Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 4937/BGDĐT-CNTT
V/v Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ CNTT năm học 2010 - 2011

Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 2010

 

Kính gửi: Các Sở giáo dục và đào tạo

Bộ GDĐT hướng dẫn việc triển khai nhiệm vụ công nghệ thông tin (CNTT) cho năm học 2010 - 2011 như sau:

I. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Quán triệt văn bản quy phạm pháp luật về CNTT

Quán triệt tinh thần công tác ứng dụng CNTT và đào tạo nguồn nhân lực CNTT là công tác thường xuyên và lâu dài của ngành giáo dục, tiếp tục phát huy các kết quả đạt được trong các năm qua.

Các sở GDĐT tổ chức quán triệt và nâng cao nhận thức, trách nhiệm đến toàn thể cán bộ, giáo viên trong ngành ở địa phương, trước hết cho lãnh đạo các đơn vị, các cơ sở giáo dục và đào tạo về tinh thần và nội dung của các văn bản quan trọng sau:

a) Quyết định số 698/QĐ-TTg ngày 1/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;

b) Chỉ thị số 55/2008/CT-BGDĐT ngày 30/9/2008 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục giai đoạn 2008-2012;

c) Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 6 tháng 11 năm 2009 về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;

d) Thông tư số 08/2010/TT-BGDĐT ngày 01/03/2010 quy định về sử dụng phần mềm tự do mã nguồn mở trong các cơ sở giáo dục;

đ) Triển khai các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn về quản lý game online;

e) Thống nhất sử dụng bộ mã tiếng Việt unicode TCVN 6909:2002; Chấm dứt việc sử dụng các phần mềm quản lý giáo dục, phần mềm quản lý thi chứa các phông chữ ABC.

2. Xây dựng kế hoạch dạy, học và ứng dụng CNTT, giai đoạn 2011-2015

Các sở GDĐT hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ CNTT năm học 2010 – 2011 nhằm đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và ứng dụng CNTT một cách thiết thực và hiệu quả trong công tác quản lý của nhà trường và công tác đào tạo nguồn nhân lực về CNTT.

Các sở GDĐT tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh/thành phố về việc thành lập đơn vị chuyên trách quản lý CNTT trực thuộc Sở. Các sở GDĐT giao bộ phận chuyên trách về CNTT xây dựng kế hoạch dạy, học và ứng dụng CNTT trong giai đoạn 2011-2015. Bộ GDĐT (Cục CNTT) hướng dẫn khung xây dựng kế hoạch.

Các sở GDĐT báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo, thẩm định của Bộ GDĐT trước khi trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh/thành phố phê duyệt về việc xây dựng và triển khai các đề án, dự án ứng dụng CNTT, trên tinh thần hiệu quả, tiết kiệm, tránh trùng lắp và có công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện thực tế.

3. Hoàn thành kết nối mạng giáo dục

Các sở GDĐT chủ động phối hợp cùng với các Chi nhánh của Tổng công ty Viễn thông quân đội Viettel hoàn thành kết nối Internet băng thông rộng miễn phí trước tháng 12/2010 đến các cơ sở giáo dục. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ (theo hướng miễn phí hoặc giảm giá đặc biệt) của các doanh nghiệp, công ty viễn thông khác như VNPT đối với ngành giáo dục.

Một số điểm mới về công nghệ là:

a) Triển khai kết nối Internet miễn phí qua sóng di động của Viettel cho các trường chưa thể kéo cáp bằng công nghệ 3G mới, tốc độ cao; thay thế cho công nghệ EDGE tốc độ thấp trước đây.

b) Triển khai kết nối bằng cáp quang FTTH có tốc độ lên đến 32 Mbps, giá ưu đãi 1,1 triệu/tháng của Viettel đến trụ sở của các sở GDĐT thay cho kênh thuê riêng (leased line), kết nối đến các phòng GDĐT và đến một số trường THPT có nhu cầu và có điều kiện kinh phí.

Chuẩn bị cùng Viettel triển khai giai đoạn 2 của chương trình mạng giáo dục và cung cấp các ứng dụng CNTT trên mạng giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Viettel phối hợp thực hiện, với các nội dung sau: Xây dựng và cung cấp website cho các cơ sở giáo dục, hệ thống e-Learning, hệ thống họp và đào tạo qua mạng, hệ thống quản lý giáo dục, số liên lạc điện tử, cuộc thi Edublog…

4. Thiết lập và sử dụng hệ thống e-mail

a) Tiếp tục triển khai hệ thống e-mail @moet.edu.vn phục vụ công tác quản lý giáo dục chung của ngành.

b) Triển khai tạo lập địa chỉ e-mail @moet.edu.vn và cung cấp cho các phòng GDĐT để giao dịch điện tử, tiếp nhận thông báo văn bản từ Bộ đến cấp phòng.

Sở GDĐT và các phòng GDĐT cử cán bộ văn phòng sử dụng hàng ngày các địa chỉ e-mail này trong công tác trao đổi thông tin, liên lạc với Bộ GDĐT.

c) Mỗi cán bộ và giáo viên có ít nhất một địa chỉ e-mail của ngành, có tên dưới dạng @tên-cơ-sở-giáo-dục.edu.vn, trong đó tên-cơ-sở-giáo-dục có thể là moet, tên sở, tên phòng.

d) Liên hệ với Cục Công nghệ thông tin để nhận sự hỗ trợ kỹ thuật trong việc thiết lập hệ thống e-mail này qua địa chỉ email@moet.edu.vn.

đ) Khuyến khích tạo địa chỉ e-mail cho học sinh theo tên miền của trường THPT hoặc theo tên miền riêng của sở GDĐT, của phòng GDĐT.

5. Khai thác website và cung cấp nội dung cho website của Bộ GDĐT

Thường xuyên hướng dẫn, phổ biến cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh khai thác, sử dụng thông tin trên hệ thống website của Bộ GDĐT tại các địa chỉ www.moet.gov.vn, www.edu.net.vn. Cụ thể:

- Cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật và văn bản điều hành quản lý giáo dục tại địa chỉ http://vanban.moet.gov.vn.

- Các thủ tục hành chính của ngành giáo dục (bao gồm các thủ tục ở cấp Bộ, cấp Sở và cấp trường) tại địa chỉ http://cchc.moet.gov.vn.

- Tham gia xây dựng các nguồn tài nguyên giáo dục, học liệu điện tử, các thư viện điện tử để chia sẻ dùng chung qua Website Bộ qua địa chỉ http://edu.net.vn/media. Hướng dẫn các trường tải các phần mềm thông dụng, miễn phí và các học liệu về để dùng. Đồng thời huy động các đơn vị và giáo viên đóng góp tài nguyên giáo dục vào hệ thống dùng chung.

6. Định hướng xây dựng website của Sở, của Phòng và các trường

a) Triển khai áp dụng Thông tư số 14/2010/TT-BTTTT ngày 29 tháng 6 năm 2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 08 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet đối với hoạt động quản lý trang thông tin điện tử và dịch vụ mạng xã hội trực tuyến. Theo đó, nghiên cứu áp dụng Điều 3 của Thông tư này về việc không phải xin phép đối với các Trang thông tin điện tử (website) của các sở giáo dục và đào tạo, các phòng giáo dục và đào tạo, và của cơ sở giáo dục nếu thỏa mãn các điều kiện như đã quy định.

b) Triển khai công nghệ mới để lập website của sở GDĐT và của phòng GDĐT. Theo đó có thể phân bổ trang web riêng cho các trường tiểu học, trung học và mầm non. Các sở GDĐT chỉ cần đầu tư một hệ thống website tập trung, mỗi trường có quyền quản trị riêng trang web của mình. Tránh tình trạng mỗi trường phải mua một tên miền riêng, thuê máy chủ đặt website riêng, gây tốn kém, không hiệu quả và không bền vững do thiếu đội ngũ kỹ thuật chăm sóc.

Cục CNTT phối hợp cùng Viettel bắt đầu xây dựng và triển khai hệ thống cổng thông tin điện tử, website theo mô hình mới để cung cấp cho các cơ sở giáo dục.

c) Tích hợp các hệ thống thông tin quản lý giáo dục vào website chung.

d) Cục CNTT nghiên cứu, tuyển chọn và xây dựng mô hình mẫu để hướng dẫn và phổ biến cho các sở GDĐT.

7. Tổ chức họp giao ban, hội thảo, giảng dạy, tập huấn và liên kết đào tạo từ xa qua mạng giáo dục

a) Đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, tập huấn và họp qua web (web conference) và qua điện thoại (audio conference) giữa Bộ GDĐT với các sở GDĐT; giữa các sở GDĐT, các phòng GDĐT với các đơn vị, cơ sở giáo dục và đào tạo trực thuộc.

Cục CNTT đã xây dựng hệ thống tập trung để họp và dạy học qua mạng để cung cấp phòng họp/dạy học ảo qua web và qua điện thoại cho các cơ sở giáo dục.

Điều cần tránh: Các cơ sở giáo dục không đầu tư phòng họp theo mô hình video (video conference) vì chi phí rất cao, cần sắm thiết bị chuyên dụng, cần đường truyền riêng nên đắt tiền và hiệu quả thấp.

b) Sở GDĐT và các phòng GDĐT chủ động khai thác tối đa hệ thống họp qua mạng giáo dục do Bộ cung cấp cho các hoạt động sau:

- Triển khai chương trình liên kết đào tạo đại học từ xa qua mạng giữa các trung tâm giáo dục thường xuyên với các trường đại học; Tránh sử dụng các hệ thống video với thiết bị, đường truyền thuê riêng đắt tiền và kém hiệu quả;

- Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thường xuyên và trong dịp hè;

- Hội thảo, họp giao ban, họp phổ biến công tác;

- Dự giờ giảng của giáo viên; bảo vệ luận án, đề án.

- Tạo lớp học ảo e-Learning.

c) Triển khai ứng dụng công nghệ phát truyền hình trực tiếp qua mạng giáo dục trong các hoạt động tuyên truyền, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ để các trường học có thể theo dõi sự kiện qua mạng.

d) Do lợi thế của mạng giáo dục và để tăng cường hiệu quả đầu tư và khai thác mạng giáo dục; đồng thời góp phần triển khai chủ trương đưa thông tin về xã, về thôn bản của Chính phủ, Bộ GDĐT khuyến khích các sở GDĐT và các phòng GDĐT khai thác hệ thống họp qua mạng giáo dục để hỗ trợ phục vụ cho các hoạt động tương tự của Uỷ ban Nhân dân và của cơ quan Đảng tại các địa phương, nhất là những vùng khó khăn.

8. Công tác thi tốt nghiệp THPT, thi và tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN

a) Chỉ đạo và hướng dẫn các trường THPT khai thác cẩm nang điện tử Những điều cần biết về thi và tuyển sinh, thư viện đề thi tại địa chỉ http://thi.moet.gov.vn. Từ tháng 11, các sở GDĐT hướng dẫn cho học sinh lớp 12 biết cách khai thác, sử dụng thông tin trên trang web này.

b) Các sở GDĐT tải phần mềm phân tích kết quả kỳ thi tuyển sinh đại học 2010 từ địa chỉ http://edu.net.vn/media. Đây là một hệ thống thông tin có đầy đủ kết quả thống kê, phổ điểm của từng sở và của từng trường THPT.

c) Cục CNTT cung cấp cho các sở GDĐT thông tin đánh giá về kết quả thi tốt nghiệp THPT, so sánh kết quả hai kỳ thi đến từng trường THPT. Trên cơ sở đó, các sở GDĐT chỉ đạo các trường rút kinh nghiệm trong công tác thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ và TCCN. Đơn vị chuyên trách về tuyển sinh và hướng nghiệp cần khai thác thông tin nói trên trong công tác hướng nghiệp, phân luồng và phục vụ cuộc vận động Hai không.

Cục CNTT cấp chứng nhận các trường THPT thuộc tốp 10, 50, 100 và 200 trong các kỳ thi tuyển sinh đại học.

9. Khai thác, sử dụng và dạy học bằng mã nguồn mở

Quán triệt và triển khai Thông tư 08/2010/TT-BGDĐT ngày 01/03/2010 quy định về sử dụng phần mềm tự do mã nguồn mở trong các cơ sở giáo dục. Tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên và cài đặt phần mềm mã nguồn mở.

Cụ thể là:

- Sử dụng bộ phần mềm văn phòng Open Office Org đáp ứng đầy đủ nhu cầu văn phòng và dạy tin học;

- Các hệ điều hành trên nền Linux như Ubuntu;

- Trình duyệt web Google Chrome, Firefox;

- Bộ gõ tiếng Việt unikey phiên bản 4.0 trở lên;

- Sử dụng phần mềm Greenstone trong quản lý thư viện số;

- Phần mềm Moodle quản lý e-Learning;

- Phần mềm quản lý mạng lớp học Mythware, i-Talc của Intel.

Các sở GDĐT chỉ đạo các trường đưa các phần mềm mã nguồn mở nói trên vào chương trình dạy môn tin học chính khoá, tin học văn phòng lớp 11 (hoạt động giáo dục nghề phổ thông) và cài đặt cho các máy tính sử dụng trong các trường học và trong các cơ quan quản lý giáo dục.

b) Các sở GDĐT và các dự án thuộc Bộ không mua bản quyền Microsoft Office vì Bộ Thông tin và Truyền thông đã mua bản quyền số lượng lớn và đã cấp phép sử dụng cho ngành giáo dục để cấp cho các trường sử dụng (Cục Công nghệ thông tin - Bộ GDĐT chịu trách nhiệm quản lý và cấp bản quyền này cho các đơn vị và các trường).

10. Đẩy mạnh một cách hợp lý việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy và học ở từng cấp học

a) “Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong trường phổ thông nhằm đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng giáo viên tự tích hợp CNTT vào từng môn học thay vì học trong môn tin học. Giáo viên các bộ môn chủ động tự soạn và tự chọn tài liệu và phần mềm (mã nguồn mở) để giảng dạy ứng dụng CNTT” (Theo Quyết định số 698/QĐ-TTg ngày 01/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ).

Các sở GDĐT chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn cụ thể cho giáo viên các môn học tự triển khai việc tích hợp, lồng ghép việc sử dụng các công cụ CNTT vào quá trình dạy các môn học của mình nhằm tăng cường hiệu quả dạy học qua các phương tiện nghe nhìn, kích thích sự sáng tạo và độc lập suy nghĩ, tăng cường khả năng tự học, tự tìm tòi của người học. Ví dụ: Giáo viên bộ môn dạy nhạc cần tự khai thác, trực tiếp sử dụng các phần mềm dạy nhạc phù hợp với nội dung và phương pháp của môn nhạc, không sử dụng giáo viên tin học soạn chương trình dạy nhạc thay cho giáo viên dạy nhạc. Giáo viên môn văn có thể tích hợp dạy phương pháp trình bày văn bản. Tương tự như vậy với các môn học khác;

b) Nhằm xây dựng môi trường học tập hấp dẫn, thu hút học sinh đến trường và phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh, cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT bằng cách làm phong phú và sinh động các giờ học, các hoạt động ngoại khóa và các hoạt động khác như tổ chức cho học sinh tự đi thu thập tài liệu, quay phim chụp ảnh các di tích lịch sử, các danh nhân thuộc địa phương để làm tư liệu lịch sử, đưa lên website của trường, của sở GDĐT. Có thể tổ chức học sinh tham gia xây dựng các bài thuyết trình lịch sử, địa lý, sinh vật cảnh,… tùy theo điều kiện của từng địa phương, của từng trường;

c) Tổ chức Diễn đàn trên mạng để giáo viên và học sinh thảo luận bài học một cách tích cực, chủ động;

d) Cung cấp nội dung thông tin và kết quả của hoạt động này về Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa lên mạng giáo dục;

đ) Các giáo viên cần tích cực, chủ động tham khảo và sử dụng các phần mềm ứng dụng tích hợp vào các môn học trên website http://edu.net.vn/media để cùng chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi học tập;

e) Cần tránh nhầm lẫn khái niệm giáo án điện tử là các bài trình chiếu powerpoint. Tham khảo mẫu giáo án đã được đưa lên mạng giáo dục;

g) Cần xác định CNTT là phương tiện hỗ trợ, nhằm nâng cao chất lượng dạy học nên hiệu quả của nó phụ thuộc chủ yếu vào cách thức sử dụng của giáo viên. Từ đó giáo viên cần tránh lạm dụng CNTT, gây phản tác dụng như không lựa chọn kỹ nội dung trình chiếu, thời gian trình chiếu quá nhiều, trình chiếu với âm thanh ồn ào và với chữ viết có mầu sắc loè loẹt, với chữ chạy nhảy mang tính biểu diễn kĩ thuật không cần thiết và kích thước chữ quá nhỏ.

11. Triển khai chương trình công nghệ giáo dục và e-Learning

Chỉ đạo ứng dụng CNTT trong học tập và giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm; tập trung hướng dẫn, định hướng cho người học biết tự khai thác và ứng dụng CNTT vào quá trình học tập của bản thân, thay vì chỉ tập trung vào việc chỉ đạo giáo viên ứng dụng CNTT trrong giảng dạy, trong tiết giảng.

a) Tiếp tục triển khai cuộc thi “Thiết kế hồ sơ bài giảng e-Learning” do Bộ GDĐT và Quỹ Laurence S. Ting tổ chức, với khẩu hiệu chung “Trong mỗi học kỳ, mỗi giáo viên xây dựng ít nhất một bài giảng điện tử”.

b) Tạo thư viện học liệu mở: Huy động giáo viên tham gia đóng góp các bài trình chiếu, bài giảng e-Learning về sở GDĐT. Sau đó sở GDĐT đánh giá, tuyển chọn và gửi về Bộ GDĐT (qua Cục CNTT) để tổ chức đánh giá, trao giải thưởng toàn quốc và đưa lên mạng chia sẻ. Theo đó, học sinh có thể khai thác thư viện bài giảng e-Learning để tự học.

Triển khai một hệ thống thư viện điện tử dùng chung của ngành.

c) Các hoạt động về ứng dụng CNTT trong dạy và học gồm:

- Soạn giáo án, bài trình chiếu và bài giảng điện tử.

- Tích cực áp dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học và thí nghiệm ảo.

d) Tích cực triển khai soạn bài giảng điện tử bằng các phần mềm công cụ e-Learning. Hướng dẫn giáo viên chuyển các bản trình chiếu soạn bằng MS powerpoint sang bài giảng điện tử e-Learning theo chuẩn quốc tế SCORM để chia sẻ dùng chung. Khai thác sử dụng phần mềm quản trị hệ thống học điện tử e-Learning (LMS: Learning Management System) bằng mã nguồn mở Moodle.

đ) Các sở GDĐT tổng hợp nhu cầu gửi về Bộ GDĐT danh sách các phần mềm hiệu quả, thiết thực, để đăng ký đàm phán mua tập trung với giá ưu đãi đặc biệt.

e) Bộ GDĐT hướng dẫn nội dung đánh giá về hiệu quả ứng dụng CNTT trong việc đánh giá bài giảng.

g) Cuộc thi Edublog cho giáo viên: Bộ GDĐT tổ chức triển khai viết blog cho giáo viên theo mô hình Edublog.

Cục CNTT chủ trì tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho giáo viên về công nghệ e-Learning và Edublog.

12. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong điều hành và quản lý giáo dục

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác điều hành và quản lý hành chính tại sở GDĐT, các phòng GDĐT và các trường học. Cụ thể:

a) Triển khai tin học hoá quản lý trong trường học theo hướng áp dụng các hệ thống phần mềm quản lý trực tuyến (online). Theo hướng đó, các trường sẽ không phải lo đầu tư server, bảo trì và nâng cấp hệ thống, không phải lo tìm kiếm chuyên viên chuyên trách CNTT để vận hành bộ máy.

Tổ chức đánh giá tính hiệu quả, tính khả thi và bền vững của tất cả các phần mềm quản lý giáo dục.

b) Tuyển chọn và tổ chức công bố công khai các thủ tục hành chính trên website để giáo viên, học sinh và phụ huynh sử dụng; các thủ tục chung của toàn ngành thì kết nối trực tiếp vào trang web cải cách hành chính của Bộ http://cchc.moet.gov.vn để đồng bộ kịp thời khi có thay đổi.

c) Tổ chức thông báo miễn phí trên website của trường, của Sở và qua e-mail kết quả học tập và rèn luyện của học sinh cho phụ huynh học sinh có nhu cầu. Ở những nơi có điều kiện, có thể triển khai hệ thống nhắn tin kết quả học tập và rèn luyện (sổ liên lạc điện tử) với giá trung bình 500đ/tin nhắn/ngày, tương đương dưới 15.000đ/tháng với quy mô mỗi ngày phát một tin nhắn.

13. Tập huấn, bồi dưỡng về CNTT cho giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục

a) Cục CNTT có trách nhiệm chủ trì xây dựng danh mục chuẩn kiến thức và kĩ năng về CNTT cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, chủ trì xây dựng và triển khai chương trình đào tạo và bồi dưỡng, bồi dưỡng thường xuyên về CNTT cho nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; hướng dẫn chương trình bồi dưỡng, tập huấn cho sinh viên các khoa, ngành sư phạm cho phù hợp với chuẩn kiến thức và kĩ năng.

b) Các sở GDĐT báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo thống nhất của Bộ GDĐT (qua Cục CNTT) về việc kiểm tra tính phù hợp, tránh chồng chéo và trùng lắp của các hoạt động, các chương trình, nội dung, tài liệu bồi dưỡng về CNTT cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục do các dự án ODA và các công ty nước ngoài tài trợ tổ chức, gây lãng phí thời gian và công sức.

c) Các sở GDĐT tăng cường tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo phương thức mới qua mạng giáo dục hoặc qua hệ thống truyền hình trực tiếp.

d) Cung cấp tất cả chương trình và tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên công khai trên website của sở GDĐT và của Bộ GDĐT để giáo viên có điều kiện tham khảo và tự đọc trước.

Khuyến khích cung cấp tài liệu bồi dưỡng cơ bản về CNTT để giáo viên tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng.

đ) Trong công tác tuyển dụng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, cần kiểm tra kiến thức và kĩ năng tối thiểu về CNTT bằng khả năng đáp ứng được yêu cầu công việc thực tế; không áp dụng theo hình thức kiểm tra việc có hay không có chứng chỉ tin học ứng dụng ABC.

14. Tiếp tục triển khai dạy tin học trong nhà trường

Tiếp tục triển khai giảng dạy môn tin học và nâng cao kỹ năng sử dụng CNTT cho học sinh phổ thông các cấp học. Cụ thể:

a) Đối với trường tiểu học, trung học cơ sở, GDTX ở những nơi có điều kiện về máy tính, giáo viên cần triển khai dạy ứng dụng CNTT theo cách tích hợp trực tiếp vào trong các môn học như đã hướng dẫn ở trên; không nhất thiết theo chương trình và sách tự chọn một cách cứng nhắc.

b) Cập nhật chương trình, nội dung giảng dạy theo hướng mô đun kiến thức hiện đại, thiết thực, thay vì dùng một bộ chương trình và sách tin học một cách cứng nhắc.

Ưu tiên đảm bảo học sinh sử dụng thạo các phần mềm văn phòng, e-mail và khai thác Internet phục vụ cho học tập, trước khi học lập trình.

c) Khuyến khích giáo viên tự soạn giáo án, bài giảng và tài liệu giảng dạy để ứng dụng CNTT trong các môn học.

d) Chỉ đạo giáo viên và học sinh sử dụng phần mềm mã nguồn mở trong và ngoài các giờ học tin học.

15. Tăng cường đầu tư hạ tầng cơ sở CNTT trong trường học và các sở GDĐT

Tăng cường đầu tư hạ tầng thiết bị CNTT phục vụ cho ứng dụng CNTT và dạy môn tin học một cách hiệu quả và thiết thực. Cụ thể:

a) Bảng thông minh tương tác: Triển khai mô hình bảng thông minh tương tác (Interactive SmartBoard – ISB) do Trung tâm đào tạo khu vực của SEAMEO – RETRAC tại Việt Nam, với giá dưới 50 USB/bảng hoặc các hệ thống tương đương để triển khai đại trà, thay vì phải dùng các bảng có giá đắt hàng nghìn USD. Trung tâm RETRAC phối hợp với Cục CNTT tổ chức hội thảo tập huấn, phổ biến và trao đổi kinh nghiệm.

b) Để phục vụ công tác quản lý và điều hành giáo dục, mỗi trường ít nhất có hai máy tính, có máy in, webcam và một điện thoại đàm thoại. Ở những nơi có điều kiện, mỗi tổ bộ môn trong trường có máy tính dùng riêng.

Cần tập trung nguồn nhân lực, kinh phí đầu tư trang thiết bị CNTT thiết yếu (máy tính, máy in, máy chiếu) cho tất cả các trường học, đặc biệt là các trường vùng khó, trước khi trang bị các thiết bị đắt tiền và ít phổ dụng.

Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng: ít nhất có 2 máy tính và thiết bị ngoại vi cho các trường ở vùng khó khăn, các trường mầm non để ưu tiên cho giáo viên có điều kiện tiếp cận với CNTT, tiếp cận với Internet và phục vụ công tác quản lý giáo dục. Khuyến khích đầu tư trang thiết bị CNTT cho các trường THCS, tiểu học để giáo viên ứng dụng CNTT theo hướng tích hợp trực tiếp vào trong các môn học do mình giảng dạy.

Để phục vụ công tác dạy môn Tin học và ứng dụng CNTT trong quản lý, trong dạy và học các môn học khác, các trường THPT trang bị máy tính nối mạng nội bộ và nối Internet, đảm bảo tỉ lệ số học sinh/máy tính nhỏ hơn hoặc bằng 20 (£ 20);

c) Triển khai mô hình máy tính nhân bản (một CPU nối nhiều màn hình và bàn phím) nhằm tiết kiệm phí bản quyền phần mềm, phí bảo dưỡng phòng máy và tiết kiệm năng lượng điện. Nghiên cứu sử dụng màn hình tivi plasma, LCD cỡ lớn (50-85 inch) trong lớp học.

d) Thường xuyên tham khảo về giá và cấu hình máy tính trong trường học tại địa chỉ http://edu.net.vn/media, mục Thiết bị giáo dục được khuyến cáo.

đ) Trang bị tại sở GDĐT để đảm bảo cho hoạt động chuyên môn của Phòng CNTT, trang bị cho phòng họp và học ảo.

e) Tăng cường công tác bảo dưỡng, bảo trì định kỳ hệ thống máy tính và thiết bị điện tử, định kỳ một lần/học kỳ.

g) Với giáo dục mầm non, tập trung đầu tư máy tính và kết nối Internet với mục tiêu chính yếu là phục vụ công tác quản lý, đảm bảo thông tin liên lạc và giúp giáo viên bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn; xây dựng mô hình thông tin giáo dục tập trung, trực tuyến để cung cấp cho các trường mầm non khai thác và sử dụng.

h) Ưu tiên hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị, máy tính kết nối mạng cho các trường ở vùng khó khăn hoặc các trường chưa có thiết bị kết nối (bao gồm cả các trường mẫu giáo, mầm non); quan tâm việc đầu tư và kêu gọi hỗ trợ cho 62 huyện nghèo và khó khăn theo Chương trình 30A của Chính phủ (tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo).

16. Tổ chức hội thảo và tập huấn ứng dụng CNTT

Cục CNTT, Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp với các sở GDĐT và các đối tác công nghệ để tổ chức các hội thảo, tập huấn với các nội dung định hướng sau:

a) Công nghệ bài giảng điện tử e-Learning;

b) Đào tạo từ xa qua mạng và kho học liệu mở phục vụ giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời;

c) Edublog cho giáo viên;

d) Giới thiệu trang thiết bị CNTT mới, tiết kiệm, hiệu quả như bảng tương tác thông minh, máy tính cầm tay, màn hình cỡ lớn, mạng lớp học dùng 1 CPU… và các phần mềm dạy học, phần mềm mã nguồn mở…;

e) Các hệ thống phần mềm quản lý giáo dục, sổ liên lạc điện tử;

f) Thiết lập website, cổng thông tin điện tử và e-mail;

g) Chuẩn kiến thức và kỹ năng về CNTT cho giáo viên, cán bộ quản lýgiáo dục. Định hướng chương trình cho sinh viên sư phạm.

II. CÔNG TÁC THI ĐUA VÀ CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO

Các sở GDĐT chấp hành chế độ báo cáo, thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn theo quy định tại Kế hoạch thời gian năm học của Bộ GDĐT. Thực hiện chế độ báo cáo việc triển khai các hoạt động, kinh phí và kết quả thực hiện dự án Dạy tin học và đưa tin học vào nhà trường, thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.

Bộ GDĐT tổ chức đánh giá, xếp hạng và khen thưởng các đơn vị, cơ sở giáo dục, các cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc ứng dụng CNTT. Cục CNTT phối hợp với Văn phòng Bộ (Phòng Thi đua) có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết việc thực hiện đánh giá thi đua về ứng dụng CNTT.

Đổi mới công tác thi đua về ứng dụng CNTT theo hướng thiết thực, hiệu quả: Có thể được đánh giá theo tỉ lệ sử dụng e-mail theo tên miền ngành giáo dục; số lượng buổi họp và đào tạo, tập huấn qua mạng; số lượng bài giảng e-Learning; tỉ lệ sử dụng phần mềm mã nguồn mở; hệ thống website theo mô hình tập trung …

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Các sở GDĐT xây dựng kế hoạch cụ thể để chỉ đạo và phổ biến đến các phòng GDĐT và các trường THPT, các trung tấm GDTX, trung tâm học tập cộng đồng triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học về CNTT; các trường trung cấp chuyên nghiệp xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ CNTT theo Quyết định 698/QĐ-TTg, Chỉ thị số 55/2008/CT-BGDĐT và theo hướng dẫn tại Công văn này.

Phòng CNTT hoặc nhóm chuyên trách CNTT của sở GDĐT có trách nhiệm tham mưu và giúp lãnh đạo sở GDĐT chỉ đạo và đôn đốc triển khai, tổng hợp báo cáo gửi về Bộ GDĐT các hoạt động về ứng dụng CNTT, dạy và học CNTT và dự án Dạy tin học và đưa tin học vào nhà trường, thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục.

Trong quá trình thực hiện, các sở GDĐT, các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trung tâm GDTX cần phối hợp chặt chẽ với Cục CNTT (qua địa chỉ e-mail cucCNTT@moet.edu.vn hoặc ICT@moet.edu.vn) trong công tác chỉ đạo và chuyển giao công nghệ. Nếu có vấn đề khó khăn, vướng mắc cần báo cáo kịp thời về Bộ GDĐT để nhận sự chỉ đạo giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên (để thực hiện);
- Bộ trưởng (để b/c)
- Các Thứ trưởng (để phối hợp chỉ đạo);
- Các đơn vị thuộc Bộ (để thực hiện);
- Website Bộ;
- Lưu: VT, Cục CNTT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Văn Ga

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4937/BGDĐT-CNTT hướng dẫn nhiệm vụ công nghệ thông tin năm học 2010 - 2011 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 4937/BGDĐT-CNTT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 25/08/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Bùi Văn Ga
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/08/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản