theo quy định của pháp luật với hình thức là sử dụng ngân sách địa phương để in, cấp phát cho học sinh, giáo viên, thư viện[9] hoặc in, phát hành bằng hình thức xã hội hóa[10].

Bộ GDĐT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở GDĐT và các ban ngành liên quan thực hiện bảo đảm tiến độ, đúng quy định./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó Thủ tướng Lê Thành Long (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để p/h c/đ);
- Các đơn vị liên quan thuộc Bộ GDĐT;
- Sở GDĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để tham mưu t/h);
- Lưu: VT, Vụ GDTH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Ngọc Thưởng

 



[1] Công văn số 3536/BGDĐT-GDTH ngày 19/8/2019 về việc biên soạn, thẩm định nội dung giáo dục địa phương cấp Tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2020-2021; Công văn số 2345/BGDĐT-GDTH ngày 6/7/2021 về việc xây dựng Kế hoạch giáo dục nhà trường; Công văn số 3036/BGDĐT-GDTH ngày 20/7/2021 về việc tăng cường chỉ đạo địa phương thực hiện nội dung giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp Tiểu học. Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH ngày 23/6/2021 về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục trung học từ năm học 2021-2022; Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH ngày 19/4/2022.

[2] Điều 32, Luật Giáo dục 2019, quy định tài liệu giáo dục địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức biên soạn đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương, được hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định và Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt.

[3] Đối với Giáo dục Tiểu học: Công văn số 3536/BGDĐT-GDTH ngày 19/8/2019 về việc biên soạn, thẩm định nội dung giáo dục địa phương cấp Tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2020-2021; Công văn số 2345/BGDĐT-GDTH ngày 6/7/2021 về xây dựng Kế hoạch giáo dục nhà trường.

Đối với Giáo dục Trung học: Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH ngày 23/6/2021 về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục trung học từ năm học 2021-2022; Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH ngày 19/4/2022

[4] Công văn số 3036/BGDĐT-GDTH ngày 20/7/2021 về việc tăng cường chỉ đạo địa phương thực hiện nội dung giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp Tiểu học: (i) Tổ chức thực hiện theo từng chủ đề/mạch kiến thức đã được thiết kế trong tài liệu giáo dục địa phương với hình thức linh hoạt, phù hợp với kế hoạch giáo dục của nhà trường được xây dựng từ đầu năm học; (ii) Chọn nội dung/mạch kiến thức phù hợp, thực hiện tích hợp, lồng ghép, bổ sung, thay thế trong quá trình dạy học các môn học, hoạt động giáo dục và được thể hiện trong kế hoạch dạy học môn học, hoạt động giáo dục; (iii) Chọn chủ đề, nội dung phù hợp để xây dựng các hoạt động giáo dục tập thể, kết hợp học tập trên lớp với hoạt động trải nghiệm, thực hành, tham quan thực tế, sưu tầm tư liệu, thực hiện dự án, hoạt động phục vụ cộng đồng, hoạt động tình nguyện,...nhằm gắn lí luận với thực tiễn, tạo hứng thú học tập cho học sinh; nâng cao hiểu biết về thời sự, văn hóa, lịch sử, kinh tế xã hội, giúp học sinh phát huy năng lực đã đạt được trong chương trình các môn học, hoạt động giáo dục vào thực tiễn địa phương.

[5] Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2013 trong đó quy định về nội dung giáo dục địa phương tại Điều 2, khoản 3, điểm d như sau “Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương tổ chức biên soạn bổ sung những nội dung về đặc điểm lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời dành thời lượng cho cơ sở giáo dục chủ động vận dụng để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường.”

[6] Luật Giáo dục 2019, các nội dung giáo dục của địa phương được quy định tại Điều 3 “Tài liệu giáo dục địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức biên soạn đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương, được hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt”; “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định tài liệu giáo dục địa phương”.

[7] Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về ban hành Chương trình giáo dục phổ thông quy định “Nội dung giáo dục của địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương”.

[8] Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 20/3/2024 của Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông về việc in ấn phát hành tài liệu giáo dục địa phương.

[9] Thực hiện đấu thầu theo các quy định của Luật đấu thầu 22/2023/QH15 và các văn bản pháp luật có liên quan khác.

[10] Thực hiện đấu giá cho thuê tài sản công (là bản thảo tài liệu GDĐP) theo Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 và các văn bản pháp luật có liên quan khác.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5889/BGDĐT-GDTH năm 2024 tăng cường công tác chỉ đạo về biên soạn, tổ chức dạy học, in và phát hành tài liệu giáo dục địa phương do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 5889/BGDĐT-GDTH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 27/09/2024
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Phạm Ngọc Thưởng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/09/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản