Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UBND THÀNH PHỐ
ĐÀ NẴNG
SỞ XÂY DỰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5615/SXD-TTS
V/v liên quan đến việc kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình

Đà Nẵng, ngày 26 tháng 9 năm 2014

 

Kính gửi: Chủ Đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố

Thực hiện Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng và các văn bản khác có liên quan, thời gian qua, Sở Xây dựng đã chỉ đạo Thanh tra Sở, phòng Quản lý chất lượng xây dựng thuộc Sở thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và các nhà thầu khác.

Thông qua công tác kiểm tra, hầu hết các chủ đầu tư, các nhà thầu đã nhận thức được lợi ích của việc kiểm tra, hợp tác tốt với Đoàn kiểm tra nhằm khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế, góp phần nâng cao chất lượng công trình xây dựng, thực hiện đúng các quy định về pháp luật xây dựng.

Tuy vậy, vẫn còn một số chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế do chưa nhận thức được vai trò, ý nghĩa của việc kiểm tra, nhất là các đơn vị chưa được kiểm tra có tâm lý lo sợ, ngại tiếp xúc, trao đổi thông tin để được hướng dẫn kịp thời nên đã có một số thiếu sót trong công tác quản lý chất lượng công trình phải xử lý.

Mục đích của việc kiểm tra chủ yếu là hướng dẫn việc tuân thủ pháp luật về xây dựng, giúp cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế xác định trách nhiệm trong từng giai đoạn thực hiện dự án, hướng đến nâng cao chất lượng công trình xây dựng và tập trung vào các nội dung sau đây:

1. Trong giai đoạn khảo sát:

Kiểm tra, hướng dẫn việc lập nhiệm vụ khảo sát, phương án kỹ thuật khảo sát; việc bố trí đủ cán bộ có kinh nghiệm và chuyên môn phù hợp thực hiện khảo sát; việc thực hiện giám sát khảo sát; việc lập báo cáo kết quả khảo sát, nghiệm thu kết quả khảo sát và lưu trữ hồ sơ khảo sát theo quy định.

2. Trong giai đoạn thiết kế:

Kiểm tra, hướng dẫn việc lập nhiệm vụ thiết kế; việc bố trí đủ người có kinh nghiệm, có đủ điều kiện năng lực theo quy định để làm chủ nhiệm đồ án thiết kế, chủ trì thiết kế. Kiểm tra, hướng dẫn việc tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia được áp dụng cho công trình; sự phù hợp về thành phần, quy cách của hồ sơ thiết kế so với quy định; việc tổ chức thẩm tra, phê duyệt hồ sơ thiết kế, nghiệm thu hồ sơ thiết kế và các quy định khác có liên quan.

3. Trong giai đoạn thi công:

Kiểm tra, hướng dẫn việc lựa chọn nhà thầu đủ điều kiện năng lực theo quy định; kiểm tra việc bố trí năng lực, thiết bị của nhà thầu thi công, tư vấn giám sát so với hợp đồng xây dựng đã ký kết; việc thông báo về nhiệm vụ, quyền hạn của từng cá nhân trong hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát; việc kiểm tra biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo an toàn nhất là mùa mưa bão, kiểm tra công tác vệ sinh môi trường; việc kiểm tra vật liệu, sản phẩm xây dựng đưa vào công trường; việc lập và xác nhận bản vẽ hoàn công, việc tổ chức nghiệm thu công việc xây dựng, nghiệm thu chuyển giai đoạn và những việc khác có liên quan.

4. Giai đoạn chuẩn bị nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 15/2014/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng, trước khi tổ chức nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng, các công trình sau phải được Sở Xây dựng kiểm tra, có ý kiến:

a) Công trình Nhà máy xi măng cấp II, cấp III;

b) Nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên;

c) Nhà chung cư cấp II, cấp III;

d) Công trình công cộng cấp II, III;

e) Công trình hạ tầng kỹ thuật cấp II, cấp III ...

Nội dung kiểm tra bao gồm: Kiểm tra sự tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình trên cơ sở hồ sơ hoàn thành công trình; kiểm tra hiện trạng bộ phận công trình bằng trực quan và kiểm tra các số liệu quan trắc, đo đạc.

Vì vậy kết thúc việc kiểm tra, Thanh tra Sở sẽ ban hành Kết luận kiểm tra qua đó sẽ hệ thống hóa những việc đã làm tốt, những việc làm chưa tốt để chủ đầu tư và các nhà thầu khắc phục, bổ sung hoàn thiện hồ sơ, gửi Sở Xây dựng có ý kiến trước khi tổ chức nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng

Đây vừa trách nhiệm quản lý nhà nước của Sở Xây dựng, vừa là trách nhiệm giúp cho chủ đầu tư có được công trình xây dựng tương xứng với nguồn vốn đầu tư, bảo đảm niên hạn sử dụng của công trình, tránh lãng phí của cải xã hội; đối với nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế, giám sát nâng cao uy tín, thương hiệu để có thể tham gia đấu thầu thực hiện các dự án đầu tư xây dựng.

Sở Xây dựng mong muốn Chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn thiết kế, giám sát cần hợp tác tốt, thường xuyên trao đổi thông tin với các phòng chuyên môn thuộc Sở Xây dựng để được hướng dẫn, khắc phục kịp thời các sai sót (nếu có), góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư xây dựng, đồng thời trong quá trình kiểm tra hướng dẫn nếu phát hiện cán bộ chức năng của Sở Xây dựng gây khó khăn, nhũng nhiễu đề nghị phản ảnh trực tiếp cho lãnh đạo Sở Xây dựng ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- UBND thành phố (thay báo cáo);
- UBND các quận, huyện (để p/h);
- Lưu: VT, QLCL, QLHĐXD, TTS (Dũng).

GIÁM ĐỐC




Phạm Việt Hùng