Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5333/BGDĐT-GDTrH
V/v triển khai kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực môn tiếng Anh cấp trung học từ năm học 2014-2015

Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 2014

 

Kính gửi: Các sở giáo dục và đào tạo

Thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện việc dạy và học ở trường phổ thông, chuyển từ việc chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển năng lực học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực đối với môn tiếng Anh từ năm học 2014-2015 như sau:

I. Đối tượng áp dụng

Học sinh trung học cơ sở (THCS) và học sinh trung học phổ thông (THPT) đang học tiếng Anh theo các chương trình sau:

1. Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) môn tiếng Anh gồm chương trình cơ bản, nâng cao và chuyên sâu ban hành theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Chương trình 7 năm);

2. Chương trình GDPT thí điểm cấp THCS và THPT theo Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” phê duyệt tại Quyết định số 01/QĐ-BGDĐT ngày 03/1/2012 và Quyết định số 5902/QĐ-BGDĐT ngày 23/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Chương trình 10 năm);

3. Các chương trình tiếng Anh khác đang được áp dụng trong trường phổ thông nếu có nhu cầu và điều kiện áp dụng.

II. Hình thức kiểm tra

Căn cứ Điều 7 Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các hình thức đánh giá bao gồm kiểm tra bằng hỏi-đáp, kiểm tra viết, kiểm tra thực hành.

Giáo viên xây dựng nội dung, độ khó và mức độ yêu cầu năng lực của bài kiểm tra căn cứ chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng năng lực đầu ra của từng khối lớp theo quy định trong chương trình của cấp học (văn bản đính kèm). Việc kiểm tra, đánh giá được tiến hành thông qua các hình thức khác nhau như: định lượng (cho điểm), định tính (nhận xét, xếp loại), kết hợp đánh giá của giáo viên, đánh giá lẫn nhau và tự đánh giá của học sinh. Các loại hình kiểm tra, đánh giá cần phù hợp với phương pháp dạy và học được áp dụng trong lớp học, bao gồm kiểm tra nói (đối thoại, độc thoại), kiểm tra viết dưới dạng tích hợp các kỹ năng, kiến thức ngôn ngữ và các hình thức đánh giá khác.

1. Kiểm tra bằng hỏi-đáp

Kiểm tra bằng hỏi-đáp được dành cho kỹ năng nói. Học sinh được kiểm tra qua các hoạt động trên lớp như trả lời các câu hỏi ngắn, miêu tả tranh, kể lại truyện, thuyết trình, hùng biện, thảo luận, tranh luận, phát biểu, phỏng vấn, đóng vai, và các hoạt động ngôn ngữ phù hợp khác. Cần chú trọng tới định hướng giao tiếp và khả năng thực hiện các yêu cầu đàm thoại. Khuyến khích kiểm tra bằng hỏi-đáp tích hợp với các hoạt động luyện tập trong giờ học của học sinh.

Giáo viên có thể chọn các dạng bài Question and Answer; Picture description; Story-telling/Narrative; Guided Speech; Dialogue; Situation; Interview/Role-play; Presentation; Debate; Dicussion; Simulation và các dạng bài phù hợp khác để đánh giá kỹ năng nói của học sinh.

2. Kiểm tra viết

Bài kiểm tra viết bao gồm các kỹ năng nghe, đọc, viết và kiến thức ngôn ngữ.

a) Kỹ năng nghe

Phải sử dụng các thiết bị như đài cassette, đĩa CD, máy tính hoặc các thiết bị thu, phát âm thanh phù hợp để kiểm tra kỹ năng nghe. Không được sử dụng giáo viên đọc lời thoại/nội dung bài nghe cho học sinh. Phần nghe có tối thiểu 2 phần/bài gồm từ 8 câu hỏi với các dạng khác nhau trở lên. Giáo viên lựa chọn các dạng câu hỏi phù hợp từ những loại hình gợi ý sau: Listen and match; Listen and number; Listen and tick; Listen and complete; Listen and select the correct option; Listen and give short answers và các dạng câu hỏi phù hợp khác để kiểm tra kỹ năng nghe của học sinh.

b) Kỹ năng đọc

Có tối thiểu 2 phần/bài gồm từ 8 câu hỏi với các dạng khác nhau trở lên. Giáo viên lựa chọn dạng câu hỏi phù hợp từ những loại hình gợi ý sau: Read and match; Read and number; Read and tick; Read and complete; Read and select the correct option; Read and rearrange the information; Read and find the right information; Read and summarize và các dạng câu hỏi phù hợp khác để kiểm tra kỹ năng đọc của học sinh.

c) Kỹ năng viết

Có tối thiểu 2 phần nhỏ gồm từ 5 câu hỏi trở lên. Giáo viên lựa chọn dạng câu hỏi phù hợp từ những loại hình gợi ý sau: Complete the sentences with a word or a phrase (pictures can be used); Arrange the words to make complete sentences; Use the provided words or phrases to write complete sentences/Transformation; Sentence completion; Use the provided words or phrases to write a complete paragraph; Use the provided words or phrases to write a short passage; Reordering; Write short passages about relevant and familiar topics; Compostion/Essay writing và các dạng câu hỏi viết phù hợp khác để kiểm tra kỹ năng viết của học sinh.

d) Kiến thức ngôn ngữ

Năng lực ngôn ngữ của học sinh về ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, cách sử dụng ngôn ngữ trong ngữ cảnh được đánh giá trong phần này. Có tối thiểu 2 phần nhỏ gồm từ 8 câu hỏi trở lên với các dạng câu hỏi sau đây: Multiple choice questions – MCQs; Matching; Gap filling; Information gaps; Reordering; Word form và các dạng câu hỏi phù hợp khác.

3. Kiểm tra thực hành

Trong mỗi học kỳ, ở những trường có điều kiện, giáo viên giao cho học sinh vận dụng kiến thức trong chương trình học để phát hiện vấn đề và đưa ra giải pháp để giải quyết vấn đề nảy sinh trong thực tiễn về một trong các chủ đề sau: gia đình; sở thích; chăm sóc sức khỏe; bảo vệ môi trường; an toàn thực phẩm; an toàn giao thông; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; kỹ năng sống;... Sản phẩm thực hành có thể là 01 bài viết hoặc 01 video clip do học sinh thực hiện bằng tiếng Anh; cũng có thể tổ chức trình bày sản phẩm thực hành theo hình thức "Hùng biện tiếng Anh" hoặc sử dụng các hình thức phối hợp giữa kỹ năng viết và nói như “Hồ sơ học tập”; “Nhật kí học tập”; “Dự án”; và “Bài nghiên cứu” đã được tập huấn để đánh giá kỹ năng ngôn ngữ của học sinh.

III. Các loại bài kiểm tra

1. Bài kiểm tra thường xuyên

Giáo viên lựa chọn loại hình câu hỏi phù hợp để xây dựng bài kiểm tra thường xuyên cho học sinh. Bài kiểm tra thường xuyên sẽ gồm có bài kiểm tra hỏi-đáp cho kỹ năng nói và kiểm tra viết. Học sinh được kiểm tra thường xuyên thông qua hình thức hỏi-đáp (kỹ năng nói) tối thiểu 02 lần/học kỳ. Thời gian kiểm tra thường xuyên mỗi lần không quá 15 phút đối với bài viết. Các bài kiểm tra thường xuyên nhằm đánh giá từng phần kỹ năng ngôn ngữ của học sinh theo định hướng của các bài kiểm tra định kỳ.

2. Bài kiểm tra định kỳ

Bài kiểm tra định kỳ gồm kiểm tra viết từ 1 tiết trở lên, kiểm tra thực hành và kiểm tra học kỳ.

Bài kiểm tra viết từ 1 tiết trở lên phải có các kỹ năng nghe, đọc, viết và kiến thức ngôn ngữ, có ít nhất 02 dạng câu hỏi/bài tập cho mỗi kỹ năng/phần với định hướng đánh giá năng lực của học sinh. Tỷ lệ các phần trong bài kiểm tra chênh lệnh nhau không quá 5% tỷ trọng điểm. Mỗi bài kiểm tra có từ 30 đến 50 câu hỏi ở cả 4 mức độ theo tỷ lệ: 30% nhận biết, 40% thông hiểu, 20% vận dụng, 10% vận dụng cao.

Kỹ năng nói của học sinh có thể được đánh giá trong cùng buổi thi hoặc khác buổi thi học kỳ với tỷ trọng điểm số của kỹ năng chiếm từ 20 đến 30% của kết quả toàn bài. Các cấp quản lý trực tiếp cần hỗ trợ các trường THCS và THPT về giám khảo thi nói để đảm bảo học sinh được kiểm tra đầy đủ.

Bài kiểm tra thực hành được tính vào kết quả học tập của học sinh như một lần kiểm tra định kỳ. Một bài thực hành có thể do một học sinh hoặc một nhóm học sinh thực hiện nhưng phải có hình thức đánh giá thích hợp để cho điểm từng học sinh.

IV. Triển khai thực hiện

Những nội dung của công văn này được áp dụng từ lớp 6 và lớp 10 đối với học sinh học chương trình 7 năm trong năm học 2014-2015. Đối với học sinh học chương trình 10 năm, giáo viên sử dụng hướng dẫn tại công văn này để đánh giá học sinh ở tất cả các khối lớp. Khuyến khích áp dụng hướng dẫn ở các lớp khác nếu có điều kiện phù hợp.

Những nội dung không hướng dẫn trong công văn này tiếp tục thực hiện theo những hướng dẫn trước đây của Bộ GDĐT.

Giáo viên căn cứ kế hoạch dạy học đã được phê duyệt, lựa chọn thời điểm phù hợp để tiến hành đánh giá học sinh. Không tổ chức đánh giá quá sớm, quá muộn hoặc quá sát nhau trong học kỳ.

Trên đây là những hướng dẫn về đánh giá kết quả học tập của học sinh theo định hướng phát triển năng lực từ năm học 2014-2015. Nhận được công văn này đề nghị các sở GDĐT triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung trên. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn xin liên hệ với ông Đặng Hiệp Giang, chuyên viên Vụ Giáo dục trung học, số điện thoại: 0979099899; địa chỉ thư điện tử: dhgiang@moet.edu.vn để được hỗ trợ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Kính gửi;
- Bộ trưởng (để b/cáo);
- Các Thứ trưởng;
- Thanh tra (để thực hiện);
-
Cục KTKĐCLGD (để thực hiện);
- BQL Đề án NNQG2020(để thực hiện);
- Lưu: VT, Vụ GDTrH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Vinh Hiển

 

ĐỊNH HƯỚNG KỸ NĂNG VÀ NĂNG LỰC ĐẦU RA CHO KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ HỌC SINH TRUNG HỌC
MÔN TIẾNG ANH

(Kèm theo Công văn số 5333/BGDĐT-GDTrH ngày 29/9/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo)

CẤP TRUNG HỌC CƠ SỞ - CHƯƠNG TRÌNH 10 NĂM

Lớp 6

Hết lớp 6, học sinh có khả năng:

Nghe

· Nhận biết và nhắc lại được âm, trọng âm, ngữ điệu và nhịp điệu trong các câu ngắn và đơn giản khác nhau.

· Nghe hiểu các chỉ dẫn ngắn và đơn giản sử dụng trong các hoạt động học tập trong lớp học.

· Nghe hiểu nội dung chính, nội dung chi tiết các bài đối thoại, độc thoại đơn giản, trong khoảng 60 từ về các chủ đề trong chương trình như: gia đình, nhà trường, bạn bè, lễ hội, danh lam thắng cảnh, danh nhân, truyền hình, thể thao, ...

· Nghe hiểu nội dung chính các trao đổi thông tin giữa bạn cùng tuổi về các chủ đề được quy định trong phần nội dung.

Nói

· Phát âm được các âm, trọng âm, ngữ điệu và nhịp điệu trong các câu ngắn và đơn giản khác nhau.

· Nói được các chỉ dẫn ngắn và đơn giản sử dụng trong các hoạt động học tập trong lớp học.

· Hỏi và trả lời ngắn gọn về các chủ đề trong chương trình như: gia đình, nhà trường, bạn bè, lễ hội, danh lam thắng cảnh, danh nhân, truyền hình, thể thao, ... .

· Nói những câu đơn giản, liền ý, có gợi ý về các chủ đề quen thuộc.

Đọc

· Đọc hiểu nội dung chính, nội dung chi tiết các bài đối thoại, độc thoại đơn giản trong khoảng 80 từ về các chủ đề trong chương trình như: gia đình, nhà trường, bạn bè, lễ hội, danh lam thắng cảnh, danh nhân, truyền hình, thể thao, ... .

· Đọc hiểu nội dung chính các thư cá nhân, thông báo, đoạn văn ngắn, đơn giản thuộc phạm vi chủ đề quen thuộc (có thể có một số từ, cấu trúc mới).

Viết

· Viết có hướng dẫn một đoạn ngắn, đơn giản khoảng 40 từ về các chủ đề trong chương trình như: gia đình, nhà trường, bạn bè, lễ hội, danh lam thắng cảnh, danh nhân, truyền hình, thể thao, ... .

· Viết các thư, bưu thiếp, tin nhắn hoặc ghi chép cá nhân ngắn, đơn giản liên quan đến nhu cầu giao tiếp hàng ngày … trong phạm vi các chủ đề được quy định trong phần nội dung.

 

Lớp 7

Hết lớp 7, học sinh có khả năng:

Nghe

· Nhận biết và nhắc lại được âm, trọng âm, ngữ điệu và nhịp điệu trong các câu đơn giản khác nhau.

· Nghe hiểu các chỉ dẫn ngắn và đơn giản sử dụng trong các hoạt động học tập trong và ngoài lớp học.

· Nghe hiểu nội dung chính, nội dung chi tiết các bài đối thoại, độc thoại đơn giản, trong khoảng 80 từ về các chủ đề trong chương trình như: sở thích, âm nhạc và nghệ thuật, điện ảnh, giao thông, năng lượng, ...

· Nghe hiểu các mô tả đơn giản về người, đồ vật, sự việc, ... liên quan đến các chủ đề quen thuộc.

Nói

· Phát âm được các âm, trọng âm, ngữ điệu và nhịp điệu trong các câu đơn giản khác nhau.

· Nói được các chỉ dẫn ngắn sử dụng trong các hoạt động học tập trong và ngoài lớp học.

· Trao đổi các thông tin cơ bản về các chủ đề quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày như: sở thích, âm nhạc và nghệ thuật, điện ảnh, giao thông, năng lượng, ...

· Trình bày có chuẩn bị trước và có gợi ý về các chủ đề được quy định trong phần nội dung.

Đọc

· Đọc hiểu nội dung chính, nội dung chi tiết các bài đối thoại, độc thoại đơn giản trong khoảng 100 từ về các chủ đề trong chương trình như: sở thích, âm nhạc và nghệ thuật, điện ảnh, giao thông, năng lượng, ...

· Đọc hiểu nội dung chính các mẩu tin, thực đơn, quảng cáo, các văn bản, tài liệu ngắn, đơn giản thuộc phạm vi chủ đề quen thuộc (có thể có một số từ, cấu trúc mới).

Viết

· Viết có hướng dẫn một đoạn ngắn, đơn giản khoảng 60 từ về các chủ đề trong phạm vi chương trình như: sở thích, âm nhạc và nghệ thuật, điện ảnh, giao thông, năng lượng, ...

· Viết một đoạn ngắn, đơn giản, có gợi ý mô tả các sự kiện, hoạt động cá nhân liên quan đến các chủ đề được quy định trong phần nội dung.

 

Lớp 8

Hết lớp 8, học sinh có khả năng:

Nghe

· Nhận biết và nhắc lại được âm, trọng âm, ngữ điệu và nhịp điệu trong các câu ghép cơ bản khác nhau.

· Nghe hiểu các chỉ dẫn đơn giản và cơ bản sử dụng trong giao tiếp hàng ngày gắn với các chủ đề đã học.

· Nghe hiểu nội dung chính, nội dung chi tiết các bài đối thoại, độc thoại đơn giản, trong khoảng 100 từ về các chủ đề trong chương trình như: hoạt động vui chơi giải trí, cuộc sống ở nông thôn, phong tục tập quán, truyền thống lễ hội trên thế giới, thảm họa thiên nhiên, khoa học và công nghệ, ....

· Nghe hiểu nội dung chính các thông báo đơn giản được nói rõ ràng về dự báo thời tiết, ở bến tàu xe, sân bay, ... liên quan đến các chủ đề quen thuộc.

Nói

· Phát âm được các âm, trọng âm, ngữ điệu và nhịp điệu trong các câu ghép cơ bản khác nhau.

· Nói được các chỉ dẫn đơn giản sử dụng trong giao tiếp hàng ngày gắn với các chủ đề đã học.

· Tham gia các hội thoại ngắn, đơn giản về các chủ đề quen thuộc trong chương trình như: hoạt động vui chơi giải trí, cuộc sống ở nông thôn, phong tục tập quán, truyền thống lễ hội trên thế giới, thảm họa thiên nhiên, khoa học và công nghệ, cuộc sống hành tinh khác, ....

· Mô tả và so sánh có gợi ý về các chủ đề được quy định trong phần nội dung.

Đọc

· Đọc hiểu nội dung chính, nội dung chi tiết các bài đối thoại, độc thoại đơn giản trong khoảng 120 từ về các chủ đề quen thuộc như: hoạt động vui chơi giải trí, cuộc sống ở nông thôn, phong tục tập quán, truyền thống lễ hội trên thế giới, thảm họa thiên nhiên, khoa học và công nghệ, cuộc sống hành tinh khác, ....

· Đọc hiểu nội dung chính và nội dung chi tiết các chỉ dẫn, thông báo, biển báo, ... các văn bản, tài liệu ngắn, đơn giản thuộc phạm vi chủ đề quen thuộc.

· Đọc hiểu và đoán được nghĩa của từ mới dựa vào ngữ cảnh.

Viết

· Viết có hướng dẫn một đoạn ngắn, đơn giản khoảng 80 từ về các chủ đề quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày như hoạt động vui chơi giải trí, cuộc sống ở nông thôn, phong tục tập quán, truyền thống lễ hội trên thế giới, thảm họa thiên nhiên, khoa học và công nghệ, cuộc sống hành tinh khác, ....

· Viết các hướng dẫn, chỉ dẫn, thông báo ngắn, đơn giản liên quan đến các chủ đề quen thuộc.

 

Lớp 9

Hết lớp 9, học sinh có khả năng:

Nghe

· Nhận biết và nhắc lại được âm, trọng âm, ngữ điệu và nhịp điệu trong các câu ghép và câu phức cơ bản khác nhau.

· Nghe hiểu các chỉ dẫn đơn giản và cơ bản sử dụng trong các tình huống giao tiếp rộng hơn như các thông báo công cộng.

· Nghe hiểu nội dung chính, nội dung chi tiết các bài đối thoại, độc thoại đơn giản, trong khoảng 120 từ về các chủ đề trong chương trình như: môi trường địa phương, cuộc sống thành thị, đất nước nói tiếng Anh, du lịch, tuổi trưởng thành, tiếng Anh trên thế giới, ...

· Nghe hiểu nội dung chính các loại văn bản đơn giản như chuyện kể, các mô tả, lời giải thích, thảo luận ... về các chủ đề được quy định trong phần nội dung.

Nói

· Phát âm được các âm, trọng âm, ngữ điệu và nhịp điệu trong các câu ghép và câu phức cơ bản khác nhau.

· Nói được các chỉ dẫn đơn giản sử dụng trong các tình huống giao tiếp rộng hơn như các thông báo công cộng.

· Thảo luận ngắn và đơn giản về các chủ đề trong chương trình như: môi trường địa phương, cuộc sống thành thị, du lịch, tuổi trưởng thành, tiếng Anh trên thế giới, ...biết bắt đầu, duy trì và kết thúc hội thoại.

· Kể lại các câu chuyện có gợi ý, sự kiện đơn giản liên quan đến các chủ đề quen thuộc.

Đọc

· Đọc hiểu nội dung chính, nội dung chi tiết các bài đối thoại, độc thoại đơn giản trong khoảng 140 từ về về các chủ đề có trong chương trình như: môi trường địa phương, cuộc sống thành thị, đất nước nói tiếng Anh, du lịch, tuổi trưởng thành, tiếng Anh trên thế giới, ...

· Đọc hiểu nội dung chính và nội dung chi tiết các mẩu tin, câu chuyện kể, các bảng biểu, ... các văn bản, tài liệu ngắn, đơn giản thuộc phạm vi chủ đề được quy định trong phần nội dung.

· Đọc hiểu và đoán được nghĩa của từ mới dựa vào suy luận, nhận biết tổ chức của đoạn văn ngắn, đơn giản.

Viết

· Viết có hướng dẫn một đoạn ngắn, đơn giản khoảng 100 từ về các chủ đề có trong chương trình như: môi trường địa phương, cuộc sống thành thị, đất nước nói tiếng Anh, du lịch, tuổi trưởng thành, tiếng Anh trên thế giới, ...

· Viết tóm tắt có hướng dẫn nội dung chính của bài văn, câu chuyện ngắn theo chủ đề được quy định trong phần nội dung. Sử dụng được các phương tiện liên kết văn bản.

 

CẤP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG - CHƯƠNG TRÌNH 10 NĂM

Lớp 10

Hết lớp 10, học sinh có khả năng:

Nghe

(khoảng 200 – 220 từ)

· Nghe hiểu, theo dõi được hội thoại hàng ngày có phát âm chuẩn, rõ ràng tuy đôi khi còn cần nhắc lại một số từ hoặc cụm từ.

· Nghe hiểu được ý chính của các chương trình truyền hình được lựa chọn có chủ đề quen thuộc với tốc độ nói chậm và phát âm rõ ràng.

· Nghe hiểu được thông tin kỹ thuật đơn giản như thông tin hướng dẫn sử dụng các thiết bị hàng ngày.

Nói

· Khởi đầu, duy trì và kết thúc hội thoại trực diện đơn giản về các chủ đề quen thuộc hoặc chủ đề cá nhân quan tâm.

· Diễn đạt hoặc phản hồi các cảm xúc như ngạc nhiên, vui, buồn, quan tâm hoặc không quan tâm.

· Đồng ý, phản đối lịch sự và tư vấn.

Đọc

(khoảng 220 – 250 từ)

· Đọc hiểu được ý chính trong các văn bản ngắn về các chủ đề quen thuộc.

· Đọc hiểu được thông tin quan trọng nhất trong các tài liệu đơn giản hàng ngày.

· Đọc hiểu được các thông điệp đơn giản, các giao tiếp chuẩn mực. (Ví dụ: từ các câu lạc bộ, tổ chức xã hội, ban giám hiệu nhà trường, …)

Viết

(khoảng 140 – 160 từ)

· Viết các thông điệp cá nhân cho bạn bè và người quen hỏi hoặc cung cấp tin tức và kể lại các sự kiện.

· Viết các đoạn văn đơn giản về các trải nghiệm hoặc sự kiện. (Ví dụ: về một chuyến đi cho báo tường hoặc cho câu lạc bộ).

· Viết các văn bản đơn giản về các chủ đề quen thuộc hoặc cá nhân quan tâm.

 

Lớp 11

Hết lớp 11, học sinh có khả năng:

Nghe

(khoảng 220 – 240 từ)

· Nghe hiểu được những ý tổng quát của hội thoại mở rộng có phát âm chuẩn, rõ ràng.

· Nghe hiểu được ý chính của tin tức trên đài phát thanh và các đoạn ghi âm đơn giản với tốc độ chậm và rõ ràng.

· Nghe bài kể lại ngắn và đưa ra các giả thiết cho điều xảy ra tiếp theo.

Nói

· Khởi đầu, duy trì và kết thúc hội thoại hoặc thảo luận về các chủ đề quen thuộc hoặc cá nhân quan tâm tuy đôi khi còn gặp khó khăn trong diễn đạt chính xác điều muốn trình bày.

· Hỏi và cung cấp chỉ dẫn, hướng dẫn.

· Tìm kiếm và đưa ra các quan điểm, ý kiến cá nhân trong thảo luận, nói chuyện với bạn bè.

Đọc

(khoảng 250 – 280 từ)

· Đọc hiểu các chuyên mục, bài phỏng vấn đơn giản thể hiện quan điểm về chủ đề hoặc sự kiện thời sự trên báo và tạp chí.

· Đọc hiểu các sự kiện, cảm xúc, mong ước hoặc các thông điệp khác thông qua các phương tiện truyền thông khác nhau.

· Đọc hiểu được các loại văn bản có tần suất ngôn ngữ hàng ngày cao.

Viết

(khoảng 160 – 180 từ)

· Viết thư cá nhân, thư điện tử, nhật ký hoặc blog miêu tả trải nghiệm và kinh nghiệm về các chủ đề và sự kiện quen thuộc. (Ví dụ: về một bộ phim, một cuốn sách hoặc một buổi hòa nhạc.)

· Viết phản hồi các quảng cáo hoặc thông báo để lấy thêm thông tin cụ thể hoặc đầy đủ về các sản phảm dịch vụ. (Ví dụ: về một khóa học.)

· Truyền đạt được các thông tin hoặc hỏi được các thông tin đơn giản, ngắn gọn từ bạn bè hoặc người quen.

 

Lớp 12

Hết lớp 12, học sinh có khả năng:

Nghe

(khoảng 240 – 260 từ)

· Nghe hiểu được ý chính của ngôn bản về các chủ đề quen thuộc thường gặp trong các hoạt động học tập, giải trí hàng ngày

· Nghe hiểu được ý chính của các chương trình truyền hình hoặc phát thanh phù hợp về các chủ đề thời sự hoặc quen thuộc với tốc độ chậm và phát âm rõ ràng.

· Nghe bài kể lại ngắn và đưa ra các giả thiết cho điều xảy ra tiếp theo.

Nói

· Xử lý được phần lớn các tình huống giao tiếp bằng tiếng Anh có thể với khách nước ngoài. Tham gia không cần chuẩn bị vào các cuộc hội thoại có chủ đề thời sự quen thuộc cá nhân quan tâm hoặc có liên quan tới cuộc sống hàng ngày. (Ví dụ: gia đình, sở thích, du lịch, thể thao và các vấn đề thời sự.)

· Miêu tả được các trải nghiệm, kinh nghiệm, sự kiện, ước mơ, hy vọng và kỳ vọng sử dụng ngôn ngữ lưu loát có ý nghĩa. Giải thích và trình bày ngắn gọn cho quan điểm và/hoặc kế hoạch.

· Kể lại câu truyện hoặc liên hệ được cốt truyện của phim hoặc sách với phản hồi của cá nhân.

Đọc

(khoảng 280 – 300 từ)

· Đọc hiểu được những miêu tả về sự kiện, cảm xúc, ước muốn trong các văn bản khác nhau, thông điệp các nhân hoặc thư tín.

· Đọc hiểu được cốt truyện, nắm được những thành tố, sự kiện quan trọng nhất và hiểu được ý nghĩa của những thành tố, sự kiện đó.

· Đọc lướt/đọc rà văn bản ngắn (câu chuyện, tin tức, tóm tắt, tin nhắn, quảng cáo…) để tìm các thông tin liên quan.

Viết

(khoảng 180 – 200 từ)

· Viết bài văn đơn giản về các chủ đề quen thuộc cá nhân quan tâm và diễn đạt được ý kiến, quan điểm của cá nhân về các chủ đề đó.

· Miêu tả được các bảng, biểu, biểu đồ.

· Viết thư, đơn xin việc và viết được sơ yếu lí lịch kèm đơn, thư xin việc.

 

CẤP TRUNG HỌC CƠ SỞ - CHƯƠNG TRÌNH 7 NĂM

Lớp 6

Hết lớp 6, học sinh có khả năng:

Nghe

 

· Nghe hiểu được các câu mệnh lệnh và lời nói đơn giản thường dùng trên lớp học.

· Nghe hiểu những câu nói, câu hỏi-đáp đơn giản với tổng độ dài khoảng 40-60 từ về thông tin cá nhân, gia đình và nhà trường.

Nói

 

· Hỏi - đáp đơn giản về thông tin cá nhân, gia đình và nhà trường trong phạm vi các chủ điểm có trong chương trình.

· Thực hiện một số chức năng giao tiếp đơn giản: chào hỏi, đưa ra và thực hiện mệnh lệnh, nói vị trí đồ vật, hỏi-đáp về thời gian, miêu tả người, miêu tả thời tiết,...

Đọc

 

· Đọc hiểu được nội dung chính các đoạn độc thoại hoặc hội thoại đơn giản, mang tính thông báo với độ dài khoảng 50-70 từ, xoay quanh các chủ điểm có trong chương trình.

Viết

 

· Viết được một số câu đơn giản có tổng độ dài khoảng 40-50 từ có nội dung liên quan đến các chủ điểm có trong chương trình.

 

Lớp 7

Hết lớp 7, học sinh có khả năng:

Nghe

 

· Nghe hiểu được các đoạn hội thoại và độc thoại đơn giản về các nội dung chủ điểm đã học.trong chương trình.

· Hiểu được nội dung chính các đoạn hội thoại và độc thoại ở tốc độ chậm vừa phải có độ dài khoảng 60-80 từ .

Nói

 

· Hỏi - đáp hoặc trao đổi về thông tin cá nhân đơn giản, các hoạt động học tập, vui chơi, giải trí, và sinh hoạt hàng ngày.

· Thực hiện một số chức năng giao tiếp cơ bản: diễn đạt ý định, lời mời, lời khuyên, góp ý, thu xếp thời gian địa điểm các cuộc hẹn, hỏi đường và chỉ đường.

Đọc

 

· Đọc hiểu được nội dung các đoạn độc thoại hoặc hội thoại đơn giản, mang tính thông báo với độ dài khoảng 50-70 từ, xoay quanh các chủ điểm có trong chương trình.

Viết

 

· Viết được một đoạn có độ dài khoảng 50-60 từ gồm một số câu đơn giản về nội dung lên quan đến các chủ điểm đã học hoặc viết có hướng dẫn phục vụ các nhu cầu giao tiếp cá nhân và xã giao đơn giản như thư mời, lời mời.

· Viết lại được các nội dung chính được diễn đạt qua nói.

 

Lớp 8

Hết lớp 8, học sinh có khả năng:

Nghe

 

· Nghe hiểu được nội dung chính và nội dung chi tiết các đoạn độc thoại/hội thoại trong phạm vi các nội dung chủ điểm đã học trong chương trình.

· Hiểu được các văn bản có độ dài khoảng 80-100 từ ở tốc độ tương đối chậm.

Nói

 

· Hỏi - đáp, miêu tả, kể, giải thích về các thông tin liên quan đến cá nhân các hoạt động học tập, sinh hoạt vui chơi, giải trí.

· Thực hiện một số chức năng giao tiếp cơ bản: thông báo, trình bày, diễn đạt lời đề nghị, chấp nhận hoặc từ chối lời đề nghị, diễn đạt lời hứa, ...

Đọc

· Đọc hiểu được nội dung chính và nội dung chi tiết các văn bản với độ dài khoảng 110-140 từ, xoay quanh các chủ điểm có trong chương trình.

Viết

· Viết theo mẫu và có gợi ý đoạn văn có độ dài khoảng 60-80 từ về nội dung liên quan đến các chủ điểm đã học hoặc để phục vụ các nhu cầu giao tiếp đơn giản như viết thư cám ơn, viết lời mời, ...

 

Lớp 9

Hết lớp 9, học sinh có khả năng:

Nghe

 

· Nghe hiểu được nội dung chính và nội dung chi tiết các đoạn độc thoại/hội thoại có độ dài khoảng 100-120 từ trong phạm vi các nội dung chủ điểm đã học trong chương trình.

· Hiểu được các văn bản ở tốc độ tương đối chậm.

Nói

 

· Hỏi - đáp, miêu tả, kể, giải thích, trình bày, nhận xét, quan điểm cá nhân về các thông tin liên quan đến cá nhân, các hoạt động học tập, sinh hoạt hàng ngày.

· Thực hiện một số chức năng giao tiếp cơ bản: nói hoạt động theo thói quen, đưa ra gợi ý, đưa ra cách thuyết phục,...

Đọc

 

· Đọc hiểu được nội dung chính và nội dung chi tiết các văn bản với độ dài khoảng 150-180 từ, xoay quanh các chủ điểm có trong chương trình.

· Hiểu các loại dấu chấm, ngắt câu và các thành tố liên kết trong văn bản đã học trong chương trình.

Viết

 

· Viết có gợi ý (theo mẫu) đoạn văn có độ dài khoảng 80-100 từ về nội dung liên quan đến các chủ điểm đã học hoặc để phục vụ các nhu cầu giao tiếp cá nhân và xã giao đơn giản như điền vào các phiếu cá nhân, viết tin nhắn, lời mời, viết thư cho bạn.

 

CẤP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG - CHƯƠNG TRÌNH 7 NĂM

Lớp 10

Hết lớp 10, học sinh có khả năng:

Nghe

· Nghe hiểu được nội dung chính và nội dung chi tiết các đoạn độc thoại/hội thoại có độ dài khoảng 120-150 từ trong phạm vi các nội dung chủ điểm đã học trong chương trình.

· Hiểu đ­ược các văn bản ở tốc độ t­ương đối chậm.

Nói

· Hỏi - đáp, trình bày về các nội dung liên quan đến các chủ điểm có trong chương trình.

· Thực hiện một số chức năng giao tiếp cơ bản: bày tỏ ý kiến, hỏi đ­ường, hỏi thông tin và cung cấp thông tin, ....

Đọc

· Đọc hiểu đư­ợc nội dung chính và nội dung chi tiết các văn bản với độ dài khoảng 190 - 230 từ, xoay quanh các chủ điểm có trong chương trình.

· Phát triển kĩ năng từ vựng: sử dụng từ điển, ngữ cảnh, …

Viết

· Viết theo mẫu/hoặc có gợi ý đoạn văn có độ dài khoảng 100-120 từ về nội dung liên quan đến các chủ điểm đã học hoặc để phục vụ các nhu cầu giao tiếp cá nhân và xã giao đơn giản.

Lớp 11

Hết lớp 11, học sinh có khả năng:

Nghe

 

· Nghe hiểu được nội dung chính và nội dung chi tiết các đoạn độc thoại/hội thoại có độ dài khoảng 150-180 từ trong phạm vi các nội dung chủ điểm đã học trong chương trình.

· Hiểu được các văn bản ở tốc độ gần tự nhiên.

· Nhận biết được quan điểm và thái độ của người nói.

Nói

 

· Hỏi - đáp, trình bày về các nội dung liên quan đến các chủ điểm có trong chương trình.

· Thực hiện một số chức năng giao tiếp cơ bản: bày tỏ sự hài lòng và không hài lòng, tán thành và phản đối, phân biệt sự kiện thực tế và ý kiến cá nhân, nói và đáp lại lời cảm ơn theo đặc điểm của nền văn hoá khác nhau, làm quen, so sánh, đối chiếu tương phản,..

Đọc

 

· Đọc hiểu được nội dung chính và nội dung chi tiết các văn bản với độ dài khoảng 240-270 từ, xoay quanh các chủ điểm có trong chương trình.

· Phát triển kĩ năng từ vựng: sử dụng từ điển, ngữ cảnh, từ đồng nghĩa, trái nghĩa.

· Nhận biết các thành tố ngữ pháp, liên kết văn bản.

Viết

· Viết có gợi ý (không theo mẫu) đoạn văn có độ dài khoảng 120-130 từ về nội dung liên quan đến các chủ điểm đã học hoặc để phục vụ các nhu cầu giao tiếp cá nhân và xã giao đơn giản.

 

Lớp 12

Hết lớp 12, học sinh có khả năng:

Nghe

 

· Nghe hiểu được nội dung chính và nội dung chi tiết các đoạn độc thoại/hội thoại có độ dài khoảng 180-200 từ trong phạm vi các nội dung chủ điểm đã học trong chương trình.

· Hiểu được các văn bản ở tốc độ gần tự nhiên.

Nói

· Hỏi - đáp, trình bày về các nội dung liên quan đến các chủ điểm có trong chương trình.

· Thực hiện một số chức năng giao tiếp cơ bản: bày tỏ quan điểm cá nhân, nói về nhu cầu và sở thích, giải thích lí do, …

Đọc

 

· Đọc hiểu được nội dung chính và nội dung chi tiết các văn bản với độ dài khoảng 280-320 từ, xoay quanh các chủ điểm có trong chương trình.

· Phân biệt được các ý chính và các ý bổ trợ.

· Sử dụng được các ý chính để tóm tắt văn bản.

Viết

 

· Viết theo mẫu và/hoặc có gợi ý đoạn văn có độ dài khoảng 130-150 từ về nội dung liên quan đến các chủ điểm đã học hoặc để phục vụ các nhu cầu giao tiếp cá nhân và xã giao đơn giản.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5333/BGDĐT-GDTrH năm 2014 triển khai kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực môn tiếng Anh cấp trung học từ năm học 2014-2015 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 5333/BGDĐT-GDTrH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 29/09/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Vinh Hiển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản