Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4974/BTTTT-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri TP. Hồ Chí Minh gửi tới sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 2023

 

Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo công văn số 6122/VPCP-QHĐP ngày 10/8/2023, nội dung kiến nghị như sau:

Hiện nay, theo Cục An toàn thông tin có 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng, nhắm đến nhiều nhóm người dùng khác nhau như giả danh cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền; rao bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối 2022. Do đó, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp rà soát các các quy định pháp luật và có biện pháp thực hiện để bảo vệ người tiêu dùng theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được Quốc hội thông qua.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT có ý kiến trả lời như sau:

Các đơn vị chức năng của Bộ TTTT thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, các doanh nghiệp viễn thông thường xuyên theo dõi, rà soát tình hình lộ lọt, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức tại Việt Nam và cảnh báo, hỗ trợ xử lý kịp thời một số nhóm tội phạm công nghệ cao; không để xảy ra sự cố thiệt hại nghiêm trọng do lộ lọt thông tin.

Trong thời gian vừa qua, Bộ TTTT đã chỉ đạo Cục An toàn thông tin triển khai tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến được triển khai diện rộng từ ngày 23/6/2023 đến ngày 23/7/2023 đã đạt được một số kết quả sơ bộ như sau:

- Hơn 40 đầu báo chia sẻ thông tin về chiến dịch với hơn 1.500 bài viết tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về cách nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến

- Lượt tiếp cận: Tính đến nay đạt hơn 980 triệu lượt xem

- Hiện đã có 43 cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, ngành, địa phương triển khai tuyên truyền theo đúng kế hoạch phát động tháng hành động.

- 100% cán bộ công chức, viên chức, người lao động của các đơn vị đã được tuyên truyền bằng hình thức gửi tài liệu, cẩm nang... đối với địa phương thì 100% đã triển khai tuyên truyền qua các hình thức báo, đài, phát thanh tới toàn bộ các huyện, xã...

- Thành tích nổi bật của liên minh:

+ Cốc Cốc: tuyên truyền tới 29 triệu người dùng trình duyệt trên điện thoại và máy tính các nội dung, hình ảnh về phòng chống lừa đảo trực tuyến. Trong thời gian triển khai, các nội dung về chiến dịch được phân phối trên nền tảng Cốc Cốc thu hút: ~44.400.000 lượt hiển thị và ~213.000 lượt nhấp chuột truy cập tới cổng Không gian mạng quốc gia.

Ngoài ra, Bộ TTTT đã chỉ đạo triển khai một số biện pháp kỹ thuật như:

- Triển khai các biện pháp quản lý, kỹ thuật, hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia nhằm đảm bảo an toàn trên không gian mạng, bảo vệ người dân trước các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng (Trong 8 tháng đầu năm 2023 đã ngăn chặn hơn 1800 website lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật (hơn 700 trang lừa đảo trực tuyến) và bảo vệ hơn 3,1 triệu người dân trước các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng).

- Hệ thống giám sát phát hiện các tên miền độc hại: Hệ thống rà quét, giám sát và phát hiện sớm các tên miền độc hại, giả mạo hỗ trợ thông tin để ngăn chặn sớm trước các tên miền này được sử dụng trong các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

- Phối hợp với các cơ quan, tổ chức nhằm ngăn chặn vấn nạn lừa đảo cũng như tấn công mạng đang diễn ra phổ biến nhằm mang lại môi trường mạng trong sạch, lành mạnh.

- Triển khai hệ sinh thái Tín nhiệm mạng (tinnhiemmang.vn) để đánh giá, xác nhận website đảm bảo an toàn thông tin mạng. Tại đây cũng công bố danh sách các website không an toàn, vi phạm pháp luật và các tài khoản ngân hàng có liên quan đến các cuộc lừa đảo trực tuyến.

- Theo dõi, giám sát và xử lý tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác, lừa đảo. Chỉ đạo các nhà mạng thường xuyên, chủ động rà soát, nâng cao năng lực các hệ thống chặn lọc tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

- Cập nhật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các hình thức lừa đảo trên không gian mạng để người dân tăng cường nhận thức phòng tránh kịp thời.

- Thường xuyên giám sát, chủ động theo dõi, kịp thời cảnh báo tới người dân các chiêu thức lừa đảo tinh vi của các đối tượng phạm tội trên không gian mạng.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để trả lời cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - Ủy ban TVQH;
- Ủy ban TWMTTQVN;
- Vụ QHĐP (VPCP);
- Vụ Dân nguyện (VPQH);
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng;
- Thứ trưởng Phạm Đức Long;
- Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng;
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm;
- Trung tâm Thông tin (để đăng lên TTĐT của Bộ);
- Lưu: VT, VP, TKTH.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Mạnh Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4974/BTTTT-VP năm 2023 trả lời kiến nghị của cử tri TP. Hồ Chí Minh gửi tới sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 4974/BTTTT-VP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 29/09/2023
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/09/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản