Hệ thống pháp luật

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 516/LĐLĐ-CSPL
V/v hướng dẫn và giám sát việc điều chỉnh lương tối thiểu năm 2022

TP. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 6 năm 2022

 

Kính gửi:

- Liên đoàn Lao động thành phố Thủ Đức và các Quận, Huyện;
- Công đoàn Ngành, sở, Khối, Tổng công ty và cấp trên tương đương;
- Các CĐCS trực thuộc Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 12 tháng 6 năm 2022 Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP về quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng được thực hiện từ ngày 01/7/2022. Nội dung điều chỉnh cụ thể như sau:

Vùng

Mức lương tối thiểu tháng
(Đơn vị: đồng/tháng)

Mức lương tối thiểu giờ
(Đơn vị: đồng/giờ)

I

4.680.000 đồng/tháng

22.500 đồng/giờ

II

4.160.000 đồng/tháng

20.000 đồng/giờ

III

3.640.000 đồng/tháng

17.500 đồng/giờ

IV

3.250.000 đồng/tháng

15.600 đồng/giờ

Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khi triển khai điều chỉnh lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng cần lưu ý một số điểm sau:

1. Phối hợp với cơ quan quản lý lao động cùng cấp tiến hành tập huấn cho công đoàn cơ sở về nội dung, phương pháp điều chỉnh lương tối thiểu vùng để có sự thống nhất trong việc điều chỉnh lương vùng;

2. Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.

3. Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.

4. Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ. Mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ trên cơ sở thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động lựa chọn theo quy định của pháp luật lao động như sau:

a) Mức lương quy đổi theo tháng bằng mức lương theo tuần nhân với 52 tuần chia cho 12 tháng; hoặc mức lương theo ngày nhân với số ngày làm việc bình thường trong tháng; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán thực hiện trong thời giờ làm việc bình thường trong tháng.

b) Mức lương quy đổi theo giờ bằng mức lương theo tuần, theo ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong tuần, trong ngày; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán chia cho số giờ làm việc trong thời giờ làm việc bình thường để sản xuất sản phẩm, thực hiện nhiệm vụ khoán.

5. Khi tiến hành điều chỉnh mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng, doanh nghiệp không được cắt giảm các chế độ đã được pháp luật quy định. Đối với các khoản phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng... do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

6. Ngoài việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu, doanh nghiệp không được hạ bậc lương đang hưởng của người lao động và vẫn phải đảm bảo thực hiện quy chế xét nâng lương định kỳ đã được thỏa thuận trong hợp đồng lao động: thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp;

7. Sau khi Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở đã thống nhất với doanh nghiệp và mức điều chỉnh lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ theo vùng thì công khai cho người lao động biết và phối hợp với doanh nghiệp điều chỉnh lại tiền lương trong hợp đồng lao động cho phù hợp:

8. Tổ chức giám sát việc điều chỉnh lương cũng như các khoản phụ cấp, trợ cấp khác của doanh nghiệp không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp thực hiện không đúng, không đầy đủ. Ở những doanh nghiệp đông công nhân, thường hay xảy ra tranh chấp thì cử cán bộ nắm tình hình, hướng dẫn công đoàn cơ sở trong quá trình điều chỉnh lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ theo vùng cho phù hợp, không để xảy ra tình trạng tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể:

Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức triển khai thực hiện tinh thần công văn này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, phản ánh về Liên đoàn Lao động Thành phố (qua Ban Chính sách Pháp luật) để được giải quyết kịp thời.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thường trực LĐLĐ TP “để b/cáo”;
- Lưu VP, CSPL.

TM. BAN THƯỜNG VỤ
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Chí Tâm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 516/LĐLĐ-CSPL về hướng dẫn và giám sát việc điều chỉnh lương tối thiểu năm 2022 do Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 516/LĐLĐ-CSPL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 17/06/2022
  • Nơi ban hành:
  • Người ký: Phạm Chí Tâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/06/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản