Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5529/TCHQ-TXNK
V/v xử lý thuế đối với nguyên liệu bị hỏa hoạn

Hà Nội, ngày 22 tháng 08 năm 2017

 

Kính gửi: Cục Hải quan TP. Hải Phòng.

Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 9094/HQHP-TXNK ngày 24/7/2017 của Cục Hải quan TP. Hải Phòng đề nghị hướng dẫn giải quyết vướng mắc trong việc xử lý thuế đối với trường hợp nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu bị hỏa hoạn. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Về vướng mắc nêu tại điểm 2.1 công văn số 9094/HQHP-TXNK

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 156 Luật Ban hành văn bản số 80/2015/QH13 thì: “Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó”.

Căn cứ quy định tại Điều 14 Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ, Điều 111 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì “Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đang trong quá trình giám sát của cơ quan Hải quan nếu bị hư hỏng, mất mát được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định, chứng nhận thì được xét giảm thuế tương ứng với tỷ lệ tổn thất thực tế của hàng hóa. Cơ quan Hải quan căn cứ vào số lượng hàng hóa bị mất mát và tỷ lệ tổn thất thực tế của hàng hóa đã được giám định, chứng nhận để xét giảm thuế”.

Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 107 Thông tư số 38/2015/TT-BTC thì “Nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu theo hợp đồng gia công, sản xuất xuất khẩu bị thiệt hại toàn bộ, không còn giá trị sử dụng do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ gây ra được miễn thuế nhập khẩu, không thu thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu (trừ trường hợp doanh nghiệp bị thiệt hại do các hành vi vi phạm pháp luật gây ra tại một số địa phương trong sự kiện giàn khoan HD981 có hướng dẫn khác của Bộ Tài chính thì thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản đó)” nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại điểm a, điểm b khoản 5 Điều 107 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.

Căn cứ quy định tại Điều 59 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 thì “Hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu phải chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan từ khi nhập khẩu, trong quá trình sản xuất ra sản phẩm cho đến khi sản phẩm được xuất khẩu hoặc thay đổi mục đích sử dụng”.

Trường hợp hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu bị thiệt hại do hỏa hoạn tại thời điểm Nghị định số 87/2010/NĐ-CP, Thông tư số 38/2015/TT-BTC có hiệu lực thì áp dụng chính sách xét miễn thuế, xét giảm thuế theo quy định tại Nghị định số 87/2010/NĐ-CP, Thông tư số 38/2015/TT-BTC.

Hồ sơ, thủ tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC.

2. Về vướng mắc nêu tại điểm 2.2 công văn số 9094/HQHP-TXNK

2.1. Về vướng mắc nêu tại tiết a, b, c

Căn cứ quy định tại điểm d khoản 2 Điều 32 Nghị định 134/2016/NĐ-CP thì một trong những hồ sơ đề nghị giảm thuế, gồm “Giấy chứng nhận giám định của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định về số lượng hàng hóa bị mất mát hoặc tỷ lệ tổn thất thực tế của hàng hóa: nộp 01 bản chính.

Giấy chứng nhận giám định phải được lập trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ”.

Căn cứ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 108 Thông tư số 38/2015/TT-BTC thì một trong những hồ sơ xét miễn thuế nhập khẩu, không thu thuế giá trị gia tăng, gồm “Giấy chứng nhận giám định của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định về số lượng nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu bị mất mát hoặc tỷ lệ tổn thất thực tế của hàng hóa nhập khẩu, về tình trạng hàng hóa không còn giá trị sử dụng: 01 bản chụp;”

Căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 112 Thông tư số 38/2015/TT-BTC thì một trong những hồ sơ xét giảm thuế gồm “Giấy chứng nhận giám định của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định về số lượng hàng hóa bị mất mát hoặc tỷ lệ tổn thất thực tế của hàng hóa nhập khẩu: nộp 01 bản chính;”

Căn cứ các quy định nêu trên, cơ quan xác nhận số lượng hàng hóa bị mất mát hoặc tỷ lệ tổn thất thực tế của hàng hóa nhập khẩu do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ là thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định.

2.2. Về vướng mắc nêu tại tiết d

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 109 Thông tư 38/2015/TT-BTC thì “Đối với nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu theo hợp đồng gia công, sản xuất xuất khẩu bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, thời hạn nộp hồ sơ xét miễn thuế chậm nhất là 30 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền xác nhận về mức độ thiệt hại”.

Căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 32 Nghị định 134/2016/NĐ-CP thì “Người nộp thuế nộp hồ sơ cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục hải quan tại thời điểm làm thủ tục hải quan hoặc chậm nhất là 30 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản xác nhận về mức độ hư hỏng, mất mát, thiệt hại”.

Trường hợp người nộp thuế nộp hồ sơ xét miễn thuế, giảm thuế quá thời hạn quy định nêu trên thì không đáp ứng quy định về thủ tục xem xét miễn thuế, giảm thuế.

Tổng cục Hải quan có ý kiến để Cục Hải quan TP. Hải Phòng được biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, TXNK-CST(04b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Dương Thái

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5529/TCHQ-TXNK năm 2017 xử lý thuế đối với nguyên liệu bị hỏa hoạn do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 5529/TCHQ-TXNK
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 22/08/2017
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Nguyễn Dương Thái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản