Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5026/BTTTT-CBC
V/v tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí

Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2020

 

Kính gửi:

- Các cơ quan chủ quản báo chí;
- Người đứng đầu các cơ quan báo chí.

Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản báo chí và người đứng đầu cơ quan báo chí đã được quy định tại Điều 15 và Điều 24 Luật Báo chí. Trong đó, cơ quan chủ quản phải chỉ đạo cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ, phương hướng hoạt động, tổ chức nhân sự, bảo đảm điều kiện cần thiết và chịu trách nhiệm về hoạt động của cơ quan báo chí; thanh tra, kiểm tra hoạt động của cơ quan báo chí, khen thưởng, kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Song thời gian qua, một số cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác chỉ đạo, quản lý, để cơ quan báo chí đăng tải nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; vi phạm các quy định liên quan đến văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cấp giấy giới thiệu; một số phóng viên lợi dụng hoạt động tác nghiệp để sách nhiễu, vòi vĩnh, ảnh hưởng đến hoạt động hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; nhà báo chuyển công tác hoặc không còn hoạt động báo chí nhưng không thu hồi thẻ... Mặc dù các cơ quan chức năng đã xử lý quyết liệt và chỉ đạo thường xuyên, nhưng những vụ việc này có chiều hướng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ vi phạm, đã làm tổn hại nặng nề đến uy tín, hình ảnh của đội ngũ những người làm báo chân chính và suy giảm niềm tin của người dân, tổ chức và doanh nghiệp với báo chí.

Trong thời gian tới sẽ diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí, bảo đảm các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên hoạt động đúng quy định pháp luật về báo chí và quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, góp phần thông tin, tuyên truyền tốt các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, tạo sự đồng thuận xã hội vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị:

1. Đối với cơ quan chủ quản báo chí:

- Chỉ đạo rà soát, sửa đổi, sắp xếp lại mô hình, cơ cấu tổ chức cơ quan báo chí, văn phòng đại diện tại các địa phương phù hợp để bảo đảm hoạt động hiệu quả, đúng quy định; khắc phục ngay tình trạng có cơ quan báo chí quy mô nhỏ mà thành lập quá nhiều văn phòng đại diện tại các địa phương, tuyển nhân sự không phù hợp, dẫn đến hoạt động không hiệu quả, ảnh hưởng xấu đến cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí.

- Bảo đảm điều kiện cần thiết cho hoạt động của cơ quan báo chí; không yêu cầu cơ quan báo chí phải có nghĩa vụ tài chính với cơ quan chủ quản báo chí nằm ngoài quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; thường xuyên kiểm tra hoạt động của cơ quan báo chí; có biện pháp chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với những cá nhân, tổ chức liên quan khi cơ quan báo chí để xảy ra sai phạm.

- Hằng năm có báo cáo gửi Bộ Thông tin và Truyền thông về việc giao nhiệm vụ, kế hoạch và phương hướng hoạt động của cơ quan báo chí cũng như kết quả thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật (nếu có).

2. Đối với người đứng đầu cơ quan báo chí:

- Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo đúng định hướng tuyên truyền của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí.

Tăng cường thông tin những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, nỗ lực trong công tác điều hành của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống người dân; chú trọng thông tin những thành tựu, kết quả làm được, đúc rút bài học kinh nghiệm của lĩnh vực, ngành, tổ chức; biểu dương gương người tốt, việc tốt, tôn vinh những điển hình tiên tiến nhằm đẩy lùi cái xấu, tiêu cực trong xã hội, góp phần tạo sự đồng thuận của người dân với các chủ trương, chính sách và công tác điều hành đất nước, cung cấp cho người dân đầy đủ thông tin để đánh giá đúng tình hình, không bị các thế lực xấu lợi dụng.

Khi thông tin phải bảo đảm khách quan, đa chiều, tránh khai thác sâu những mặt hạn chế, nội dung phản ánh bức xúc, tiêu cực, gây hoang mang, lo lắng trong xã hội mà bỏ qua những kết quả đạt được và những cố gắng, nỗ lực; kiểm soát, biên tập kỹ nội dung thông tin, tít bài trước khi đăng tải, tránh làm nóng vấn đề; không đăng tải thông tin một chiều từ các đơn thư, nhất là các đơn thư nặc danh, mà không kiểm chứng, thẩm định từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm và có liên quan.

- Xây dựng quy chế, phân cấp, phân quyền đối với lãnh đạo cơ quan báo chí, các cấp quản lý rõ ràng, hợp lý để nâng cao hiệu quả hoạt động cơ quan báo chí, tránh tình trạng một cơ quan báo chí có nhiều người được quyền xuất bản tin, bài mà không có sự kiểm soát chặt chẽ.

- Tổ chức chỉ đạo cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; quản lý chặt chẽ hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, việc cấp giấy giới thiệu cho phóng viên và hoạt động tác nghiệp của nhà báo, phóng viên.

- Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sử dụng mạng xã hội đúng quy định cho đội ngũ nhà báo, phóng viên.

- Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về quản lý thẻ nhà báo, quy định về lao động và pháp luật có liên quan, như: Chế độ hợp đồng, tiền lương, nhuận bút, bảo hiểm xã hội...

Thời gian tới, hằng quý, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương có đánh giá, nhận xét việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí trực thuộc; đồng thời tiếp tục chỉ đạo đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động các cơ quan báo chí và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về báo chí. Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2020, đã bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi mới, tăng chế tài đối với nhiều hành vi để bảo đảm tính răn đe, nghiêm minh; trong đó, một số hành vi có hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép từ 01 đến 12 tháng. Căn cứ tính chất mức độ, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí đối với vi phạm của cơ quan báo chí, nhất là trường hợp cơ quan báo chí có nhà báo, phóng viên lợi dụng hoạt động báo chí vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự.

Trân trọng./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (để b/c);
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo;
- Lưu: VT, CBC (02), BTT (600).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Vĩnh Bảo

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5026/BTTTT-CBC năm 2020 tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí do Bộ Thông tin và truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 5026/BTTTT-CBC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 18/12/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin truyền thông
  • Người ký: Hoàng Vĩnh Bảo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/12/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản