Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5768/BTTTT-TTĐN
V/v hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ

Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2022

 

Kính gửi:

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể.

Ngày 14/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam ban hành theo Quyết định số 1079/QĐ-TTg (sau đây gọi tắt là Quyết định 1079/QĐ-TTg).

Để triển khai thực hiện thống nhất Quyết định 1079/QĐ-TTg, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) hướng dẫn, đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan trung ương của các đoàn thể (sau đây gọi tắt là các bộ, ngành, địa phương) phối hợp thực hiện các nội dung sau:

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến Quyết định 1079/QĐ-TTg và thông tin phục vụ việc triển khai Đề án

a) Bộ TTTT chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, các bộ, ban, ngành liên quan và các cơ quan báo chí, xuất bản tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền Quyết định 1079/QĐ-TTg; chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tấn báo chí nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về quyền con người; phản bác các luận điệu lợi dụng vấn đề quyền con người để xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam.

b) Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức phổ biến nội dung Quyết định 1079/QĐ-TTg tới các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý bằng hình thức phù hợp; tuyên truyền, phổ biến các nhiệm vụ tại Đề án trong hoạt động thông tin đối ngoại tại địa phương.

c) Các bộ, ngành, địa phương tổ chức theo dõi, tổng hợp dư luận báo chí, truyền thông trong và ngoài nước về tình hình bảo vệ, đấu tranh về quyền con người liên quan đến cơ quan, địa phương; xây dựng lập luận, phân công đơn vị, nhân sự thực hiện trách nhiệm phát ngôn giải thích làm rõ, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc thuộc phạm vi quản lý.

2. Hoàn thiện cơ chế, hệ thống văn bản hướng dẫn quản lý Đề án

a) Bộ TTTT chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an (Văn phòng Thường trực về Nhân quyền), Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan, xây dựng và thực hiện cơ chế liên ngành trong chỉ đạo, triển khai kế hoạch truyền thông, thông tin đối ngoại về công tác quyền con người; xây dựng hướng dẫn các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công tác thông tin tuyên truyền, thông tin đối ngoại về quyền con người hằng năm.

b) Bộ TTTT chủ trì xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Đề án; nghiên cứu xây dựng văn bản quy định chế độ lưu trữ sản phẩm truyền thông sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho các nhiệm vụ thuộc Quyết định 1079/QĐ-TTg; hướng dẫn về kỹ thuật, quy trình khai thác, chia sẻ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu truyền thông về quyền con người.

c) Bộ TTTT phối hợp với Bộ Công an (Văn phòng Thường trực về Nhân quyền) duy trì cơ chế Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ hằng tháng về công tác nhân quyền; hướng dẫn các địa phương áp dụng cơ chế cung cấp thông tin cho báo chí.

3. Tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông về quyền con người cho các lực lượng truyền thông

a) Đối tượng tập huấn, bồi dưỡng

- Bộ TTTT chủ trì tổ chức các lớp tập huấn nâng cao, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông về quyền con người cho cán bộ chuyên trách công tác thông tin đối ngoại, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, truyền thông, xuất bản Trung ương và địa phương; cán bộ thành viên Ban Chỉ đạo về Nhân quyền các tỉnh, thành phố Trung ương và địa phương; đội ngũ báo cáo viên pháp luật; tuyên truyền viên là cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội.

- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông về quyền con người cho đối tượng báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp.

- Bộ Công an chủ trì tập huấn, đẩy mạnh tuyên truyền về quyền con người trong lực lượng công an nhân dân.

- Bộ Tư pháp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông về quyền con người cho đối tượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.

- Các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông về quyền con người cho đối tượng báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp của các tổ chức đoàn thể.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ TTTT, Bộ Công an (Văn phòng Thường trực về Nhân quyền) triển khai Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác quyền con người định kỳ hằng tháng; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông về quyền con người cho các lực lượng tham gia công tác thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh, thành phố, ưu tiên phóng viên, biên tập viên báo chí, xuất bản; các lực lượng làm công tác nhân quyền, truyền thông các cấp, nhất là cấp địa phương, cơ sở; đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; tuyên truyền viên là cán bộ các tổ chức đoàn thể.

b) Nội dung tập huấn, bồi dưỡng: bám sát 05 nội dung truyền thông nêu tại Quyết định 1079/QĐ-TTg và các kỹ năng truyền thông phù hợp với đối tượng tập huấn.

c) Hình thức tập huấn, bồi dưỡng: đa dạng hóa các hình thức trực tuyến, trực tiếp, tập huấn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên gia theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Ưu tiên tạo điều kiện đưa phóng viên, tuyên truyền viên, cán bộ truyền thông đi thực tế đến các địa phương, cơ sở. d) Tài liệu tập huấn:

- Tài liệu tập huấn, bồi dưỡng khung: Bộ TTTT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an (Văn phòng Thường trực về Nhân quyền) và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức biên soạn bộ tài liệu truyền thông khung về quyền con người dùng chung cho công tác tập huấn công tác thông tin, truyền thông về quyền con người để phục vụ công tác tập huấn của các bộ, ngành, địa phương.

- Tài liệu tập huấn chuyên môn: do bộ, ngành, địa phương xây dựng, sử dụng trong phạm vi quản lý.

4. Sản xuất, đăng phát các sản phẩm truyền thông về quyền con người bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài

a) Căn cứ 05 nội dung truyền thông và giải pháp về đổi mới hình thức các sản phẩm truyền thông xác định tại Quyết định 1079/QĐ-TTg, các bộ, ngành, địa phương triển khai sản xuất, phổ biến các sản phẩm truyền thông về quyền con người bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài theo lĩnh vực phụ trách, đáp ứng mục tiêu cụ thể nêu tại Quyết định 1079/QĐ-TTg về xuất bản 1.000 đầu sách về quyền con người, trong đó sách điện tử, sách bằng tiếng nước ngoài chiếm từ 15% đến 20%.

Hình thức phát hành: ưu tiên phát hành dưới dạng điện tử, số hóa, sử dụng các kênh thông tin trên mạng xã hội đa ngôn ngữ, đa kênh, hướng tới thị trường mục tiêu nhằm lan tỏa thông tin, mở rộng đối tượng tuyên truyền, đặc biệt là giới trẻ.

b) Bộ TTTT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương phát triển các chương trình bồi dưỡng trực tuyến đại chúng mở, miễn phí (Massive Open Online Course - MOOCs) về các nội dung liên quan đến quyền con người gồm các video có thời lượng từ 03 phút - 05 phút kết hợp với văn bản trình chiếu bài giảng.

c) Ủy ban nhân dân các tỉnh chủ trì xây dựng các sản phẩm truyền thông về quyền con người phù hợp với tình hình thực tế mỗi địa phương, vùng miền để đăng phát trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã, bảng tin điện tử, cụm thông tin đối ngoại, cụm thông tin cơ sở và các loại hình thông tin cơ sở khác (phóng sự phát thanh, kịch truyền thanh, tiểu phẩm, video...). Tổ chức tuyên truyền lưu động thông qua hình thức triển lãm tranh, ảnh tư liệu, tranh cổ động về quyền con người.

d) Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức đoàn thể tăng cường truyền thông về quyền con người trong các chương trình ngoại khóa, các buổi sinh hoạt Đoàn, Hội và tuần sinh hoạt giáo dục công dân, sinh hoạt chính trị đầu khóa của học sinh, sinh viên, sinh hoạt của tổ chức công đoàn, hội phụ nữ, hội người cao tuổi ở các cấp; tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu, nâng cao nhận thức về quyền con người.

đ) Bộ TTTT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng khung nội dung và tổ chức chuỗi sự kiện Triển lãm thành tựu đảm bảo quyền con người của Việt Nam ở trong và ngoài nước.

- Bộ Nội vụ (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) phối hợp lựa chọn, công bố trong và ngoài nước các tài liệu lưu trữ nhà nước phản ánh tư tưởng quyền con người của Việt Nam.

- Các bộ, ngành, địa phương chủ trì sưu tầm, chú thích, lưu trữ và chia sẻ các hình ảnh, tài liệu, số liệu phản ánh nỗ lực và thành tựu đảm bảo quyền con người của cơ quan, địa phương theo khung nội dung Triển lãm do Bộ TTTT xây dựng.

- Bộ TTTT chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an lựa chọn nội dung và hình thức tổ chức Triển lãm ở một số địa bàn ngoài nước.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ TTTT tổ chức Triển lãm thành tựu đảm bảo quyền con người ở địa phương.

5. Hợp tác quốc tế, thông tin đối ngoại về quyền con người

a) Bộ Ngoại giao chủ trì duy trì hiệu quả cơ chế đối thoại, trao đổi thông tin với các đối tác quốc tế, các cơ chế quyền con người quốc tế, tổ chức truyền thông trước, trong và sau các sự kiện đối ngoại về quyền con người phù hợp theo quy định thỏa thuận chung, các hoạt động bảo vệ báo cáo quốc gia thực thi các công ước Liên hợp quốc về quyền con người.

b) Các bộ, ngành, địa phương chủ động khai thác các nguồn hỗ trợ, tài trợ hợp pháp của nước ngoài, tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

c) Việc tổ chức Hội nghị, hội thảo có yếu tố nước ngoài về nhân quyền cần tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý hoạt động đối ngoại quy định tại Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg ngày 21/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tổ chức tại Việt Nam.

d) Các cơ quan báo chí tiếp tục hợp tác với các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài để trao đổi tin, bài thông tin về chủ trương, chính sách và thành tựu quyền con người ở Việt Nam đăng phát trên báo chí nước ngoài.

đ) Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ TTTT và các bộ, ngành, địa phương quản lý, hướng dẫn các đoàn phóng viên nước ngoài đi thực tế tại các địa phương.

6. Tổ chức các giải thưởng truyền thông về quyền con người

a) Bộ TTTT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại nghiên cứu, đưa hạng mục Giải báo chí về quyền con người vào hệ thống các Giải báo chí quốc gia, Giải thưởng Sách quốc gia, Giải thưởng Thông tin đối ngoại toàn quốc…

b) Bộ TTTT phối hợp với Bộ Công an (Văn phòng Thường trực về Nhân quyền) nghiên cứu tổ chức Giải thưởng truyền thông về quyền con người.

c) Các bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức phát động các cuộc thi viết, tìm hiểu kiến thức pháp luật, thi ảnh, nghệ thuật về quyền con người.

d) Ủy ban nhân dân các tỉnh chủ trì tổ chức các hình thức khen thưởng kịp thời động viên, khuyến khích các tác giả, tác phẩm truyền thông về quyền con người có giá trị.

7. Thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới trong các hoạt động truyền thông về quyền con người

a) Bộ TTTT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an (Văn phòng Thường trực về Nhân quyền), các bộ, ban, ngành liên quan xây dựng hệ sinh thái thông tin về quyền con người trên môi trường mạng.

b) Bộ TTTT chủ trì xây dựng, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho cơ sở dữ liệu truyền thông về quyền con người phục vụ lưu trữ, kết nối, chia sẻ, khai thác chung các sản phẩm của Đề án; hướng dẫn các bộ, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích hợp, chia sẻ, khai thác dữ liệu về quyền con người.

c) Căn cứ phân công tại mục VII, Điều 1 và mục VII, Phụ lục của Quyết định 1079/QĐ-TTg, các bộ, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh chủ trì phát triển dữ liệu, số hóa, tích hợp, chia sẻ dữ liệu truyền thông về quyền con người vào cơ sở dữ liệu dùng chung, theo hướng dẫn của Bộ TTTT; phối hợp với Bộ TTTT xây dựng hệ thống và vận hành quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ thông tin đối nội và đối ngoại.

d) Bộ Công an phối hợp với Bộ TTTT triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ số trong giám sát thông tin trên không gian mạng để kịp thời phát hiện, phân tích các luồng thông tin phục vụ công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp ứng phó; truyền thông chủ động, điều hướng thông tin, đấu tranh chống nạn tin giả, tin xấu độc xâm hại quyền con người ở Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2028, giảm thông tin sai lệch, xấu độc xâm hại quyền con người trên không gian mạng xuống còn dưới 10% tổng số thông tin về quyền con người ở Việt Nam; phát hiện, xử lý 90% tin giả, tin xấu độc xâm hại quyền con người trên không gian mạng.

8. Giám sát, đánh giá hiệu quả, sơ kết, tổng kết Quyết định 1079/QĐ-TTg

a) Các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định 1079/QĐ-TTg; giám sát, kiểm tra việc thực hiện ở cơ quan, địa phương.

b) Bộ TTTT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân dân các tỉnh tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu quả truyền thông và việc triển khai Quyết định 1079/QĐ-TTg ở trong và ngoài nước.

c) Bộ TTTT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh triển khai thực hiện Quyết định 1079/QĐ-TTg; tổ chức sơ kết bằng văn bản sau 03 năm thực hiện và tổ chức Hội nghị tổng kết sau 05 năm thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

9. Kinh phí thực hiện

a) Hằng năm, căn cứ nhiệm vụ được giao trong Chương trình, các bộ, ngành trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện, tổng hợp chung trong kế hoạch dự toán ngân sách hằng năm của bộ, ngành trung ương và địa phương trình cấp có thẩm quyền quyết định theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

b) Việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và các quy định của pháp luật liên quan.

c) Quá trình tổ chức thực hiện, các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc rà soát các nhiệm vụ, đề án truyền thông liên quan đến quyền con người hiện hành để tích hợp, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.

Đối với nhiệm vụ truyền thông về bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng (Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ TTTT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành liên quan đề xuất nhiệm vụ kinh phí tích hợp vào Đề án này để bố trí ngân sách thực hiện.

d) Trường hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng các đề án mới liên quan đến công tác truyền thông về quyền con người, đề nghị phối hợp với Bộ TTTT báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc tích hợp, tránh trùng lặp.

Trên đây là hướng dẫn của Bộ TTTT về triển khai thực hiện Quyết định 1079/QĐ-TTg. Đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương, các cơ quan báo chí phối hợp chặt chẽ, thực hiện các nhiệm vụ theo hướng dẫn và các quy định hiện hành liên quan, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ TTTT (qua đầu mối Cục Thông tin đối ngoại - Điện thoại: 024.3767.6666) để phối hợp, hướng dẫn.

Trân trọng./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Ban Tuyên giáo Trung ương (để p/h);
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm;
- Sở TTTT các tỉnh, thành phố;
- Lưu: VT, TTĐN (150b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Nguyễn Thanh Lâm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5768/BTTTT-TTĐN năm 2022 hướng dẫn thực hiện Quyết định 1079/QĐ-TTg do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 5768/BTTTT-TTĐN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 28/11/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Thanh Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản