Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5371/TCHQ-TXNK
V/v hướng dẫn tham vấn TGHQ

Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2021

 

Kính gửi: Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

Để tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra trị giá hải quan, tham vấn, ấn định trị giá theo quy định tại Điều 25 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính, và được hướng dẫn chi tiết tại Điều 04 Quy trình kiểm tra, tham vấn và xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 1810/QĐ-TCHQ ngày 15/06/2018; để thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan hải quan trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh đối với công tác kiểm tra, tham vấn trị giá hải quan; để trả lời vướng mắc của một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố về việc tham vấn và xác định trị giá hải quan ấn định, Tổng cục Hải quan hướng dẫn triển khai một số nội dung sau đây:

1. Đối với việc thực hiện tham vấn:

a) Trường hợp do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến người khai hải quan không thể đến tham vấn trực tiếp, cơ quan hải quan có thể phối hợp với người khai hải quan để tổ chức tham vấn trực tuyến. Biên bản tham vấn, Thông báo xác định trị giá, Quyết định ấn định thuế (nếu có) được trao đổi thông qua hình thức gửi qua thư điện tử tài liệu quét có chữ ký số, chứng từ, tài liệu có liên quan gửi lên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc gửi bưu điện.

b) Trường hợp đã quá thời hạn tham vấn nhưng người khai hải quan không đến tham vấn và người khai hải quan có văn bản giải trình nguyên nhân do không thể di chuyển trong thời gian có dịch bệnh thì Cục Hải quan tỉnh, thành phố có văn bản thông báo, hướng dẫn người khai hải quan giải trình, cung cấp tài liệu chứng minh tính chính xác, trung thực của trị giá kê khai. Căn cứ giải trình và các tài liệu, chứng từ do người khai hải quan gửi đến, Cục Hải quan tỉnh, thành phố xem xét, quyết định chấp nhận hoặc bác bỏ trị giá kê khai, thông báo kết quả bằng văn bản và hướng dẫn người khai hải quan thực hiện. Nếu cơ quan hải quan bác bỏ trị giá kê khai, xác định trị giá, ban hành thông báo xác định trị giá, ban hành thông báo ấn định tiền thuế nhưng người khai hải quan không đồng ý với trị giá hải quan do cơ quan hải quan xác định thì cơ quan hải quan vẫn phải thu đủ tiền thuế theo thông báo ấn định tiền thuế và hướng dẫn người khai hải quan thực hiện các thủ tục khiếu nại, khiếu kiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, khiếu kiện.

2. Kiểm tra trị giá kê khai và xác định trị giá hải quan ấn định:

a) Nếu người khai hải quan xuất trình các chứng từ, tài liệu, hồ sơ xác định trị giá sau đây và đề nghị cơ quan hải quan xem xét nhằm chứng minh cho các nghi vấn của cơ quan hải quan thì cơ quan hải quan tiếp nhận, sử dụng trong khi kiểm tra trị giá:

- Hợp đồng, thỏa thuận khung về giao dịch thương mại giữa bên mua và bên bán hàng hóa, trong đó thể hiện đầy đủ trách nhiệm của các bên mua bán trước, trong và sau khi hàng hóa được giao cho người mua, trách nhiệm của bên mua về thực hiện các nghĩa vụ tài chính với bên bán, trực tiếp hoặc gián tiếp, trước hoặc sau khi chuyển giao hàng hóa;

- Chứng từ thanh toán của hàng hóa, gồm chứng từ thanh toán qua ngân hàng, chứng từ thanh toán gián tiếp cho bên thứ ba - nếu có, biên bản đối chiếu công nợ giữa hai bên mua bán - nếu có;

- Hóa đơn tài chính của hàng hóa nhập khẩu được bán, chuyển nhượng cho người mua nội địa nguyên trạng hoặc được gia công sau khi nhập khẩu;

- Sổ hoặc bản chụp sổ kế toán, trong đó thể hiện việc ghi chép các nghiệp vụ kế toán có liên quan đến hàng hóa đang kiểm tra trị giá, hàng hóa giống hệt hoặc tương tự với hàng hóa đang được kiểm tra trị giá và đã xuất khẩu, nhập khẩu trước đó (ví dụ: sổ tiền gửi ngân hàng, sổ chi tiết thanh toán...); việc theo dõi các khoản phải thu (hoặc phải trả) của đối tác mua bán hàng hóa đang kiểm tra trị giá (ví dụ: sổ chi tiết tài khoản, sổ chi tiết thanh toán bằng ngoại tệ...);

- Điều lệ công ty cổ phần, trong đó thể hiện số lượng, tỷ lệ vốn góp của các cổ đông (sử dụng trong trường hợp nghi vấn mối quan hệ đặc biệt có ảnh hưởng đến giá cả mua bán trong giao dịch);

- Hợp đồng vận tải, hóa đơn vận tải, chứng từ thanh toán cước vận tải quốc tế;

- Hợp đồng bảo hiểm, bảo hiểm đơn, chứng từ thanh toán phí bảo hiểm quốc tế;

- Hồ sơ kế toán doanh nghiệp thể hiện tổng số tiền đã thu (doanh thu) và sẽ phải thu (khoản phải thu của khách hàng) đối với người khai hải quan xuất khẩu hoặc tổng số tiền đã trả và phải trả cho khách hàng, bao gồm cả số tiền trả cho đối tác cung cấp các khoản điều chỉnh trị giá nếu có, đối với người khai hải quan nhập khẩu;

- Hồ sơ kế toán theo dõi biến động tiền mặt, tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp để đối chiếu với giá bán đến cửa khẩu xuất của hàng xuất khẩu hoặc tổng trị giá tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên;

- Chứng từ kê khai trị giá lô hàng nhập khẩu, lô hàng giống hệt nhập khẩu từ Việt Nam ở nước nhập khẩu, đối với hàng hóa xuất khẩu đang được kiểm tra trị giá; chứng từ kê khai trị giá lô hàng xuất khẩu, lô hàng giống hệt đã xuất khẩu đến Việt Nam ở nước xuất khẩu, đối với hàng hóa nhập khẩu;

- Tài liệu xác thực trị giá lô hàng đang được kiểm tra trị giá do cơ quan có thẩm quyền nước đối tác cung cấp;

- Chứng từ kế toán thể hiện các chi phí phát sinh đối với hàng hóa xuất khẩu từ khi xuất kho bán hàng đến khi hàng hóa được đưa đến cửa khẩu xuất;

- Chứng từ kế toán thể hiện giá bán hàng nhập khẩu của doanh nghiệp ở cấp độ thương mại cao nhất sau khi nhập khẩu và các chi phí phát sinh đối với lô hàng hoặc lô hàng giống hệt đã nhập khẩu trước đó từ thời điểm thông quan đến khi hàng hóa được giao cho người mua ở cấp độ thương mại cao nhất trên thị trường nội địa Việt Nam. Trường hợp hàng nhập khẩu không được bán lại trên thị trường nội địa Việt Nam thì chấp nhận xem xét chứng từ kế toán thể hiện giá thành nhập kho của hàng hóa và các chi phí từ khi thông quan đến khi nhập kho của doanh nghiệp.

b) Kiểm tra trị giá hàng xuất khẩu và xác định trị giá hải quan ấn định:

- Căn cứ các chứng từ, tài liệu do người khai hải quan xuất trình, công chức hải quan xác định trị giá hàng xuất khẩu theo phương pháp nêu tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 39/2015/TT-BTC, sửa đổi bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính, bao gồm trị giá xác định theo cách thức trừ lùi từ tổng số tiền bên mua thanh toán cho bên bán và chi phí vận tải, bảo hiểm quốc tế (gọi tắt là trị giá trừ lùi); trị giá xác định theo cách thức cộng dồn chi phí từ thời điểm xuất kho đến khi hàng hóa được đưa đến cửa khẩu xuất (gọi tắt là trị giá cộng dồn);

- Nếu mức giá do người khai hải quan kê khai không thống nhất với trị giá cộng dồn hoặc trị giá trừ lùi do cơ quan hải quan xác định thì xác định trị giá hải quan là mức cao nhất; nếu mức giá kê khai cao hơn cả trị giá cộng dồn và trị giá trừ lùi thì chấp nhận mức giá kê khai.

c) Kiểm tra trị giá hàng nhập khẩu và xác định trị giá hải quan ấn định:

- Căn cứ các chứng từ, tài liệu do người khai hải quan xuất trình, công chức hải quan đánh giá giao dịch mua bán hàng hóa nhập khẩu có đủ điều kiện áp dụng phương pháp trị giá giao dịch hay không; chấp nhận áp dụng phương pháp trị giá giao dịch theo kê khai của người khai hải quan nếu có đủ tài liệu, bằng chứng về việc giao dịch đáp ứng đầy đủ cả bốn điều kiện nêu tại khoản 4 Điều 6 Thông tư số 39/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC;

- Công chức hải quan xác định trị giá giao dịch theo điều kiện giao hàng và các số liệu thể hiện trên hồ sơ hải quan và chứng từ, hồ sơ kế toán do người khai hải quan xuất trình; xác định trị giá khấu trừ của hàng nhập khẩu theo số liệu về giá bán, giá thành nhập kho, chi phí phát sinh từ khi thông quan đến khi bán hàng hoặc nhập kho, hoặc xác định trị giá khấu trừ của hàng nhập khẩu theo giá bán ghi trên hóa đơn tài chính hợp pháp (mức giá có số lượng lũy kế cao nhất theo báo cáo doanh số, báo cáo xuất kho của doanh nghiệp) và tỷ suất chi phí, tỷ suất lợi nhuận thể hiện trên báo cáo tài chính đã báo cáo cơ quan thuế nội địa tại thời điểm gần nhất với thời điểm kiểm tra trị giá;

- Chấp nhận trị giá hải quan theo mức giá kê khai nếu mức giá kê khai không thấp hơn trị giá giao dịch hoặc gần xấp xỉ với trị giá khấu trừ do cơ quan hải quan xác định;

- Trường hợp không chấp nhận trị giá kê khai, công chức hải quan xác định trị giá hải quan theo đúng trình tự phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Điều 5 đến Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC, sửa đổi, bổ sung tại các điểm từ điểm 4 đến điểm 9 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC.

Tổng cục Hải quan thông báo để các Cục Hải quan tỉnh, thành phố biết và thực hiện. Mọi vướng mắc phát sinh, yêu cầu báo cáo ngay về Tổng cục Hải quan (Cục Thuế xuất nhập khẩu, hộp thư điện tử tgtt@customs.gov.vn) để được xem xét, hướng dẫn chi tiết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TCT Nguyễn Văn Cẩn (để b/c);
- PTCT Lưu Mạnh Tưởng (để b/c);
- Các đơn vị thuộc TCHQ (để biết và phối hợp);
- Lưu VT, TXNK-T.Huyền (2b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ XNK
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Trần Bằng Toàn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5371/TCHQ-TXNK năm 2021 hướng dẫn tham vấn trị giá hải quan do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 5371/TCHQ-TXNK
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 12/11/2021
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Trần Bằng Toàn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/11/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản