Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
CỤC HÀNG HẢI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 559b/CHHVN-TC
V/v giải đáp một số nội dung để tổ chức thực hiện Thông tư số 01/2016/TT-BTC ngày 5/01/2016 của Bộ Tài chính

Hà Nội, ngày 17 tháng 02 năm 2016

 

Kính gửi:

- Các cảng vụ hàng hải;
- Tổng công ty BĐATHH miền Bắc, miền Nam;
- Hiệp hội hoa tiêu hàng hải Việt Nam;
- Công ty cổ phần dịch vụ và VTB Vũng Tàu;
- Công ty TNHH 1 TV Hoa tiêu hàng hải TKV;
- Công ty Hoa tiêu Tân cảng.

Căn cứ nội dung cuộc họp tập huấn, phổ biến Thông tư số 01/2016/TT-BTC ngày 05/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải được Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức ngày 22/01/2016 tại Quảng Ninh, Cục HHVN đã có văn bản số 427/CHHVN-TC ngày 29/01/2016 gửi các cảng vụ hàng hải, Tổng công ty BĐATHH miền Bắc, miền Nam và các công ty hoa tiêu đề nghị các đơn vị tiếp tục gửi câu hỏi còn chưa rõ sau cuộc họp ngày 22/01/2016 hoặc nội dung mới phát sinh cần được tiếp tục hướng dẫn để chuẩn bị tốt cho việc tổ chức thực hiện Thông tư số 01/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính bắt đầu áp dụng kể từ ngày 20/02/2016.

Sau khi nhận được các câu hỏi của một số cơ quan, đơn vị, Cục Hàng hải Việt Nam có hướng dẫn trả lời từng câu hỏi (toàn bộ câu hỏi và phần trả lời được đính kèm theo Công văn này).

Đề nghị các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh, đề nghị kịp thời phản ánh về Cục HHVN (gửi qua Phòng Tài chính), ĐT: 043.7683066, Fax: 043.7683058 để Cục HHVN xem xét trả lời hoặc tổng hợp báo cáo Bộ GTVT, Bộ Tài chính trả lời các cơ quan, đơn vị.

Cục Hàng hải Việt Nam trân trọng thông báo./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục trưởng (để b/c);
- Cổng TTĐT-Cục HHVN (đăng website);
- Phòng PC, Cục HHVN;
- Lưu: VT, TC (02b).

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Đỗ Đức Tiến

 

Cục Hàng hải Việt Nam

Trả lời các câu hỏi về TT 01

 

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG ĐỂ TỔ CHỨC THỰC HIỆN THÔNG TƯ SỐ 01/2016/TT-BTC

(Kèm theo Công văn số 559b/CHHVN-TC ngày 17 tháng 2 năm 2016)

1. Đối với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 và điểm c khoản 1 Điều 14, tàu thuyền hoạt động vận tải trên các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo thu phí tại một đầu bến hay thu phí cả hai đầu bến (tại mỗi đầu bến đều giải quyết thủ tục cấp phép cho tàu. Về tính chất hoạt động tàu chạy trong 1 vùng nước cảng biển nhưng di chuyển từ khu vực hàng hải này sang khu vực hàng hải khác).

Giả thiết tàu đi từ A đến B và di chuyển ngược lại từ B đến A (A, B là các đầu bến làm thủ tục cấp phép của cảng vụ hàng hải X; A, B thuộc 2 khu vực hàng hải trong vùng trách nhiệm của cảng vụ hàng hải X).

Như vậy tại A, B cảng vụ hàng hải X đều thực hiện thủ tục hành chính cấp phép cho tàu vào, rời cảng biển. Phí trọng tải thu theo mức 500 đồng/GT/lần cập cảng; phí bảo đảm hàng hải thu theo mức 550 đồng/GT/lần cập cảng. Việc tổ chức thực hiện thu phí như sau:

Tại A: cấp phép cho tàu rời cảng để chạy đến B. Tại A thu Phí trọng tải thu theo mức 500 đồng/GT/lần cập cảng; phí bảo đảm hàng hải thu theo mức 550 đồng/GT/lần cập cảng (một lần cập cảng bao gồm 1 lượt vào và một lượt rời).

Tại B: cấp phép cho tàu rời cảng để quay về A, thu phí trọng tải thu theo mức 500 đồng/GT/lần cập cảng; phí bảo đảm hàng hải thu theo mức 550 đồng/GT/lần cập cảng (một lần cập cảng bao gồm 1 lượt vào và một lượt rời).

Trường hợp tàu đóng mới đưa xuống nước lần đầu xuất phát tại điểm A (không có lượt vào) thì tại A chỉ thu 1 lượt rời (tương đương 1/2 lần).

Đối với lệ phí ra, vào cảng biển thì cứ 1 lượt cấp phép thu đúng theo mức thu tại Thông tư số 01, đầu bến nào cấp phép thì thu lệ phí.

Trường hợp A, B thuộc 1 khu vực hàng hải của cảng vụ hàng hải X thì thu 1 lần tại 1 đầu bến ở trong bờ (phí trọng tải, phí bảo đảm hàng hải và lệ phí vào rời cảng biển).

2. Thời hạn cho chủ tàu, đại lý thiếu nợ phí tối đa bao nhiêu ngày?

Do tính chất đặc thù của hoạt động vận tải biển, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 6476/BTC-HCSN ngày 15/05/2012 hướng dẫn thực hiện. Văn bản này đã được Cục sao gửi và hướng dẫn tại Công văn số 1373/CHHVN-KHTC ngày 30/05/2012 gửi các cảng vụ hàng hải để thống nhất thực hiện.

Tất cả các trường hợp chậm nộp phí, lệ phí hàng hải, các cảng vụ hàng hải yêu cầu đại lý hàng hải có cam kết, ký quỹ bằng hình thức phù hợp để đảm bảo thu hồi công nợ tối đa sau 5 này kể từ ngày tàu thuyền được cấp phép rời khu vực hàng hải.

3. Trường hợp cung cấp dịch vụ hoa tiêu hàng hải tuyến quốc tế dẫn tàu đóng mới chạy thử. Theo Thông tư 01/2016/TT-BTC, mức thu phí hoa tiêu dẫn tàu để thử máy, chạy thử bằng 110% hay 70% mức thu quy định tại khoản 1 Điều 9?

Đối với tàu thuyền chạy thử quy định tại điểm o khoản 2 Điều 9 chỉ áp dụng trong trường hợp tàu thuyền vào, rời khu vực hàng hải để sửa chữa, phá dỡ hoặc chạy thử sau khi đóng mới, sửa chữa theo quy định của cơ quan đăng kiểm (mức thu bằng 70% mức thu quy định) do trường hợp này tàu thuyền không kinh doanh sinh lợi và nhằm tạo điều kiện giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Tất cả các trường hợp chạy thử khác thu theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9, mức thu bằng 110% mức thu quy định.

4. Thu phí hoa tiêu trường hợp tàu thuyền hoạt động hàng hải quốc tế có hành trình thử máy móc thiết bị, hiệu chỉnh la bàn từ điểm A đến điểm C cự ly x (hải lý), trong quá trình dẫn tàu từ A đến C đi qua điểm B, tại điểm B tàu thuyền bị sự cố kỹ thuật không tự vận hành được.

Giả thiết cự ly dẫn tàu hoa tiêu từ A đến B là y (hải lý); từ B đến C là z (hải lý).

Từ A đến B thu theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 (thu bằng 110% mức thu quy định) tương ứng với cự ly y (hải lý).

Từ B đến C thu theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 9 (thu bằng 150% mức thu quy định) tương ứng với cự ly z (hải lý).

Số tiền phí hoa tiêu thu trường hợp này bằng tổng 2 khoản thu phí hoa tiêu theo cách tính nêu trên.

5. Thu phí hoa tiêu trong trường hợp tàu thuyền hoạt động hàng hải quốc tế yêu cầu hoa tiêu đột xuất để thử máy móc thiết bị, hiệu chỉnh la bàn.

Trường hợp này áp dụng đồng thời cả điểm b và điểm d khoản 2 Điều 9, thu bằng 120% mức thu quy định tại khoản 1 Điều 9 (điểm b thu tăng 10%; điểm d thu tăng 10%).

6. Cách xác định làm tròn lên hay tròn xuống để tính phí để quy đổi dung tích tính phí của tàu thuyền nếu chưa đủ 1 GT.

Quy đổi dung tích tính phí theo hướng dẫn tại khoản c) điểm 1 Điều 6 Thông tư số 01 theo quy tắc làm tròn, dưới 0,5 GT làm tròn xuống; từ 0,5 GT đến dưới 1 GT quy đổi thành 01 GT (lưu ý chỉ làm tròn sau khi quy đổi, không làm tròn trước khi quy đổi).

Ví dụ:

- Phương tiện thủy nội địa tự hành 200 Tấn trọng tải quy đổi: 200 Tấn/1,5 = 133,3 làm tròn thành 133 GT để tính phí.

- Tàu kéo ghi 275 CV quy đổi: 275 CV x 0,5 = 137,5 làm tròn thành 138 GT để tính phí.

- Tàu chở khách 150 ghế ngồi quy đổi: 150 ghế x 0,67 GT/ghế = 100,5 làm tròn thành 101 GT để tính phí.

7. Áp dụng mức thu đối với tàu thi công công trình Tại khoản 10 Điều 6 Thông tư số 01.

Trường hợp tàu thuyền thi công công trình, các cảng vụ hàng hải phải chỉ định khu neo đậu cho tàu trong thời gian nghỉ không thi công bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, phòng chống cháy, nổ đồng thời giám sát chặt chẽ việc cho tàu neo đậu đúng vị trí được cảng vụ chỉ định. Nếu khu vực tàu công trình thi công và khu neo đậu thuộc 1 khu vực hàng hải của cảng vụ thì không thực hiện thủ tục vào, rời khu vực hàng hải và không thu phí. Trường hợp khu vực tàu công trình thi công và khu neo đậu thuộc 2 khu vực hàng hải khác nhau của cảng vụ thì làm thủ tục vào, rời theo quy định và thực hiện thu phí, lệ phí.

Tàu thi công công trình và tàu thuyền nạo vét luồng của Việt Nam hoạt động tại khu vực hàng hải do cảng vụ quản lý áp dụng thu phí theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3-Biểu phí, lệ phí hoạt động hàng hải nội địa.

8. Cách tính phí trọng tải, phí bảo đảm hàng hải đối với tàu khách dung tích 52.000 GT hoạt động hàng hải quốc tế vào khu vực cảng biển I.

Tại điểm b khoản 1 Điều 6 quy định dung tích tính phí của tàu chở khách bằng 50% GT lớn nhất, như vậy dung tích cơ sở để tính phí của tàu này là 26.000 GT.

Do dung tích toàn phần của tàu chở khách là 52.000 GT nên tiếp tục được giảm phí theo quy định tại gạch đầu dòng thứ 4, điểm c khoản 2 Điều 7 và gạch đầu dòng thứ 4, điểm c khoản 2 Điều 8, cụ thể như sau:

Phí trọng tải: 26.000 GT x 0,034 USD/lượt x 40% x 2 lượt = 707,2 USD

Phí bảo đảm hàng hải: 26.000 GT x 0,1 USD/lượt x 30% x 2 lượt = 1.560 USD

9. Đối tượng được thu phí sử dụng cầu bến phao neo đối với tàu cập mạn làm hàng?

Trả lời:

Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 01 quy định "Các doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng biển, khu nước, vùng nước và doanh nghiệp quản lý luồng hàng hải do doanh nghiệp tự đầu tư được thu các loại phí hàng hải quy định tại Thông tư này". Như vậy, doanh nghiệp chỉ được thu các loại phí để bù đắp chi phí đầu tư của doanh nghiệp đã trực tiếp bỏ ra.

Trường hợp khu vực neo đậu chuyển tải do doanh nghiệp tự đầu tư và đã được cơ quan có thẩm quyền công bố, doanh nghiệp được thu các loại phí neo đậu tại khu nước, vùng nước, phí tàu cặp mạn của các tàu neo đậu, chuyển tải tại khu vực này.

Phí neo đậu tại khu nước, vùng nước thuộc khu vực hàng hải do cảng vụ hàng hải quản lý (trừ các điểm neo đậu do doanh nghiệp đầu tư) đối với hàng hóa quy định tại khoản 2 Điều 10 biểu phí hoạt động hàng hải quốc tế mức thu 0,07 USD/tấn, phí tàu cập mạn 0,0015 USD/GT-giờ thu của các tàu nhỏ cập mạn tàu lớn nhận, trả hàng hóa để vận chuyển đến khu vực hàng hải khác, phí neo đậu đối với tàu lớn sẽ do cảng vụ hàng hải thu.

10. Doanh nghiệp đầu tư, quản lý, khai thác luồng hàng hải chuyên dùng thì phần trích lại đóng góp cho công tác BĐATHH chung của quốc gia theo Quyết định 65/2006/QĐ-BTC là 30% này là trước thuế VAT hay sau thuế VAT. Trường hợp doanh nghiệp ủy thác cho cảng vụ thu thì phải giao hóa đơn cho cảng vụ hay vẫn sử dụng biên lai thu phí của cảng vụ hàng hải?

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 01/2016/TT-BTC đã quy định "Các mức thu phí hàng hải ban hành kèm theo Thông tư này do các doanh nghiệp thu đã bao gồm thuế giá trị gia tăng". Như vậy mức thu phí bảo đảm hàng hải ban hành kèm theo Thông tư số 01/2016/TT-BTC đã bao gồm thuế VAT, phần trích lại cho công tác bảo đảm ATHH chung của quốc gia là 30% trên tổng số thu phí bảo đảm hàng hải trên cơ sở mức thu phí BĐHH tại Thông tư số 01/2016/TT-BTC.

Trường hợp doanh nghiệp ủy thác thu phí BĐHH cho cảng vụ thì cảng vụ sử dụng biên lai thu phí, lệ phí để thực hiện thu.

11. Trường hợp tàu thuyền vào khu vực hàng hải 4 chuyến trong đó 3 chuyến trong tháng và chuyến thứ 4 đến khu vực hàng hải ngày 31 và rời khu vực hàng hải ngày 1 tháng sau thì có được coi là tàu thuyền vào, rời 1 khu vực hàng hải 4 chuyến/1 tháng hay không?

Khái niệm chuyến được quy định tại khoản 15 Điều 2 Thông tư số 01/2016/TT-BTC, cụ thể bao gồm 01 lượt vào và 01 lượt rời khu vực hàng hải.

Quy định giảm phí cho tàu nhiều hơn 3 chuyến/1 tàu/1 tháng áp dụng tại biểu phí hàng hải quốc tế không áp dụng cho tàu chở khách và tháng ở đây được hiểu là tháng dương lịch. Ví dụ tháng 3 có 31 ngày sẽ tính từ 0h00’ ngày 01/03 đến 24h00' ngày 31/03.

Trường hợp tàu đến khu vực hàng hải trong tháng 3 có chuyến thứ 4 đến vào ngày 31/03 và rời khu vực hàng hải ngày 01/04 sẽ không được coi là 1 chuyến trong tháng 3 hoặc tháng 4 (do không đủ lượt 01 lượt vào và 01 lượt rời trong tháng 3 hoặc tháng 4). Trong câu hỏi nêu trên thì tính phí của tàu trong tháng sẽ không được áp dụng quy định giảm phí cho tàu nhiều hơn 3 chuyến/1 tàu/1 tháng.

12. Trường hợp tàu thuyền Việt Nam chở khách quốc tịch nước ngoài thì tính theo biểu phí hoạt động hàng hải quốc tế hay biểu phí hoạt động hàng hải nội địa?

a) Trường hợp tàu thuyền Việt Nam chở khách (quốc tịch Việt Nam hoặc nước ngoài) di chuyển giữa các khu vực hàng hải nội địa của Việt Nam: thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư số 01/2016/TT-BTC, áp dụng biểu phí, lệ phí hàng hải nội địa.

b) Trường hợp tàu thuyền Việt Nam chở khách (quốc tịch Việt Nam hoặc nước ngoài) di chuyển từ khu vực hàng hải nội địa của Việt Nam đi nước ngoài hoặc ngược lại: thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 Thông tư số 01/2016/TT-BTC, áp dụng biểu phí, lệ phí hàng hải quốc tế.

13. Tại điểm d khoản 1 Điều 13, khái niệm ngày thực tế hoạt động? trường hợp tàu lên đà sửa chữa có được coi là ngày không hoạt động để không thu phí trọng tải hay không?

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 chỉ quy định thu đối với tàu thuyền cung ứng dịch vụ lai dắt, cung ứng nhiên liệu, thực phẩm trong một khu vực hàng hải. Việc thu áp dụng cho ngày tàu thực tế hoạt động mức thu 100 đồng/GT/ngày thực tế hoạt động. Như vậy tàu thuyền khi thực hiện hoạt động lai dắt, cung ứng nhiên liệu, thực phẩm trong một khu vực hàng hải là đối tượng thu phí (VD: tàu lai dắt có thể hoạt động cung ứng dịch vụ lai dắt hoặc cung ứng dịch vụ nhiên liệu vẫn là đối tượng thu, trường hợp tàu lai dắt vận chuyển hàng hóa thì không là đối tượng thu theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13); các trường hợp tàu thuyền cung ứng dịch vụ khác ngoài 3 dịch vụ lai dắt, cung ứng nhiên liệu, thực phẩm hoạt động trong một khu vực hàng hải thì không thu phí (VD: tàu thi công công trình hoạt động trong cùng 1 khu vực hàng hải không được thu phí).

Ngày hoạt động đối với tàu lai là ngày có hoạt động dịch vụ lai dắt, ngày hoạt động đối với tàu cung ứng nhiên liệu, thực phẩm là ngày có hoạt động dịch vụ cung ứng nhiên liệu, thực phẩm.

Thời gian tàu lên đà sửa chữa là thời gian tàu không hoạt động, cảng vụ căn cứ hồ sơ, tài liệu chứng minh do chủ tàu gửi xác nhận và lưu hồ sơ để không thu phí trọng tải trong thời gian này.

14. Văn bản số 2230/CHHVN-KHTC ngày 16/08/2012 của Cục HHVN hướng dẫn thực hiện thu phí, lệ phí hàng hải còn hiệu lực hay không?

Tại Thông tư số 01/2016/TT-BTC đã bãi bỏ quy định giảm phí đối với tổ chức, cá nhân có tàu thủy vào, rời cảng trong cùng một khu vực hàng hải nhiều hơn 8 chuyến/tháng thì được giảm phí từ chuyến thứ 9 trở đi trong tháng. Quy định mới chỉ áp dụng cho tàu thuyền (trừ tàu thuyền chở khách) vào rời khu vực hàng hải nhiều hơn 3 chuyến/1 tàu/1 tháng được giảm phí từ chuyến thứ 4 trở đi của tàu này trong tháng. Như vậy, Văn bản số 2230/CHHVN-KHTC ngày 16/08/2012 của Cục HHVN hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư 01/2016/TT-BTC có hiệu lực thi hành.

15. Việc thu phí neo đậu đối với các tàu chứa dầu thô đã được công bố vừa được dùng để chứa dầu thô vừa được dùng để làm bến cập lấy dầu cho các tàu dầu thô.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 01/2016/TT-BTC, các tàu chứa dầu nêu trên thuộc phạm vi khái niệm tàu thuyền quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-BTC.

- Trường hợp được cơ quan có thẩm quyền công bố khu neo đậu cho các tàu chứa dầu tập kết làm hàng thì tàu chứa dầu và tàu thuyền đến nhận trả hàng tại tàu chứa dầu phải nộp phí neo đậu, phí trọng tải, phí bảo đảm hàng hải, lệ phí vào, rời cảng biển theo quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-BTC.

- Trường hợp tàu chứa dầu sử dụng làm kho nổi tại cảng dầu khí ngoài khơi đã được cơ quan có thẩm quyền công bố mở cảng dầu khí ngoài khơi thì không thu phí neo đậu đối với tàu chứa dầu và tàu thuyền đến nhận trả hàng tại cảng dầu khí ngoài khơi, cảng vụ chỉ thu phí trọng tải, phí bảo đảm hàng hải và lệ phí vào, rời cảng biển của tàu thuyền đến nhận trả hàng tại cảng dầu khí ngoài khơi. Khi tàu chứa dầu phải di chuyển sang khu vực hàng hải khác để sửa chữa, bảo dưỡng thì tàu chứa dầu/kho nổi vẫn phải làm thủ tục vào, rời cảng biển và phải chịu các loại phí, lệ phí như đối với tàu thuyền khi vào, rời khu vực hàng hải.

16. Việc áp dụng biểu mức thu đối với các tàu thuyền mang quốc tịch nước ngoài nhưng hoạt động tuyến nội địa?

a) Trường hợp tàu thuyền hoạt động giữa các khu vực hàng hải nội địa của Việt Nam và nhận, trả hàng nội địa tại các khu vực hàng hải của Việt Nam:

- Tàu thuyền có Giấy phép hoạt động nội địa tại Việt Nam: thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Thông tư số 01/2016/TT-BTC, không phân biệt quốc tịch của tàu. Biểu phí áp dụng là biểu phí, lệ phí hoạt động hàng hải nội địa.

- Tàu thuyền không có Giấy phép hoạt động nội địa tại Việt Nam: áp dụng biểu phí, lệ phí hoạt động hàng hải quốc tế (Ví dụ: Tàu A không có Giấy phép hoạt động nội địa mang quốc tịch Singapore chạy từ Singapore đến TP. HCM dỡ hết hàng sau đó chạy rỗng tới Cảng Đà Nẵng thì lượt rời từ TP. HCM đi Đà Nẵng tính theo biểu phí, lệ phí hàng hải quốc tế).

b) Trường hợp tàu thuyền hoạt động giữa các khu vực hàng hải nội địa của Việt Nam và nhận, trả hàng xuất khẩu, nhập khẩu, trung chuyển, quá cảnh tại các khu vực hàng hải của Việt Nam: thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư số 01/2016/TT-BTC, không phân biệt quốc tịch của tàu và khoản 8 Điều 6 của Thông tư này, biểu phí áp dụng là biểu phí, lệ phí hoạt động hàng hải quốc tế.

(Cục HHVN đã có văn bản số 71/CHHVN-TC ngày 15/01/2009 hướng dẫn cụ thể trường hợp này, đề nghị các đơn vị nghiên cứu, thực hiện).

17. Tàu thuyền chuyên dùng phục vụ dầu khí mỗi chu trình di chuyển khép kín từ cảng biển Vũng Tàu đến khu vực thăm dò dầu khí ngoài khơi tỉnh Bình Thuận và ngược lại tỉnh là 1 chuyến thì áp dụng mức thu phí trọng tải: 450 đồng/GT/lượt và phí bảo đảm hàng hải 950 đ/GT/lượt có đúng không? Tàu nước ngoài chuyên dùng phục vụ dầu khí hoạt động theo chu trình trên cũng áp dụng thu phí bảo đảm hàng hải theo mức thu trên?

Tàu thuyền chuyên dùng phục vụ dầu khí mỗi lượt di chuyển từ một khu vực hàng hải đến khu vực dầu khí ngoài khơi (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hoặc tỉnh Bình Thuận hoặc tỉnh khác) và ngược lại áp dụng mức thu 450 đồng/GT/lượt phí trọng tải và 950 đồng/GT/lượt phí bảo đảm hàng hải. Cảng vụ hàng hải làm thủ tục cho tàu thuyền chuyên dùng trong khu vực hàng hải thuộc trách nhiệm của cảng vụ sẽ thực hiện thủ tục cấp phép cho tàu và thu phí.

18. Điểm c khoản 1 Điều 9 phí hoa tiêu hoạt động hàng hải quốc tế quy định thu tàu thuyền vào, rời, di chuyển trong khu vực cảng dầu khí ngoài khơi hoặc di chuyển giữa các cảng dầu khí có sử dụng hoa tiêu phải nộp phí hoa tiêu như sau:

- Vào: 0,03 USD/GT;

- Rời: 0,03 USD/GT.

Trường hợp tiền phí hoa tiêu của tàu được dẫn là tàu dung tích nhỏ không đủ mức thu tối thiểu 300 USD quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 9 thì có được thu bằng 300 USD hay không?

Phần lớn các tàu thuyền hoạt động tuyến quốc tế quy định tại điểm này là tàu phục vụ dầu khí có dung tích lớn. Số thu phí hoa tiêu dưới 300 USD/1 tàu chiếm tỷ trọng nhỏ, mức thu tối thiểu 300 USD/1 lượt dẫn tàu không được Bộ Tài chính quy định trong trường hợp này, vì vậy không áp dụng mức thu tối thiểu 300 USD quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 9 Thông tư số 01 khi thực hiện dẫn tàu thuyền vào, rời, di chuyển trong khu vực cảng dầu khí ngoài khơi hoặc di chuyển giữa các cảng dầu khí.

19. Cách tính phí hoa tiêu trường hợp tàu chở khách dung tích 52.000 GT đủ điều kiện áp dụng cả điểm i và điểm k khoản 2 Điều 9, cự ly hoa tiêu dẫn 24 hải lý.

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 quy định dung tích tính phí của tàu chở khách bằng 50% GT lớn nhất, như vậy dung tích cơ sở để tính phí của tàu này là 26.000 GT.

Mức thu theo quy định chung:

10 HL đầu tiên: 26.000 GT x 0,0034 USD/GT x 10 HL = 884 USD.

14 HL tiếp theo: 26.000 GT x 0,0022 USD/GT x 14 HL = 800,8 USD.

Tổng phí hoa tiêu chưa giảm phí là: 1.684,8 USD.

- Áp giảm phí theo điểm i) khoản 2 Điều 9 cho tàu thuyền vào, rời khu vực hàng hải tối thiểu 4 chuyến/1 tháng/1 khu vực hàng hải:

Phí hoa tiêu 1 chuyến của tàu này: 50% x 1.684,8 USD = 842,4 USD (i)

- Áp giảm phí theo điểm k) khoản 2 Điều 9 cho tàu thuyền có dung tích toàn phần từ 50.000 GT trở lên:

Phí hoa tiêu 1 chuyến của tàu này: 40% x 1.684,8 USD = 673,92 USD (ii).

Theo quy định tại khoản 9 Điều 6 Thông tư số 01/2016/TT-BTC, doanh nghiệp được chọn mức nộp phí hoa tiêu thấp nhất giữa (i) và (ii) là 673,92 USD/1 lượt.

20. Việc áp dụng mức phí thu đối với tàu thuyền chuyên dùng hoạt động trên tuyến quốc tế vào, rời, đi qua hoặc neo đậu tại khu vực hàng hải.

- Khái niệm Tàu thuyền chuyên dùng được quy định tại khoản 10 Điều 2 Thông tư số 01/2016/TT-BTC.

- Quy định này áp dụng cho tàu thuyền chuyên dùng hành trình trên tuyến quốc tế (không kể quốc tịch tàu nước ngoài hay Việt Nam) ghé vào khu vực hàng hải của Việt Nam để nhận, trả hàng hóa, gom hàng hoặc thực hiện các hoạt động thăm dò, nghiên cứu...sau đó vào, rời hoặc đi qua, neo đậu tại khu vực hàng hải.

Như vậy tàu thuyền chuyên dùng quốc tịch nước ngoài (ví dụ tàu khai thác dầu khí) đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động hàng hải nội địa từ cảng A đến cảng B (A, B thuộc khu vực hàng hải nội địa Việt Nam) sẽ không áp dụng quy định này mà áp dụng theo Biểu phí, lệ phí hàng hải nội địa.

21. Việc thực hiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 8 và điểm d khoản 3 Điều 14 của Thông tư số 01/2016/TT-BTC về thu phí bảo đảm hàng hải?

Ví dụ tàu A đang làm hàng tại bến cảng X thuộc khu vực hàng hải I thì gặp bão khẩn cấp phải đi tránh bão được cảng vụ cấp phép rời đi bến cảng Y thuộc khu vực hàng hải II.

Tại bến cảng X: thu phí BĐHH lượt vào của tàu A, không thu phí BĐHH lượt rời của tàu A chạy đến bến cảng Y.

Tại bến cảng Y: không thu phí BĐHH lượt vào của tàu A và không thu phí BĐHH lượt rời của tàu A sau khi tránh xong cơn bão.

Tại bến cảng X: trường hợp tàu A quay lại làm hàng từ bến cảng Y sau khi tránh bão, sẽ thu phí BĐHH lượt vào và lượt rời của tàu A.

22. Quy định tại điểm c khoản 2 các Điều 7, 8, 13, 14 về giảm phí cho tàu thuyền chở khách không rõ là sẽ áp dụng thực hiện từ chuyến vượt qua mức quy định tối thiểu hay áp dụng giảm cho tất cả các chuyến tàu đã thu phí trước đó

Quy định tại điểm điểm c khoản 2 các Điều 7, 8, 13, 14 về giảm phí cho tàu thuyền chở khách quy định giảm phí cho các tàu thuyền chở khách của tổ chức, cá nhân trong tháng đó.

Ví dụ DN A có 3 tàu chở khách hoạt động hàng hải quốc tế là A, B, C dung tích 20.000 GT, 30.000 GT và 40.000 GT.

Tàu A: đến khu vực hàng hải X: 1 chuyến/tháng 3 năm 2016;

Tàu B: đến khu vực hàng hải X: 1 chuyến/tháng 3 năm 2016;

Tàu C: đến khu vực hàng hải X: 2 chuyến/ tháng 3 năm 2016.

Như vậy tổng số tàu chở khách của DN A đến khu vực hàng hải X là 4 chuyến/tháng sẽ thu phí trọng tải tháng 3 như sau:

- Dung tích cơ sở tính phí của các tàu A, B, C quy đổi bằng 50% GT toàn phần lần lượt là 10.000 GT, 15.000 GT và 20.000 GT.

- Phí trọng tải theo quy định tại khoản 1 Điều 7 là:

+ Tàu A: 0,034 USD/GT x 10.000 GT x 2 lượt = 680 USD;

+ Tàu B: 0,034 USD/GT x 15.000 GT x 2 lượt = 1.020 USD;

+ Tàu C: 0,034 USD/GT x 20.000 GT x 4 lượt = 2.720 USD;

Tổng phí trọng tải chưa giảm là 4.420 USD.

- Phí trọng tải DN A phải trả trong tháng 3/2016 sau khi được giảm 50% tại điểm c, khoản 2 Điều 72.210 USD.

Đối với các doanh nghiệp có tàu chở khách vào, rời khu vực hàng hải nhiều lần trong tháng, cảng vụ đề nghị doanh nghiệp cung cấp kế hoạch khai thác tàu tại khu vực hàng hải trong đó có lịch trình dự kiến tàu đến, tên tàu đến để phục vụ cho việc tính giảm phí theo ưu đãi của Nhà nước. Trường hợp doanh nghiệp có tàu khách vào khu vực hàng hải đột xuất, cảng vụ đã thu các tàu A, B theo ví dụ trên là 680 USD và 1.020 USD thì khi thanh toán tàu C (Doanh nghiệp cung cấp hồ sơ, tài liệu chứng minh việc sở hữu hợp pháp các tàu A, B, C), cảng vụ thu số tiền còn lại là 2.210 USD-680 USD-1.020 USD = 510 USD. Trường hợp đã thu quá số tiền phí, cảng vụ khấu trừ vào tiền phí tháng tiếp theo của doanh nghiệp này hoặc làm thủ tục thoái thu với Cục thuế để hoàn lại doanh nghiệp.

23. Trường hợp tàu thuyền rời cảng vào ngày lễ hoặc ngày nghỉ cuối tuần, chủ tàu hoặc đại lý chuyển tiền trước vào tài khoản của cảng vụ, tỷ giá giao dịch của thời điểm chuyển tiền có thể khác với thời điểm tàu xin rời cảng nên sẽ xảy ra chênh lệch về phí, lệ phí phải nộp cho nhà nước.

Thông tư số 01/2016/TT-BTC quy định: “Trường hợp khi nộp phí, lệ phí hàng hải chuyển đổi từ đồng Đô la Mỹ sang Đồng tiền Việt Nam thì quy đổi theo tỷ giá giao dịch mua chuyển khoản do Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam công bố tại thời điểm nộp phí, lệ phí”.

Trường hợp này chủ tàu, đại lý đã chuyển tiền trước cho cảng vụ trước khi tàu rời cảng (tuy nhiên do cảng vụ chưa lập biên lai thu phí nên chưa xác định được chính xác số phí, lệ phí phải nộp của tàu), như vậy khi tàu được cảng vụ làm thủ tục cấp phép rời cảng đồng thời lập biên lai tính phí, việc quy đổi tiền USD sang VNĐ sẽ tính tại thời điểm cảng vụ lên biên lai tính phí, lệ phí hàng hải và khấu trừ thanh toán vào số tiền chủ tàu, đại lý đã chuyển cho cảng vụ trước đó.

24. Tàu thuyền chở khách, tàu chở hàng lỏng tính phí dưa trên cơ sở dung tích toàn phần của tàu (GT) hay phụ thuộc vào hàng hóa chuyên chở trên tàu? Ví dụ tàu chở khách theo thiết kế nhưng chở hàng hóa thông thường?

- Tàu thuyền chở khách áp dụng tính dung tích cơ sở để tính phí theo điểm b khoản 1 Điều 6 căn cứ vào tính chất hàng hóa là hành khách được chuyên chở trên tàu. Trường hợp tàu thuyền được thiết kế chở khách nhưng thực tế chở hàng hóa, căn cứ theo dung tích toàn phần GT lớn nhất của tàu thuyền để tính phí.

- Tàu chở hàng lỏng áp dụng tính dung tích cơ sở để tính phí theo điểm a khoản 1 Điều 6 căn cứ vào thiết kế của tàu do đặc trưng của tàu chở hàng lỏng là có các vách ngăn, khoảng trống vì vậy tính bằng 85% dung tích toàn phần GT lớn nhất.

25. Tàu chở cần cẩu được sà lan kéo hoặc tàu kéo kéo đi thì có được tính phí như đoàn sà lan đẩy hoặc tàu kéo hay không?

Cách xác định dung tích tính phí trường hợp này như sau:

- Tàu chở cần cẩu xác định dung tích tính phí như đối với tàu thuyền thông thường (a GT).

- Sà lan hoặc tàu kéo quy đổi GT tính phí theo điểm c khoản 1 Điều 6, trong đó chọn phương thức quy đổi có dung tích GT lớn nhất (b GT).

Dung tích tính phí bằng: (a + b) GT.

26. Tàu thuyền mang quốc tịch nước ngoài hoạt động trên các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo có được áp dụng tính phí theo biểu phí, lệ phí hàng hải nội địa hay không?

Tàu thuyền mang quốc tịch nước ngoài hoạt động hàng hải nội địa tại Việt Nam phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Cảng vụ kiểm tra việc cho phép này và trường hợp tàu thuyền được phép hoạt động hàng hải nội địa trên tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo thì được áp dụng tính phí theo biểu phí, lệ phí hàng hải nội địa.

27. Tàu đang hành trình gặp tai nạn và phải neo lại tại khu vực hàng hải được phép neo đậu hoặc không được phép neo đậu thì có tính phí neo đậu tại khu nước, vùng nước hay không?

Trường hợp tàu gặp tai nạn phải neo lại tại khu vực không được phép neo đậu thì chủ tàu phải nhanh chóng có biện pháp lai kéo tàu thuyền vào trong khu vực hàng hải được phép neo đậu theo chỉ định của cảng vụ, đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, tránh đâm va hoặc nguy cơ tai nạn hàng hải đối với tàu thuyền khác có thể xảy ra. Cảng vụ hàng hải khu vực phải kiểm tra và hướng dẫn kịp thời đối với chủ tàu thuyền.

Việc không thu phí neo đậu tại vũng vịnh đối với một số trường hợp đã được quy định cụ thể tại điểm i khoản 1 Điều 10 và khoản 6 Điều 16 của Thông tư số 01, các trường hợp còn lại, tàu thuyền neo đậu tại khu vực hàng hải do cảng vụ hàng hải quản lý phải có trách nhiệm nộp phí cho Nhà nước.

28. Thu phí tàu thuyền vào khu neo đậu phục vụ dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải, khu neo đậu tránh trú bão theo hình thức tận thu sản phẩm bù chi phí không sử dụng NSNN

Theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư số 01/2016/TT-BTC quy định "Các doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng biển, khu nước, vùng nước và doanh nghiệp quản lý luồng hàng hải do doanh nghiệp tự đầu tư được thu các loại phí hàng hải quy định tại Thông tư này". Như vậy, doanh nghiệp chỉ được thu các loại phí để bù đắp chi phí đầu tư của doanh nghiệp đã trực tiếp bỏ ra.

Việc các doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải, khu neo đậu tránh trú bão theo hình thức tận thu sản phẩm bù chi phí không sử dụng NSNN đã có nguồn bù đắp chi phí đầu tư thu từ sản phẩm nạo vét được tận thu. Điều này khác với việc doanh nghiệp tự bỏ chi phí đầu tư khu neo đậu làm hàng cho tàu chuyển tải. Tại Thông báo số 971/TB-BGTVT ngày 17/11/2015 và Công văn số 5225/CHHVN-TC ngày 21/12/2015 của Cục HHVN, trong đó giao cảng vụ hàng hải thu phí đối với tàu thuyền vào khu neo đậu phục vụ dự án được cơ quan có thẩm quyền công bố là phù hợp với quy định hiện hành. Yêu cầu các cảng vụ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ GTVT và Cục HHVN thông báo, giải thích kịp thời cho doanh nghiệp dự án và thực hiện quản lý sử dụng số thu phí, lệ phí thu của tàu thuyền vào khu neo đậu phục vụ dự án các đơn vị thực hiện theo Quyết định số 21/2007/QĐ-BTC ngày 29/03/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 559b/CHHVN-TC năm 2016 về giải đáp nội dung để tổ chức thực hiện Thông tư 01/2016/TT-BTC do Cục Hàng hải Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 559b/CHHVN-TC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 17/02/2016
  • Nơi ban hành: Cục Hàng hải Việt Nam
  • Người ký: Đỗ Đức Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/02/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản