Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5488/BYT-KCB
V/v: hướng dẫn bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19

Hà Nội, ngày 09 tháng 07 năm 2021

 

Kính gửi:

- Bệnh viện trực thuộc Bộ;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Y tế các ngành;
- Các Bệnh viện trực thuộc trường Đại học.

Thực hiện Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021-2022. Tiếp theo công văn số 1734/BYT-DP ngày 17/3/2021 về việc hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và công văn số 3886/BYT-DP ngày 11/5/2021 về việc hướng dẫn giám sát sự cố bất lợi sau tiêm vắc xin phòng Covid-19, Bộ Y tế hướng dẫn bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 như sau:

1. Về chuẩn bị sẵn sàng và đáp ứng xử trí cấp cứu sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19:

1.1. Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện, các cơ sở tổ chức tiêm chủng rà soát, hoàn thiện kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, trong đó có kế hoạch đáp ứng xử trí, cấp cứu sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

1.2. Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện, các cơ sở tổ chức tiêm chủng có trách nhiệm cung cấp và trao đổi thông tin về kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và thông tin liên hệ của các bệnh viện (được phân công hỗ trợ cấp cứu), đội cấp cứu lưu động, cơ sở tiêm chủng trước khi triển khai tiêm chủng. Kế hoạch đáp ứng cấp cứu đối với sự cố bất lợi sau tiêm theo các cấp độ: xử trí tại chỗ, đội cấp cứu lưu động, bệnh viện thường trực cấp cứu và bệnh viện phụ trách cấp cứu theo vùng, cụ thể như sau:

a) Xử trí tại chỗ:

- Các cơ sở tổ chức tiêm chủng phải chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng nhân lực (được tập huấn về hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí phản vệ); Chuẩn bị đầy đủ Hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị y tế để sẵn sàng xử lý, cấp cứu sự cố bất lợi sau tiêm; các tài liệu chuyên môn (Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ; sơ đồ chẩn đoán và xử trí sốc phản vệ; các hướng dẫn chuyên môn liên quan khác...).

- Cơ sở tổ chức tiêm chủng thực hiện xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo các Hướng dẫn chuyên môn (Hướng dẫn xử trí cấp cứu phản vệ ban hành kèm theo Thông tư số 51/2017/TTBYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán điều trị giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin Covid-19 ban hành kèm theo Quyết định số 1966/QĐ-BYT ngày 02/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế; Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Viêm cơ tim sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, ban hành kèm theo Quyết định số 3348/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế). Khi vượt quá năng lực, hoặc người được tiêm có diễn biến nặng, nghiêm trọng, cơ sở tiêm chủng chủ động, khẩn trương thông báo và đề nghị hỗ trợ của Đội cấp cứu lưu động hoặc Bệnh viện thường trực cấp cứu.

- Trường hợp phản ứng nặng, hay các sự cố bất lợi sau tiêm nghiêm trọng khác (giảm tiểu cầu, huyết khối; viêm cơ tim, viêm màng tim...) chuyển ngay đến Bệnh viện thường trực cấp cứu hoặc bệnh viện tuyến tỉnh để điều trị. Trường hợp vượt quá khả năng điều trị liên hệ với các Bệnh viện tuyến trung ương để hội chẩn hoặc chuyển tuyến điều trị.

b) Đội cấp cứu lưu động:

- Sở Y tế các tỉnh, thành phố thành lập và phân công các đội cấp cứu lưu động của các Bệnh viện chịu trách nhiệm hỗ trợ các điểm, cụm điểm hoặc quận, huyện... tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Các Đội cấp cứu lưu động (ít nhất là 01 bác sỹ được tập huấn về cấp cứu hồi sức cơ bản; 01 điều dưỡng, có các trang thiết bị, vật tư, thuốc thiết yếu về cấp cứu theo quy định tại Quyết định số: 3385/QĐ-BYT ngày 18/9/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành danh mục vali thuốc cấp cứu, dụng cụ cấp cứu, thuốc thiết yếu và trang thiết bị thiết yếu trang bị cho một kíp cấp cứu ngoại viện trên xe ô tô cứu thương (trong đó thay thuốc Methylprednisolone Natri Succinate 40mg bằng thuốc Methylprednisolone 40mg).

- Các Đội cấp cứu lưu động chuẩn bị sẵn sàng và hỗ trợ cấp cứu các trường hợp có sự cố bất lợi sau tiêm tại điểm tiêm chủng bảo đảm tiếp cận tới điểm tiêm trong thời gian dưới 10 phút, khi được yêu cầu hỗ trợ từ các cơ sở tiêm chủng.

c) Bệnh viện thường trực cấp cứu:

- Sở Y tế các tỉnh, thành phố rà soát, lập danh sách (kèm thông tin liên lạc) và phân công các Bệnh viện trên địa bàn (có Khoa Hồi sức tích cực có trang thiết bị và năng kỹ thuật) chịu trách nhiệm thường trực cấp cứu cho người có sự cố nặng, nguy kịch sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 của các xã, phường, quận, huyện hoặc các điểm, cụm điểm tiêm chủng.... Lưu ý đến khoảng cách từ điểm tiêm chủng đến các Bệnh viện này.

- Các Bệnh viện thường trực cấp cứu phải chuẩn bị sẵn sàng và hỗ trợ xử trí, cấp cứu các trường hợp có sự cố nặng, nguy kịch sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 thông qua tư vấn từ xa hoặc trực tiếp tại điểm tiêm chủng hoặc tiếp nhận cấp cứu, điều trị khi được yêu cầu hỗ trợ.

d) Bệnh viện phụ trách cấp cứu theo vùng: Bộ Y tế phân công Bệnh viện Bạch Mai (Khoa cấp cứu: điện thoại là 0869587707 và Khoa hồi sức tích cực: điện thoại là 0869587726), Bệnh viện Trung ương Huế (điện thoại: 0965301212) và Bệnh viện Chợ Rẫy (điện thoại: 02838554137) chịu trách nhiệm hội chẩn, tư vấn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật từ xa, trực tiếp hoặc tiếp nhận cấp cứu, điều trị người có sự cố nặng, nguy kịch sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 khi vượt quá năng lực của các bệnh viện, tương ứng theo Khu vực Bắc, Trung và Nam.

đ) Đánh giá việc chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng công tác xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng: các cơ sở tổ chức tiêm chủng thực hiện rà soát, đánh giá công tác chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng xử trí cấp cứu các sự cố bất lợi sau tiêm tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 bằng bảng kiểm an toàn tiêm chủng (Phụ lục 01 gửi kèm theo công văn) ngay trước khi thực hiện buổi tiêm chủng.

2. Về sàng lọc, phân nhóm đối tượng trước khi tiêm chủng: các cơ sở tổ chức tiêm chủng triển khai sàng lọc người dân trước khi tổ chức tiêm chủng để phân nhóm: nhóm đủ điều kiện tiêm chủng ngay, nhóm trì hoãn tiêm chủng và nhóm tiêm chủng tại bệnh viện theo Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 được ban hành tại Quyết định số 2995/QĐ-BYT ngày 18/6/2021 của Bộ Y tế.

3. Về theo dõi người sau khi được tiêm chủng: Các cơ sở tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 thực hiện và hướng dẫn người được tiêm theo dõi các dấu hiệu, triệu chứng sau tiêm chủng theo nội dung trong Phụ lục 02 gửi kèm theo công văn.

Trên đây là ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế, đề nghị các Bệnh viện trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Y tế các ngành, Bệnh viện trực thuộc trường Đại học khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm các nội dung trên. Trong quá trình thực hiện có vấn đề vướng mắc phát sinh, đề nghị báo cáo về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) để được hướng dẫn.

Trân trọng cảm ơn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để phối hợp);
- Các Vụ, Cục (để biết và phối hợp);
- Lưu: VT, KCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trường Sơn

 

PHỤ LỤC SỐ 01

BẢNG KIỂM AN TOÀN TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG COVID-19

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

………………………………………………………………..

Tên điểm tiêm chủng

………………………………………………………………..

Địa chỉ

………………………………………………………………..

 

STT

NỘI DUNG ĐÁNH GIÁ

Không

1.

Danh sách đối tượng tiêm chủng đã được phân loại đối tượng phù hợp với địa điểm tiêm

 

 

2.

Cán bộ y tế tham gia tiêm chủng được tập huấn về an toàn tiêm chủng (khám sàng lọc; phát hiện và xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng)

 

 

3.

Đội cấp cứu lưu động chịu trách nhiệm hỗ trợ cho điểm tiêm:

 

 

 

Có sẵn số điện thoại tại bàn khám, bàn tiêm và bàn theo dõi sau tiêm

 

 

 

Kiểm tra điện thoại kết nối

 

 

 

Đội cấp cứu lưu động đã sẵn sàng ứng trực

 

 

4.

Danh sách và thông tin liên lạc của tối thiểu 1 Bệnh viện thường trực cấp cứu được phân công hỗ trợ chuyên môn và tiếp nhận cấp cứu, điều trị người có sự cố bất lợi sau tiêm nặng, nguy kịch.

 

 

5.

Phiếu hướng dẫn tự theo dõi tại nhà sau tiêm dành cho người được tiêm chủng

 

 

6.

Hướng dẫn, phác đồ và bộ dụng cụ cấp cứu phản vệ:

 

 

 

Có sẵn tại bàn tiêm

 

 

 

Có sẵn tại bàn theo dõi sau tiêm chủng

 

 

 

Bộ dụng cụ cấp cứu phản vệ bao gồm:

 

 

 

- Bơm tiêm gắn sẵn kim, đậy kín kim tiêm bằng nắp có chứa 1 ml thuốc Adrenalin 1mg/1ml tại bàn tiêm và bàn theo dõi sau tiêm.

 

 

 

- Hộp cấp cứu phản vệ bao gồm: bơm tiêm: 10ml: 2 cái, 5ml: 2 cái, 1ml: 2 cái, kim tiêm 14-16G: 2 cái; bông tiệt trùng: 1 gói; dây garo: 2 cái; Adrenalin 1mg/1ml: 5 ống; Methylprednisolon 40mg: 2 lọ; Diphenhydramin 10mg” 5 ống; nước cất 10ml: 03 ống

 

 

 

- Dụng cụ cấp cứu: oxy; Bóng AMBU và mặt nạ người lớn và trẻ nhỏ; Bơm xịt salbutamol; Bộ đặt nội khí quản và/hoặc bộ mở khí quản và/hoặc mask thanh quản; Các thuốc chống dị ứng đường uống; Dịch truyền: natriclorid 0,9%./.

 

 

 


Người phụ trách điểm tiêm chủng

(ký và ghi rõ họ tên)

…….., ngày   tháng   năm
Người đánh giá bảng kiểm
(ký và ghi rõ họ tên)

 

PHỤ LỤC SỐ 02

PHIẾU HƯỚNG DẪN NGƯỜI ĐƯỢC TIÊM CHỦNG TỰ THEO DÕI SAU TIÊM CHỦNG VẮC-XIN COVID-19

(Thời gian tự theo dõi 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu)

I. KHI THẤY MỘT TRONG CÁC DẤU HIỆU SAU:

1) Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;

2) Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;

3) Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;

4) Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;

5) Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;

6) Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;

7) Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;

8) Toàn thân:

a. Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường

b. Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn.

c. Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt

HÃY LIÊN HỆ VỚI:

- ĐỘI CẤP CỨU LƯU ĐỘNG…………………………………………..

- HOẶC ĐẾN THẲNG BỆNH VIỆN…………………………………….

II. NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

1) Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

2) Không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng.

3) Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ.

4) Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: Tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

5) Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu có:

a. Sốt dưới 38,5 độ C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút.

b. Sốt từ 38,5 độ C trở lên: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5488/BYT-KCB năm 2021 hướng dẫn bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 5488/BYT-KCB
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 09/07/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Nguyễn Trường Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/07/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản