Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5278/SYT-NVY | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 8 năm 2021 |
Kính gửi: | - Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và quận huyện; |
Ngày 29/7/2021, Sở Y tế ban hành công văn 5069/SYT-NVY về việc ban hành Hướng dẫn triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà đối với người nhiễm SARS-COV-2.
Để đảm bảo người nhiễm SARS-CoV-2 cách ly tại nhà được quản lý và theo dõi sức khỏe, kịp thời được hỗ trợ y tế khi có các triệu chứng chuyển nặng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố Thủ Đức, quận, huyện và phường, xã chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc và theo dõi sức khỏe những người nhiễm mới được cách ly tại nhà hướng đến mục tiêu phát hiện những dấu hiệu chuyển nặng và can thiệp điều trị kịp thời, những hoạt động cần triển khai như sau:
1. Quản lý danh sách người nhiễm SARS-CoV-2 đủ điều kiện cách ly tại nhà
- Truy xuất và quản lý danh sách người nhiễm đang cách ly tại nhà trên địa bàn quận, huyện, phường, xã bằng chức năng “người cách ly” trên phần mềm “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19” của Sở Y tế. Người nhiễm được phát hiện từ nhiều nguồn, nơi nào phát hiện thì nơi đó phải lập danh sách và chuyển thông tin trên phần mềm về Trạm Y tế (nơi người nhiễm dự kiến cách ly tại nhà) để quản lý và theo dõi.
- Nơi phát hiện phải có trách nhiệm hướng dẫn người nhiễm tuân thủ các quy định khi cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện); hướng dẫn người nhiễm liên hệ với y tế địa phương khi xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng bất thường; nhập thông tin người nhiễm vào phần mềm “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19”, cụ thể như sau:
Đối với người nhiễm mới được phát hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh qua khám sàng lọc hoặc đăng ký xét nghiệm theo nhu cầu: cơ sở khám chữa bệnh (đã được cấp tài khoản phần mềm “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19”) nhập thông tin người nhiễm vào phần mềm “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19” và bấm chuyển thông tin người nhiễm về Trạm Y tế nơi người nhiễm dự kiến cách ly tại nhà.
Đối với người nhiễm mới được phát hiện qua tầm soát tại cộng đồng (qua tra cứu dữ liệu trên phần mềm CDS): Trạm Y tế chịu trách nhiệm nhập thông tin người nhiễm trực tiếp vào phần mềm “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19”. Đối với trường hợp người nhiễm chỉ có kết quả test nhanh dương tính, hướng dẫn người nhiễm đến điểm lấy mẫu trên địa bàn để được lấy mẫu làm xét nghiệm RT-PCR.
Đối với người nhiễm mới được phát hiện qua tầm soát tại các cơ quan, doanh nghiệp, nhà máy ... thì đơn vị phải bàn giao danh sách người nhiễm (bản chính thức và file excel theo mẫu đính kèm) cho Trạm Y tế nơi người nhiễm cư trú để Trạm Y tế nhập dữ liệu người nhiễm vào phần mềm “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19”.
Đối với người nhiễm không triệu chứng lâm sàng đủ điều kiện xuất viện vào ngày thứ 07: cơ sở cách ly tập trung, bệnh viện phải hoàn tất thủ tục cho người nhiễm xuất viện (phải cập nhật thông tin nơi tiếp tục giám sát y tế tại nhà và số điện thoại), bấm chuyển thông tin người nhiễm về Trạm Y tế nơi người nhiễm cư trú để tiếp tục giám sát y tế tại nhà.
2. Quản lý điều kiện cách ly tại nhà
Hàng ngày, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn chỉ đạo Trạm Y tế tra cứu trên phần mềm “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19” để biết danh sách người nhiễm đang quản lý. Căn cứ danh sách người nhiễm trên phần mềm “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19”, Trạm Y tế phải phối hợp Tổ COVID-19 cộng đồng để triển khai các nội dung như sau:
- Đánh giá các điều kiện cách ly tại nhà trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận thông tin. Nếu đủ điều kiện, người nhiễm tiếp tục cách ly tại nhà, nếu không đủ điều kiện, chuyển người nhiễm đến cơ sở y tế được phân công điều trị để cách ly theo quy định.
- Cung cấp tờ rơi để hướng dẫn người nhiễm cách ly tại nhà; hướng dẫn người nhiễm khai báo tình trạng sức khỏe mỗi ngày qua ứng dụng “Y tế HCM”; hướng dẫn người nhiễm nhận biết các triệu chứng cần liên hệ nhân viên y tế, cung cấp số điện thoại để người nhiễm liên hệ khi cần.
- Cung cấp các thuốc nâng cao thể trạng và thuốc y học cổ truyền cho người nhiễm (nếu có).
3. Quản lý sức khỏe người nhiễm SARS-COV-2 đang cách ly tại nhà
- Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn chỉ đạo Trạm Y tế theo dõi tình hình sức khỏe hàng ngày của người nhiễm đang cách ly tại nhà qua tài khoản quản trị của phần mềm “Khai báo y tế điện tử” đã được Sở Y tế cấp cho các Trạm Y tế để can thiệp điều trị kịp thời.
- Thành lập Tổ phản ứng nhanh tại mỗi phường, xã với thành phần bác sĩ, điều dưỡng của Trạm Y tế, Trung tâm Y tế, Bệnh viện quận, huyện, Công an, Đoàn thanh niên.... Trong đó, nhân viên y tế của Trạm Y tế chịu trách nhiệm chính trong công tác sơ cấp cứu cho người dân trên địa bàn.
- Khi nhận cuộc gọi của người dân trên địa bàn, Tổ phản ứng nhanh phải đánh giá ngay mức nguy cơ dựa vào triệu chứng qua khai báo của người gọi (khó thở, tím tái, lơ mơ...) để quyết định đưa xe vận chuyển đến tận nhà người dân.
- Tổ phản ứng nhanh sử dụng xe vận chuyển người bệnh (đã được phân bổ theo công văn 5185/SYT-NVY ngày 02/8/2021 của Sở Y tế); đảm bảo trên xe có bình oxy, dụng cụ thở oxy (mask, canula...), máy đo SpO2. Trong trường hợp xe đã được huy động cho trường hợp cấp cứu khác thì gọi “115” để được hỗ trợ.
- Tổ phản ứng nhanh đánh giá nhanh tình trạng người bệnh:
Nếu người bệnh có SpO2 trên 97%, không có dấu hiệu bất thường: hướng dẫn người bệnh theo dõi sức khỏe tại nhà.
Nếu người bệnh có SpO2 từ 95-96% kèm các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, đau ngực...: cho người bệnh thở oxy qua mũi, vận chuyển người bệnh đến cơ sở cách ly tập trung F0 trên địa bàn, thuộc thành phố Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn để được theo dõi và điều trị.
Nếu người bệnh có SpO2 dưới 94% kèm các triệu chứng nặng như thở gắng sức,...: cho người bệnh thở oxy qua mask, vận chuyển người bệnh đến khu vực cấp cứu của cơ sở cách ly tập trung F0 trên địa bàn thuộc thành phố Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn hoặc bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 thành phố Thủ Đức, quận, huyện (nếu có) để được theo dõi và điều trị.
Nếu người bệnh trong tình trạng nguy kịch (tím tái, hôn mê, ngừng thở...): cho người bệnh thở oxy qua mask hoặc hồi sinh tim phổi cơ bản và vận chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất; đồng thời gọi Tổ Điều phối chuyển viện người bệnh COVID-19 nặng thuộc Sở Y tế để hỗ trợ khẩn cấp qua đường dây nóng (0989.401.155) giúp chuyển người bệnh đến tầng điều trị phù hợp.
- Sau khi xử trí can thiệp điều trị xong, Trạm Y tế phải cập nhật hành động xử trí và kết quả xử trí vào phần mềm “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19” nhằm quản lý đầy đủ thông tin sức khỏe của người nhiễm, thuận tiện cho việc theo dõi và báo cáo.
- Trước khi kết thúc thời gian cách ly, Trạm Y tế phải tổ chức lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 14 (test nhanh hoặc RT-PCR mẫu đơn), nếu kết quả xét nghiệm âm tính, cập nhật kết quả xét nghiệm và xác định kết thúc thời gian cách ly trên phần mềm “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19” và “Khai báo y tế điện tử”. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn ban hành quyết định kết thúc thời gian cách ly.
4. Trách nhiệm triển khai thực hiện
a. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm chính về:
- Tổ chức đánh giá điều kiện cách ly tại nhà trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận thông tin.
- Quản lý danh sách người nhiễm và theo dõi toàn bộ sức khỏe của người nhiễm từ khi bắt đầu cách ly đến khi kết thúc thời gian cách ly.
- Thành lập Tổ phản ứng nhanh phân công trực 24/7 để tiếp nhận cuộc gọi của người dân trên địa bàn.
- Chuẩn bị sẵn sàng xe vận chuyển người bệnh, các dụng cụ, phương tiện cấp cứu, thuốc cấp cứu cơ bản cho việc cấp cứu người bệnh.
- Đảm bảo chỗ nghỉ ngơi, sinh hoạt cho tài xế xe vận chuyển và các thành viên của Tổ phản ứng nhanh trong giờ trực.
- Thông báo cho người nhiễm kết thúc thời gian cách ly tại nhà.
- Định kỳ hàng ngày báo cáo tình hình quản lý người cách ly tại nhà cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
b. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện, thành phố Thủ Đức chịu trách nhiệm chính về:
- Bố trí khu vực cấp cứu với đầy đủ các trang thiết bị y tế, thuốc tại mỗi cơ sở cách ly tập trung F0 quận, huyện, phường, xã
- Chọn 01 hoặc vài cơ sở cách ly tập trung chuyên tiếp nhận người nhiễm có triệu chứng, nếu đủ điều kiện thì chuyển đổi trở thành Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 của thành phố Thủ Đức, quận, huyện.
- Thành lập Tổ phản ứng nhanh của quận, huyện để tham gia công tác cấp cứu các trường hợp nặng và nguy kịch cho người dân trên địa bàn.
- Chuẩn bị sẵn sàng xe vận chuyển người bệnh, xe cấp cứu của các bệnh viện quận, huyện, các dụng cụ, phương tiện cấp cứu, thuốc cấp cứu cơ bản cho việc cấp cứu người bệnh.
- Đảm bảo chỗ nghỉ ngơi, sinh hoạt cho nhân viên y tế, nhân viên phụ trách Tổ phản ứng nhanh trong giờ trực.
- Huy động các nguồn nhân lực từ y tế tư nhân, nhân viên hưu trí hoặc các lực lượng tình nguyện tham gia chăm sóc và tư vấn sức khỏe cho người dân trên địa bàn.
- Chỉ đạo Trung tâm Y tế định kỳ hàng ngày báo cáo tình hình quản lý người cách ly tại nhà cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố.
c. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố
- Chịu trách nhiệm trước Ban Giám đốc Sở Y tế về toàn bộ hoạt động quản lý người nhiễm đang cách ly tại nhà trên địa bàn Thành phố.
- Giám sát hoạt động triển khai quản lý người nhiễm đang cách ly tại nhà đối với từng quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
- Thống kê, báo cáo tình hình quản lý người cách ly tại nhà trên địa bàn Thành phố cho Ban Giám đốc Sở Y tế trước 8g00 sáng hàng ngày.
d. Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố: Đảm bảo việc tiếp nhận cuộc gọi của tổng đài cấp cứu “115” không bị gián đoạn, nhanh chóng huy động phương tiện vận chuyển cấp cứu phù hợp (xe taxi cấp cứu, xe cứu thương) để sẵn sàng hỗ trợ Tổ phản ứng nhanh khi được yêu cầu và chuyển người bệnh đến cơ sở điều trị phù hợp.
e. Cơ sở khám chữa bệnh
- Khi phát hiện người nhiễm mới, cơ sở khám chữa bệnh phải có trách nhiệm hướng dẫn người nhiễm tuân thủ các quy định khi cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện); hướng dẫn người cách ly liên hệ với y tế địa phương khi xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng bất thường; nhập thông tin người nhiễm vào phần mềm “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19”.
- Trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh không có tài khoản phần mềm "Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19” phải bàn giao danh sách người nhiễm cho Trạm Y tế nơi người nhiễm cư trú.
- Cơ sở cách ly tập trung, bệnh viện khi hoàn tất thủ tục cho người nhiễm không triệu chứng lâm sàng đủ điều kiện xuất viện vào ngày thứ 07 phải chuyển tiếp thông tin thông tin người nhiễm về Trạm Y tế nơi người nhiễm cư trú để tiếp tục giám sát y tế tại nhà.
- Các bệnh viện, trung tâm y tế có giường nội trú phải sẵn sàng tiếp nhận người bệnh khi xe vận chuyển người bệnh của Tổ phản ứng nhanh và hệ thống xe cấp cứu do Trung tâm Cấp cứu 115 điều phối. Đảm bảo trực 24/7, luôn mở cổng tiếp nhận cấp cứu nhất là ban đêm để sẵn sàng tiếp nhận khi người dân tự đến khám và cấp cứu. Lưu ý: không được yêu cầu người bệnh phải có xét nghiệm test nhanh hoặc RT-PCR dương tính mới tiếp nhận.
f. Sở Y tế
- Tổ Điều phối chuyển viện người bệnh COVID-19 nặng đảm bảo thường trực 24/7 để tiếp nhận cuộc gọi qua đường dây nóng để hướng dẫn các Tổ phản ứng nhanh chuyển người bệnh đến các bệnh viện thuộc tầng trên; giám sát việc chuyển viện giữa các cơ sở y tế và bệnh viện.
- Phòng Nghiệp vụ Y chịu trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn, tập huấn chuyên môn cho các Tổ phản ứng nhanh. Tham mưu cho Ban Giám đốc Sở Y tế các điều kiện cần thiết khi cơ sở y tế tham gia khám chữa bệnh tại nhà cho người nhiễm và nghi nhiễm.
- Phòng Kế hoạch Tài chính phối hợp Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố hướng dẫn việc hoán cải các xe vận chuyển, trang thiết bị cấp cứu cơ bản theo xe và hướng dẫn các đơn vị thanh quyết toán theo quy định hiện hành.
- Phòng Tổ chức Cán bộ chịu trách nhiệm hướng dẫn các thủ tục để chuyển đổi cơ sở cách ly tập trung F0 thành các Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 quận, huyện
Để các hoạt động trên được triển khai hiệu quả, Sở Y tế đề nghị Thủ trưởng các đơn vị, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện chỉ đạo các bộ phận có liên quan tổ chức việc quản lý người nhiễm trên địa bàn một cách đồng bộ và chặt chẽ.
(Lưu ý: để bảo mật thông tin, tài khoản quản trị phần mềm “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19” của các Trạm Y tế sẽ được chuyển về email công vụ của các Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức, quận, huyện)./.
| KT. GIÁM ĐỐC |
DANH SÁCH NGƯỜI NHIỄM SARS-COV-2 MỚI ĐƯỢC PHÁT HIỆN
(Dành cho các cơ sở không có tài khoản “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19)”
TT | Họ tên | Năm sinh | Giới tính | Địa chỉ nơi dự kiến cách ly tại nhà (số nhà, tên đường, phường xã, quận huyện) | Số điện thoại liên lạc của người nhiễm |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- 1Công văn 4897/SYT-TCCB năm 2021 triển khai hướng dẫn tổ chức cơ sở cách ly tập trung cho từng đối tượng F0 trên địa bàn Thành phố Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn do Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Công văn 4987/SYT-NVY năm 2021 về quản lý với người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 do Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3Công văn 5145/SYT-NVY năm 2021 triển khai tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong giai đoạn hiện nay do Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 4Kế hoạch 4223/KH-UBND năm 2021 triển khai phần mềm quản lý, giám sát cách ly y tế tại nhà trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 5Quyết định 2186/QĐ-UBND năm 2021 ban hành "Hướng dẫn thực hiện thí điểm cách ly người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 (F1) tại nhà trên địa bàn tỉnh Kiên Giang"''
- 6Kế hoạch 4192/KH-UBND năm 2021 về xây dựng thế trận y tế ứng phó với biến thể Omicron SARS-CoV-2 tại Thành phố Hồ Chí Minh
- 1Công văn 4897/SYT-TCCB năm 2021 triển khai hướng dẫn tổ chức cơ sở cách ly tập trung cho từng đối tượng F0 trên địa bàn Thành phố Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn do Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Công văn 4987/SYT-NVY năm 2021 về quản lý với người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 do Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3Công văn 5069/SYT-NVY năm 2021 về hướng dẫn triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà đối với người mắc COVID-19 do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 4Công văn 5145/SYT-NVY năm 2021 triển khai tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong giai đoạn hiện nay do Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 5Kế hoạch 4223/KH-UBND năm 2021 triển khai phần mềm quản lý, giám sát cách ly y tế tại nhà trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 6Quyết định 2186/QĐ-UBND năm 2021 ban hành "Hướng dẫn thực hiện thí điểm cách ly người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 (F1) tại nhà trên địa bàn tỉnh Kiên Giang"''
- 7Kế hoạch 4192/KH-UBND năm 2021 về xây dựng thế trận y tế ứng phó với biến thể Omicron SARS-CoV-2 tại Thành phố Hồ Chí Minh
Công văn 5278/SYT-NVY năm 2021 triển khai quản lý sức khỏe người nhiễm SARS-CoV-2 cách ly tại nhà do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 5278/SYT-NVY
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 03/08/2021
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Tăng Chí Thượng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 03/08/2021
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra