- 1Luật Bảo hiểm xã hội 2006
- 2Bộ Luật lao động 2012
- 3Nghị định 49/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về tiền lương
- 4Nghị định 55/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ Luật lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và Danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động
- 5Nghị định 60/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc
- 6Luật việc làm 2013
- 7Luật Bảo hiểm xã hội 2014
- 8Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 582/LĐTBXH-PC | Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 2018 |
Kính gửi: Văn phòng Chính phủ
Trả lời Công văn số 278/VPCP-KSTT ngày 09/01/2018 của quý cơ quan về việc lấy ý kiến đối với đề nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:
1. Kiến nghị số 11 về tiền lương tối thiểu vùng
Theo quy định tại Điều 91 của Bộ luật Lao động thì mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động. Căn cứ quy định trên, hằng năm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò là thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia tham gia đã phân tích, đánh giá thực tế, thương lượng, thống nhất phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng và khuyến nghị với Chính phủ công bố mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Đối với kiến nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận và sẽ phối hợp với các thành viên trong Hội đồng tiền lương quốc gia để thảo luận, phân tích và đề xuất với Chính phủ xem xét, quyết định cho phù hợp.
2. Kiến nghị số 12 về Bộ luật Lao động
Thẩm quyền sửa đổi Bộ luật Lao động là của Quốc hội. Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu, xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) để trình Chính phủ trình Quốc hội vào năm 2019. Kiến nghị này của Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ được cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động sắp tới.
Trước mắt, để giải quyết các vướng mắc bất cập của các doanh nghiệp theo thẩm quyền được giao, năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động để tháo gỡ một số khó khăn, bất cập trong thực tiễn thi hành: Nghị định số 05/2015/NĐ-CP , Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ; Nghị định số 60/2013/NĐ-CP, Nghị định số 55/2013/NĐ-CP.
3. Kiến nghị số 11, 13 về Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm
3.1. Kiến nghị số 11 về tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam
Nhận định của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cao là chưa khách quan. Việc so sánh tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội giữa các nước cần được đánh giá trong mối quan hệ với quyền lợi và tỷ lệ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động và thân nhân người lao động. Cụ thể:
+ Xét về tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội thì Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cao trong khu vực với tỷ lệ đóng là 27,5% (bao gồm 3% đóng vào quỹ ốm đau - thai sản; 0,5% đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 22% đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất và 2% đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp), tuy nhiên cũng có một số nước có mức đóng cao hơn Việt Nam như mức đóng cao nhất của Singapore là 37%, Trung Quốc là 38,5% và Ấn Độ là 35%. Đồng thời, việc tính toán chi phí đóng BHXH giữa các nước có sự khác nhau, cụ thể ở Việt Nam NSDLĐ và NLĐ cùng đóng góp vào quỹ BHXH để thực hiện chế độ BHXH cho NLĐ; còn ở một số nước như Indonesia, Malaysia và Singapore thì việc thực hiện các quyền lợi ốm đau, thai sản, thất nghiệp đối với NLĐ phụ thuộc vào chi phí của NSDLĐ, do đó khoản chi phí trên không được tính toán vào chi phí đóng BHXH.
+ Nếu chỉ căn cứ vào tỷ lệ bảo hiểm xã hội mà cho rằng chi phí bảo hiểm xã hội cao, dẫn đến tăng chi phí doanh nghiệp là chưa chính xác, bởi chi phí cao hay thấp được quyết định bởi mức đóng được xác định bằng tỷ lệ đóng BHXH và nền tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Thực tế ở Việt Nam nền tiền lương đóng chủ yếu dựa trên mức lương cơ bản và có khoảng cách khá xa với mức tiền lương và thu nhập thực tế của người lao động. Tỷ lệ đóng cao nhưng nền đóng thấp thì mức đóng cũng không cao.
+ Ngoài ra, so sánh với việc thiết kế các các chế độ và quyền lợi mà người lao động và thân nhân NLĐ được hưởng thì tỷ lệ đóng BHXH ở Việt Nam cao, theo đó các quyền lợi mà NLĐ được hưởng cao, cụ thể: quyền lợi hưởng chế độ ốm đau và thai sản ở Việt Nam được đánh giá cao so với các nước trong khu vực; đối với chế độ hưu trí thì Việt Nam có tỷ lệ hưởng cao nhất trong khu vực, thậm chí cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của Việt Nam là 75%, tỷ lệ tích lũy đối với nam là 2,5% và đối với nữ là 3% (kể từ ngày 01/01/2018 thì tỷ lệ tích lũy có điều chỉnh giảm dần xuống còn 2,14% đối với nam và 2,5% đối với nữ); trong khi đó tỷ lệ hưởng lương hưu của các nước chỉ khoảng từ 35% đến 50%, tỷ lệ tích lũy bình quân trên thế giới là 1,7% (đặc biệt Trung Quốc, Hàn Quốc là 1%).
Như vậy, từ những so sánh nêu trên cho thấy rất khó để đánh giá mức đóng BHXH của Việt Nam là cao hay thấp so với các quốc gia khác. Việc đánh giá tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cần được xem xét trong việc xác định mô hình bảo hiểm xã hội tại mỗi nước; mối quan hệ giữa mức đóng với quyền lợi hưởng các chế độ, các yếu tố kinh tế vĩ mô như sự phát triển kinh tế, GDP bình quân đầu người, cơ cấu kinh tế, sự phát triển của thị trường lao động, chi phí lao động.
3.2. Kiến nghị số 13 về thời gian hưởng tỷ lệ lương hưu tối đa 75%
Một trong những mục tiêu đặt ra khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 là cần có những điều chỉnh về chính sách để bảo đảm cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn.Việc tăng tỷ lệ đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đã được điều chỉnh trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2014 theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 và khó có thể tăng thêm. Do vậy, để bảo đảm khả năng cân đối của quỹ BHXH cần xem xét điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu cho phù hợp với nguyên tắc đóng - hưởng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giảm tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa từ 75% xuống là khó có thể thực hiện. Vì vậy, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được Quốc hội thông qua theo hướng vẫn duy trì tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%, tuy nhiên cần kéo dài thời gian đóng góp để đạt được tỷ lệ này thêm 5 năm đối với cả nam và nữ.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 56 và khoản 2 Điều 74 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì: Từ năm 2018, số năm đóng BHXH để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu 75% của lao động nam là 31 năm đối với người nghỉ hưu trong năm 2018; 32 năm đối với người nghỉ hưu trong năm 2019; 33 năm đối với người nghỉ hưu trong năm 2020; 34 năm đối với người nghỉ hưu trong năm 2021; 35 năm đối với người nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi. Riêng đối với lao động nữ thì từ năm 2018 trở đi, thời gian đóng BHXH để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 30 năm.
- Tác động của chính sách
+ Việc quy định điều chỉnh công thức tính lương hưu trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có ưu điểm là bảo đảm tốt hơn nguyên tắc đóng - hưởng, tăng khả năng cân đối của quỹ hưu trí và tử tuất, công bằng hơn giữa các đối tượng tham gia BHXH (tỷ lệ hưởng lương hưu tính thêm cho mỗi năm đóng BHXH sau năm thứ 20 của nam và sau năm thứ 15 của nữ cùng là 2% so với quy định 2% đối với nam và 3% đối với nữ tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006).
+ Tuy nhiên, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì đối với nam việc điều chỉnh được thực hiện theo lộ trình nhưng đối với nữ thì không dẫn đến tạo sự chênh lệch giữa mức lương hưu của lao động nữ có cùng thời gian đóng bảo hiểm xã hội (có dưới 30 năm đóng BHXH) nghỉ hưu trước và sau thời điểm ngày 01 tháng 01 năm 2018. Việc thực hiện công thức tính lương hưu đối với nữ không phải là quy định mới mà đã được triển khai thực hiện trong giai đoạn 1995- 2002; mặt khác theo số liệu thống kê của cơ quan bảo hiểm xã hội thì trên 70% số người được giải quyết chế độ hưu trí hằng năm thì ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu (tức là đa số người nghỉ hưu hiện nay là có trên 30 năm đóng BHXH đối với nam và trên 25 năm đóng BHXH đối với nữ). Do vậy, tác động của việc điều chỉnh này là không lớn; đối tượng chịu tác động của quy định này chủ yếu ở nhóm có thời gian đóng BHXH ngắn (có dưới 31 năm đóng BHXH) do tham gia BHXH muộn hoặc đã hưởng BHXH một lần. Theo đó, mức giảm tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam nghỉ hưu năm 2018 so với năm 2017 là 2%; còn mức giảm tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 so với năm 2017 là từ 2% đến 10% tùy thuộc vào thời gian đóng BHXH của NLĐ.
Ngày 01 tháng 11 năm 2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có báo cáo Chính phủ về xử lý chênh lệch giữa mức lương hưu đối với người nghỉ hưu trước và sau thời điểm ngày 01 tháng 01 năm 2018 theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 (Báo cáo số 117/BC-LĐTBXH). Tiếp theo đó, ngày 21/11/2017, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Báo cáo số 584/BC-CP báo cáo Quốc hội về vấn đề trên.
3.3. Kiến nghị số 13 về tỷ lệ giảm trừ 2% cho mỗi năm về hưu trước tuổi
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 thì NLĐ có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng lương hưu với mức thấp hơn, theo đó NLĐ được nghỉ hưu trước 10 tuổi so với đối tượng khác và tỷ lệ giảm trừ là 1% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Với quy định trên của pháp luật, một số người lao động đã thực hiện giám định khả năng lao động để về hưu trước tuổi. Theo số liệu thống kê thì trong tổng số những người nghỉ việc hưởng lương hưu thì có khoảng 60% người nghỉ hưu trước tuổi; tuy nhiên, sau khi nghỉ việc số lao động trên vẫn tiếp tục làm việc.
Với quy định như Luật BHXH năm 2006 thì đã tạo ra sự bất hợp lý giữa các nhóm đối tượng, đồng thời không đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng, gây mất cân đối quỹ.
Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% và tăng độ tuổi nghỉ hưu trước tuổi so với Luật BHXH năm 2006, quy định trên của Luật BHXH năm 2014 đã đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng, đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, đảm bảo công bằng giữa các nhóm đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội.
Theo đó, đối với người lao động trong ngành dệt may phải ra khỏi dây chuyền sớm thì đề nghị Hiệp hội dệt may giải thích quy định pháp luật để NLĐ lựa chọn bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc tìm công việc khác phù hợp với sức khỏe của bản thân để đảm bảo đủ quy định về tuổi đời để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật.
3.4. Kiến nghị số 13 về trợ cấp thất nghiệp
Trong quá trình xây dựng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Luật Việc làm, Ban soạn thảo đã nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia thực hiện thành công chính sách bảo hiểm thất nghiệp/bảo hiểm việc làm (Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,...). Với mức hưởng trợ cấp thất nghiệp là 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp thời gian hưởng tối thiểu là 03 tháng (180%) là tương đối phù hợp với thông lệ quốc tế và các mức trợ cấp mà người lao động được nhận khi mất việc làm theo quy định hiện hành. Cụ thể:
- Đa số các quốc gia đều áp dụng thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối thiểu là 90 ngày (3 tháng);
- Theo quy định tại Điều 15 Công ước số 168 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xúc tiến việc làm và bảo vệ chống thất nghiệp thì mức trợ cấp thất nghiệp không ít hơn 45% của thu nhập trước đó hoặc không ít hơn 45% của tiền lương tối thiểu theo quy định hoặc của tiền lương của người lao động bình thường nhưng không ít hơn mức có thể đảm bảo mức sống cơ bản tối thiểu; Điều 24 Công ước số 102 của Tổ chức Lao động Quốc tế về quy phạm tối thiểu về an toàn xã hội thì thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối thiểu là 12 tuần (3 tháng) trong thời kỳ 12 tháng.
- Tại Điều 48 Bộ luật Lao động quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên khi chấm dứt hợp đồng lao động thuộc một trong các trường hợp theo quy định, mỗi năm làm việc được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương (50% mức tiền lương); Tại Điều 49 Bộ luật lao động quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm trong các trường hợp theo quy định, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương (100% mức tiền lương) nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương (tối thiểu 200% mức tiền lương).
Kiến nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp sẽ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận để nghiên cứu và đưa ra xin ý kiến trong quá trình hoàn thiện các quy định của Luật Việc làm.
Trên đây là ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đề nghị quý Văn phòng Chính phủ tổng hợp, trình Thủ tướng./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Công văn 688/BLĐTBXH-LĐTL năm 2016 về đánh giá tình hình thực hiện và rà soát địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 2Công văn 323/LĐTBXH-LĐTL năm 2017 về đánh giá tình hình thực hiện và rà soát địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 3Công văn 137/BHXH-TCKT năm 2018 về chấn chỉnh công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng qua hệ thống bưu điện do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 1Luật Bảo hiểm xã hội 2006
- 2Bộ Luật lao động 2012
- 3Nghị định 49/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về tiền lương
- 4Nghị định 55/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ Luật lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và Danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động
- 5Nghị định 60/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc
- 6Luật việc làm 2013
- 7Luật Bảo hiểm xã hội 2014
- 8Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động
- 9Công văn 688/BLĐTBXH-LĐTL năm 2016 về đánh giá tình hình thực hiện và rà soát địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 10Công văn 323/LĐTBXH-LĐTL năm 2017 về đánh giá tình hình thực hiện và rà soát địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 11Công văn 137/BHXH-TCKT năm 2018 về chấn chỉnh công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng qua hệ thống bưu điện do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
Công văn 582/LĐTBXH-PC năm 2018 về trả lời kiến nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- Số hiệu: 582/LĐTBXH-PC
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 09/02/2018
- Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- Người ký: Doãn Mậu Diệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 09/02/2018
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết