Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 5446/TCHQ-GSQL
V/v Hướng dẫn thực hiện triển khai e-manifest

Hà Nội, ngày 13 tháng 09 năm 2013

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.

Sau một thời gian triển khai thực hiện tiếp nhận Bản khai hàng hóa, các chứng từ có liên quan và thông quan điện tử đối với tàu biển nhập cảnh, xuất cảnh (e-manifest) cho toàn bộ các hãng tàu, đại lý hãng tàu và công ty giao nhận (sau đây gọi tắt là người khai) trên địa bàn Cục Hải quan 09 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm theo Quyết định 19/2011/QĐ-TTg ngày 23/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan nhận được phản ánh vướng mắc của một số đơn vị Hải quan và người khai hải quan. Để thống nhất thực hiện, Tổng cục Hải quan hướng dẫn bổ sung thực hiện một số nội dung về kỹ thuật và nghiệp vụ như sau:

1. Phạm vi và đối tượng thực hiện e-manifest:

Căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 1 Quyết định số 19/2011/QĐ-TTg, Điều 1 Thông tư số 64/2011/TT-BTC thì phạm vi và đối tượng thực hiện e-manifest gồm tàu biển Việt Nam, tàu biển nước ngoài có chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu được xếp/dỡ tại các cảng biển. Đối với các loại tàu khác như tàu chở hành khách, tàu xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh để thực hiện hoạt động đặc thù khác, tàu quân sự chưa thực hiện e-manifest.

Thủ tục hải quan đối với các loại tàu này thực hiện theo quy định hiện hành.

2. Chế độ thu lệ phí hải quan:

2.1. Đối tượng nộp lệ phí hải quan:

Phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh khi hoàn thành thủ tục hải quan xuất cảnh, nhập cảnh phải nộp lệ phí hải quan. Riêng tàu biển quá cảnh chỉ nộp lệ phí hải quan khi làm thủ tục nhập cảnh.

2.2. Về áp dụng hình thức nộp lệ phí:

Hãng tàu, đại lý hãng tàu có thể nộp lệ phí hải quan theo tháng hoặc theo từng lần tàu xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

a) Trường hợp nộp lệ phí theo tháng: Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tàu thông báo để hãng tàu, đại lý hãng tàu đăng ký nộp lệ phí theo tháng. Trước ngày 10 hàng tháng, Chi cục Hải quan tổng hợp số lượng tàu làm thủ tục để tổ chức thu lệ phí cho các chuyến tàu của tháng trước đó theo quy định.

b) Trường hợp nộp lệ phí theo chuyến: Sau khi hoàn thành thủ tục hải quan, Chi cục Hải quan thực hiện thu lệ phí theo quy định.

2.3. Về mức thu lệ phí: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 172/2010/TT-BTC ngày 02/11/2010 của Bộ Tài chính.

3. Về khai hải quan:

3.1. Về nội dung khai và thời điểm khai hải quan:

Nếu hồ sơ hải quan do người khai gửi lên Hệ thống (kể cả hồ sơ sửa đổi, bổ sung) không đầy đủ các tiêu chí, tiêu chí không chính xác, không đúng thời hạn theo quy định sẽ dẫn đến việc cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục hải quan, nơi xếp/dỡ hàng hóa XNK không có đầy đủ thông tin về hàng hóa, ảnh hưởng đến quá trình làm thủ tục hải quan và đưa hàng hóa ra/vào khu vực giám sát hải quan của những khách hàng của người khai hải quan. Vì vậy, người khai hải quan có trách nhiệm tạo lập bộ hồ sơ hải quan tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, đầy đủ, chính xác các tiêu chí và gửi thông tin điện tử theo thời hạn quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 10, Điều 11 Thông tư số 64/2011/TT-BTC, Điều 4 Ban Hướng dẫn ban hành kèm Quyết định số 1870/QĐ-TCHQ ngày 28/9/2011 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

3.2. Phân quyền khai báo dữ liệu trên hệ thống:

Hãng tàu/đại lý hãng tàu là chủ tàu/đại diện chủ tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh sau khi đăng ký và có mã số bộ hồ sơ trên Hệ thống sẽ tiến hành phân quyền khai báo dữ liệu bộ hồ sơ cho các người khai hải quan gửi hàng trực tiếp trên con tàu đó (người khai cấp 1).

Người khai cấp 1 tiến hành khai báo thông tin của mình và/hoặc thực hiện phân quyền khai báo cho tất cả những người khai khác là khách hàng trực tiếp của mình (người khai cấp 2) trên hệ thống. Chủ tàu và người khai cấp 1 có trách nhiệm phân quyền và thông báo mã số bộ hồ sơ đến cho tất cả người khai có liên quan để khai báo dữ liệu lên hệ thống.

Do yêu cầu về bảo mật thông tin, thuận tiện trong khai báo dữ liệu của người khai cũng như công tác quản lý của cơ quan Hải quan, hiện nay hệ thống đã được chỉnh sửa để thực hiện việc phân quyền 02 cấp theo hướng dẫn trên đây.

3.3. Về sửa đổi, bổ sung nội dung khai và thời điểm sửa đổi, bổ sung:

a) Sửa đổi nội dung khai (là trường hợp người khai đã khai báo lên Hệ thống, nhưng thông tin khai báo được sửa đổi): Người khai hải quan gửi yêu cầu và sửa đổi nội dung trực tiếp trên Hệ thống, không cần sự phê duyệt đồng ý của Hãng tàu/đại lý hãng tàu là chủ tàu.

b) Bổ sung nội dung khai (là trường hợp khai mới bộ hồ sơ): Người khai thực hiện việc khai sau khi được phân quyền theo hướng dẫn tại điểm 3.2 trên đây.

Tại cổng tiếp nhận của cơ quan Hải quan, trên trang chủ Hệ thống sẽ có cảnh báo về mỗi bộ hồ sơ được đề nghị sửa đổi, bổ sung.

c) Thời điểm sửa đổi, bổ sung:

Người khai hải quan thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7, khoản 1, khoản 3 Điều 11 Thông tư số 64/2011/TT-BTC. Trong thời hạn trên, người khai có quyền khai sửa đổi, bổ sung những nội dung đã khai trên Hệ thống. Trường hợp vì lý do khách quan, người khai đề nghị sửa đổi, bổ sung thông tin khai hải quan nhưng chủ hàng hóa nhập khẩu/ người được ủy quyền đã đăng ký tờ khai hải quan thì xử lý như sau:

c1. Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tàu:

- Thực hiện thủ tục chấp thuận thông tin khai sửa đổi, bổ sung theo đề nghị của người khai hải quan trên hệ thống.

- Có văn bản thông báo gửi Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu lô hàng đó bằng biện pháp nhanh nhất (qua fax). Nội dung thông báo gồm: Tên tàu, ngày nhập cảnh/dự kiến nhập cảnh, số vận đơn, nội dung đã khai, nội dung đề nghị sửa đổi bổ sung, các lưu ý khác (nếu có).

b2. Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan lô hàng nhập khẩu:

- Tiếp nhận thông tin do Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tàu chuyển đến.

- Nếu xét thấy việc thay đổi nội dung khai ảnh hưởng đến chính sách mặt hàng, chính sách thuế nhằm buôn lậu, gian lận thương mại thì giao Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định chuyển luồng thông quan hàng hóa sang luồng đỏ khi làm thủ tục thông quan cho lô hàng đó.

3.4. Về khai trọng lượng tịnh và tổng trọng lượng:

Về nguyên tắc, người khai hải quan khi nhận hàng chuyên chở từ khách hàng phải biết rõ loại hàng chuyên chở, trọng lượng hàng hóa và container đựng hàng hóa, vì vậy:

a) Tại Bản khai hàng hóa (Mẫu số 1 Phụ lục II Thông tư số 64/2011/TT-BTC): Trường hợp nhiều vận đơn của nhiều lô hàng đóng trong 01 container, người khai hải quan phải khai rõ số vận đơn (trên ô số 10), tương ứng với trọng lượng tịnh của hàng hóa (ô số 18), tổng trọng lượng của hàng hóa (trên ô số 19).

b) Tại Vận đơn gom hàng (Mẫu số 2 Phụ lục II Thông tư số 64/2011/TT-BTC): Trường hợp vận đơn gồm nhiều lô hàng đóng trong nhiều container, người khai phải khai cụ thể mã hàng (nếu có trên ô số 11), mô tả hàng hóa (ô số 12), tổng trọng lượng (ô số 13).

c) Trọng lượng tịnh là trọng lượng hàng hóa không kể bao bì, vỏ kiện.

Trường hợp hàng hóa cần có những bao bì, vỏ kiện chuyên dụng để đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa an toàn thì trọng lượng tịnh được tính cả trọng lượng những bao bì, vỏ kiện đó. Ví dụ: Hàng hóa dễ vỡ cần phải bảo quản trong hộp xốp thì trọng lượng tịnh hàng hóa bao gồm cả trọng lượng hộp xốp đó cộng với trọng lượng hàng hóa.

Tổng trọng lượng là trọng lượng hàng hóa tính cả vỏ kiện, bao bì nhưng không tính thiết bị của nhà vận tải.

4. Thủ tục hải quan đối với tàu chuyển cảng:

Căn cứ hướng dẫn tại Điều 11 Quyết định số 1870/QĐ-TCHQ ngày 28/9/2011, Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện thống nhất như sau:

4.1. Công việc của Cục Hải quan tỉnh cảng đi:

a) Đề nghị người khai hải quan:

a1. Trước khi tàu nhập cảnh, tạo lập bộ hồ sơ điện tử tàu biển nhập cảnh và khai trên hệ thống theo quy định.

a2. Trường hợp tại cảng đi, tàu bốc hàng hóa xuất khẩu để vận chuyển đến cảng đến, nhưng hàng hóa không được dỡ xuống cảng đến mà được để trên tàu để xuất khẩu ra nước ngoài:

Người khai hải quan tạo lập hồ sơ tàu xuất cảnh (theo 01 mã bộ hồ sơ tàu xuất cảnh) và gửi lên hệ thống. Hồ sơ điện tử được tạo lập chỉ bao gồm bản khai hàng hóa xuất khẩu được bốc lên tàu tại cảng đi. Thời hạn gửi hồ sơ lên hệ thống thực hiện quy định tại Khoản 1, Điều 11 Thông tư 64/2013/TT-BTC ngày 15/5/2013 của Bộ Tài chính. Người khai chưa làm thủ tục xuất cảnh cho tàu tại cảng đi, thông tin khai sẽ được sử dụng để làm thủ tục hải quan cho tàu xuất cảnh khi tàu xuất cảnh tại Chi cục Hải quan cảng đến.

a3) Trường hợp tại cảng đi, tàu bốc dỡ hàng hóa xuất khẩu và những lô hàng này được dỡ xuống để xếp lên phương tiện vận tải khác để xuất khẩu: người khai hải quan không tạo lập bộ hồ sơ, không thực hiện khai hải quan đối với những hàng hóa này tại cảng đi.

b) Thực hiện thủ tục hải quan để thông quan tàu nhập cảnh theo quy định.

c) Công chức hải quan đội thủ tục tàu thực hiện:

c1. Lập phiếu chuyển hồ sơ tàu chuyển cảng (theo mẫu 03/PCC-2011 ban hành kèm Quyết định số 1870/QĐ-TCHQ), ký bằng chữ ký số, gửi lên hệ thống.

c2. Kiểm tra trên hệ thống kết quả làm thủ tục hải quan đối với tàu chuyển cảng do Chi cục Hải quan cảng đến thực hiện và phản hồi.

4.2. Hệ thống:

a) Tự động tiếp nhận các thông tin điện tử để phục vụ thông quan tàu nhập cảnh và các thông tin khác liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu chuyển cảng, bao gồm:

a1. Thông tin về bản khai hàng hóa, vận đơn gom hàng đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cảng sẽ được dỡ xuống cảng đến (nếu trên tàu có vận chuyển hàng hóa nhập khẩu chuyển cảng được dỡ xuống cảng đến)

a2. Thông tin về bản lược khai hàng hóa xuất khẩu chuyển cảng đối với trường hợp trên tại tiết a2 điểm 4.1 trên đây.

a3. Thông tin thông quan tàu nhập cảnh, thông tin tàu đến/rời cảng và các thông tin khác.

4.3. Công việc của Chi cục Hải quan cảng đến:

a) Đề nghị người khai hải quan: Tạo lập bộ hồ sơ để gửi lên hệ thống theo quy định. Đối với trường hợp trên tại tiết a2 điểm 4.1 trên đây, người khai hải quan lấy mã bộ hồ sơ để gửi lên hệ thống tại cảng đi để hoàn thiện bộ hồ sơ và gửi lên hệ thống theo quy định. Bộ hồ sơ khi tàu xuất cảnh sẽ bao gồm bản khai hàng hóa đối với hàng hóa được bốc lên tàu tại cảng đi (nếu có), hàng hóa được bốc lên tàu tại cảng đến (nếu có) và các chứng từ khác.

b) Thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 2.1, khoản 2, Điều 10 kèm Quyết định số 1870/QĐ-TCHQ.

5. Trường hợp tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh đã được cơ quan Hải quan thông quan điện tử, sau đó không đủ điều kiện để vào cảng, rời cảng theo quyết định của các cơ quan quản lý có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 49, Điều 59 Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21/3/2012 của Chính phủ thì cơ quan Hải quan hủy quyết định thông quan tàu.

Tổng cục Hải quan sẽ bổ sung chức năng “Hủy kết quả thông quan tàu” vào Hệ thống và có hướng dẫn cụ thể để cán bộ, công chức Hải quan thực hiện trong những trường hợp này.

6. Tổng cục Hải quan đã cài đặt trên trang chủ Hệ thống bản hướng dẫn tạo lập và khai hồ sơ hải quan điện tử dành cho người khai hải quan; hướng dẫn tiếp nhận, khai thác thông tin dành cho cơ quan Hải quan.

Tổng cục Hải quan hướng dẫn nội dung trên để các Cục Hải quan tỉnh thành phố biết và thực hiện. Đề nghị Cục Hải quan tỉnh, thành phố thông báo nội dung công văn này đến người khai hải quan để thống nhất thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, yêu cầu các đơn vị phản ánh về Tổng cục Hải quan (qua Cục Giám sát quản lý) để được kịp thời hướng dẫn giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Đ/c TT Đỗ Hoàng Anh Tuấn (để báo cáo);
- Đ/c TCT Nguyễn Ngọc Túc (để báo cáo);
- Cục GSQL, Cục CNTT, Ban QLRR (để thực hiện);
- Lưu: VT, GSQL (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5446/TCHQ-GSQL năm 2013 hướng dẫn thực hiện e-manifest do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 5446/TCHQ-GSQL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 13/09/2013
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Vũ Ngọc Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản