Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4963/BTC-TCHQ | Hà Nội, ngày 13 tháng 04 năm 2012 |
Kính gửi: | - Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam; |
Bộ Tài chính nhận được công văn số 542/CNT-TCKT ngày 23/2/2012 của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) kiến nghị xử lý vướng mắc về thuế đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để đóng tàu. Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
1. Về kiến nghị xử lý thuế đối với hợp đồng đóng tàu xuất khẩu bị hủy, đơn vị ký hợp đồng đóng tàu và bán cho chủ tàu trong nước:
a) Về thuế nhập khẩu:
Căn cứ quy định tại khoản 12 Điều 16 Nghị định số 149/2005/NĐ-CP, đối với các cơ sở đóng tàu nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm phục vụ cho việc đóng tàu mà trong nước chưa sản xuất được thì được miễn thuế nhập khẩu.
Trường hợp Vinashin nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để đóng tàu xuất khẩu nhưng hợp đồng đóng tàu xuất khẩu bị hủy, Vinashin đã ký hợp đồng đóng tàu và bán cho chủ tàu trong nước thì cơ quan hải quan căn cứ Danh mục nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để phục vụ cho mục đích SXXK, Vinashin đã đăng ký với cơ quan hải quan trước khi nhập khẩu theo quy định, thực tế hàng hóa nhập khẩu đối chiếu với Danh mục nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành tại từng thời điểm nhập khẩu và định mức nguyên liệu, vật tư sử dụng để sản xuất tàu do doanh nghiệp tự xây dựng và cam kết chịu trách nhiệm để thực hiện miễn thuế nhập khẩu cho số lượng vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được do doanh nghiệp nhập khẩu và đã sử dụng.
b) Về thuế GTGT:
Về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ hợp đồng đóng tàu xuất khẩu bị hủy, đơn vị ký hợp đồng đóng tàu và bán cho chủ tàu trong nước, đề nghị thực hiện theo điểm b.3 khoản 2 Điều 18 Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 6/12/2010 (tức là trường hợp người nộp thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng xuất khẩu nhưng chuyển sang tiêu thụ nội địa hoặc không xuất khẩu sản phẩm thì tính lại thời hạn nộp thuế như hàng tiêu dùng (nếu là hàng tiêu dùng) hoặc thời hạn nộp thuế là ba mươi ngày đối với các trường hợp khác và phạt chậm nộp (nếu có).
2. Về kiến nghị lập lại danh mục với cơ quan hải quan và làm thủ tục thanh khoản ngay sau khi hoàn thành, bàn giao cho chủ tàu đối với hợp đồng đóng tàu trong nước bị hủy hợp đồng, đơn vị ký hợp đồng đóng và bán cho chủ tàu nước ngoài:
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 19 Luật thuế XNK thì hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu đã nộp thuế nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu thuộc đối tượng được hoàn thuế.
Trường hợp các lô hàng nguyên liệu, vật tư của Vinashin khi nhập khẩu đăng ký tờ khai theo hình thức nhập kinh doanh (NKD) để đóng tàu tiêu thụ trong nước, nhưng theo trình bày của Vinashin số nguyên liệu, vật tư này đã chuyển sang đóng tàu xuất khẩu cho khách hàng nước ngoài thì Bộ Tài chính giao Cục Hải quan các tỉnh, thành phố nơi thanh khoản thực hiện kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp (theo trình tự kiểm tra trước hoàn thuế sau quy định tại khoản 5 Điều 128 Thông tư số 194/2010/TT-BTC) nếu có cơ sở xác định hàng hóa nhập khẩu đã được đưa vào sản xuất đóng tàu xuất khẩu thì xử lý thanh khoản theo loại hình sản xuất hàng xuất khẩu và hoàn lại thuế nhập khẩu (nếu đã nộp) hoặc không thu thuế (nếu chưa nộp) đối với số nguyên liệu, vật tư nhập khẩu đã thực đưa vào sản xuất hàng xuất khẩu của Vinashin.
3. Kiến nghị về phạt chậm nộp thuế:
- Điều 111 Luật Quản lý thuế quy định: “Người bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế có quyền đề nghị miễn xử phạt vi phạm pháp luật về thuế trong trường hợp gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp bất khả kháng khác”.
- Điều 38 Nghị định 97/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 và Nghị định số 18/2009/NĐ-CP ngày 18/2/2009 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan quy định:
“1. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 4 Điều 9, Điều 14, Điều 15 và Điều 19 Nghị định này mà gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, bất khả kháng khác thì có quyền đề nghị miễn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan khi có đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này
2. Điều kiện để được xem xét miễn xử phạt gồm:
a) Vi phạm hành chính xảy ra trong khoảng thời gian 30 ngày trước hoặc sau khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc bất khả kháng khác;
b) Người bị xử phạt chưa thi hành quyết định xử phạt.
3. Số tiền được miễn phạt không vượt quá mức độ thiệt hại của đối tượng bị xử phạt.
4. Cục trưởng Cục Hải quan có quyền ra quyết định miễn xử phạt đối với những vụ việc do mình hoặc cấp dưới trực tiếp phát hiện, xử lý…”.
- Khoản 3 Điều 26 Thông tư 193/2009/TT-BTC ngày 1/10/2009 quy định chi tiết thi hành Nghị định 97/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 của Chính phủ về việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định số 18/2009/NĐ-CP ngày 18/2/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 97/2007/NĐ-CP:
“a) Hồ sơ đề nghị miễn xử phạt được nộp tại cấp có thẩm quyền quyết định miễn xử phạt quy định tại khoản 4 Điều 38 Nghị định;
b) Trên cơ sở hồ sơ quy định, đối chiếu với điều kiện được miễn xử phạt vi phạm hành chính nêu tại khoản 2 Điều 38 Nghị định, Cục trưởng Cục Hải quan xem xét và ra quyết định miễn xử phạt vi phạm hành chính…”
Trường hợp không đáp ứng các quy định trên thì phải nộp phạt theo quy định của pháp luật.
Đề nghị Tập đoàn Vinashin nghiên cứu các quy định nêu trên, hoàn thiện hồ sơ theo quy định và liên hệ với Cục Hải quan nơi phát sinh phạt chậm nộp để được xử lý cụ thể.
Bộ Tài chính thông báo để Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam biết và thực hiện.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |
- 1Nghị định 149/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
- 2Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2005
- 3Luật quản lý thuế 2006
- 4Nghị định 97/2007/NĐ-CP quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan
- 5Nghị định 18/2009/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 97/2007/NĐ-CP quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan
- 6Thông tư 193/2009/TT-BTC thi hành Nghị định 97/2007/NĐ-CP và Nghị định 18/2009/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 97/2007/NĐ-CP quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan do Bộ Tài chính ban hành
- 7Thông tư 194/2010/TT-BTC hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất, nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành
- 8Công văn 3245/VPCP-KTTH năm 2015 xử lý kiến nghị về thuế của doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ ban hành
Công văn 4963/BTC-TCHQ kiến nghị về thuế của Vinashin do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 4963/BTC-TCHQ
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 13/04/2012
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Hoàng Việt Cường
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/04/2012
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra